Gary Speed, ở nơi ấy anh có đang mỉm cười?

Tác giả Phương GP - Thứ Ba 05/07/2016 17:30(GMT+7)

Zalo
Người dân Xứ Wales đang sống trong những ngày tháng tươi đẹp. Sau trận thắng trước đội tuyển Bỉ, bóng đá nước nhà tiếp tục viết lên những trang sử mới. Các màn ăn mừng, lễ hội tưng bừng ở muôn nơi. Và trong không khí sôi động ấy, cổ động viên Xứ Wales vẫn dành ra một khoảng lặng, để tưởng niệm huyền thoại của bóng đá nước nhà, người đặt nền móng cho thành công hôm nay - cố danh thủ Gary Speed.
Gary
 
Nhắc đến Gary Speed, hẳn nhiều fan theo dõi bóng đá Anh vẫn còn nhớ đến anh - chàng danh thủ từng khoác áo những câu lạc bộ rất cá tính ở giải Ngoại hạng: Leeds United, Everton, Newcastle United hay Bolton Wanderers. Với vẻ ngoài điềm đạm, cá tính đậm nét của những tiền vệ sinh vào khoảng cuối những năm 60, đầu những năm 70 của thế kỷ trước, Speed đã tạo được nhiều dấu ấn ở sân chơi cao nhất của Đảo quốc Sương Mù. 
Còn đối với bóng đá Xứ Wales, thì hình ảnh của anh hơn cả một huyền thoại.

Sinh ra tại thành phố Chester, với người bố là dân di cư từ Anh, nhưng trong con người Gary, dòng máu xứ Wales luôn chảy mạnh trong huyết quản. Anh yêu bóng đá nước nhà, và anh dành cả cuộc đời để cống hiến cho dân tộc. 

Mùa giáng sinh năm 2010, danh thủ một thời bước lên chiếc ghế huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia trong những sự nghi ngờ. Với kinh nghiệm huấn luyện vẻn vẹn chỉ 2 tháng ở câu lạc bộ hạng hai Sheffield United, cùng bảng thành tích mười tám trận đấu thua hết chín trận, Speed được đưa về để thay thế cho John Toshack-người ươm mầm cho một thế hệ cầu thủ tài năng, nhưng đã từ chức vì những thành tích bết bát của đội tuyển. Anh được ban lãnh đạo xem như người cứu cánh cho nền bóng đá nước nhà, sau khi người hâm mộ đã quá thất vọng với kết quả trong những chiến dịch nhằm tìm đường đến các sân chơi lớn. Với một ngôi sao được xem như huyền thoại của Xứ Wales, họ hy vọng tình yêu của cổ động viên sẽ giúp anh giữ đội tuyển trụ vững qua thời gian khó khăn. Nhưng những gì Speed làm được đã vượt quá sự trông đợi. Chính tại khách sạn Vale of Glamorgan, anh đã tuyên bố trước truyền thông những việc anh sẽ làm. Đó thực sự là một cuộc cách mạng triệt để.
Gary va su nghiep lam HLV xu Wales
Gary Speed và cuộc cách mạng bóng đá xứ Wales
Bóng đá Xứ Wales không phải là một nền bóng đá thiếu những nhân tài. Qua bao nhiêu thế hệ, từ Neville Southall, Ian Rush cho đến Mark Hughes, Ryan Giggs và cả Speed cũng như người bạn Craig Bellamy, tất cả đều là những ngôi sao hàng đầu của thế giới. Nhưng tại sao họ đều gây thất vọng khi khoác lên mình màu áo Rồng Đỏ? Và Speed là người tiên phong, tìm mọi cách để có câu trả lời.

Nếu xem hành trình của đội tuyển Xứ Wales ngày hôm nay như quá trình lớn lên của một cái cây vững vàng, thì người ươm mầm không ai khác là John Toshack còn Chris Coleman là người hái quả. Nhưng ở vai trò quan trọng nhất, người dõi theo, gắn bó với nó từng ngày trong quá trình cái cây ấy vươn lên đón lấy những tinh hoa để trỗi dậy mạnh mẽ thì không ai khác, chính là Speed. Anh săn sóc cho cái cây ấy không chỉ về thể chất mà cả về tinh thần.

