Tại sao những ngôi sao bóng đá lại đầu tư vào Esports?

Tác giả Skeleton - Thứ Tư 16/10/2024 16:09(GMT+7)

Zalo

Có hai cách chính để các cầu thủ bóng đá tham gia vào sân chơi esports. Họ có thể dành thời gian để xây dựng một lượng người theo dõi đáng kể trên mạng xã hội - những người muốn xem họ chơi trò chơi điện tử hoặc không thì sẽ là đầu tư trực tiếp vào một tổ chức thể thao điện tử chuyên nghiệp.

thumb bai TDP
 

Diogo Jota là một trong những tiền đạo xuất sắc nhất của Liverpool. Nhưng không chỉ dừng lại ở việc xuất sắc bên ngoài sân cỏ thực tế, tiền đạo người Bồ Đào Nha cũng đứng gần đầu bảng trong lĩnh vực thể thao điện tử (esports).

Vào tháng 11 năm 2021, Jota đã ghi hai bàn trong chiến thắng 4-0 trước Southampton và ăn mừng bàn thắng đầu tiên bằng cách giả vờ chơi trò chơi điện tử - anh ngồi xuống sàn và lắc ngón tay cái để mô phỏng việc đang chơi tay cầm.

Để kịp tham gia trận đấu với Wolves tại Premier League, Diogo Jota đã phải bỏ dở một trận đấu vòng loại cho giải đấu FIFA 22 để quay lại trở lại thi đấu ở sân cỏ thực tế.

Đối với Jota, trò chơi điện tử không chỉ là một thú vui. Anh đã dành không ít thời gian để rèn luyện kỹ năng với trái bóng dưới chân cũng như với chiếc tay cầm trong tay.

Năm 2020, khi còn thi đấu cho Wolverhampton Wanderers, Diogo Jota là người chiến thắng đầu tiên của giải ePremier League Invitational - nơi các cầu thủ Premier League đối đầu với nhau trên trò chơi FIFA 20. Thời điểm đó Jota đã lên ngôi vô địch sau khi đánh bại người đồng đội trong tương lai - Trent Alexander-Arnold trong trận chung kết. Năm 2021, anh được xếp hạng số 1 thế giới trên chế độ Ultimate Team của FIFA 21.

z5936015152562_c7d27cdcfcf811d87e23517d6b1a98e2
Jota ăn mừng chức vô địch Premier League Invitational sau khi đánh bại Arnold

Esports - là một thế giới đầy cạnh tranh của những trò chơi điện tử và là một ngành công nghiệp đang thực sự bùng nổ ở giai đoạn hiện tại. Theo dự báo của Statista - một nền tảng dữ liệu kinh doanh, doanh thu của ngành esports dự kiến sẽ đạt 4,3 tỷ USD vào năm 2024. Đến năm 2029, doanh thu toàn cầu của esports được kỳ vọng sẽ đạt 5,9 tỷ USD. Ngành này đang hưởng lợi rất lớn từ những cái tên nổi tiếng trên thế giới, đặc biệt là các cầu thủ bóng đá.

Có hai cách chính để các cầu thủ bóng đá tham gia vào sân chơi esports. Họ có thể dành thời gian để xây dựng một lượng người theo dõi đáng kể trên mạng xã hội - những người muốn xem họ chơi trò chơi điện tử hoặc không thì sẽ là đầu tư trực tiếp vào một tổ chức thể thao điện tử chuyên nghiệp.

