Với việc ngày càng nhiều đội được hưởng phạt đền ở Premier League, có phải đã đến lúc các thủ môn nên chọn một cách tiếp cận với tình huống này bằng phương án táo bạo là chọn không đổ người trong một vài cơ hội đối mặt với cầu thủ đứng ở chấm phạt đền.
Sự ra đời của VAR khiến những trận đấu giờ đây đã có nhiều quả phạt đền hơn so với trước rất nhiều. Sau 2 mùa giải áp dụng VAR, Premier League mùa 2020/21 là mùa giải ghi nhận có nhiều quả phạt đền nhất từ trước đến nay. Cứ trung bình 3 trận sẽ có 1 quả phạt đền, điều đó có nghĩa là tổng mùa giải đó có đến 125 quả phạt đền - cao hơn 13 quả so với kỷ lục gần nhất trong một mùa giải Premier League. Mùa giải này, tỷ lệ phạt đền được trọng tài thổi cho đội hưởng lợi cũng đã xếp cao thứ 3 trong lịch sử giải đấu (trung bình 3,4 trận sẽ có 1 quả phạt đền).
Việc số lượng quả phạt đền được gia tăng khiến các cầu thủ thi đấu tại Premier League giờ đây cũng dành nhiều thời gian hơn để luyện tập cho khả năng sút phạt đền của bản thân mình. Điều đó là dĩ nhiên thôi bởi nếu được hưởng nhiều quả phạt đền hơn thì họ cũng có nhiều cơ hội hơn để ghi bàn.
Ngoài ra một số thay đổi về luật của thủ môn khi đứng trước quả phạt đền cũng khiến những người gác đền gặp khó khăn hơn trước khá nhiều. Điểm đáng chú ý nhất chính là họ phải đứng ở nguyên vị trí đường kẻ ở khung thành cho đến khi cầu thủ sút phạt đền thực hiện pha sút bóng.
Trước mùa giải này, Premier League chưa bao giờ ghi nhận tỷ lệ thành công từ những quả phạt đền cao hơn mức 83,9% kể từ mùa giải 2013/14. Tỷ lệ chuyển hoá một quả phạt đền thành bàn thắng đã từng chạm đáy ở mùa giải 2001/02 khi tỷ lệ thành công của mỗi quả phạt đền chỉ đạt 65,8%. Có tới 7 mùa giải mà tỷ lệ chuyển hoá phạt đền thành bàn thắng ở mức dưới 75%. Trong số đó có mùa giải 2022/23 khi tỷ lệ thành công chỉ đạt 74,8% .
Nhưng có vẻ tỷ lệ thành công của những quả phạt đền đang ngày một gia tăng. Khi nhìn vào tỷ lệ chuyển hoá phạt đền thành bàn thắng trong 5 mùa giải gần nhất ở biểu đồ phía dưới, bạn có thể thấy rõ tỷ lệ chính xác đã được cải thiện theo từng năm. Từ đó có thể nhận định tỷ lệ 74,8% của mùa giải 2022/23 chỉ là một chút bất thường trong sự gia tăng tỷ lệ thành công của những quả phạt đền tại Premier League.
Tỷ lệ thành công của những quả phạt đền gia tăng cũng là hợp lý bởi các tiêu chuẩn chung cho bóng đá hiện giờ đang có sự phát triển rất mạnh mẽ. Sút phạt đền là một kỹ năng riêng biệt, nó có thể lặp đi lặp lại nhiều lần và có rất nhiều môn thể thao cho bạn kỹ năng về những tình huống gần như tương tự. Đây là một kỹ năng mà các tài năng bóng đá có thể tập đi tập lại nhiều lần để trở thành một chuyên gia đứng trước chấm phạt đền. Việc luyện tập thường xuyên sẽ giúp họ có thể giấu đi ý định sút bóng của bản thân đồng thời tìm ra được những vị trí tối ưu để thực hiện một quả đá phạt đền.
