BlackBerry, Italia và cứ thế yêu xuyên thập kỷ

Tác giả Teddy - Thứ Ba 28/06/2016 17:49(GMT+7)

So sánh BlackBerry với ĐTQG Italia thì thực sự có đôi phần khập khiễng. Một công ty chuyên về công nghệ và một đội bóng. Canada (nơi đặt trụ sở chính của BlackBerry) cách Italia 6 giờ đồng hồ, ở hai châu lục khác nhau. Đọc tiêu đề lên, người ngồi cạnh tôi đặt câu hỏi đơn giản, BlackBerry với Italia thì liên quan gì đến nhau?
 
Những người hâm mộ trung thành chưa bao giờ hết yêu Italia
Sống trên đời này, ta không chỉ yêu đời, yêu người. Ta chọn một đội bóng để cháy cùng, chọn một phong cách thời trang để theo đuổi, chọn một thương hiệu để mua sắm và chọn một hình tượng để tôn thờ.  Nếu lỡ là một người yêu cả BlackBerry và Italia, ta thường có xu hướng nhớ về những ngày xưa huy hoàng, những chẳng vì thế mà cứ mãi chìm đắm trong quá khứ. Điểm chung của BlackBerry và Italia là cái cách mà người ta dành tình yêu cho họ, một tình yêu đúng kiểu “một túp lều tranh, hai trái tim vàng” đã gần tuyệt chủng.
 
BLACKBERRY VÀ MÀN TỤT DỐC KHÔNG PHANH THỜI IPHONE
 
Một người không quen dùng BlackBerry mà sờ vào một chiếc Dâu Đen chạy hệ điều hành BlackBerry OS 10 đời mới cũng đều cảm thấy khó chịu. Màn hình bị giới hạn, bàn phím cứng đòi hỏi thời gian làm quen, kho ứng dụng nghèo nàn. Trên BlackBerry World (kho ứng dụng của BlackBerry OS 10) không có YouTube, Instagram, Viber hay các phần mềm chỉnh sửa ảnh cơ bản và hàng nghìn tỉ thứ người ta có thể tìm thấy trên App Store hoặc Google Play Store. Thị phần của BlackBerry trên thị trường điện thoại di động thế giới lúc này chỉ là 0.6%, có nghĩa là chỉ có 6 người trong số mỗi 1000 người ta gặp sử dụng điện thoại của hãng công nghệ Canada. Bản thân BlackBerry cũng phải sản xuất BlackBerry Priv chạy hệ điều hành Android để sinh tồn.
 
BlackBerry và Thiên thanh, hai tình yêu bất diệt
Thế nhưng với cộng đồng người dùng BlackBerry, dường như những nét khó chịu ấy lại là cái giúp họ yêu Dâu Đen hơn. Hoà mình vào một buổi họp fan của BlackBerry cũng giống như đi gặp mặt các tifosi, không quá bùng nổ, không quá nhiều tranh luận gay gắt, mà đầy tính chia sẻ và có vẻ gì đó rất “trưởng thành”, nghiêm túc, đầy đồng cảm. Cảm giác đánh máy cực chính xác trên bàn phím cứng rời xa 2 ngày là nhớ, chuyển sang Android hay iOS 2 ngày là thấy nhạt nhạt, bình bình, tiện lợi nhưng chẳng điểm nhấn, chẳng cá tính. Người yêu BlackBerry vẫn thế. Yêu bất kể mẫu máy nào họ thấy phù hợp. Yêu bất chấp xập xệ, cũ kĩ, xuống cấp ngoại hình. Yêu mà không cần chạy theo cảm biến vân tay, quét võng mạc, cổng hồng ngoại, camera lừa tình, mật độ điểm ảnh lớn hơn 500, những con chip Snapdragon đầu 8 đánh lừa cảm giác hay thậm chí là cả CẢM ỨNG.
 
