Darijo Srna: Kẻ bước qua khói lửa chiến tranh

Tác giả Ole - Thứ Bảy 25/06/2016 17:02(GMT+7)

Khi tiếng còi mãn cuộc trận đấu giữa Croatia và Thổ Nhĩ Kỳ vang lên, Darijo Srna đã chạy tới ôm hôn từng người đồng đội trên sân Parc des Princes. Trải qua 90 phút chiến đấu và cống hiến không ngừng nghỉ, mặc dù khá nhọc nhằn nhưng thắng lợi sát nút 1-0 thực sự mang ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với thầy trò HLV Ante Cacic. Thế nhưng, ngay trong thời khắc ấy, tưởng chừng như niềm hạnh phúc đã lan tỏa đến khắp mọi nẻo đường trên đất nước Croatia xinh đẹp, thật trớ trêu khi chính Srna lại là người không thể tận hưởng trọn vẹn chiến quả của mình. Từ chốn quê nhà, người thủ lĩnh của “đội quân bàn cờ” đã phải đón nhận một nỗi đau vô cùng khủng khiếp khi biết tin cha anh qua đời vì căn bệnh ung thư quái ác…

Darijo Srna đang trải qua một kỳ Euro đáng nhớ với Croatia
CUỘC ĐỜI ĐẦY BI KỊCH CỦA NGƯỜI CHA
“So với tất cả những gì mà bố tôi từng phải trải qua trong cuộc đời, mọi khó khăn của tôi đều chỉ là chuyện vặt”, Darijo Srna vừa nói vừa rơi nước mắt trong một buổi trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Nga.

Uzeir Srna, cha của hậu vệ đội trưởng Shakhtar Donetsk, sinh năm 1938 tại Gornji Stopici, một ngôi làng hẻo lánh nằm ở miền Đông Bosnia. Ra đời đúng vào thời điểm Cuộc chiến tranh Thế giới lần thứ Hai chuẩn bị bùng nổ, định mệnh dường như đã gán cho Uzeir phải bước vào một cuộc trường chinh không hồi kết giữa những cơn khói lửa chiến tranh mịt mù. Lên 3 tuổi, lần đầu tiên ông phải chịu đựng nỗi đau mất người thân, sau khi chứng kiến cả mẹ lẫn hai chị gái đều bị thiêu sống trong một cuộc tập kích của lực lượng phiến quân cực đoan Serbia nhằm vào những người Bosniaks theo đạo Hồi. May mắn thoát thân nhờ kịp chạy trốn vào rừng cùng cha và anh trai, gia đình Uzeir sau đó đã buộc phải đi tiếp về phương Bắc với hy vọng tìm thấy vận may cho cuộc đời tràn ngập những nỗi bất hạnh của mình. Nhưng rồi, trong hoàn cảnh quá hỗn loạn giữa những dòng người di cư trên vùng đất Balkans, cậu bé Uzeir đã sớm bị lạc mất gia đình sau khi đến trại tị nạn Bosanski Samac, một nơi sát biên giới phía bắc Bosnia.

Chiến tranh đã cướp mất sinh mạng của cha Uzeir, nhưng may mắn thay khi ông cuối cùng cũng được đoàn tụ với gia đình khi gặp lại người anh Safet. Thời điểm ấy, bất chấp những lời khuyên từ phía cha mẹ nuôi của Uzeir về một cuộc sống tốt đẹp hơn dành cho cậu bé nhưng Safet vẫn kiên quyết đưa em mình trở về quê hương. Bằng tình máu mủ sâu đậm, hai anh em nhà Srna đã cùng nhau vượt qua mọi nỗi khổ cực của cuộc đời. Ít ai biết rằng, trước khi đặt chân đến thủ đô Sarajevo để theo đuổi sự nghiệp bóng đá, Uzeir từng là một người thợ làm bánh. Sau này, mỗi khi có dịp kể về quá khứ, cha của Darijo Srna lại tâm sự: “Thuở ấy, tôi luôn luôn bị đói. Mỗi khi nhìn thấy các bạn mình ăn bánh mỳ, tôi chỉ mơ ước sẽ trở thành một người thợ làm bánh. Chúng tôi đã thực sự phải bước qua những ngày tháng cơ hàn”.

Srna trái đưa tang cha ngay sau trận thắng Thổ Nhĩ Kỳ
Không đủ may mắn để hoàn thành chuyến phiêu lưu trong màu áo FK Sarajevo, Uzeir Srna đã quyết định theo bước anh trai mình bằng cách gia nhập quân đội. Thế nhưng, trái bóng vẫn cứ bám riết ông như thể một định mệnh. Lần lượt phải thi đấu cho các CLB địa phương như Celik hay Neretva theo nhiệm vụ được giao, Uzeir cuối cùng đã quyết định ở lại Metkovic, một miền đất thuộc Croatia. Đây cũng chính là nơi chứng kiến người đàn ông gốc Bosnia này hai lần kết hôn, và người vợ kế - bà Milka đã hạ sinh cho ông hai đứa con trai, Igor và Darijo. 

