Thật sự thì danh sách những cái tên sử dụng tốt chân không thuận ở thế hệ trước cũng không nhiều cho lắm. Nhưng điều thú vị là thế hệ sau này cũng không cho ra thấy được sự khác biệt về số lượng cầu thủ có thể sử dụng thuần thục cả hai chân.
|
Trong khi theo dõi trận giao hữu giữa U21 Pháp và U21 Hàn Quốc vào tháng 11 tại Le Havre, trợ lý đội U21 Pháp - Gael Clichy đã lắc đầu và tỏ vẻ không tin vào những gì mình chứng kiến:
"Tôi có thể thấy 4 đến 5 cầu thủ có thể chơi bằng cả hai chân, giống như Santi Cazorla vậy. Tôi nghĩ điều này thật 'bất bình thường'".
"Tính ở U21 Pháp, chúng tôi chỉ có Raya Cherki - cầu thủ đang chơi cho Lyon có thể chơi bằng cả hai chân. Đó là cầu thủ thứ 2 mà tôi biết trong sự nghiệp của mình có thể thi đấu tốt bằng cả hai chân. Ngoài ra thì chắc có thêm Ousmane Dembele của PSG. Nhưng thật kỳ lạ khi ngày hôm nay khi xem hai đội thi đấu, tôi thấy bốn hoặc năm cầu thủ của Hàn Quốc có thể đá tốt bằng cả hai chân".
Ngày hôm đó tại Le Havre, U21 Hàn Quốc đã đả bại U21 Pháp có sự phụ trách của Gael Clichy với tỉ số 3-0.
Gael Clichy đã theo dõi 5 trận đấu trước đó của U21 Hàn Quốc để chuẩn bị cho trận đấu ngày hôm đó và anh cảm thấy rất ngạc nhiên với những gì đã chứng kiến. Chính vì vậy anh đã lên đã lên kế hoạch để tới xứ sở kim chi nhằm tìm hiểu bóng đá Hàn Quốc đã phát triển những cầu thủ thuận cả hai chân như thế nào.
U21 Pháp đối đầu với U21 Hàn Quốc ở trận giao giữ tại Le Havre |
"Tôi không thể ngừng suy nghĩ về những gì mình đã chứng kiến. Điều gì sẽ xảy ra nếu như bạn thấy 4 hoặc 5 cầu thủ của U21 Pháp hoặc đội bóng mà tôi có thể dẫn dắt trong 5-6 năm nữa có thể chơi tốt bằng cả hai chân? Với những cầu thủ như thế bạn có thể cho họ chơi ở vị trí trung tâm hoặc trái phải tuỳ ý bởi vì họ có thể chơi tốt bằng cả hai chân."
Nhìn bề ngoài thì những cầu thủ chơi tốt bằng hai chân không có gì đáng nói để bàn luận cho lắm. Tuy nhiên khi chúng ta nhắc tới những cầu thủ thực sự đẳng cấp khi sử dụng tốt cả hai chân thì đó lại là một điều gì đó rất bí ẩn (những người được nhắc đến ở đây là Glenn Hoddle và Kenny Dalglish).
Việc Hàn Quốc có những thế hệ kế cận thi đấu tốt bằng cả hai chân không phải là điều ngẫu nhiên bởi cầu thủ đang ghi nhiều bàn thắng nhất bằng hai chân trong lịch sử Premier League cũng đến từ Hàn Quốc - và đó là tiền đạo Son Heung-min của Tottenham Hotspur. Đội trưởng của Tottenham đã ghi 46 bàn ở Premier League bằng chiếc chân trái không thuận của mình. Người xếp sau tiền đạo người Hàn Quốc là - Harry Kane, một đối tác rất ăn ý với Son Heung-min trong thời điểm cả hai thi đấu cùng nhau. Và vị trí top 3 ở danh sách này thuộc về Robin van Persie.
Son Woong-jung - bố và cựu huấn luyện viên của Son Heung-min đã chia sẻ với The Athletic rằng vài năm trước chương trình đào tạo của Hàn Quốc đã tiến cấp hơn rất nhiều khi chủ động huấn luyện các cầu thủ trẻ có thể sút bằng cả hai chân.
"Trong trường hợp của con trai tôi - Son Heung-min, tôi biết thằng nhóc thuận chân phải nhưng tôi đã huấn luyện nó từ bé rằng làm phải mọi thứ từ mang tất, đi giày bình thường, giày bóng đá, mặc quần áo, đeo đồng hồ hoặc bất kỳ điều gì nó sinh hoạt đều phải bắt đầu từ bên trái trước. Chính vì thế thằng bé không bao giờ quên điều tôi dặn về khả năng thuận hai chân".