Lướt Facebook, đâu đó người ta đưa ảnh Jose Mourinho cầm chiếc Porsche Design P’9983 nghe điện thoại, Sir Alex Ferguson chụp ảnh với chiếc Bold 9900 thời còn tại vị - “Người Old Trafford phải dùng BlackBerry”. 2 chiếc điện thoại gần nhất của Mesut Ozil, người rất hay cập nhật Instagram và Facebook, là BlackBerry Passport và BlackBerry Priv. Vừa yêu bóng đá, vừa yêu BlackBerry sẽ thấy việc  tình cờ bắt gặp những hình ảnh ấy là một điều thú vị. BlackBerry cho ta cảm giác chậm lại và không xô bồ trong một thế giới mà người ta có thể đổi điện thoại sau mỗi năm và đổi đội bóng mình yêu sau mỗi nửa thập kỷ.
 
MỘT NGÀY LÀM TIFOSI, CẢ ĐỜI LÀM TIFOSI
 
Có câu: “Người ta có thể thay đổi người mình yêu, nhưng không thể thay đổi đội bóng họ yêu”. Điều này rất rất đúng với đời cũ. Sống trên đất Ukraine, yêu Dynamo Kyiv và Valeri Lobanovsky cả đời là chuyện bình thường. Lỡ xem một trận của Man Utd đầu thập niên 90 của thế kỉ XX, phát cuồng lên vì Sir Alex, vì những quả tạt hình quả chuối và cách đặt chân lãng tử của David Beckham, vì một Roy Keane máu lửa, vì một Eric Cantona ngạo nghễ, vì một Paul Scholes cần mẫn, vì một chiến thuật đơn giản mà hiệu quả… mà yêu Quỷ Đỏ luôn suốt 20 – 30 năm sau đó cũng là chuyện bình thường. Đi xem bóng đá ở các quán café vào mỗi cuối tuần là thấy.
 
Đội tuyển Italia một thời...
Thế nhưng, tiền bước vào cuộc chơi bóng đá và thay đổi tất cả. Nhìn vào đội hình ĐTQG Italia tham gia EURO 2016, người ta thấy tiếc cho một thời đã xa của những Paolo Maldini, Alessandro Nesta hay Francesco Totti. Đừng nói cấp ĐTQG thì không bị chịu ảnh hưởng bởi bóng đá thương mại: Premier League và La Liga đầu tư đúng, đầu tư mạnh và đầu tư trọng điểm. Serie A có thể đầu tư, nhưng họ dùng tiền chưa hẳn đúng, khiến chất lượng giải đấu giảm mạnh như một hệ quả tất yếu. Juventus là mảnh còn lại duy nhất của 7 chị em huyền thoại, và họ cũng không được xếp vào loại các CLB mạnh nhất thế giới dù đã vào tới Chung kết Champions League năm ngoái. Serie A trở thành một mảnh đất bị hút máu, một thị trường béo bở để những ánh mắt săn cầu thủ hau háu nhìn vào và xâu xé. Hai nửa thành Milan nhạt nhoà dưới chân bức tượng Virgin Mary, derby Roma đã không còn khơi dậy cảm xúc của các CĐV trung lập. Parma giải thể. Italia bước vào EURO 2016 với vị thế của một kẻ đã qua thời đỉnh cao.
 
Thế nhưng, cũng như BlackBerry, yêu Italia thì vẫn yêu thôi, yêu những cái xưa cũ, tin vào một tương lai không biết bao giờ mới đến và sống nghèo nhưng vui ở thời hiện tại. Nói về lí do người ta yêu bóng Ý và ĐT Italia thì nhiều lắm. Vì thời ấy đài Hà Nội chiếu bóng Ý với giọng bình luận của Anh Ngọc. Vì Fabio Grosso và chức vô địch World Cup 2006. Vì lòng trung thành của Totti, sự chấp nhận của De Rossi, ly rượu vang nhẹ mà sắc lẹm Pirlo và khoảnh khắc nâng cúp của Cannavaro. Yêu đến mức mù quáng, đến mức kể cả khi Calciopoli đánh lừa cả thế giới, ta vẫn quay lại cho Italia và Serie A một cơ hội. Đến mức đọc những bài về ma cô, ma tuý, ultra, doping và… Vincenzo Iaquinta thì cảm thấy như một mảng tối của bức tranh sáng, như được vén màn một bí mật mình chưa biết, cảm thấy đó mới là bộ mặt thật của bóng đá, thay vì uất ức, phẫn nộ.
 