Thật trớ trêu là trong khi Igor mắc chứng bệnh Down bẩm sinh thì Darijo lại bộc lộ tài năng thiên phú ngay từ khi còn nhỏ. Mặc dù vậy, cũng giống như cha mình, hai người con của Uzeir luôn luôn yêu thương nhau hết mực. Cho đến tận bây giờ, tuy đã phải trở về với cát bụi, nhưng Uzeir Srna hoàn toàn có thể tự hào bởi ông chính là tấm gương sáng luôn soi đường chỉ lối cho cậu con trai Darijo vững bước trên những chặng hành trình của cuộc đời…

BÓNG ĐÁ, HOẶC KHÔNG GÌ CẢ
Xuất thân trong một gia đình nghèo khổ nhưng Darijo luôn nhận được sự động viên từ người cha để theo đuổi ước mơ trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. Thời điểm ấy, nhà Srna nghèo đến mức phải đi bán rau ngoài chợ để kiếm miếng ăn hàng ngày. Có một lần, Darijo đã lấy hết tiền bán rau của mình để mua một đôi giày đá bóng. Tuy nhiên, ông Uzeir sau đó đã bắt cậu con trai phải đem trả lại đôi giày cho cửa hàng. Mặc dù vậy, chỉ ngay hôm sau, ông đã mua tặng cho Srna một đôi giày khác xịn hơn rất nhiều, đương nhiên là bằng tiền đi vay. Uzeir muốn con trai mình hiểu rằng, vì cậu ông sẵn sàng hy sinh tất cả, chỉ cần Srna luôn cố gắng.

Sau này, khi đã trở thành đội trưởng của Shakhtar Donetsk cũng như ĐTQG Croatia, Darijo vẫn luôn tâm niệm: “Bố, anh trai và gia đình chính là tất cả những gì quan trọng nhất đối với cuộc đời tôi. Chẳng bao giờ tôi có thể quên được họ đã phải vất vả kiếm từng đồng như thế nào để giúp tôi được vào chơi bóng trong một trường thể thao nội trú của Hadjuk. Thành công mà tôi đang có được bây giờ, chính là thành công của họ”.

Shakhtar Donetsk ký hợp đồng với tài năng trẻ Srna
Ngay từ khi còn bé, Srna đã sớm cho thấy những năng khiếu thiên bẩm của mình. Để rồi đến khi gia nhập Hajduk, một CLB nổi tiếng vùng Dalmatia (Croatia), bất chấp gốc gác Bosnia, chàng trai sinh năm 1982 vẫn chinh phục tất cả mọi ánh nhìn bằng tài năng cũng như niềm đam mê chơi bóng bất tận. Được biết, nhằm tránh khỏi những rắc rối có thể xảy đến với con trai mình, ông Uzeir mặc dù là một người Hồi giáo nhưng đã quyết định cho Srna theo đạo Thiên chúa. Tại Croatia, một đất nước có tới gần 90% người dân theo Công giáo, đây rõ ràng là một việc làm hết sức đúng đắn.

Trong cuộc chiến tranh Nam Tư vào đầu thập niên 90, Croatia đã nhiều lần rơi vào tình trạng hỗn loạn chính trị do những cuộc xung đột với người Serbia và Bosnia. Bản thân Darijo Srna, tuy không trực tiếp rơi vào hoàn cảnh ly tán giống như người cha Uzeir trong quá khứ nhưng cũng phải chịu đựng không ít sự kỳ thị bởi nguồn gốc Bosniaks của mình. Tương tự, cuộc nội chiến Bosnia và Herzegovina (1992-1995) sau đó cũng khiến cho gia đình Srna phải đối mặt với nhiều khó khăn. Dẫu vậy, trước ý chí nghị lực cùng bản năng sinh tồn mãnh liệt của cậu bé Darijo ngày nào, mọi thử thách dù khó khăn đến đâu dường như cũng chẳng thể ngăn cản nổi những bước tiến phi thường trong cuộc đời anh.

