Ưu thế và hạn chế từ những bản hợp đồng có thời hạn siêu dài của Chelsea

Tác giả Tú Nguyễn - Thứ Sáu 20/01/2023 17:49(GMT+7)

Tính tới thời điểm hiện tại, Chelsea vẫn đang thiết lập một xu hướng mới tại Premier League, dù vẫn chưa có đội bóng nào làm theo.

 

Ba cầu thủ mới của Chelsea trong tháng này – Benoit Badiashile, David Datro Fofana và Mykhailo Mudryk – đều ký hợp đồng có thời hạn dài hơn 5 năm. Bản hợp đồng của Badiashile có thời hạn 7,5 năm. Fofana đặt bút ký đến năm 2029, với tùy chọn gia hạn thêm một năm. Trong khi đó, nếu thực hiện hết hợp đồng, Mudryk sẽ là cầu thủ của Chelsea đến năm 2031.

Đây là chính sách được Chelsea thiết lập từ mùa hè, khi Wesley Fofana cập bến sân Stamford Bridge từ Leicester theo bản hợp đồng có thời hạn 7 năm. Mặc dù vậy, chiến lược này đang tỏ ra bất thường trong một thế giới bóng đá mà các hợp đồng 4 hoặc 5 năm đang trở thành tiêu chuẩn.

Vậy tại sao Chelsea lại làm khác đi?

Câu chuyện về khấu hao

Các đội bóng sẽ cố gắng loại bỏ chi phí chuyển nhượng trong suốt thời hạn hợp đồng của cầu thủ bằng một khái niệm kế toán gọi là khấu hao. Tức là hợp đồng càng dài, các khoản thanh toán hàng năm trên sổ sách sẽ càng nhỏ.

“Nếu bạn mua cầu thủ có hợp đồng 7 năm, bạn có thể trả dần phí chuyển nhượng trong khoảng thời gian đó,” Stephen Taylor Heath, trưởng bộ phận luật thể thao tại JMW Solicitors chia sẻ với The Athletic. “Vì vậy, đối với sổ sách của năm đó, phí chuyển nhượng sẽ được hiển thị dưới dạng một con số nhỏ hơn. Điều này sẽ có lợi cho đội bóng.”

Những rủi ro dễ thấy

Trong 8,5 năm tới, sổ sách của Chelsea sẽ chỉ ra rằng họ đang trả một số tiền cố định mỗi năm (khoảng 7 triệu bảng) cho Mudryk. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với Badiashile và hai cầu thủ cùng tên là Fofana. Tất nhiên, rủi ro sẽ xảy ra nếu quãng thời gian khoác áo Chelsea của những cái tên kể trên diễn ra không suôn sẻ.

 

“Đội bóng của bạn có thể rơi vào tình huống kiểu Dele Alli, một cầu thủ có hợp đồng dài hạn nhưng chơi tệ theo thời gian và bạn không còn muốn sử dụng anh ta nữa,” Heath nói thêm. “Đội bóng muốn bán anh ta đi, nhưng mọi chuyện không đơn giản như vậy. Trong khi chờ đợi, họ vẫn phải trả lương cho anh ta.

“Dù anh ta vẫn thuộc biên chế đội bóng, bạn sẽ phải mang về sự thay thế. Nó dẫn đến trường hợp tương tự như khi bạn phải trả lương cho hai HLV cùng một lúc (bởi bạn phải trả tiền bồi thường cho người bạn đã sa thải), dù bạn chỉ thuê một HLV.”

Những cầu thủ chủ chốt đã rời Stamford Bridge theo dạng tự do vào mùa hè năm ngoái. Điều đó có ảnh hưởng đến cách tiếp cận của Boehly & Clearlake?

Chính xác! Dù đó là di sản của chủ sở hữu trước đó và không phải lỗi của Boehly & Clearlake, nhưng cảnh tượng Antonio Rudiger và Andreas Christensen ra đi miễn phí để gia nhập Real Madrid và Barcelona chắc hẳn khiến họ rất buồn. Bộ đôi này đã có 85 lần ra sân ở mùa giải trước trên mọi đấu trường. Ràng buộc ai đó vào một hợp đồng 8 năm sẽ giảm thiểu câu chuyện tương tự lặp lại.

