Thiên tài hội ngộ - Cuộc trò chuyện giữa Pep Guardiola và vua cờ Magnus Carlsen

Tác giả BLV Hoàng Thông (Le Foot) - Thứ Tư 13/12/2023 14:50(GMT+7)

Vừa qua, Pep Guardiola và vua cờ từng 5 lần vô địch thế giới Magnus Carlsen đã cùng nhau có một cuộc chuyện trò thú vị, về chiến thuật và tinh thần – tâm lý trong bóng đá lẫn cờ vua. 

 

•    Ngày hôm nay, nhờ có sự tài trợ từ PUMA, chúng tôi mang đến trường quay hai thiên tài. Một người từ bóng đá và một người từ cờ vua. Xin được chào đón Pep Guardiola và Magnus Carlsen. Cảm ơn hai vị khách đã tham gia cùng chúng tôi. Chúng ta sẽ cùng nhau nhìn lại những “nước đi” tài ba của hai người ở bộ môn của mình. Nhưng trước khi bắt đầu, tôi muốn hỏi Pep về Magnus, cũng như về môn cờ vua. Ông có say mê cờ vua không nhỉ?

Pep: “Có chứ. Từ khi còn là một cậu bé, tôi đã bắt đầu chơi cờ vua. Cha tôi có dạy tôi một chút về môn này. Nhưng rồi tôi nhận ra mình sẽ không tài nào đánh bại được Magnus. Vì thế tôi tự nói với bản thân ‘Thôi, rút lui.’ Và đó chính là quyết định của tôi.”

•    Hóa ra thời khắc sự nghiệp chính là vậy. Giờ đến lượt Magnus, tôi muốn hỏi anh về Pep Guardiola và tình yêu của anh dành cho bóng đá.

Magnus: “Tôi cũng mê bóng đá từ nhỏ. Hồi nhỏ tôi chơi đá bóng thường xuyên lắm. Ngày nào học xong tôi cũng ở lại trường để chơi đá bóng với bạn bè. Chỉ khi về nhà tôi mới chơi cờ vua. Cuối cùng tôi nhận ra mình giỏi chơi cờ vua hơn và tôi lựa chọn đi theo con đường ấy.”

•    Lựa chọn thế đúng chuẩn quá còn gì! Anh có thấy sự tương đồng giữa bóng đá và cờ vua không, Magnus?

Magnus: “Ồ, đương nhiên rồi. Tôi nghĩ trong cờ vua lẫn trong bóng đá, mấu chốt là kiểm soát khu vực trung tâm. Nếu bạn chiếm giữ được trung tâm, bạn sẽ kiểm soát được cả bàn cờ hoặc cả sân đấu. Ngoài ra, còn có một khía cạnh khác. Trong cờ vua, rất thường xuyên nếu bạn tấn công về một cánh, đối phương sẽ quá tải ở cánh đó, bấy giờ bạn sẽ tìm cách chuyển tấn công sang cánh đối diện và có được lợi thế ở cánh đó. Vậy nên, ở phạm trù không gian, cờ vua và bóng đá khá tương đồng nhau.”

•    Có vẻ ông bị ấn tượng với những chia sẻ từ Magnus thì phải, Pep? 

Pep: “Đúng quá còn gì. Cậu ấy nói hay quá! Đúng như Magnus nói, những chia sẻ của cậu ấy là hoàn toàn chính xác. Tôi cho rằng cách bạn tấn công cũng như phòng ngự sẽ tùy thuộc vào nước đi của đối thủ. Bạn tổ chức tấn công dựa trên cách di chuyển của đối thủ. Do đó, bạn phải chú ý đến từng hành động của đối thủ và tìm cách phản ứng theo. Với Magnus, cậu ấy có thể sẽ có khoảng 2 tiếng đồng hồ để lựa chọn nước cờ tiếp theo. Còn với chúng tôi, chúng tôi sẽ có nửa giây để quyết định và đáp trả. Mọi thứ tùy thuộc vào những gì diễn ra.”

(Bàn thắng của Phil Foden vs Nottingham Forest)

 

•     Tôi nghĩ tất cả những ai đang theo dõi cuộc trò chuyện này sẽ thấy rằng vài phút ít ỏi vừa qua thật thú vị đúng không?! Giờ hãy cùng đến với một số đoạn video clip. Đầu tiên là video clip mà tôi tin chắc các fan của Man City sẽ nhớ được. Pep, tôi không chắc liệu ông có nhận ra ngay lập tức hay không. Đây là bàn thắng của Phil Foden trước Nottingham Forest.