GIẤC MƠ "CA-RÔ" GIẢN DỊ TRÊN BẦU TRỜI NƯỚC PHÁP
Không phải cá nhân xuất sắc nhất trong đội hình ĐT Croatia vào thời điểm hiện tại, nhưng Darijo Srna chắc chắn là một cầu thủ không thể thay thế. Đối với đội bóng áo sọc kẻ ca-rô, hậu vệ cánh phải thuộc biên chế Shakhtar Donetsk không chỉ là một người đội trưởng mẫu mực mà còn giữ vai trò thủ lĩnh tinh thần. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ngay cả khi vừa phải chịu tang người cha bất hạnh rồi lập tức quay trở lại Pháp thi đấu, Srna vẫn cho thấy mình là một cầu thủ luôn sẵn sàng “sống chết” vì màu cờ Tổ quốc.

Chẳng hề đình đám giống như nhiều ngôi sao tên tuổi khác trên thế giới, nhưng mỗi hành động của Darijo Srna đều nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ phía giới mộ điệu. Ngày đầu tiên ký hợp đồng với Shakhtar, cầu thủ chạy cánh sinh năm 1982 đã ngay lập tức mua cho cha mình một chiếc Mercedes. “Tôi biết những thứ này không bao giờ có thể so sánh được với tất cả những gì cha tôi đã dành tặng cho tôi. Nhưng ít nhất, đây là những điều mà tôi có thể làm được để giúp ông ấy cảm thấy hạnh phúc hơn”.

Đội trưởng của Croatia đang là người dẫn dắt các đàn em trong màu áo tuyển
Khoảng thời gian sau này, anh còn xây dựng một sân vận động cỏ nhân tạo cho thành phố quê hương Metkovic trước khi tham gia các chiến dịch ủng hộ và cứu trợ nhân dân vùng chiến sự Donbass, thuộc miền Đông Ukraina. Đối với một người từng phải kinh qua những năm tháng tuổi thơ triền miên trong khói lửa chiến tranh vùng Balkans như Srna, đương nhiên anh chẳng bao giờ đánh mất đi niềm hy vọng. “Donetsk là một thành phố vô cùng tuyệt vời. Khi quay trở lại nơi này, chắc chắn tôi sẽ quỳ xuống và hôn lên những con đường”, thủ quân Shakhtar chia sẻ trong ngày phải chia tay sân Donbass Arena để chuyển tới Lviv.

Một hình xăm mang tên người anh trai Igor đã xuất hiện trên ngực Darijo Srna, như thể đây là nơi cầu thủ 34 tuổi này muốn gửi gắm và dâng tặng tất cả mọi thành công trong sự nghiệp. Phải chăng, những nỗi bất hạnh mà Igor không may mắn phải gánh chịu chính là sự hy sinh bù trừ để cho cậu em Darijo được thăng hoa như bây giờ? Hai anh em, hai số phận trái ngược, thế nhưng Srna vẫn luôn sống hết lòng vì gia đình: “Tôi muốn anh trai mình, một người vì tôi mà từng phải chịu nhiều thiệt thòi sẽ được sống một cuộc đời yên ấm và hạnh phúc. Tôi biết mọi nỗ lực sẽ chẳng thể trả hết những gì mà Igor đã làm cho tôi nhưng tôi sẽ luôn cố gắng hết sức có thể”.

12 năm trước, Darijo Srna bước ra ánh sáng khi được đánh giá là một trong những nhân tố triển vọng nhất tại Euro 2004. Giờ đây khi đã trải qua một chặng đường dài trong sự nghiệp, và thậm chí một câu chuyện dài hơn thế trên đường đời, anh vẫn chạy miệt mài như những ngày đầu tiên. VCK EURO 2016 trên đất Pháp mùa Hè này, biết đâu cũng có thể là giải đấu quốc tế cuối cùng mà Darijo Srna tham dự cùng Croatia. Tuy nhiên, ngay cả như vậy đi chăng nữa thì điều ấy cũng chẳng hề quá quan trọng bởi trong mắt những người hâm mộ bóng đá tại đất nước nằm bên bờ biển Adriatic bây giờ, đội trưởng của Shakhtar Donetsk sẽ mãi mãi là một biểu tượng vĩnh cửu, cho tất cả những gì tốt đẹp nhất về giá trị con người. Giống như cha mình, Srna đã, đang và sẽ tiếp tục sống một cuộc đời chẳng có gì phải hối tiếc…

► Xem thêm lịch thi đấu Ngoại hạng Anh và kết quả bóng đá Anh hôm nay.