Đó là câu chuyện nuôi dạy con của bố Son Heung-min nhưng câu chuyện về Gael Clichy cũng rất thú vị. Chúng ta ghi nhớ một điều là Clichy thi đấu hầu hết sự nghiệp ở vị trí hậu vệ trái mặc dù bản chất anh ta là người thuận chân phải.
Hạt giống cho quá trình chuyển đổi kể trên đã được gieo trồng từ khi anh còn rất trẻ. Bố của Gael Clichy cũng là HLV của Clichy, ông ấy có một biện pháp gần giống với bố của Son Heung-min là không cho phép bất kỳ bàn thắng nào của con mình được phép ghi bằng chân phải (chân thuận của Clichy). Tất nhiên việc được tạo thói quen như thế đã giúp Gael Clichy cải thiện rất nhiều khả năng sử dụng chân trái của mình, nhưng cho tới thời điểm này yếu tố lớn nhất ảnh hưởng tới việc phát triển thuần thục bên chân không thuận thực chất nằm ở quá trình tại trường học. Thời điểm đó Gael Clichy thường xuyên dứt điểm vào bức tường tại học viện bóng đá mà anh theo học thời điểm đó là Castelmaurou - học viện nằm ở miền nam nước Pháp.
Ở thời điểm Clichy gia nhập Arsenal vào năm 2003, chân thuận của Clichy trên thực tế là chân trái và chân phải (vốn dĩ ban đầu là chân thuận) lại là bên chân phải cố gắng bắt kịp trình độ của chân còn lại. Trên thực tế, từ thời điểm đó Clichy đã chuyển sang làm hậu vệ trái nên Arsene Wenger đã ra quyết định chiêu mộ anh về đội.
"Thực sự thì tôi không có suy nghĩ giống bố kiểu như 'Con sẽ trở thành một hậu vệ cánh trái' hay 'con sẽ phải thi đấu chuyên nghiệp mà không được phép ghi bàn bằng chân phải (chân thuận)'. Nhưng sau đó tôi lại tin rằng nếu bản thân chỉ là một cầu thủ thuận chân phải đơn thuần thì có lẽ cánh cửa với bóng đá chuyên nghiệp đã khép lại với tôi từ lâu rồi" - Clichy chia sẻ.
Cái tên Santi Cazorla thường được nhắc đến trong chủ đề này bởi một lý do rất chính đáng: cầu thủ người Tây Ban Nha chính là hình mẫu gần nhất với một cầu thủ thuận cả hai chân ở thời kỳ hiện đại.
Trước đây từng có một đoạn clip ghi lại cảnh Santi Cazorla chuẩn bị thực hiện một quả phạt góc cho Arsenal ở trận gặp Watford bằng chân phải. Ở tình huống này, chỉ có duy nhất Laurent Koscielny là ra dấu cho Cazorla để thực hiện một quả tạt có độ cuộn vào trong (inswinger). Ở trường hợp bình thường, nếu có đồng đội ra hiệu như vậy, một cầu thủ khác sẽ tiến tới vị trí cột cờ góc để thực hiện thay cho cầu thủ không thuận chân. Nhưng thay vì chuyển nhiệm vụ cho người khác, Santi Cazorla đã đi vòng qua cột cờ góc, căn chỉnh lại điểm chạm bóng và thực hiện pha đưa vào cho Koscielny bằng chân trái.
Santi Cazorla đã đổi cách đá phạt góc chỉ sau một cú ra hiệu của Koscielny
|
Thực tế quả phạt góc này không mang lại kết quả cụ thể sau đó cho Arsenal nhưng nó lại được lan truyền rất rộng rãi trên mạng xã hội. Nó chỉ ra những thứ bất bình thường khi một cầu thủ có đủ sự tự tin để thực hiện một pha bóng chết bằng cả hai chân.
Và một vụ ồn ào trên mạng lại tiếp tục xảy ra khi Ivan Perisic thực hiện các quả phát góc cho Tottenham Hotspur bằng cả hai chân trong trận gặp Chelsea cách đây vài năm.
Perisic cũng khiến người hâm mộ ấn tượng ở mùa trước bằng việc đá góc bằng cả hai chân
|
Các cựu cầu thủ của Ngoại hạng Anh đã từng bàn về khả năng John Terry có thể dứt điểm chéo góc bằng chân trái hay làm cách nào Tom Huddlestone có thể sút bóng đỉnh đến vậy bằng cả hai chân. Thêm vào đó là cách mà Cristiano Ronaldo đã luyện tập rất đều đặn khi còn trẻ để biến những điểm yếu của mình thành điểm mạnh.