Đúng là tỷ lệ thành công đã được gia tăng lên rất nhiều trong những năm gần đây nhưng thông số về những cú đá được nhắm đến vị trí chính giữa khung thành mới khiến chúng ta bất ngờ. Đây là vị trí có tỷ lệ thành công cao hơn rõ rệt so với những góc khác trong khung thành.
Nhưng có một vấn đề cần lưu tâm là hiện giờ chúng ta vẫn chưa có định nghĩa chính xác về việc thế nào thì được tính là một quả phạt đền vào chính giữa khung thành. Chính vì vậy để dễ xác định hơn thì Opta đã cho chúng ta một nhận biết đơn giản như sau: khung thành sẽ được chia ra 3 phần theo chiều dọc và lấy phần trung tâm để xác định đó là một cú đá phạt đền vào chính giữa khung thành.
Khu vực chính giữa khung thành |
Opta cho biết: "Vì mục đích nghiên cứu và đưa ra thống kê, chúng tôi muốn xét đền nhiều phương diện hơn ở một quả phạt đền vào khu vực chính giữa. Chúng tôi không chỉ muốn xác định là điểm kết thúc của trái bóng mà còn muốn nhìn nhận về góc độ của pha dứt điểm là ở mức cao lên nóc lưới, giữa lưới hay một cú sút sệt. Nhưng để dễ dàng nhận biết một quả phạt đền vào giữa khung thành thì chúng ta chỉ cần biết nó sẽ được nhắm vào vị trí 1/3 giữa khung thành. Điều này sẽ giúp ta loại bỏ đi những cú sút hướng về các góc ở 2/3 còn lại của khung gỗ nhưng do đi chệch hướng nên đã kết thúc bằng một bàn thắng ở giữa khung thành.
Tất nhiên chỉ có người sút bóng mới biết được chính xác vị trí mà họ muốn là ở đâu. Nhưng với cách xác định căn bản kể trên thì chúng ta có thể phần nào biết được ý định của từng cầu thủ khi xem lại những pha sút phạt đền của họ".
Và từ cách xác định này, Opta đã nhận ra những cú sút phạt đền đi vào tầm giữa lưới hoặc đi sệt hẳn về 1/3 giữa khung thành cho ra tỷ lệ thành công cao hơn tương đối nhiều so với những cú sút về các góc khác.
Trong mùa giải 2023/24, có tới 14/15 quả phạt đền đi vào giữa khung thành được thực hiện thành công. Trường hợp hỏng ăn duy nhất chỉ là pha sút phạt đền đầu tiên vào giữa khung thành của Mohamed Salah trong trận đấu với Newcastle.
Mùa giải trước, dù tỷ lệ thực hiện thành công phạt đền ở top thấp nhất trong lịch sử Premier League (74,7%) thì vẫn có đến 19/20 quả phạt đền đi vào giữa khung thành được thực hiện thành công. Mùa 2022/23 chỉ ghi nhận đúng một lần hỏng ăn của quả phạt đền vào giữa khung thành là ở pha cản của Jordan Pickford trước phá dứt điểm của James Maddison. Thủ thành số 1 của tuyển Anh sau đó đã tiết lộ rằng anh biết được James Maddison hay có thói quen đá vào giữa khung thành nên đã lừa người đồng hương của mình bằng cảnh giả vờ đổ người trước khi thực hiện pha đứng yên tại chỗ để cản phá thành công quả phạt đền.
Quả phạt đền vào giữa khung thành hỏng ăn duy nhất vào năm ngoái là của James Maddison |
Mùa này tỷ lệ thành công của việc đá phạt đền vào giữa khung thành so với các góc khác đang là 93,3% - 89,1%. Một thông số khá sát nhau nhưng khi nhìn vào tỷ lệ này ở mùa giải trước ta sẽ thấy sự khác biệt rất lớn 95% (giữa khung thành) so với 69,6% (các góc khác của khung thành).