Các tổ chức esports được điều hành tương tự như một số câu lạc bộ thể thao tại châu Âu. Họ sẽ có một tập thể những vận động viên chơi nhiều trò chơi khác nhau như EA Sports FC 24, Call of Duty, Fortnite,... để kiếm tiền từ các giải đấu hoặc xây dựng lượng khán giả theo dõi trực tuyến trên các nền tảng phát streaming như Twitch. Khi đã có lượng khán giả đủ ổn định, người chơi có thể kiếm tiền từ "quảng cáo, donate (tặng quà) và lượt đăng ký kênh" - chia sẻ từ Jannik Hulshoff, cựu giám đốc điều hành của Twitch.

jota
Jota ăn mừng theo phong cách chơi tay cầm

Cựu tiền đạo của Manchester City - Sergio Aguero là một trong những cầu thủ bóng đá nổi tiếng nhất trong lĩnh vực esports. Ở tuổi 36, anh hiện đang sở hữu một đội tuyển esports riêng. Nhưng nhìn về quãng thời gian khởi đầu, Aguero bắt đầu bằng việc livestream chính mình chơi game trước khi ra mắt kênh tạo kênh Twitch để streaming - nơi anh chơi FIFA và Valorant (một trò chơi bắn súng theo góc nhìn thứ nhất). Anh là một trong những streamer phát triển nhanh nhất trên nền tảng Twitch vào năm 2020 sau khi đạt được hơn 800.000 người theo dõi trong vòng 1 tháng - thông số theo trang web Dexerto (trang tin tức về esports và streaming).

Vào năm 2023, anh đã cho ra mắt KRU Esports và tuyên bố trở thành CEO của đội tuyển esports này. 3 năm sau, Lionel Messi - đồng đội cũ của anh ở đội tuyển Argentina cũng đã gia nhập với KRU Esports với vai trò là đối tác để giúp nâng cao tầm nhìn của thương hiệu của team trên toàn cầu. Hiện tại, Aguero đang có 4,8 triệu người theo dõi trên nền tảng Twitch.

"Với anh ấy (Aguero), việc chuyển đổi sự quan tâm của người hâm mộ từ bóng đá sang việc theo dõi KRU Esports diễn ra một cách dễ dàng vì Sergio Aguero đã xây dựng được một mối liên kết mạnh mẽ với thế giới esports từ trước đó," Philippe Adam, giám đốc tài chính của G2 Esports - một trong những đội tuyển esports lớn nhất châu Âu cho biết.

KRU đã mở rộng sang cả thế giới của padel — đội của họ dự kiến sẽ thi đấu trong Hexagon Cup vào năm 2025 - một giải đấu sẽ có sự góp mặt của những người nổi tiếng như Eva Longoria, Rafael Nadal, Andy Murray và Robert Lewandowski. Nhưng nhìn chung, trọng tâm chính của KRU Esports vẫn là esports. Theo esportsearnings - một trang web theo dõi thu nhập của các đội trong các giải đấu chuyên nghiệp, KRU Esports đã kiếm được hơn 692.000 USD từ 69 giải đấu esports họ tham gia.

Trong khi những cầu thủ như Diogo Jota và Sergio Aguero nổi tiếng trong làng esports nhờ chơi game thì cũng có những cầu thủ bóng đá khác đã tham gia vào esports vì lý do quảng bá, tạo dựng hình ảnh hoặc hỗ trợ các đội esports mà họ đầu tư hoặc hợp tác. Casemiro, David de Gea, Bruno Fernandes và Juan Mata là những cái tên đã tham gia vào các đội esports mà không cần tự mình chơi game.

kru esports
Các thành viên của KRU Esports vào năm 2021

Tiền vệ của Manchester United - Casemiro đã giúp một tổ chức ra mắt vào năm 2020. Đội Case Esports của anh chủ yếu tập trung vào một esports duy nhất là Counter-Strike 2 - game bắn súng theo góc nhìn thứ nhất. Đội esports của Casemiro đã kiếm được hơn 111.000 USD từ 39 giải đấu họ tham gia (theo esportsearnings)

Ba năm trước, De Gea - cựu cầu thủ của Manchester United đã thành lập nên Rebels Gaming - đội esports chủ yếu chơi League of Legends - một trò MOBA (trò chơi đấu trường bao gồm nhiều người chơi tham gia cùng lúc). Hai đồng đội cũ của anh tại Manchester United là Bruno Fernandes và Mata đã tham gia tổ chức với tư cách là nhà đầu tư vào năm 2022. Rebels Gaming hiện có khoảng 75.000 người theo dõi trên mạng xã hội và họ đã kiếm được khoảng 77.000 USD từ 27 giải đấu đã tham dự.

