Chiến thuật nào để Tam sư gầm vang trên đất Pháp?

Tác giả Teddy - Thứ Tư 08/06/2016 13:27(GMT+7)

Thẳng thắn mà nói, người Anh đã phải đợi quá lâu mới thấy một kì EURO mà ở đó Tam Sư được (một số người) đánh giá là một đội tuyển có thực lực. EURO 2016 này chứng kiến cơ hội làm nên chuyện lớn nhất trong nhiều năm qua của ĐT Anh, trong bối cảnh họ đang có “Thiên thời, Địa lợi, Nhân hoà”. 
 
Đội tuyển Anh liệu có làm nên kỳ tích trên đất Pháp?
Tam Sư dù không mạnh theo kiểu thống trị huỷ diệt (so tuyển Anh năm nay với TBN hay Italia hồi EURO 2012 thì thua rất xa), nhưng họ cũng không có một đối trọng nào quá vượt trội. Tây Ban Nha và Đức rõ ràng đang gặp vấn đề chuyển giao thế hệ, Bồ Đào Nha thì đã bao lâu nay mắc phải chứng Ronal-dependencia (hội chứng phụ thuộc Ronaldo), Italia tổn thất lực lượng quá nặng nề nơi tuyến giữa; và có lẽ chỉ có Pháp là đáng ngại nhất. Chất lượng nhân sự lúc này của ĐT Anh cũng đạt chất lượng cao nhất kể từ thời hậu EURO 2004: dù hàng thủ của họ chỉ thuộc tầm trung, nhưng với bộ ba Kane - Vardy - Rooney cùng một Marcus Rashford đầy tiềm năng, hàng công Tam Sư đang thực sự cực kì đáng gờm.
 
Và cuối cùng, không thể kể đến một Roy Hodgson đã không còn non tay trên băng ghế chỉ đạo và sẵn sàng cách mạng chiến thuật để tận dụng đến tối đa nguồn nhân lực tốt mà ông đang sở hữu.
 
BỎ ĐI TƯ DUY MỘT TIỀN ĐẠO
 
Tại Brazil năm 2014, tuyển Anh thi đấu với một đội hình giàu tính biến hoá. Dù có tới 3 tiền đạo thực thụ ở trên sân, gồm Sturridge, Rooney và Welbeck, nhưng hệ thống của Roy Hodgson lúc đó “chỉ mặt đặt tên” Sturridge là người duy nhất được chơi đúng vị trí. Rooney, với sự đa năng của mình, thường được xếp chạy cánh trái trong đội hình 4-3-2-1 khi không có Welbeck trên sân; và đá hộ công trong sơ đồ 4-2-3-1. Roy Hodgson của World Cup 2 năm về trước là người chú trọng đánh biên (với Baines và Glen Johnson trợ lực cho các tiền vệ cánh), nhưng rồi tiền đạo của ông (Sturridge) lại không giỏi đánh đầu. Đội hình Tam Sư khi đó đành rằng có thể biến thành 4-4-2 trong những tình huống phản công, nhưng việc cho quá nhiều cầu thủ chơi quá tự do cũng không phải là tốt. Hậu quả nhãn tiền: Tam Sư không yếu nhưng đơn giản là cũng không mạnh.
 
Sơ đồ 4-2-3-1 của tuyển Anh tại World Cup 2014
Đã qua rồi cái thời mà Roy Hodgson bố trí đội hình theo cách mà Gary Lineker phải kêu trời lên là “chẳng khác gì bóng đá tiền sử”. Sau 4 năm ngồi ghế huấn luyện ĐT Anh, Hodgson cuối cùng cũng đã nghĩ ra cách vận hành 4-3-3 hợp lý và đầy phiêu lưu. Bị dẫn trước 0-2, đội tuyển Anh thắng ngược người Đức 3-2 là nhờ 4-3-3. Bằng một cách nào đó, người đàn ông nổi tiếng với những chiến thuật “hiền lành” như Hodgson đã biến các cầu thủ của mình thành những chiếc máy chạy cần mẫn thực sự; và ép luôn được cả Dele Alli, Harry Kane và Jamie Vardy chơi phòng ngự, điều mà chỉ một mình chân sút của Leicester (biết đâu lại là của Arsenal trong mùa tới?) quen làm. 4-3-3 của Roy Hodgson là 4-3-1-2 kim cương, với cặp Kane - Vardy cố định cùng một tiền đạo lùi. Nó sẽ là 4-3-3-0 nếu tuyển Anh chơi theo kiểu phản công rồi bung như lò xo của Leicester mà Claudio Ranieri gây dựng.
 