Speed quyết xây dựng một đội tuyển hợp nhất, như một câu lạc bộ mà ở đó các cầu thủ trở thành một tập thể gắn kết, có lối chơi được định hình rõ ràng từ thế hệ trẻ cho đến những con người trưởng thành. Ở trận đấu đầu tiên trên cương vị huấn luyện viên, anh quyết định đưa ra sân những gương mặt trẻ, với những Aaron Ramsey, Joe Ledley, Joe Allen, đội trưởng Asley William và ngôi sao Gareth Bale khi ấy cũng đã có mặt. Tuy rằng, ngày ấy Xứ Wales đã nhận thất bại trước Estonia, nhưng đây chính là bộ khung xây dựng nên thành công hiện tại của đội tuyển. 
Gary va Ramsey
Gary và  gương mặt trẻ khi đó - Ramsey
20 năm chơi trong môi trường bóng đá Anh chuyên nghiệp, Speed đã nhìn ra sự lạc hậu của FAW. Anh quyết tâm cải tạo bóng đá nước nhà theo hướng hiện đại hơn. Sau thời gian dài làm việc với Osian Robert-trợ lý huấn luyện viên, anh quyết định dẹp bỏ hệ thống huấn luyện cũ kỹ của đội tuyển. Tính khoa học trong việc dạy bảo các học trò được anh nâng lên ở một tầm cao mới. Speed khi ấy đã quyết định mời về những chuyên gia như Jeff Roden và Raymond Verheijen để cùng chung tay xây dựng đội tuyển. Không những thế, anh còn theo dõi những tiểu tiết rất kỹ lưỡng. Mỗi khi đội tuyển thi đấu, những thông tin về thời tiết, nơi ăn, chốn ở đều phải được thông báo với vị huấn luyện viên này. Những con người làm việc với anh phải có một tinh thần cầu tiến và thật sự toàn tâm, toàn ý với công việc của mình. Tính chuyên nghiệp được Speed xây dựng rất vững chắc.

Anh còn thổi hồn vào lối chơi của đội tuyển, xây dựng một tinh thần thi đấu kiên cường cho các cầu thủ. Theo lời của một cổ động viên đã nhận định, những ngôi sao của Xứ Wales xưa nay ra sân luôn “sợ và lo lắng bị chấn thương”. Còn trợ lý Osian Robert chia sẻ, Speed đã làm mọi cách để giúp những đôi chân ấy tìm được cảm hứng khi được triệu tập. Mỗi buổi tập là một cuộc vui, và mỗi lần ra trận là một lần chiến đấu. Bên cạnh đó, Speed còn mang vào đội tuyển xứ Wales tinh thần đoàn kết vững chắc. Xứ Wales là đội bóng một người ư? Chắc hẳn chẳng còn ai trong chúng ta tồn tại suy nghĩ đó nữa. Câu khẩu hiệu: “TogertherStronger” sinh ra cũng là vì lẽ đó, bởi với Gary, con người xứ Wales là phải thế, phải đồng lòng chiến đấu với sự tự tôn dân tộc cao ngất. Sau vài thất bại trong thời gian ban đầu, đội tuyển mà Gary dẫn dắt đã bắt đầu có sự thăng tiến vượt bậc: tăng từ hạng 117 lên đến vị trí 48 trong bảng xếp hạng FIFA. Tưởng chừng như mọi thứ sẽ trở thành màu hồng đối với người dân Xứ Wales, họ đang mơ đến một tương lai xán lạn cho bóng đá nước nhà, thì bỗng anh quyết định nói lời chia tay với màu áo tuyển, và với cả cuộc đời.