OLE (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Ronaldo: Chiếc băng bị ném và Nhà lãnh đạo kiểu Bồ Đào Nha

Trong bài viết về Nghệ Thuật Lãnh Đạo đã được đăng tải trên tạp chí Forbes, nhóm tác giả Young Entrepreneur Coucil (YEC) đã chỉ ra ba bước để trở thành một lãnh đạo xuất sắc, đó là thúc đẩy bản thân, thúc đẩy đồng đội và thiết lập tầm nhìn cho cả đội. Đó là điều chúng ta ít được thấy hoặc được biết về Cristiano Ronaldo, nhưng mùa hè kỳ diệu trên đất Pháp chính là thời điểm mà khả năng lãnh đạo của Ronaldo phát tiết.

Hồi ức Berlin: Chuyện đứa con hoang của màu áo Thiên Thanh

Ngày 9/7/2006, sân vận động Olimpiastadion Berlin chứng kiến cái kết đẹp của một câu chuyện thần kỳ mang tên Italia. Bất chấp bóng ma về vụ bê bối Calciopoli ngay trước thềm giải đấu, Azzurri đã thi đấu tuyệt vời để lần thứ tư nâng cao cúp vàng danh giá. Trong câu chuyện ấy, người ta nhắc tới thủ lĩnh Fabio Cannavaro khi anh đạt tới đỉnh cao sự nghiệp, nhắc tới nhạc trưởng Pirlo, người đã chơi cực hay và trở thành nguồn cảm hứng cho cả đội. Nhắc tới cả đôi bàn tay vững chắc của Gianluigi Buffon

Quyết định của Platini: Niềm vui châu Âu - Nỗi đau người Pháp

Ngày Platini lên nắm chức Chủ tịch Liên đoàn bóng đá UEFA, người Pháp chắc hẳn rất vui. Trong khi đang chạy đua cho một suất chủ nhà Euro 2016, thì việc có một công dân nắm giữ chức vụ cao nhất Liên đoàn bóng đá châu Âu quả là một lợi thế không nhỏ. Và dĩ nhiên họ đã thành công. Nhưng có lẽ người dân đất nước hình lục lăng hẳn không nghĩ rằng, một trong những quyết định đầu tiên của vị Tân Chủ tịch, sau này sẽ làm con tim của mình tan nát như thế nào.

Patrice Evra: Hành trình của người truyền lửa từ Knysna về St Denis

Kynsna, quả đồi ở Nam Phi và câu chuyện đen tối diễn ra nơi đó có lẽ giờ cũng không còn ám ảnh nhiều người, trong đó có Patrice Evra. Trận chung kết Euro 2016 tại Stade de France cũng vừa kết thúc, cúp bạc đã không thuộc về những chú gà trống Gaulois, người ta có lẽ bị thu hút nhiều hơn bởi câu chuyện thần kỳ mà thầy trò HLV Fernando Santos viết nên, bởi hình ảnh xúc động khi cha già Ferguson ôm chầm lấy Ronaldo chúc mừng vinh quang của cậu học trò nhỏ. Khi ấy, Evra đang ở đâu trong đám đông ồn

Tấm gương EURO 2016: Bóng đá là không từ bỏ

(Bongda24h.vn) – Bóng đá là một trò chơi của tập thể mà mỗi cá nhân đều phải thi đấu vì lợi ích chung của cả đội. Ở một góc độ nào đó, mỗi cầu thủ cần hiểu rõ đúng thực lực của mình để có nên tiếp tục cống hiến cho đội bóng hay nhường chỗ cho những cái tên khác xứng đáng hơn. Những nhà vô địch EURO 2016 đã cho chúng ta thấy được bài học đó.

Từ Fatima đến Paris: Cuối cùng thì Đức Mẹ đã mỉm cười với người Bồ

Trải qua 120 phút so tài nghẹt thở trên sân Stade de France, cuối cùng thì chặng hành trình kỳ diệu và hoang đường nhất của thầy trò HLV Fernando Santos tại VCK EURO 2016 mùa Hè năm nay đã khép lại một cách mỹ mãn. Ngay trên mảnh đất Pháp đầy mộng mơ và lãng mạn, một tập thể bao gồm những con người Bồ Đào Nha bình dị đã viết nên câu chuyện lịch sử cho riêng mình.

Màu áo bã trầu có vơi bớt nỗi buồn của Figo?

Phút bù giờ đầu tiên của hiệp một trận bán kết Euro 2016 giữa Đức và Pháp, khi mà tất cả đã nghĩ về một kết quả hòa thì Bastian Schweinsteiger khiến tất cả phải sững sờ. Một pha chạm bóng bằng tay quá nghiệp dư, và lần thứ hai liên tiếp ĐT Đức phải chịu một quả penalty oan nghiệt. Đó là bước ngoặt của trận đấu, và cũng là chủ đề được bàn tán nhiều nhất sau thất bại cay đắng của Die Mannschaft. Những ký ức đó khiến người ta nhớ về một câu chuyện khác cách đây 16 năm.