VỊ TRÍ NÀO CHO ROONEY?
 
Tìm một chỗ cho Rooney trong một đội hình có cả Kane và Vardy có lẽ là bài toán khó nhất dành cho cựu chiến lược gia của Liverpool và West Brom. 49 là số bàn thắng mà bộ đôi này đã nã vào lưới đối phương trong chiến dịch Premier League vừa qua, nhiều ngang ngửa hiệu suất của toàn đội Manchester United. Thêm vào đó 4-3-1-2 của Hodgson sẽ phát huy đến tối đa hoả lực của Vardy, người thường dùng tốc độ để đột phá và cần một chim mồi giúp đỡ hút cầu thủ phòng ngự đối phương (giống Okazaki ở Leicester). Chim mồi này nên là Kane, người rất tự tin trong việc dứt điểm dù bị kèm chặt, chứ không phải Rooney. Nếu dựa vào phong độ mà nói, R10 khó có cửa đá cắm. 
 
World Cup 2014: Rooney đá tự do sau tiền đạo cắm trong sơ đồ 4-2-3-1
Trong trận giao hữu trước giải gần nhất của tuyển Anh, tiền đạo của Man Utd chơi ở đỉnh kim cương trong sơ đồ 4-3-1-2. Tuy nhiên, nếu ta (lại) xem xét về mặt phong độ, thì Dele Alli mới nên là người được chọn. Mùa giải vừa qua chứng kiến một Alli bùng nổ, bạo dạn và cực kì hứa hẹn; trong khi R10 lại không được ổn định như những năm trước.  Tuy nhiên, Alli lại có thể chơi tốt ở vị trí tiền vệ trung tâm con thoi (box-to-box), vì vậy nếu muốn dùng cả Alli và Rooney cùng một lúc, Hodgson nhiều khả năng sẽ để cầu thủ của Man Utd chơi hộ công và kéo lùi cầu thủ trẻ của Tottenham xuống đá gần với Eric Dier hơn. Thực ra việc chia sẻ khu vực với một hộ công không phải điều gì lạ lẫm với Alli, khi anh thường đá dưới một chút hoặc song song với Christian Eriksen tại cấp độ CLB.
 
CANH CÁNH NỖI LO PHÒNG TUYẾN
 
Roy Hodgson sẽ không phải lo về vị trí thủ môn: Joe Hart rõ ràng là chốt chặn tin cậy nhất của Tam Sư lúc này. Tuy nhiên, bộ đôi trung vệ sẽ khiến ông đau đầu. Đồng ý rằng Chris Smalling đã và đang trưởng thành rất mạnh mẽ, nhưng anh vẫn cho người ta cảm giác thiếu chắc chắn và đôi khi mắc những sai lầm không đáng có. Gary Cahill vừa trải qua một mùa giải lúc thăng lúc trầm; còn John Stones thì suy giảm phong độ đúng vào thời điểm cuối mùa giải trước. Thực lòng mà nói, chỉ có trong tay bộ 3 này cho vị trí trung vệ là khá nguy hiểm, nhưng đảo quốc sương mù cũng không còn ai tài năng hơn cho Hodgson liệu cơm gắp mắm. Giải pháp? Eric Dier. Cầu thủ này có thể đá trung vệ khi cần. Nhưng nên nhớ, chỉ là “KHI CẦN”, không phải cố định; và anh cũng không sở trường chơi trung vệ.
 