Tất nhiên, cũng sẽ có những ví dụ khác có thể nói tới về khả năng sử dụng chân không thuận của mình. Và cú volley của Zinedine Zidane trong trận chung kết Champions League 2002 đã chứng minh tất cả những kỹ thuật mà tiền vệ người Pháp có được ở phía chân không thuận. Thật sự thì danh sách những cái tên sử dụng tốt chân không thuận ở thế hệ trước cũng không nhiều cho lắm. Nhưng điều thú vị là thế hệ sau này cũng không cho thấy được sự khác biệt về số lượng cầu thủ có thể sử dụng thuần thục cả hai chân.
Dữ liệu của StatsBomb ở phần sau của bài viết này sẽ cho chúng ta một cái nhìn khá thú vị, nó chỉ ra một số cầu thủ hàng đầu tại Premier League hiếm khi sử dụng chân không thuận để thực hiện đường chuyền. Liệu ai có thể nghĩ rằng một cầu thủ chơi ở vị trí tiền vệ trung tâm như Mateo Kovacic chỉ thực hiện trung bình 2/100 đường chuyền bằng chân trái (chân không thuận của Kovacic) tại một đội bóng như Man City?
Có lẽ thông số đó làm bạn bất ngờ nên việc đưa ra dữ liệu về một cầu thủ chạy cánh người Brazil đang chơi cho Man United có thể sẽ khiến bạn bớt bất ngờ hơn chút.
"Nếu Antony mà đạp xe, chắc cậu ấy chỉ xoay vòng vòng thôi phải không? Bởi cậu ta có một cái chân trái rất xuất sắc nhưng chân phải lại gần như chẳng bao giờ được sử dụng". đó là những bình luận của BLV Steve Wilson (đài BBC) nói về màn trình diễn của Antony sau hiệp 1 trận đấu với Newport County ở FA Cup vào tháng trước. Nhưng có lẽ thật trớ trêu cho Steve khi Antony lại đáp trả những bình luận mỉa mai đó bằng một bàn thắng bằng chân phải ở trong hiệp 2.
Bình thường, các bình luận viên trên truyền hình sẽ nói ngược lại với những vì BLV Steve WIlson làm và kết thúc bằng một lời bảo vệ cầu thủ đã phung phí cơ hội bằng cách nêu bật những pha bỏ lỡ đó bằng lí do họ sút "ở chân không thuận" - một bình luận có thể khiến rất nhiều cổ động viên bóng đá phải vò đầu bứt tai vì sự đối lập ở đây.
Lập luận đó có thể hiểu một cách đơn giản: Làm sao một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, người đang chơi ở đẳng cấp cao nhất và nhận hàng triệu USD tại đội bóng lại có thể lấy một lời bào chữ rằng họ sút quả đó tệ vì đó là chân không thuận của mình?
Antony làm một ví dụ điển hình của việc quá phụ thuộc vào chân trái
|
Trước khi đến với những phân tích sâu hơn, sẽ có một câu hỏi trắc nghiệm để bạn có thể hỏi bạn bè của mình: Tại Premier League, chỉ có hai cầu thủ ghi bàn trên chấm phạt đền bằng cả chân trái và chân phải? Họ là ai?
Và câu trả lời cho câu hỏi kể trên là Obafemi Martins - cựu tiền đoạ của Newcastle và Birmingham và Bobby Zamora - cựu cầu thủ của Tottenham, West Ham, Fulham và Queens Park Rangers.
"Tôi chỉ biết về thông số phạt đền của mình khi ở QPR, giai đoạn cuối trong sự nghiệp của tôi tại Premier League. Tôi đã thực hiện một vài quả đá phạt bằng chân trái và tôi cũng có thể thực hiện điều đó dễ dàng bằng chân phải. Chính vì thế tôi mới nghĩ: 'Chết tiệt, hãy để tôi ghi bàn trên chấm penalty bằng cả hai chân vì sẽ không có ai làm được điều đó cả" - Bobby Zamora chia sẻ.
Là một cầu thủ thuận chân trái từ bé, Zamora cũng không hề giấu diếm ý định sút bằng chân không thuận khi ghi bàn cho Fulham vào lưới Newcastle vào năm 2012. Huyền thoại người đức Andreas Brehme, một nhân vật nổi tiếng hơn và được mọi người ghi nhớ nhiều hơn cũng đã ghi bàn trên chấm phạt đền bằng cách tương tự vào lưới của Argentina ở trận chung kết World Cup 1990. Một trường hợp khác là nữ cầu thủ Brandi Chastain cũng đã sút quả luân lưu quyết định để giúp tuyển nữ của Mỹ đánh bại tuyển nữ Trung Quốc trong trận chung kết World Cup nữ năm 1999. Năm ấy Brandi đã được huấn luyện viên của mình yêu cầu sút bằng chân không thuận để khiến thủ môn đối phương bị lúng túng.