Pep: “Có chứ, tôi nhớ rất rõ vì đây là trận đấu ở mùa giải này. Thế trận khá chặt chẽ và các cầu thủ của tôi đều ở đúng vị trí của họ. Như những gì Magnus đã phân tích, ở đây chúng tôi tấn công ở cánh trái, rồi sau đó đột ngột chuyển hướng tấn công sang cánh phải và người phát động phải nhanh chóng làm điều đó. Trong những tình huống thế này, quan trọng nhất vẫn là hành động của từng cá nhân. Các pha một-đấu-một, sự bình tĩnh, canh đúng thời điểm để trừng phạt đối thủ.”

“Ngoài ra, trong những tình huống này, chúng tôi cũng phải cẩn thận không cho đối phương có cơ hội chuyển đổi trạng thái nhanh từ phòng ngự sang tấn công. Nhỡ chẳng may để mất bóng, bạn phải ngăn không cho đối thủ phản công, vì họ sẽ chạy thật nhanh để khai thác khoảng trống.”

“Đâu là thời điểm trừng phạt đối thủ? Chính là đây… Xuống bóng sâu ở biên trái, luân chuyển bóng sang cánh phải, di chuyển tấn công ra sau lưng hàng thủ đối phương và dứt điểm. Tất cả những hành động trong quy trình này giống như Magnus đã chỉ ra: quá tải một cánh, chuyển hướng tấn công, thọc hậu. Bạn cũng phải nhắc đến cả chất lượng từ đường chuyền của Rodri, Kyle Walker với pha tấn công ra sau lưng và cú dứt điểm từ Phil Foden.”

•    46 đường chuyền tổng cộng dẫn đến bàn thắng đó. Magnus, có phải như vậy rất ấn tượng đúng không?! Sự bình tĩnh trong cờ vua quan trọng ra sao hả Magnus? Bởi như Pep có nói về sự điềm tĩnh trong khâu triển khai bóng, rồi lựa chọn thời điểm trừng phạt đối thủ này kia…

Magnus: “Tôi cũng hoàn toàn tán thành vì trong cờ vua cũng tương tự như vậy. Rất thường xuyên bạn sẽ tìm cách điều binh khiển tướng, khéo léo điều khiển các quân cờ để tìm ra được điểm yếu của đối thủ, rồi khi khe hở xuất hiện, bạn phải chớp lấy thời cơ đấy thật nhanh chóng… Lúc anh nói rằng đây là bàn thắng của Foden trước Forest, tôi nhớ ra ngay vì trong lúc xem trận đấu, tôi cũng đã trông chờ vào một pha tấn công quyết định ở cánh phải.”

(Thế cờ trong ván đấu giữa Wesley So với Magnus Carlsen)

 

•    Giờ hãy đến với video clip tiếp theo, về Magnus. Đây là ván đấu của anh trước Wesley So. Anh còn nhớ gì vào thế cờ này?

Magnus: “Tôi nhớ rõ là mình đã để thua vài ván trước Wesley và thời gian lúc này đang cạn dần, chúng tôi chỉ còn khoảng vài giây. Tôi đã chơi ván cờ này không thật sự tốt, cả hai chúng tôi đều rất hồi hộp. Nhưng cuối cùng tôi đã vượt qua được để giành chiến thắng.”

•    Làm cách nào mà anh có thể giữ được bình tĩnh trong một môi trường đầy áp lực đến vậy?

Magnus: “Tôi nghĩ câu trả lời đơn giản là có những lúc bạn không tài nào hoàn toàn giữ bình tĩnh được cả. Đơn giản là hãy cố bình tĩnh hơn một chút so với đối thủ. Thường thì trong những thời khắc quan trọng, tôi sẽ cố gắng chậm lại một chút nếu còn thời gian. Tập trung và hít thở chậm rãi. Nếu không hiệu quả thì đúng là tôi đang gặp rắc rối thật sự.”

•    Thế còn Pep thì sao, cũng câu hỏi tương tự dành cho ông. Ông cũng chơi trong một môn thể thao với áp lực cực lớn, làm cách nào để ông kiểm soát được cảm xúc của mình?

Pep: “Magnus nói đúng đấy. Bạn không thể nào kiểm soát được cảm xúc của mình. Có những lúc tôi biết rõ đang có vấn đề gì đó không ổn, song cũng có những lúc tôi không thể nào biết chuyện gì đang xảy ra. Trong những thời điểm như vậy, như Magnus có nói, tốt nhất là hít một hơi thật sâu, thư giãn khoảng 1 phút. Vì bóng đá đôi khi sẽ tự nó sai khiến một tình huống. Và có thể khoảng 3 hay 5 phút sau, bạn sẽ có được phương án giải quyết. Càng căng thẳng và lo lắng, bạn sẽ không có cơ hội để tìm ra giải pháp.”