Sơ đồ dự kiến của tuyển Anh tại Euro 2016
Kyle Walker và Danny Rose nhiều khả năng sẽ là bộ đôi trấn giữ hai cánh. Bộ đôi này có thể không khiến Hodgson phải suy nghĩ nhiều, bởi họ sẽ như “cá gặp nước” khi lên tuyển với 3 đồng đội khác ở Tottenham chơi ở trên sân, rải đều trên các tuyến. Thêm vào đó, 4-3-1-2 của Roy Hodgson sẽ dành ra nhiều đất cho các hậu vệ cánh toả sáng, trong bối cảnh cả Walker và Rose đều có xu hướng lên công về thủ và nền tảng thể lực tốt. Ở vị trí tiền vệ đánh chặn, Dier hoặc Wilshere sẽ được lựa chọn thay phiên. Rõ ràng Dier là cái tên gây được niềm tin hơn, không phải vì Wilshere kém mà là vì anh đã dành quá nhiều thời gian trong phòng hồi phục chức năng suốt thời gian vừa qua. Nếu Hodgson nghe theo cảm tính của ông, Wilshere sẽ đá chính. Một cầu thủ đã chấn thương cả năm vừa qua và chỉ đá đúng một trận tại Premier League sẽ đá chính.
 
JACK WILSHERE - NHÂN TỐ BẤT NGỜ
 
Như đã đề cập ở trên, Wilshere đã dưỡng thương cả năm vừa rồi nhưng vẫn được gọi lên tuyển và làm dậy sóng các mặt báo. Luận điểm phổ biến nhất của người ta là Hodgson quá “yêu” Wilshere và chính số 10 của Arsenal mới là người chắc suất đá chính nhất trong đội hình Tam Sư chứ không phải của Rooney. Tuy nhiên, trường hợp mà Wilshere toả sáng không phải là không có, và khi đó, tất cả các luận điểm phản biện sẽ phải “tắt đài”. Có 2 lí do để tin Wilshere sẽ rực sáng tại Pháp vào mùa hè này.
 
Liệu Wilshere có tỏa sáng trong màu áo Tam Sư?
Thứ nhất, Premier League là giải đấu vắt thể lực, chiến đấu dài ngày và không hợp cho những cầu thủ hay dính chấn thương; còn EURO là giải đấu ngắn hạn của đúng thời điểm giải đấu diễn ra. Arsene Wenger có thể cần một lực lượng khoẻ mạnh suốt 38 vòng đấu, nhưng Hodgson chỉ cần Wilshere không vấn đề gì trong 1 tháng tại Pháp. Đòi hỏi một người như Wilshere đá tốt trong một mùa Ngoại hạng Anh rất khó, nhưng nếu anh được đặt đúng chỗ và đá giữ chân, kiềm chế không lao vào những điểm nóng, số 7 của tuyển Anh là một cái tên đáng tin cậy. 
 
Thứ hai, Wilshere hợp với sơ đồ chiến thuật của Hodgson và có “thói quen” toả sáng trong màu áo tuyển. 8 trận gần nhất trên tuyển, Wilshere giành danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất trận 7 lần. Hodgson cho Wilshere đá rất tự do, dâng lên khi tiền vệ này muốn và dùng các nhân lực xung quanh để bịt lỗ hổng mà số 7 để lại. Kết quả là trong trận đấu gặp Slovenia mới đây, Wilshere để lại dấu ấn với 2 siêu phẩm.
 
MỤC TIÊU THỰC TẾ
 
Vòng tứ kết là mục tiêu thực tế nhất dành cho Tam Sư vào thời điểm hiện tại. Tuy vậy, sẽ không hề điên rồ nếu họ vào sâu hơn. Các điều kiện mà ĐT Anh cần có bao gồm hàng phòng ngự chơi với 100% sức lực và phong độ; Roy Hodgson linh hoạt hơn trong từng hoàn cảnh trận đấu; và cuối cùng, không thể bỏ qua màn toả sáng của các cá nhân giàu tính đột biến mà họ đang sở hữu trong đội hình. 
 
Teddy (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Ronaldo: Chiếc băng bị ném và Nhà lãnh đạo kiểu Bồ Đào Nha

Trong bài viết về Nghệ Thuật Lãnh Đạo đã được đăng tải trên tạp chí Forbes, nhóm tác giả Young Entrepreneur Coucil (YEC) đã chỉ ra ba bước để trở thành một lãnh đạo xuất sắc, đó là thúc đẩy bản thân, thúc đẩy đồng đội và thiết lập tầm nhìn cho cả đội. Đó là điều chúng ta ít được thấy hoặc được biết về Cristiano Ronaldo, nhưng mùa hè kỳ diệu trên đất Pháp chính là thời điểm mà khả năng lãnh đạo của Ronaldo phát tiết.