“Bạn sẽ tránh được tình huống thường xảy ra với những cầu thủ giỏi của mình,” Heath nói. “Ví dụ như bạn ký hợp đồng 5 năm với họ và sau 4 năm, bạn sẽ ở trong tình huống kiểu Mohamed Salah: Hoặc là bạn phải ký một hợp đồng béo bở với Salah, hoặc là cậu ấy sẽ ký nháy với một CLB khác trong sáu tháng cuối cùng của hợp đồng.”

Chelsea đã chôn kịch bản đó rất kỹ. Nếu Mudryk thành công ở Premier League và thu hút những các đội bóng theo đuổi trong vài năm tới, Chelsea sẽ nắm đằng chuôi bởi hợp đồng của anh vẫn còn thời hạn dài. Ngay cả khi đội chủ sân Stamford Bridge quyết định bán cầu thủ người Ukraine, họ vẫn có thể thu về một khoản phí đáng kể.

Các hợp đồng dài hạn đã trở nên phổ biến gần đây tại Giải bóng đá nhà nghề Mỹ. Vậy có sự tương đồng nào trong các môn thể thao khác của Mỹ ảnh hưởng đến Boehly & Clearlake không?

Chắc chắn là có. Boehly sở hữu 20% cổ phần của Los Angeles Dodgers, một đội bóng chày thuộc Giải bóng chày nhà nghề Mỹ. Là người Mỹ, dễ hiểu khi ông lấy cảm hứng từ các môn thể thao quê hương.

Những người điều hành các đội bóng chày đã nhận ra rằng, thay vì trả một số tiền lớn cho một siêu sao bước vào cuối thời kỳ đỉnh cao trong thời gian ngắn, tốt hơn hết là nên trói chân một ngôi sao mới nổi trong 9, thậm chí 10 năm với mức lương hàng năm thấp hơn. Điều đó giúp phân bổ chi phí để đội bóng có thể chi tiêu hiệu quả hơn trong thời gian ngắn. Boehly & Clearlake dường như cũng mang theo triết lý đó.

 

Có phải chỉ Chelsea làm điều này?

Chelsea có thể là đội bóng nổi tiếng nhất cung cấp các bản hợp đồng có thời hạn 6 năm trở lên ở thời điểm hiện tại. Nhưng họ không phải là đội bóng Anh đầu tiên làm vậy - mặc dù các CLB đó có xu hướng gia hạn với những cầu thủ họ đang có, chứ không phải mua mới như Chelsea.

Arsenal đã gia hạn 8 năm với Cesc Fabregas vào năm 2006. Kevin De Bruyne của Manchester City ký thêm 6 năm vào năm 2018; Harry Kane cũng làm điều tương tự cho Tottenham Hotspur trong cùng năm. Tháng 9/2005, chỉ vài tháng sau khi gia nhập đội một của Barcelona, Lionel Messi đã đồng ý ký hợp đồng 9 năm với đội bóng Tây Ban Nha.

Liệu một bản hợp đồng dài hạn có phù hợp với các cầu thủ?

Có và không.

Một mặt, nó mang lại cho họ sự ổn định đáng kể. Heath cho biết: “Đối với cầu thủ và người đại diện của anh ta, một thỏa thuận kéo dài như thế này sẽ đảm bảo mức thu nhập trong khoảng thời gian nhất định. Người đại diện cũng có thể thương lượng việc tăng lương sau một số trận đấu, thành tích cá nhân hoặc danh hiệu của đội bóng.

Mặt khác, một khi cầu thủ ký hợp đồng dài hạn, chắc chắn anh ta sẽ trao phần lớn quyền lực cho đội bóng. Anh ta bị ràng buộc vào một thỏa thuận khó có thể thoát ra, nếu mọi thứ diễn ra không suôn sẻ.

Những bản hợp đồng này có thực sự tuân theo quy định của FIFA hay không?

Về lý thuyết thì không. Theo FIFA, các hợp đồng không được dài hơn 5 năm. Trên giấy tờ, họ sẽ không công nhận một hợp đồng có thời hạn 6 hoặc 8 năm.

Tuy nhiên, có một ghi chú trong quy định của họ. “Các hợp đồng có độ dài khác sẽ chỉ được phép nếu phù hợp với luật pháp quốc gia đó,” quy tắc nêu rõ.

Vậy FA và Premier League có quy định giống FIFA không?