(Quân tốt của Magnus sắp sửa được phong Hậu)

 

Pep quay sang Magnus: “Thế cờ này trông có vẻ là anh ta không kiểm soát được khu trung tâm nhỉ?”

Magnus trả lời Pep: “Đúng vậy, anh ta không kiểm soát được khu trung tâm.”

Pep thỏa mãn: “Thế ngon rồi.”

Magnus giải thích: “Nhưng chìa khóa ở đây là tôi đang có một quân tốt gần đi đến hàng cuối. Đấy, ông thấy nó không?! Nó gần như ‘queening’ (phong Hậu). Nên là trừ khi anh ta ăn con tốt đó của tôi, bằng không tôi sẽ thắng.”

(Bàn thắng của Bernardo Silva vs Aston Villa)

 

•    Và đúng là Magnus đã thắng. Tuyệt vời thật! Giờ hãy đến với một video clip khác. Đây là một bàn thắng phản công nhanh.

Pep: “Đúng, một bàn thắng từ chuyển đổi trạng thái nhanh.”

•    Một kiểu bàn thắng không điển hình của City, nhưng là một bàn thắng đẹp mắt. Ông nhờ gì về bàn thắng này, Pep?

Pep: “Chúng tôi không thích chơi phản công nhanh, nhưng trong bóng đá bạn phải biết cách tận dụng nó. Cả tình huống này, Riyad Mahrez là người giữ bóng, Fernandinho phát động phản công nhanh và chúng tôi có thế 2v1 ở trên cùng. Đối phương cứ tìm cách tấn công và tấn công, thế nên đôi khi bạn phải trừng phạt họ. Quả tạt này của Gabriel Jesus thật sự chất lượng, hoàn hảo. Cả pha kết thúc của Bernardo Silva nữa.”

“Trong bóng đá, có những lúc bạn hành động hoàn toàn dựa trên bản năng của mình. Trong thời khắc đó với Bernardo, cậu ấy đơn giản là không cần phải suy nghĩ gì thêm. Tất cả đều tùy thuộc vào bản năng, vào kỹ thuật, không phải sức mạnh gì cả, chỉ là mở cơ thể hoàn hảo để tung ra cú sút thôi. Chính chất lượng xử lý làm nên phần còn lại.”

•    Đôi lúc tôi thầm nghĩ, City đã ghi được vô vàn những bàn thắng đẹp mắt kể từ khi ông làm HLV trưởng. Khi chứng kiến các học trò ghi những bàn thắng như thế, như cú dứt điểm này của Bernardo, ông có cảm thấy kinh ngạc không?

Pep: “Ồ có chứ. Những cầu thủ này đều tài năng cả. Họ thật sự rất tài năng. Hãy nhìn vào pha xử lý bóng trong không gian hẹp của Riyad Mahrez, cậu ấy không để mất nó, dù đang bị bao vây ở vùng 16m50 trên phần sân nhà và phải biết cách dùng cơ thể của mình để che chắn bóng. Sau đó, bùm một phát, với vị trí hoàn hảo của Fernandinho, cậu ấy thực hiện một pha chuyển đổi trạng thái. Nhưng nếu không có pha xử lý thành công của Riyad, bàn thắng đã không thể diễn ra.”

•    Thế còn với cờ vua thì sao, Magnus? Có thời điểm nào anh có cơ hội để chuyển từ tình thế phòng thủ sang tấn công chỉ trong vài nước cờ?

Magnus: “Đương nhiên là có rồi. Một lần nữa, nguyên tắc trong bóng đá và cờ vua là giống nhau. Thỉnh thoảng, thay vì đẩy quân cờ lên tấn công, bạn có thể giữ vị trí và phòng thủ, chớp lấy thời cơ để phản công. Vì cũng như trong bóng đá, ở cờ vua, bạn sẽ có những khoảng trống sau lưng các quân cờ tấn công của đối thủ để khai thác. Khá giống nhau đấy!”

•    Với những trận đấu như thế này, khi rất khó để xuyên thủng hàng phòng ngự đối phương, chiến lược vạch ra sẽ là gì, Pep? 

