ĐT Pháp: Khi trước mặt Barthez là Bức tường Atlantic

Tác giả Teddy - Thứ Tư 06/07/2016 10:06(GMT+7)

Zalo
Thế chiến thứ hai giai đoạn 1942 – 1944 chứng kiến sự bành trướng cực đại của Đức quốc xã. Đoàn quân của Hitler đã thâu tóm gần như toàn bộ châu Âu, và để phòng ngừa sự phản công của quân Đồng Minh, quân Đức cho xây dựng một phòng tuyến chạy dọc bờ biển Đại Tây Dương với tên gọi “Bức tường Atlantic” (hay “Bức tường Đại Tây Dương”). Kéo dài từ Na Uy cho tới hết biên giới nước Pháp, bức tường này được coi là một biểu tượng cho sự vững chắc của Đế quốc Đức lúc bấy giờ. Người Pháp luôn muốn quên đi ký ức về bức tường Atlantic đầy đau thương đó, nhưng họ có một bức tường khác để tự hào với thế giới, đó chính là bộ tứ vệ trước hàng phòng ngự của Fabien Barthez.

DT Phap Khi truoc mat Barthez la Buc tuong Atlantic hinh anh
Bộ tứ vệ từng là niềm tự hào một thời của người Pháp
BỘ TỨ VỆ, HỌ LÀ AI?

HLV huyền thoại Aime Jacquet vẽ một hình vuông lên thảm cỏ, dựng hình vuông ấy lên để tạo một bộ khung cho hàng phòng ngự đứng cách cầu môn từ 20 – 30 mét. Nơi khung gỗ đương nhiên là Fabien Barthez với cái đầu trọc đã quá quen thuộc. Ở biên phải, một cầu thủ đến từ Guadeloupe, đảo Leeward được lựa chọn. Cánh trái là sự xuất hiện của một hậu vệ người Pháp gốc xứ Basque. Ở chính giữa bộ khung ấy là cặp trung vệ, một gốc Ghana, một gốc Cevennes. Giờ thì chúc may mắn cho một tiền đạo nào đó phải đứng trước bức tường Atlantic và nghĩ cách đưa bóng vào lưới. Cơ hội của anh ta gần như bằng không.

Không có bất kì một nghi ngờ nào cả, Thuram – Blanc – Desailly – Lizarazu đã tạo nên một bộ tứ vệ rực sáng dưới chân tháp Eiffel. Nước Ý nổi tiếng với Catenaccio và Zona Mista, nhưng người Pháp có quyền nói rằng bức tường Atlantic được dựng lên vào cuối thế kỉ XX của họ hoàn toàn đủ khả năng đứng ngang tầm so với những hàng thủ bậc nhất lịch sử tuyển Ý. Điều bất ngờ nằm ở chỗ bộ tứ trung vệ của Les Bleus được dựng lên rất tình cờ, thậm chí họ còn chơi lệch sở trường trong thời đỉnh cao nhất.

DT Phap Khi truoc mat Barthez la Buc tuong Atlantic hinh anh 2
Hình ảnh bất hủ trong tâm trí người Pháp: Blanc hôn lên trán Barthez
1. Laurent Blanc khởi nghiệp tại Marseille ở vị trí của một tiền vệ công. Thú vị thay, ở chỗ đứng của một cầu thủ đi tìm bàn thắng, một tay Blanc đưa Marseille thăng hạng năm 1987. Những năm tháng chơi sau lưng tiền đạo giúp Blanc duy trì được hiệu suất 12 bàn/ mùa trong màu áo Montpellier (chủ yếu được ghi từ đánh đầu và penalty), dù đã về đá trung vệ. Thậm chí hiện giờ cựu HLV của PSG vẫn đang ở trong ngôi đền của những huyền thoại Montpellier với tư cách người… ghi nhiều bàn thắng nhất mọi thời đại. Ta cảm thấy hậu vệ cao 1m91 có duyên kì lạ với màu áo tuyển Pháp, khi chấn thương đã huỷ hoại sự nghiệp của ông tại Barcelona, nhưng khi lên tuyển, ông hiếm khi không ở tình trạng sức khoẻ tốt nhất.

DT Phap Khi truoc mat Barthez la Buc tuong Atlantic hinh anh 3
Thuram (trái) là một vị trí quan trọng trong thời hoàng kim của Juve
2. Trong khi đó, Lilian Thuram bắt đầu phục vụ cho màu áo xanh ở vị trí của một trung vệ, bên cạnh Bruno N’Gotty. Tuy nhiên sự ổn định, khả năng tập trung, lối chơi đa năng, thể lực, tốc độ và lối đá máu lửa đã giúp cho Thuram trở thành một trong những hậu vệ biên xuất sắc nhất của bóng đá thế giới thời bấy giờ. Là trụ cột của Parma và Juventus ở thời kỳ vàng son của Serie A, đồng thời đặt nền móng cho một đế chế mới của Barcelona thời Frank Rijkaard, Thuram luôn đứng trong hàng ngũ của những người giỏi nhất. Ngã rẽ sau khi giải nghệ của “học giả” Thuram cũng thật đáng lưu ý, khi ông trở thành đại sứ của UNICEF vào năm 2010.