Đội tuyển esports của Diogo Jota - Luna Galaxy (trước đây được biết đến với tên gọi Diogo Jota Esports) có hơn 90.000 người theo dõi trên mạng xã hội và đã kiếm được hơn 450.000 USD từ 20 giải đấu họ tham dự. Tiền đạo của Liverpool cũng có 2,4 triệu người theo dõi trên Instagram - nơi anh đặt miêu tả trên trang cá nhân là một... "game thủ" và thường xuyên đăng tải những hình ảnh liên quan đến Luna Galaxy.

Khác với các khoản đầu tư thông thường - nơi mà các cầu thủ chỉ cần đóng góp một khoản tiền vào một tổ chức họ tin tưởng và giao phó trách nhiệm sử dụng khoản tiền vào các mục đích đầu tư thu về lợi nhuận, việc sở hữu cổ phần trong một tổ chức esports không có nhiều giá trị nếu những ngôi sao bóng đá không tích cực tham gia quảng bá tên tuổi cho đội esports của họ. 

z5936035976700_00f607de35c8e31f1a920888f795dfbb
 

Khoản đầu tư của một cầu thủ bóng đá không phải lúc nào cũng cần phải là tài chính. Xây dựng một lượng khán giả trên Twitch và sau đó kiếm tiền từ quảng cáo, các nguồn tài trợ và quà tặng từ người hâm mộ cũng là một hướng đi khác mà họ có thể chọn lựa.

“Việc tham gia vào lĩnh vực này không đòi hỏi quá nhiều điều kiện” Philippe Adam của G2 cho biết. “Bất kỳ ai cũng có thể bắt đầu một đội esports nhưng có một rào cản lớn để thực sự vươn tới thành công. Một vận động viên không có những trải nghiệm trực tiếp với esports sẽ gặp khó khăn hơn để chạm tới những thành công trong ngành này. Bạn có thể là một người nổi tiếng nhưng không có nghĩa khi bạn tham gia sân chơi esports bạn sẽ thu hút được nhiều người xem."

Chi phí để bắt đầu công việc streaming thì khá rẻ nhưng việc xây dựng một tổ chức esports có thể cạnh tranh ở đẳng cấp cao nhất lại tốn kém hơn rất nhiều.

“Bạn có thể chọn cách làm của Wrexham và cố gắng xây dựng một câu lạc bộ từ con số 0 (quá trình tương đối mất thời gian và tài chính) hoặc làm theo cách của Real Madrid - một đội tuyển đã có danh tiếng và sự công nhận từ khắp nơi trên thế giới,” Alban Dechelotte, giám đốc điều hành của G2 Esports, nói.

“Nếu bạn chọn cách của Real Madrid (gia nhập một đội tuyển tên tuổi đã có sẵn trong thế giới esports), nhiều khả năng dự án sẽ tự thành công và công việc của bạn chỉ đơn giản là tập trung vào việc tăng giá trị của bản thân và giá trị mà bạn có thể mang lại cho tổ chức."

“Một tổ chức nhỏ với một đội tuyển duy nhất ở một quốc gia có thể tiêu tốn của chủ đầu tư khoảng dưới 1 triệu bảng để vận hành và duy trì đội. Nhưng sau đó bạn sẽ không thấy lợi nhuận từ khoản tiền của mình đã bỏ ra trong 5 năm tới vì đó sẽ không phải là một hành trình mang lại lợi nhuận lớn ngay từ thời điểm bạn bỏ tiền vào.”

Diogo-Jota-Twitch
Diogo Jota trên sóng stream của Luna Galaxy trong trận đấu tại ALL STAR GAME năm 2021

Những tổ chức lớn hơn có các đội tuyển thi đấu ở nhiều trò chơi khác nhau. Ví dụ như Guild Esports đã tham gia các giải đấu của EA FC 24, Fortnite, Street Fighter, Sim Racing, Tekken, EWC và Apex Legends.