Pep: “Chắc chắn là sẽ có những lúc bạn gặp phải thế trận kiểu này rồi. Nói thật thì bấy giờ, bạn nên đợi, đợi đối phương suy nghĩ theo hướng ngược lại. Cái khó ở đây là trong những phút đầu tiên, chúng tôi bắt đầu suy nghĩ rằng mình phải chơi theo kiểu khác, khoảng một hay hai khía cạnh gì đó. Đôi khi thay đổi để thích nghi là chuyện rất khó.”

•    Thế anh thì sao, Magnus? Anh có thường thay đổi chiến thuật của mình khi kế hoạch vạch ra ban đầu không như ý? Hay những lúc như thế, anh vẫn sẽ cố gắng trung thành với phương án A?

Magnus: “Thú thật là nãy giờ nghe Pep chia sẻ, đầu óc tôi như được mở mang thêm. Nghe nó sướng gì đâu! Còn về câu hỏi của anh thì đúng là có những lúc tôi buộc phải thay đổi chiến thuật dựa trên đối thủ của mình. Nếu bạn gặp khó khăn để tấn công đối thủ, bạn phải thay đổi. Nhưng cũng có khi, bạn cần giữ nguyên kế hoạch đã đề ra và chờ đợi đối phương mắc sai lầm. Cờ vua cũng giống như bóng đá vậy, hãy khiến đối phương gặp khó khăn.”

(Bàn thắng của Erling Haaland vs Brighton)

 

•    Đây là một bàn thắng theo kiểu khác nữa của City, cũng không phải kiểu điển hình của Pep. Bàn thắng đến rất bất ngờ, nhưng mà lại hiệu quả, Pep nhỉ?

Pep: “Mọi người hay đặt câu hỏi ‘Chúng tôi tấn công như thế nào?’ Và tôi sẽ trả lời ‘Nói tôi nghe cách đối thủ phòng ngự trước City xem nào.’ Ở trận đấu này, Brighton của bạn tôi, Roberto De Zerbi, quyết định chơi phòng ngự một-một. Khi chơi phòng ngự một-một như vậy, Ederson sẽ là người tự do, các cầu thủ còn lại của tôi đều bị theo kèm. Khi thời cơ đến, Erling sẽ chạy và vì là thế một-một, nếu cậu ấy giành chiến thắng trong pha đấu tay đôi, cơ hội sẽ tới. Tôi vốn không phải là fan của kiểu bàn thắng thế này. Nhưng cũng như phòng ngự phản công, bạn phải biết cách tận dụng nó. Cũng như Tiger Woods với cú đánh gậy sắt 5 vậy.”

Magnus: “Cá nhân tôi cũng sẽ nói điều tương tự như thế.”

Pep: “Đúng nhỉ?! Có cơ hội thì khai thác thôi. Nếu Erling phải đấu với 2 hay 3 cầu thủ phòng ngự, chúng tôi sẽ không chơi kiểu này. Không bao giờ. Nhưng nếu là thế trận một-kèm-một, tại sao lại không? Chúng tôi khai thác và nó hiệu quả. Vấn đề là bạn phải tìm cách thích ứng, phải tấn công theo những cách khác nhau. Bàn thắng trước Nottingham Forest và bàn thắng này trước Brighton, đó là hai ví dụ hoàn hảo cho những cách thức tổ chức tấn công khác biệt nhau.”

(Thế cờ trong ván đấu giữa Ian Nepomniachtchi với Magnus Carlsen)

 

•    Đúng là hoàn hảo thật! Một video clip khác dành cho Magnus, cũng một trận chung kết và thêm một ván đấu cho thấy anh là một bậc thầy tấn công. Anh nhớ gì về thế cờ này, Magnus?

Magnus: “Đây là thế cờ cũng như một pha phản công điển hình trong bóng đá. Tôi bị ép trong phần lớn ván đấu. Nhưng rồi anh ta mắc một sai lầm và như các bạn có thể thấy, xung quanh quân Vua của tôi có những ô trống. Có một thời điểm trong ván đấu này, anh ta để một trong những quân cờ của tôi được tự do, và rồi tôi có cơ hội phản công liên tục. Tất cả các quân cờ của tôi bấy giờ đều trong thế tấn công đồng loạt. Chỉ sau 4 hay 5 nước đi, tôi chiếu bí anh ta.”

•    Quả thực là vậy! Nhưng phải nói là anh đã chơi ván đấu này trước Ian lâu thật sự. 7 tiếng rưỡi đồng hồ. Với 136 nước cờ. Anh cảm giác ra sao sau một ván đấu dài marathon như vậy?