Ngày 27 tháng 11 năm 2011, anh đột ngột ra đi không một lời từ biệt. Những nẻo đường, những sân vận động ở Xứ Wales bao trùm lấy một bầu không khí tang tóc. Không ai nói với ai lời nào, họ đặt những khăn cổ động và những bó hoa bên cạnh di ảnh của anh. Sự buồn đau cuốn lấy nền bóng đá nước nhà. Anh mất đi và để lại một khoảng trống quá lớn trong lòng người hâm mộ. Nhưng như huấn luyện viên Chris Coleman đã nói, tinh thần của Speed vẫn còn đó, ý chí vươn lên không cho phép người dân Xứ Wales gục ngã. Họ tiếp bước, kế thừa những gì vị cố huấn luyện viên để lại, qua đó tiến đến những thành công như ngày hôm nay.
Gary va Wales
"There’s only one Speedo. Speedo. There’s only one Speedo” 
Vẫn còn 4 tháng nữa mới tới ngày giỗ của anh, nhưng từ ngày đội tuyển Xứ Wales chuẩn bị cho màn ra mắt Euro, tên anh trong bài ca cổ vũ: “There’s only one Speedo. Speedo. There’s only one Speedo” vẫn luôn vang lên khắp nẻo đường nước Pháp. Mỗi khi đội nhà giành được một chiến tích lẫy lừng, thì người dân Xứ Wales vẫn không nguôi nỗi nhớ đến anh, họ xếp tên anh rợp trên các khán đài với niềm yêu thương vô hạn. Những người con ưu tú của bóng đá nước nhà cũng luôn dành cho anh tình cảm thiêng liêng nhất:
comment left Có nhiều khó khăn đối với một quốc gia có nền tài chính kém như chúng tôi, nhưng Speed đã đem về hết tất cả
Craig Bellamy
comment right 
comment left Cuộc cách mạng của Speed thật vĩ đại, anh ấy đã làm được
HLV Chris Coleman
comment right
comment left Chúng tôi như những người anh em. Và tôi biết anh ấy luôn hướng ánh mắt về đội tuyển
Gareth Bale
comment right
comment left Anh ấy sẽ tự hào với những gì chúng tôi đã làm được
Aaron Ramsey
comment right
Đối với anh, tuyển xứ Wales còn hơn cả một đội bóng. Đó là những người bạn, người anh em, đó là gia đình và là tình yêu lớn của đời anh. Hẳn nhiên rồi, anh sẽ luôn dõi theo con đường đi của màu áo đỏ, như tựa bài hát mà anh yêu thích “I can’t take my eyes off you”, những lời ca của nhóm The Four Season vẫn vang mãi trên những khán đài có mặt cổ động viên xứ Wales. Và chắc chắn anh sẽ tự hào như chính lời cha anh đã khẳng định: “Ở nơi ấy, con trai tôi vẫn đang dõi theo màu áo đỏ” - Roger Speed.
 
PHƯƠNG GP (TTVN)

⇒ Theo dõi thêm thông tin về: Chuyển nhượng và lịch bóng đá việt nam hôm nay.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Ronaldo: Chiếc băng bị ném và Nhà lãnh đạo kiểu Bồ Đào Nha

Trong bài viết về Nghệ Thuật Lãnh Đạo đã được đăng tải trên tạp chí Forbes, nhóm tác giả Young Entrepreneur Coucil (YEC) đã chỉ ra ba bước để trở thành một lãnh đạo xuất sắc, đó là thúc đẩy bản thân, thúc đẩy đồng đội và thiết lập tầm nhìn cho cả đội. Đó là điều chúng ta ít được thấy hoặc được biết về Cristiano Ronaldo, nhưng mùa hè kỳ diệu trên đất Pháp chính là thời điểm mà khả năng lãnh đạo của Ronaldo phát tiết.

Hồi ức Berlin: Chuyện đứa con hoang của màu áo Thiên Thanh

Ngày 9/7/2006, sân vận động Olimpiastadion Berlin chứng kiến cái kết đẹp của một câu chuyện thần kỳ mang tên Italia. Bất chấp bóng ma về vụ bê bối Calciopoli ngay trước thềm giải đấu, Azzurri đã thi đấu tuyệt vời để lần thứ tư nâng cao cúp vàng danh giá. Trong câu chuyện ấy, người ta nhắc tới thủ lĩnh Fabio Cannavaro khi anh đạt tới đỉnh cao sự nghiệp, nhắc tới nhạc trưởng Pirlo, người đã chơi cực hay và trở thành nguồn cảm hứng cho cả đội. Nhắc tới cả đôi bàn tay vững chắc của Gianluigi Buffon

X
top-arrow