Tổng hợp lại thì những quả phạt đền đi vào giữa khung thành đã chiếm đến 21,2% số lượng các quả phạt đền được sút (35/165). Từ đây sẽ khiến chúng ta đi đến một câu hỏi là: vì sao các thủ môn tại Premier League không thử đứng yên tại chỗ nhiều hơn để cản phá phạt đền?
Dẫu vậy chúng ta vẫn phải xem xét một số yếu tố về quyết định này. Đầu tiên, chúng ta sẽ xét đến việc các cầu thủ đưa ra các phương án "chờ thủ môn" để đá một quả phạt đền. Nó có thể hiểu là người sút phạt đền sẽ tiến từ từ đến trái bóng rồi đợi nhịp di chuyển thủ môn sang một hướng để dứt điểm về hướng còn lại. Đôi khi quả phạt đền được đá vào ngay chính giữa bởi các thủ môn đã có xu hướng đổ người về hai bên. Nếu thủ môn quyết định lì lợm đứng yên tại chỗ chờ thêm 1 giây thì rất có thể quả bóng sẽ được người sút chuyển sang một góc khác trong khung thành.
Sở dĩ phần lớn các cú sút theo phương án "chờ thủ môn" được chuyển sang các góc khác của khung thành là bởi các thủ môn sẽ không được di chuyển khỏi vạch vôi trước khi người sút đá quả bóng nên thường họ sẽ rơi vào trạng thái bị động khi đổ người muộn so với cú sút. Chính vì vậy, sẽ là rất rủi ro khi thực hiện một cú sút vào chính giữa khung thành nếu như thủ môn chưa thực sự đổ người qua xa khỏi vị trí trung tâm. Trong trường hợp gặp phải những thủ môn di chuyển muộn rất có thể cú sút của bạn vẫn sẽ bị thủ môn cản phá trước khi bóng kịp lăn qua vạch vôi. Điều đó là chính xác bởi hầu hết những quả phạt đền được sút vào chính giữa khung thành trong hai mùa giải gần nhất đều không đi theo phương hướng chờ thủ môn di chuyển rồi mới sút. Nói cách khác là các cầu thủ đá phạt đền đã xác định từ trước rằng họ sẽ đã vào chính giữa khung thành mà không cần biết thủ môn sẽ đổ người theo hướng nào.
Và trên thực tế những người đã xác định sút vào giữa đều thành công bởi đơn giản các thủ môn sẽ có xu hướng đổ người về hai bên nhằm đoán hướng sút của đối phương. Các thủ môn trông sẽ khá ngớ ngẩn nếu họ chỉ đứng yên tại chỗ khi phải đối mặt với một quả phạt đền. Việc đứng yên tại chỗ có thể khiến các thủ môn nhận phải những lời chỉ trích kiểu dạng: 'Cậu ta thậm chí còn chẳng có ý định đổ người để cản phá quả phạt đền ấy nữa!'.
Ở quả phạt đền của Salah bên trên, Jordan Pickford đã dũng cảm đứng ở khu vực 1/3 giữa khung thành để hy vọng vào một pha cản phá. Mặc dù Salah đã ghi bàn khi sút về phía góc trái khung thành nhưng Pickford cũng vẫn tỏ ra hài lòng về quyết định của bản thân.
Phương án chọn đứng yên để cản phá cú sút của Salah không phải là ý tưởng tồi từ Pickford bởi trong hai mùa giải gần nhất không có ai sút nhiều vào giữa khung thành khi đá phạt đền như Mohamed Salah (4 lần sút giữa gôn).
Thủ thành Bart Verbruggen của Brighton cũng gần như đã có ý tưởng tương tự. Anh cũng kỳ vọng vào việc Salah sẽ sút vào chính giữa khung thành nên đã đổ người rất muộn. Và chính từ quyết định này đã khiến Verbruggen không thể đổ người kịp với pha dứt điểm về góc trái khung thành của Salah sau đó. Tất nhiên khi một cầu thủ đang đá quá nhiều vào chính giữa khung thành lại thay đổi sút về các góc nhiều hơn sẽ khiến các thủ môn sau đó đối mặt với Salah trên chấm phạt đền đều dự cảm là tiền đạo người Ai Cập rồi sẽ trở lại với cách sút phạt đền quen thuộc của mình.