Hồi ức Berlin: Chuyện đứa con hoang của màu áo Thiên Thanh

Ngày 9/7/2006, sân vận động Olimpiastadion Berlin chứng kiến cái kết đẹp của một câu chuyện thần kỳ mang tên Italia. Bất chấp bóng ma về vụ bê bối Calciopoli ngay trước thềm giải đấu, Azzurri đã thi đấu tuyệt vời để lần thứ tư nâng cao cúp vàng danh giá. Trong câu chuyện ấy, người ta nhắc tới thủ lĩnh Fabio Cannavaro khi anh đạt tới đỉnh cao sự nghiệp, nhắc tới nhạc trưởng Pirlo, người đã chơi cực hay và trở thành nguồn cảm hứng cho cả đội. Nhắc tới cả đôi bàn tay vững chắc của Gianluigi Buffon

Quyết định của Platini: Niềm vui châu Âu - Nỗi đau người Pháp

Ngày Platini lên nắm chức Chủ tịch Liên đoàn bóng đá UEFA, người Pháp chắc hẳn rất vui. Trong khi đang chạy đua cho một suất chủ nhà Euro 2016, thì việc có một công dân nắm giữ chức vụ cao nhất Liên đoàn bóng đá châu Âu quả là một lợi thế không nhỏ. Và dĩ nhiên họ đã thành công. Nhưng có lẽ người dân đất nước hình lục lăng hẳn không nghĩ rằng, một trong những quyết định đầu tiên của vị Tân Chủ tịch, sau này sẽ làm con tim của mình tan nát như thế nào.

Patrice Evra: Hành trình của người truyền lửa từ Knysna về St Denis

Kynsna, quả đồi ở Nam Phi và câu chuyện đen tối diễn ra nơi đó có lẽ giờ cũng không còn ám ảnh nhiều người, trong đó có Patrice Evra. Trận chung kết Euro 2016 tại Stade de France cũng vừa kết thúc, cúp bạc đã không thuộc về những chú gà trống Gaulois, người ta có lẽ bị thu hút nhiều hơn bởi câu chuyện thần kỳ mà thầy trò HLV Fernando Santos viết nên, bởi hình ảnh xúc động khi cha già Ferguson ôm chầm lấy Ronaldo chúc mừng vinh quang của cậu học trò nhỏ. Khi ấy, Evra đang ở đâu trong đám đông ồn

Tấm gương EURO 2016: Bóng đá là không từ bỏ

(Bongda24h.vn) – Bóng đá là một trò chơi của tập thể mà mỗi cá nhân đều phải thi đấu vì lợi ích chung của cả đội. Ở một góc độ nào đó, mỗi cầu thủ cần hiểu rõ đúng thực lực của mình để có nên tiếp tục cống hiến cho đội bóng hay nhường chỗ cho những cái tên khác xứng đáng hơn. Những nhà vô địch EURO 2016 đã cho chúng ta thấy được bài học đó.

Từ Fatima đến Paris: Cuối cùng thì Đức Mẹ đã mỉm cười với người Bồ

Trải qua 120 phút so tài nghẹt thở trên sân Stade de France, cuối cùng thì chặng hành trình kỳ diệu và hoang đường nhất của thầy trò HLV Fernando Santos tại VCK EURO 2016 mùa Hè năm nay đã khép lại một cách mỹ mãn. Ngay trên mảnh đất Pháp đầy mộng mơ và lãng mạn, một tập thể bao gồm những con người Bồ Đào Nha bình dị đã viết nên câu chuyện lịch sử cho riêng mình.

Màu áo bã trầu có vơi bớt nỗi buồn của Figo?

Phút bù giờ đầu tiên của hiệp một trận bán kết Euro 2016 giữa Đức và Pháp, khi mà tất cả đã nghĩ về một kết quả hòa thì Bastian Schweinsteiger khiến tất cả phải sững sờ. Một pha chạm bóng bằng tay quá nghiệp dư, và lần thứ hai liên tiếp ĐT Đức phải chịu một quả penalty oan nghiệt. Đó là bước ngoặt của trận đấu, và cũng là chủ đề được bàn tán nhiều nhất sau thất bại cay đắng của Die Mannschaft. Những ký ức đó khiến người ta nhớ về một câu chuyện khác cách đây 16 năm.