Hệ quả của điều ấy là bất chấp Italia đến với EURO theo cách nào, ta vẫn dành sự tin yêu cho họ. Người khách quan thì nói thành phần đội hình của Italia quá yếu cho một ứng cử viên vô địch. Del Piero và Luca Toni đâu rồi mà để lại đây nhưng Zaza, Pelle và Eder? Ông già Thiago Motta mặc áo số 10 của Azzurri? Bonaventura vừa rực sáng trong màu áo Đỏ Đen mùa vừa rồi nhưng còn không được triệu tập. Chỉ còn lại lác đác những người cận vệ với lá cờ đầu Gianluigi Buffon. 
 
Azzurri sẽ mãi là nàng thơ của các tifosi
Nhưng thế là đủ.
 
Yêu thì cần gì phải lí trí quá. Không vô địch thì buồn, bị loại sớm thì tủi, nhưng người phụ nữ ở bên ta cũng chẳng nhất thiết phải là một hoa hậu. Italia đã là nàng thơ của một đời cũ, một hoa hậu để người ta nhớ mãi chứ chẳng phải kiểu hoa hậu sáng lên như pháo bông giữa trời đêm rồi tắt lịm. Một hoa hậu của riêng tifosi, của chính tifosi.
 
Và rồi nàng hoa hậu ấy vẫn  khiến những chàng hiệp sỹ đấu bò phải ngã gục bằng sắc đẹp mặn mà của mình đó thôi.
 
VĨ THANH
 
Ta nhìn đời rất khác khi yêu cả BlackBerry và Italia. Cả hai đều đang trong những ngày lặng gió. Người yêu Apple nói BlackBerry đang sống mòn và phá sản đến nơi rồi, người không yêu Italia thì nói còn lâu nền bóng đá nơi đất nước hình chiếc ủng mới lên lại được đỉnh cao nếu cứ vận hành như thế này. Sản phẩm ưu tú nhất của bóng đá Italia năm vừa rồi là Gianluigi Donnarumma, còn với BlackBerry là chiếc Priv, cả hai đều không được đánh giá cao bằng những đối thủ cạnh tranh. Nhưng không phải vô cớ mà một người bạn của tôi đã nổi điên lên khi chỉnh đội hình lúc chơi Pro Evolution Soccer mà chưa thấy Donnarumma (với chỉ số chỉ 75), rồi tươi cười trên một số clip review công nghệ với tư cách là một trong số những người Việt Nam đầu tiên được trên tay chiếc Priv.
 
Khoảnh khắc Chiellini mở toang cánh cửa vào tứ kết cho Italia
Yêu BlackBerry và Italia đều đòi hỏi sự chung thuỷ và kiên nhẫn, hai yếu tố quan trọng nhất trong tình yêu. Cảm xúc của những người theo đuổi hai cá thể này rất khó tả, chỉ mình họ có thể hiểu được. Họ chỉ chắc chắn rằng họ đang sống trong một tình yêu mà có thể tồn tại lâu dài, theo kiểu “us against the world”, và sóng gió ở bên ngoài chỉ như những âm thanh ù ù không đáng chú ý, dù cả thế giới đang điên lên vì những âm thanh ấy.
 
Yêu thì cứ mặc kệ thế giới đi!

► Xem thêm thông tin giải bóng đá Ngoại hạng Anh và lịch bóng đá Anh mới nhất.
 
TEDDY (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Ronaldo: Chiếc băng bị ném và Nhà lãnh đạo kiểu Bồ Đào Nha

Trong bài viết về Nghệ Thuật Lãnh Đạo đã được đăng tải trên tạp chí Forbes, nhóm tác giả Young Entrepreneur Coucil (YEC) đã chỉ ra ba bước để trở thành một lãnh đạo xuất sắc, đó là thúc đẩy bản thân, thúc đẩy đồng đội và thiết lập tầm nhìn cho cả đội. Đó là điều chúng ta ít được thấy hoặc được biết về Cristiano Ronaldo, nhưng mùa hè kỳ diệu trên đất Pháp chính là thời điểm mà khả năng lãnh đạo của Ronaldo phát tiết.