Vì không có luật nào ở Anh về thời hạn hợp đồng, FA không quy định giới hạn về thời hạn hợp đồng của cầu thủ. Điều này có nghĩa là các CLB sẽ không bị hạn chế khi đề cập đến thời hạn của các giao dịch mà họ đưa ra.

Trong khi chúng ta đang nói về sự phức tạp của luật hợp đồng bóng đá, còn phán quyết của Webster thì sao? Điều đó có ý nghĩa gì không?

Andy Webster, một hậu vệ từng chơi cho câu lạc bộ Hearts của Scotland đầu những năm 2000, đã trở thành người đầu tiên tận dụng các quy định chuyển nhượng cập nhật của FIFA, cho phép các cầu thủ phá vỡ hợp đồng sau một khoảng thời gian nhất định, bất kể thời hạn của hợp đồng ban đầu đã ký.

FIFA đã điều chỉnh Điều 17 trong các quy định của họ để đưa hệ thống chuyển nhượng của bóng đá phù hợp với luật của EU. Chính điều này đã dẫn đến việc Webster hủy hợp đồng với Hearts khi bước vào năm thứ ba trong bản hợp đồng có thời hạn 4 năm.

Tất cả những gì anh ấy cần làm là thông báo cho đội bóng hiện tại về ý định của mình, gia nhập một đội bóng thuộc một liên đoàn khác và đền bù phần còn lại của hợp đồng cho đội bóng mà anh sắp rời đi.

Thương vụ chuyển nhượng sau đó của Webster tới Wigan Athletic đã được FIFA bật đèn xanh vào tháng 9/2006, từ đó tạo ra một tiền lệ pháp lý. Tuy nhiên, Webster sau đó đã bị FIFA phạt và đình chỉ thi đấu vì hủy hợp đồng “vô cớ” và không thông báo trước cho Hearts trước 15 ngày.

“Trường hợp của Webster chủ yếu nói về việc xác định mức bồi thường là bao nhiêu khi một cầu thủ chấm dứt hợp đồng của họ,” Alexander Clarke, chuyên gia luật lao động tại Onside Law nói với The Athletic.

Chủ sở hữu của Chelsea có thể đang xúc tiến các bản hợp đồng dài hạn để giảm hóa đơn tiền lương tại Stamford Bridge. Tuy nhiên, Mudryk vẫn sẽ nhận được mức lương khoảng 97.000 bảng/tuần. Tức là nếu anh ấy tìm cách phá hợp đồng sau một khoảng thời gian nhất định, mức khoản bồi thường cho đội bóng vẫn rất đáng kể. Do đó, Clarke tin rằng nó khó có thể trở thành một yếu tố chi phối chuyện này.

Lược dịch, có chỉnh sửa bài viết “Chelsea’s long contracts: The risks and rewards of a policy influenced by baseball” của Dan Sheldon (The Athletic)

 

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

La Liga và cuộc đua tam mã: Cơ hội chia ba

Mặt trận Châu Âu đã tạm ổn sau khi Real Madrid và đội bóng cùng thành phố Atletico cùng lách qua khe cửa hẹp để tránh được nguy cơ bị loại sớm trong khi Barcelona thì đã vượt hẳn lên sau trận thắng trên sân của Borussia Dortmund. Cả ba ông lớn sẽ trở lại La Liga để lao vào một mặt trận mới mà cũ, cuộc chiếm tranh đoạt ngôi vương ở xứ sở những chú Bò Tót.

Đêm huyền ảo ở Munich

Thật không tưởng và kỳ lạ, nhưng giờ tôi có thể nói với bản thân mình, ‘Chúa ơi, thì ra cảm giác vô địch là thế này! Tôi luôn luôn tự hỏi nó sẽ như thế nào, nhưng giờ tôi đã biết rồi!’.

Cuộc đua vô địch Serie A: Tìm về những ngày xưa cũ

Vòng đấu thứ 12 Serie A mùa giải năm nay khép lại với trận hoà 1-1 giữa hai kẻ đang dẫn đầu bảng xếp hạng là Inter Milan và Napoli. Trận hoà này cùng với những trận thắng trước đó của những Juventus, Atalanta, Fiorentina và Lazio đã khiến cho bảng xếp hạng ở những vị trí dẫn đầu trở nên vô cùng chật chội.