Kể từ quả phạt đền tại The Amex, Mohamed Salah không đá thêm bất kỳ quả phạt đền nào khác cho đến khi anh đối mặt với Dúbravka ở ngày đầu năm mới 2024. Và như dự tính, Dúbravka vẫn quyết định đánh liều chọn đứng yên tại chỗ để chờ đợi cú sút "quen thuộc" của Salah. Thành quả sau đó thì chúng ta đều đã biết, Mo Salah trở lại với cách đá giữa và Dúbravka cản phá thành công để bảo toàn mảnh lưới cho Newcastle. Chính từ việc trở lại cách đã giữa và thất bại khiến Salah đã phải đổi ngay cách đá của mình ở quả phạt đền cuối trận.
Người sút phạt đền và thủ môn cản phá thực sự là hai người chơi trong trò "ai là gà" (game of chicken). Một trò chơi để đo xem ai mới thực sự là người lì lợm. Cả hai sẽ cùng đối đầu với nhau ở một cung đường và nếu một trong hai đều không chịu chùn bước, họ sẽ đâm vào nhau khiến đôi bên đều thua cuộc. Nhưng nếu có một người chịu rút lui trước và chấp nhận chịu thua thì họ sẽ bị gọi là "gà".
Nếu chỉ vì sợ bị coi là một gã ngớ ngẩn khi không chịu đổ người thì các thủ môn đã chẳng năm lần bảy lượt đưa ra những pha đổ người muộn làm gì. Tất cả đều đã nằm trong nghiên cứu cách đá và suy tính của các thủ môn với từng cầu thủ nhất định.
Chỉ có 2 quả phạt đền ở mùa giải 2023/24 đi không trúng khung thành (thực chất là cả hai đều sút trúng cột dọc). Đó là trường hợp của Erling Haaland trong trận làm khách của Sheffield và Darwin Nunez ở cuộc đối đầu với Chelsea. Thống kê này cũng chỉ ra là đã có nhiều bàn thắng hơn khi những cầu thủ đá phạt đền trở nên giỏi hơn trong việc đánh lừa thủ môn. Sở dĩ nói như vậy là bởi các thủ môn sẽ phải đứng nguyên tại vạch vôi và không được di chuyển quá sớm. Chỉ khi bóng rời khỏi chân người sút họ mới có quyền rời khỏi vị trí nên việc đưa ra quyết định cản phá ở hướng nào sẽ gặp khó khăn hơn rất rất nhiều so với trước đây. Chính vì thế có nhiều ý kiến cho rằng việc đánh liều đứng yên tại chỗ trước một quả phạt đền đôi khi còn tăng khả năng cả phá hơn rất nhiều cho các thủ môn.
Lần gần nhất bóng đi trúng cột dọc ở tình huống phạt đền là ở quả đá của Darwin Nunez |
Từ góc nhìn của người sút thì dĩ nhiên việc sút thẳng vào chính giữa khung thành về nhiều mặt sẽ là lựa chọn dễ dàng nhất. Sút vào chính giữa sẽ giúp họ tránh đi nguy cơ đá hỏng hơn việc hướng về hai góc của khung thành bởi thủ môn thường sẽ có xu hướng rút lui để đổ người và chọn làm "gà" trong những cuộc đối đầu như thế này.
Có lẽ đã đến lúc các thủ môn tại Premier League phải tỏ ra lì lợm hơn và đánh liều nhiều hơn khi đối đầu với những quả phạt đền bằng cách đứng tại khu vực trung tâm của khung thành.
Nguồn: Why More Premier League Goalkeepers Should Stand Still at Penalties - Ali Tweedale (The Analyst)