DT Phap Khi truoc mat Barthez la Buc tuong Atlantic hinh anh 4
Lizarazu luôn nỗ lực hết mình trong màu áo Bayern Munich
3. Đóng góp thầm lặng và liên tục cải thiện bản thân mình là những cụm từ hợp lý để miêu tả về Lizarazu. Chỉ cao 1m69 và nặng 69 kg, chặng khởi đầu sự nghiệp chuyên nghiệp của Lizarazu không thuận lợi khi có quá nhiều người nói rằng ông quá nhỏ con để trở thành một cầu thủ. Cho tới tận năm 1994, Lizarazu vẫn đóng vai một cầu thủ dự bị và chỉ chuyên vào sân sau giờ nghỉ giữa 2 hiệp. Ấn tượng của những cầu thủ Bayern Munich về trụ cột mang áo số… 69 của họ là Lizarazu luôn ở trong phòng gym để cải thiện thể chất, và chính ông đã trải lòng “Tôi sẵn sàng luyện tập để có được thân hình của một con bò rừng và lao vào mọi cuộc chiến có thể”. Người được tạo điều kiện thuận lợi khi mới khởi đầu, theo Lizarazu, thì thường không nỗ lực đủ để thành công, còn ông thì luôn bỏ ra 120% nỗ lực để tiến bộ.

DT Phap Khi truoc mat Barthez la Buc tuong Atlantic hinh anh 5
Desailly vô địch Champions League năm 1993 cùng Marseille
4. Cuối cùng, thủ lĩnh của bộ tứ vệ và cũng là người kế nhiệm băng đội trưởng của tuyển Pháp từ tay Didier Deschamps, Marcel Desailly lại xuất thân từ hàng tiền vệ. Tư chất của một thủ lĩnh và khả năng tranh chấp trên không cũng như dưới đất tuyệt vời là những điểm mạnh nhất của Desailly. Với biệt danh “Đá tảng”, Desailly đã từng chỉ huy hàng thủ của Marseille ở trận chung kết Champions League 1993 và khiến những tên tuổi như Marco Van Basten, Albertini hay Donadoni của AC Milan phải tim tiếng. Đến năm 2004, Desailly được bầu chọn là 1 trong số 100 cầu thủ xuất sắc nhất mọi thời đại.

BỨC TƯỜNG BẤT KHẢ XÂM PHẠM

Newcastle, ngày 19/6/1996 và Saint-Denis, ngày 6/9/2000 là những cột mốc đánh dấu một chặng đường huy hoàng của bộ tứ bất khả chiến bại trong màu áo lam. Trong khoảng thời gian hơn 4 năm đứng dưới bức tường Atlantic, Barthez chỉ phải vào lưới nhặt bóng có 13 lần, Pháp thắng 21 trong số 28 trận đã đấu, lên đỉnh thế giới rồi thống trị châu Âu mà không thua 1 trận nào!

Những cái tên đã từng ghi bàn vào lưới tuyển Pháp trong thời gian này, đếm đi đếm lại chỉ có Nuno Gomes, Gaizka Mendieta, Marco Delvecchio, Davor Suker, Dennis Bergkamp và Hristo Stoichkov. Không một cái tên tầm thường nào có thể tranh bóng bổng với Blanc và Desailly, hay không một Trequartista tầm trung nào có thể đọc được một đường chọc khe thuận lợi được tạo ra nơi khoảng trống giữa các hậu vệ tuyển Pháp thời ấy. Nước Pháp không thiếu những hậu vệ giỏi, nhưng khi đứng thành một khối, chỉ có bức tường Atlantic là ăn ý nhất. Bằng chứng? Leboeuf thay Desailly, lập tức Nishizawa ghi bàn cho ĐT Nhật vào tháng Năm năm 2000. Vẫn là Leboeuf, nhưng lần này trám chỗ của Laurent Blanc, để rồi Pháp bị thần đồng xuất sắc nhất thời bấy giờ, Michael Owen, chọc thủng lưới vào tháng Chín cũng trong năm đó.

DT Phap Khi truoc mat Barthez la Buc tuong Atlantic hinh anh 6
Delvecchio trong vòng vây của Desailly và Blanc
Có những luận điểm cho rằng bộ tứ tiền vệ xuất sắc không kém của Gà Trống Gaulois lúc đó (Karembeu – Deschamps – Petit – Vieira) đã làm nhẹ đi quá nhiều gánh nặng cho bức tường Atlantic. Tuy nhiên, lại một lần nữa, Toán học và Thống kê không biết lừa ai và phũ phàng gạt đi tất cả. Mở rộng tầm khảo sát ra 57 trận của ĐT Pháp vào thập niên 90 của thế kỉ trước, họ thua 5 lần, trước Đan Mạch vào năm 96, Anh năm 97, Nga năm 98 và 99, và cuối cùng là Hà Lan năm 2000. Điểm chung của các thất bại này? Ít nhất một mảnh trong bức tường Atlantic vắng mặt!