Magnus: “Tôi thấy bình thường! Tôi thậm chí sẵn sàng đấu thêm với anh ta nữa. Vì đó là bước ngoặt của trận đấu, là khoảnh khắc tôi đã chờ đợi rất lâu, sau 6 ván đấu của trận đấu này. Tôi còn nhớ mình đã rất bình tĩnh khi ấy, tập trung trong suốt 2 tiếng rưỡi. Tôi còn rất ít thời gian nhưng tôi biết chắc thời cơ đã đến. Chỉ cần giành chiến thắng, tôi sẽ có thể vô địch Thế giới thêm một lần nữa. Vậy nên, tôi biết rõ đây là cơ hội của mình. Sau đó, tôi cũng hoàn toàn bình thản. Tôi còn nói với quản lý của mình rằng tôi sẵn sàng chơi thêm 3 tiếng nữa nếu cần thiết, vì kiểu gì tôi cũng sẽ thắng.”

(Biểu cảm của Pep khi biết ván đấu giữa Magnus Carlsen với Ian Nepomniachtchi là ván đấu cờ vua dài nhất trong lịch sử vòng chung kết thế giới – 7 giờ 45 phút)

 

•    Pep, 7 tiếng rưỡi chỉ đạo ngoài đường biên, nghe ổn không?

Pep: “Thôi bỏ đi! Không đời nào đâu! Tôi không thể hình dung nổi là mình có thể tập trung vào cùng một thứ suốt 7 tiếng được. Sở dĩ Magnus có cảm giác như vậy vì cờ vua là đam mê, là tình yêu, là thứ cậu ấy làm bậc thầy. Cậu ấy mới có thể tập trung trong suốt một thời gian dài đến thế. Và cũng là lý do vì sao Magnus vô địch thế giới không biết bao nhiêu lần.”

•    Tôi ngồi đây và tôi tin là bất kỳ ai theo dõi cuộc trò chuyện này từ xa cũng có chung cảm nhận, rằng chúng ta có thể nghe hai con người này lan tỏa trí tuệ của họ suốt 2 giờ đồng hồ cũng chẳng sao. Nhưng tiếc là, chúng ta chỉ có ngần này thời gian. Cảm ơn Pep và Magnus rất nhiều đã tham gia cùng chúng tôi. Đây là “Pep Guardiola và Magnus Carlsen: Những nước đi tài ba”.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cuộc đua vô địch Serie A: Tìm về những ngày xưa cũ

Vòng đấu thứ 12 Serie A mùa giải năm nay khép lại với trận hoà 1-1 giữa hai kẻ đang dẫn đầu bảng xếp hạng là Inter Milan và Napoli. Trận hoà này cùng với những trận thắng trước đó của những Juventus, Atalanta, Fiorentina và Lazio đã khiến cho bảng xếp hạng ở những vị trí dẫn đầu trở nên vô cùng chật chội.

Manchester United: Bao giờ cho đến ngày xưa

Từ một thế lực lớn của bóng đá thế giới, Manchester United đang sa sút trầm trọng thời kỳ hậu Sir Alex Ferguson. Và cuộc chia tay của đội chủ sân Old Trafford với Erik ten Hag càng đào sâu vào cuộc khủng hoảng của đội bóng lừng danh một thời.

Tại sao những ngôi sao bóng đá lại đầu tư vào Esports?

Có hai cách chính để các cầu thủ bóng đá tham gia vào sân chơi esports. Họ có thể dành thời gian để xây dựng một lượng người theo dõi đáng kể trên mạng xã hội - những người muốn xem họ chơi trò chơi điện tử hoặc không thì sẽ là đầu tư trực tiếp vào một tổ chức thể thao điện tử chuyên nghiệp.

Lionel Messi và hồi ức về màn ra mắt Barcelona

Ngày 16 tháng 10 năm 2004 sẽ mãi được ghi nhớ như một khoảnh khắc quan trọng trong lịch sử Barcelona. Đó là ngày, Lionel Messi, một cậu thiếu niên tóc xù và chưa được nhiều người biết đến đã có trận ra mắt cho đội bóng xứ Catalunya trong trận đấu với Espanyol.

Cầu thủ, huấn luyện viên đang thực sự lo ngại về sức khoẻ cầu thủ hiện nay

Rodri, Pep Guardiola, Heung-Min Son, Alisson và Manuel Akanji đã lên tiếng về khối lượng lịch thi đấu và sức khỏe cầu thủ trong những phần trả lời ở giai đoạn đầu mùa giải 2024/25. Và ở bài phân tích Sky Sports đã đưa ra những nghiên cứu để phát hiện ra rằng khối lượng thi đấu của bóng đá hiện đại so với các thập kỷ trước có sự khác biệt như thế nào.