Ngoài việc trả lương cho các tuyển thủ, các đội này thường thuê một lượng lớn nhân viên hỗ trợ bao gồm đầu bếp, chuyên gia dinh dưỡng, nhà tâm lý học và huấn luyện viên để hỗ trợ cho các tuyển thủ có thể thi đấu tốt nhất. Khi nhân lên với số lượng tuyển thủ trong các đội, việc xây dựng một đội esports có tiếng tăm với những game thủ giỏi nhất có thể trở nên tốn kém rất nhiều tiền từ chủ đầu tư.

Sau những khoản đầu tư cho đội thì sẽ đến chi phí tiếp thị. Theo Forbes, David Beckham đã kiếm được 15 triệu bảng trong vòng 5 năm sau khi nhận vai trò là gương mặt đại diện và đang là đồng sở hữu của Guild Esports.

Giá trị mà David Beckham mang lại cho Guild Esports đến từ việc anh được công nhận là một trong những gương mặt nổi tiếng nhất thế giới. Virgil van Dijk đã ký hợp đồng với Tundra Esports vào năm 2022 - một tổ chức có trụ sở tại London và tham gia tổ chức này với vai trò đại sứ thương hiệu cũng như cổ đông. Tại thời điểm hậu vệ của Liverpool gia nhập Tundra, tổ chức này đã có đội Dota 2 có thứ hạng hàng đầu thế giới và các nhà vô địch tại giải Fortnite Champion Series.

tundra
 

Cũng như David Beckham, Van Dijk chọn "con đường Real Madrid" khi đã gia nhập một tổ chức esports đã có uy tín trên thế giới. Về lý thuyết, việc gắn kết một tên tuổi lớn với một thương hiệu cho phép công ty đó ký được nhiều hợp đồng tài trợ hơn và mở rộng việc quảng bá hình ảnh của chính mình. Điều này là cực kỳ quan trọng trong ngành esports bởi nếu chỉ dựa vào tiền thưởng từ các giải đấu, các tổ chức rất khó để duy trì bền vững trong một thời gian dài.

Đối với những cầu thủ bóng đá muốn chuyển sang thế giới esports sau khi giải nghệ, họ sẽ có đôi chút lợi thế nếu thể hiện ngay mình là người quan tâm tới sân chơi này ngay từ khi còn đang thi đấu chuyên nghiệp.

Một nhóm các tuyển thủ Brazil, bao gồm Casemiro, Gabriel Jesus thường tham gia chơi Counter-Strike và đang cố gắng xây dựng lượng người hâm mộ của riêng họ trong thế giới các trò chơi điện tử.

Gabriel Jesus đã từng bị cấm tạm thời khỏi Counter-Strike 2 vào tháng 1 năm 2024 sau khi dính cáo buộc cài đặt phần mềm gian lận trong khi tham gia chơi game. Vào thời điểm đó, Gabriel Jesus đã chi 30.000 bảng Anh cho các vật phẩm trong trò chơi này. Và sau khoảng hơn 1 tuần than trời trên mạng xã hội vì tài khoản mình vô tình dính lệnh cấm từ Steam, tiền đạo của Arsenal đã được gỡ ban và có thể tiếp tục tham gia trò chơi cùng với các anh em bằng hữu của mình.

Tất nhiên, khi nhắc đến Counter Strike, chúng ta không thể bỏ quan cái tên Neymar - một cầu thủ kiêm gamer “cực kỳ nghiện" bộ môn Counter-Strike. Neymar đã từng chia sẻ những thông điệp công khai trên trang cá nhân để ủng hộ FURIA - một đội esports của Brazil khi họ tham gia các giải đấu Counter Strike trên thế giới. Vào năm 2022, anh đã đăng tải một bài viết trên Instagram cho thấy anh đang tham dự một sự kiện có sự góp mặt của FURIA để xem những tuyển thủ mình hâm mộ thi đấu Counter-Strike.