Hồi ức Berlin: Chuyện đứa con hoang của màu áo Thiên Thanh

Ngày 9/7/2006, sân vận động Olimpiastadion Berlin chứng kiến cái kết đẹp của một câu chuyện thần kỳ mang tên Italia. Bất chấp bóng ma về vụ bê bối Calciopoli ngay trước thềm giải đấu, Azzurri đã thi đấu tuyệt vời để lần thứ tư nâng cao cúp vàng danh giá. Trong câu chuyện ấy, người ta nhắc tới thủ lĩnh Fabio Cannavaro khi anh đạt tới đỉnh cao sự nghiệp, nhắc tới nhạc trưởng Pirlo, người đã chơi cực hay và trở thành nguồn cảm hứng cho cả đội. Nhắc tới cả đôi bàn tay vững chắc của Gianluigi Buffon

Quyết định của Platini: Niềm vui châu Âu - Nỗi đau người Pháp

Ngày Platini lên nắm chức Chủ tịch Liên đoàn bóng đá UEFA, người Pháp chắc hẳn rất vui. Trong khi đang chạy đua cho một suất chủ nhà Euro 2016, thì việc có một công dân nắm giữ chức vụ cao nhất Liên đoàn bóng đá châu Âu quả là một lợi thế không nhỏ. Và dĩ nhiên họ đã thành công. Nhưng có lẽ người dân đất nước hình lục lăng hẳn không nghĩ rằng, một trong những quyết định đầu tiên của vị Tân Chủ tịch, sau này sẽ làm con tim của mình tan nát như thế nào.

Patrice Evra: Hành trình của người truyền lửa từ Knysna về St Denis

Kynsna, quả đồi ở Nam Phi và câu chuyện đen tối diễn ra nơi đó có lẽ giờ cũng không còn ám ảnh nhiều người, trong đó có Patrice Evra. Trận chung kết Euro 2016 tại Stade de France cũng vừa kết thúc, cúp bạc đã không thuộc về những chú gà trống Gaulois, người ta có lẽ bị thu hút nhiều hơn bởi câu chuyện thần kỳ mà thầy trò HLV Fernando Santos viết nên, bởi hình ảnh xúc động khi cha già Ferguson ôm chầm lấy Ronaldo chúc mừng vinh quang của cậu học trò nhỏ. Khi ấy, Evra đang ở đâu trong đám đông ồn

Tấm gương EURO 2016: Bóng đá là không từ bỏ

(Bongda24h.vn) – Bóng đá là một trò chơi của tập thể mà mỗi cá nhân đều phải thi đấu vì lợi ích chung của cả đội. Ở một góc độ nào đó, mỗi cầu thủ cần hiểu rõ đúng thực lực của mình để có nên tiếp tục cống hiến cho đội bóng hay nhường chỗ cho những cái tên khác xứng đáng hơn. Những nhà vô địch EURO 2016 đã cho chúng ta thấy được bài học đó.

Từ Fatima đến Paris: Cuối cùng thì Đức Mẹ đã mỉm cười với người Bồ

Trải qua 120 phút so tài nghẹt thở trên sân Stade de France, cuối cùng thì chặng hành trình kỳ diệu và hoang đường nhất của thầy trò HLV Fernando Santos tại VCK EURO 2016 mùa Hè năm nay đã khép lại một cách mỹ mãn. Ngay trên mảnh đất Pháp đầy mộng mơ và lãng mạn, một tập thể bao gồm những con người Bồ Đào Nha bình dị đã viết nên câu chuyện lịch sử cho riêng mình.

Màu áo bã trầu có vơi bớt nỗi buồn của Figo?

Phút bù giờ đầu tiên của hiệp một trận bán kết Euro 2016 giữa Đức và Pháp, khi mà tất cả đã nghĩ về một kết quả hòa thì Bastian Schweinsteiger khiến tất cả phải sững sờ. Một pha chạm bóng bằng tay quá nghiệp dư, và lần thứ hai liên tiếp ĐT Đức phải chịu một quả penalty oan nghiệt. Đó là bước ngoặt của trận đấu, và cũng là chủ đề được bàn tán nhiều nhất sau thất bại cay đắng của Die Mannschaft. Những ký ức đó khiến người ta nhớ về một câu chuyện khác cách đây 16 năm.