Đó là còn chưa kể tới những đóng góp của bộ tứ vệ ở mặt trận tấn công. Người ta ngây ngất với sức mạnh của Vieira, những trò ảo thuật David Copperfield phiên bản sân cỏ của Zinedine Zidane, hay pha ra chân tung nóc lưới tuyển Ý của David Trezeguet. Nhưng chính những chàng trai đứng ở hàng thủ thời đó cũng chẳng thiếu gì, từ sức mạnh đến kĩ năng. Không ít lần Blanc cùng với Desailly đã lập công với những pha không chiến, còn Thuram và Lizarazu cũng thường xuyên phá nát hai cánh của đối thủ với những pha hỗ trợ tấn công. Một khi tuyển Pháp ra sân với đầy đủ bộ tứ vệ ở phong độ tốt nhất, họ đơn giản là không thể bị đánh bại.

CÒN LÚC NÀY, TẠI HÀNG THỦ TUYỂN PHÁP…

Trước Iceland, ở vị thế của kẻ dẫn trước, hàng thủ tuyển Pháp chơi như ban ơn huệ cho đội quân của Lars Lagerback để họ ghi được 2 bàn. Mà suy cho cùng, Romania, Albania, Thuỵ Sĩ, CH Ireland và Iceland chưa phải là những thử thách cực đại mà đoàn quân của Didier Deschamps phải đối mặt. Nói cách khác, hàng thủ tuyển Pháp vẫn đứng vững phần vì họ chơi khá, và phần còn lại là các đối thủ của họ chưa phải là thuốc thử liều cao. Les Bleus bước vào vòng bán kết với đầy những nỗi lo ở hàng thủ.

DT Phap Khi truoc mat Barthez la Buc tuong Atlantic hinh anh 7
Koscielny liệu có thể trở thành điểm tựa cho hàng thủ Pháp?
Không một ai trong số các hậu vệ tuyển Pháp lúc này mạnh về tốc độ. May cho họ, Đức cũng không lấy đá cánh và tốc độ làm gốc. Draxler và Ozil vẫn là những nguồn cảm hứng của Die Mannschaft, nhưng họ đâu chỉ có một bài để mà dễ bắt. Vẫn còn đó một Jonas Hector trẻ và nhiều năng lượng hơn nhiều so với Sagna, một Thomas Muller đang khát khao hoá giải lời nguyên EURO, những Mario Gotze, Leroy Sane, Lukas Podolski hay Andre Schurrle với nhiều mảng miếng khác nhau trên ghế dự bị. Nếu Đức thắng Pháp, những lời biện hộ có cánh cho Koscielny hay Rami suốt thời gian qua sẽ chẳng còn chút giá trị gì. Cũng như tuyển Pháp, không vô địch thì coi như là thất bại.

Hơn lúc nào hết, người hâm mộ tuyển Pháp cần một sắc lửa bùng cháy ở hàng thủ trong trận đại chiến tại Velodrome, thứ mà Desailly hay Thuram có quá thừa. Trận bán kết với người Đức sẽ là liều thuốc thử thật sự với Les Bleus, và nước Pháp sẽ cần tới một lời cầu nguyện. Cầu nguyện để Didier Deschamps tái hiện hình ảnh của “Bức tường Atlantic” thuở nào ở trước khung thành của Hugo Lloris, dẫu cho điều đó dường như quá khó với ông vào lúc này…

TEDDY(TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Ronaldo: Chiếc băng bị ném và Nhà lãnh đạo kiểu Bồ Đào Nha

Trong bài viết về Nghệ Thuật Lãnh Đạo đã được đăng tải trên tạp chí Forbes, nhóm tác giả Young Entrepreneur Coucil (YEC) đã chỉ ra ba bước để trở thành một lãnh đạo xuất sắc, đó là thúc đẩy bản thân, thúc đẩy đồng đội và thiết lập tầm nhìn cho cả đội. Đó là điều chúng ta ít được thấy hoặc được biết về Cristiano Ronaldo, nhưng mùa hè kỳ diệu trên đất Pháp chính là thời điểm mà khả năng lãnh đạo của Ronaldo phát tiết.

Hồi ức Berlin: Chuyện đứa con hoang của màu áo Thiên Thanh

Ngày 9/7/2006, sân vận động Olimpiastadion Berlin chứng kiến cái kết đẹp của một câu chuyện thần kỳ mang tên Italia. Bất chấp bóng ma về vụ bê bối Calciopoli ngay trước thềm giải đấu, Azzurri đã thi đấu tuyệt vời để lần thứ tư nâng cao cúp vàng danh giá. Trong câu chuyện ấy, người ta nhắc tới thủ lĩnh Fabio Cannavaro khi anh đạt tới đỉnh cao sự nghiệp, nhắc tới nhạc trưởng Pirlo, người đã chơi cực hay và trở thành nguồn cảm hứng cho cả đội. Nhắc tới cả đôi bàn tay vững chắc của Gianluigi Buffon

X
top-arrow