“Chỉ vài phút sau bài đăng đang đi xem FURIA, anh ấy đã phải có cho mình một chiếc máy tính bảng để mở trận đấu của PSG đang diễn ra ở Pháp. Sở dĩ anh ấy làm vậy vì các cổ động viên PSG bắt đầu cảm thấy khó chịu khi Neymar ưu tiên Counter-Strike hơn đội bóng của mình đang thi đấu,” - Michal Blicharz, phó chủ tịch phát triển sản phẩm của ESL Gaming, công ty esports lâu đời nhất thế giới chia sẻ.

neyamr
Neymar tại sự kiện Esports World Cups ở Ả Rập Saudi

Neymar đã tham gia loạt trận đấu biểu diễn tại Esports World Cups ở Ả Rập Saudi vào mùa hè năm ngoái. Nếu Neymar có muốn theo đuổi sự nghiệp esports sau khi kết thúc sự nghiệp cầu thủ, chắc chắn biệt danh game thủ "chân chính" của anh từ thời còn thi đấu sẽ được coi là một lợi thế lớn - theo ý kiến của Blicharz.

“Các tuyển thủ chơi Counter-Strike hàng đầu của Brazil đang là bạn với những cầu thủ bóng đá hàng đầu của nước này. Những cầu thủ bóng đá nổi tiếng của Brazil đều là fan của Counter-Strike,” Blicharz cho biết. "Khi các cầu thủ bóng đá nổi tiếng cũng tham gia và công nhận trò chơi điện tử, nó tạo ra một sự đồng điệu và sự tôn trọng giữa thế giới thể thao truyền thống và thể thao điện tử. Từ đó sẽ khiến người hâm mộ cảm thấy những sở thích của họ đối với trò chơi được nhiều người công nhận, trong đó có cả những cầu thủ bóng đá nổi tiếng hàng đầu của thế giới."

Nhưng liệu một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp có thể trở thành một tuyển thủ esports hàng đầu, thi đấu ở cấp độ cao nhất và thống trị các giải đấu giống như cách họ làm trên sân bóng hay không?

“Chúng ta đang nói về các trò chơi được hàng trăm triệu người chơi trên toàn thế giới,” Dechelotte của G2 chia sẻ. “Và chúng ta đang nói về những người giỏi nhất trong số những người giỏi nhất - những người chơi game từ khi 15 tuổi đã nhận được sự hỗ trợ từ đồng đội, đối thủ, các nhân viên và huấn luyện viên để giúp họ trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình khi tham gia vào esports. Việc để một cầu thủ bóng đá trở thành một tuyển thủ esports hàng đầu và thống trị các giải đấu như khi họ thi đấu chuyên nghiệp gần như là điều không thể xảy ra."

Theo Ajay Rose (NY Times)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Lionel Messi và hồi ức về màn ra mắt Barcelona

Ngày 16 tháng 10 năm 2004 sẽ mãi được ghi nhớ như một khoảnh khắc quan trọng trong lịch sử Barcelona. Đó là ngày, Lionel Messi, một cậu thiếu niên tóc xù và chưa được nhiều người biết đến đã có trận ra mắt cho đội bóng xứ Catalunya trong trận đấu với Espanyol.

Cầu thủ, huấn luyện viên đang thực sự lo ngại về sức khoẻ cầu thủ hiện nay

Rodri, Pep Guardiola, Heung-Min Son, Alisson và Manuel Akanji đã lên tiếng về khối lượng lịch thi đấu và sức khỏe cầu thủ trong những phần trả lời ở giai đoạn đầu mùa giải 2024/25. Và ở bài phân tích Sky Sports đã đưa ra những nghiên cứu để phát hiện ra rằng khối lượng thi đấu của bóng đá hiện đại so với các thập kỷ trước có sự khác biệt như thế nào.

X
top-arrow