Đối với Bobby Zamora, thì quả phạt đền vào lưới Newcastle bằng chân không thuận là điều hoàn toàn bình thường bởi anh đã từng ghi những bàn thắng xuất sắc khác cho Fulham bằng chân phải của mình. Anh chính là tác giả của bàn thắng tuyệt đẹp vào lưới Shakhtar Donetsk ở vòng 1/16 của Europa League mùa giải 2009/10. Năm ấy Fulham của Roy Hodgson đã vào tới trận chung kết nhưng tiếc là họ lại không thể chạm đến ngôi vương sau thất bại 1-2 trước Atletico Madrid.
"Tôi nghĩ bản thân mình thuận chân trái từ lúc lọt lòng rồi. Nhưng có điều tất cả những đứa trẻ đồng trang lứa với tôi khi đó vào tầm 5-6 tuổi đều đá bóng trên đường phố bằng chân thuận là chân phải. Lúc ấy tôi cảm thấy mình hơi kỳ lạ và có điều gì không đúng ở đây. Chính vì lẽ đó tôi đã cố gắng để chơi bóng bằng chân phải. Bản thân tôi cho rằng khi bạn học bất kỳ thứ gì đó khi còn trẻ thì mọi thứ sẽ có phần dễ dàng hơn một chút. Đến khoảng tầm 10 hay 11 tuổi gì đó khi đá bóng ở mấy giải đấu Chủ nhật thì tôi đã có thể hài lòng với cả hai chân của mình". - Bobby Zamora chia sẻ
Một trường hợp khác có thể nhắc tới là Kevin De Bruyne của Manchester City - anh là chủ nhân của cú hattrick bằng chân không thuận vào lưới của Wolves vào hai năm trước và được coi là cầu thủ có thể thực hiện những cú sút sấm sét bằng cả hai chân. Và khả năng này có lẽ bắt nguồn từ hồi còn bé, một phụ huynh bạn của De Bruyne ngày ấy đã quát tháo tiền vệ người Bỉ vì đã phá hoại khu vườn sau nhà.
"Hồi đó tôi không được phép sút bóng bằng chân phải vì tôi đã phá hoại những cây hoa trong vườn nhà bạn tôi. Họ bảo tôi phải sút bằng chân trái. Lúc ấy tôi còn trẻ lắm nên tôi nghĩ tôi đã luyện tập rất nhiều để giờ đây việc sút bóng bằng cả hai chân trở nên tự nhiên hơn rất nhiều".
Dẫu vậy bên ngoài kia vẫn có một vài lối tư duy táo bạo như vậy trong bóng đá.
Cụ thể nó xuất hiện tại AFC Wimbledon ở League Two - giải hạng tư của bóng đá Anh. Ở đây các cầu thủ ở trong học viện phải mang một chiếc tất khá kỳ lạ cho chân không thuận ở trong các buổi tập và thậm chí là cả trong trận đấu.
Wimbledon chấp nhận việc cho các cầu thủ đi một màu tất nổi bật hơn sẽ giúp ích cho đối phương trong các trận đấu. Tuy nhiên việc đi tất như vậy đôi khi sẽ là một nguồn động lực để các cầu thủ luyện tập thi đấu bằng cả hai chân nhằm cải thiện bản thân. Và tất nhiên sẽ có phần thưởng cho những người làm tốt nhiều vụ đó: họ sẽ được mang những đôi tất cùng màu nếu có thể trở thành cầu thủ đá tốt bằng cả hai chân.
Cầu thủ U9 của AFC Wimbledon với 2 chiếc tất khác màu
|
Điều đó cho thấy hoàn toàn không có sự phóng đại khi nói về tầm quan trọng của việc phát triển cho cả hai chân của cầu thủ bóng đá ngay từ những thời điểm đầu tiên của sự nghiệp.
"Bạn phải bắt đầu việc khuyến khích việc đá tốt bằng cả hai chân ở những cấp học viện và khiến cho các cầu thủ cảm thấy hứng thú với điều đó ngay từ những ngày còn trẻ, thời điểm mà hệ thần kinh trung ương của chúng vẫn còn phát triển. Nó cũng giống như việc bạn học bơi hay đi xe đạp vậy. Mọi thứ thật dễ dàng khi ta còn nhỏ. Ngày bé, chúng ta sẽ dễ dàng lĩnh hội được mọi thứ và phối hợp những thứ cần thiết tốt hơn. Tuy nhiên điều đó sẽ khó khăn hơn nhiều nếu bạn bắt đầu mọi thứ sau tuổi 20. " - đó là chia sẻ của HLV Vitor Pereira - HLV của Al-Shabab, người từng tham gia công tác huấn luyện tại Fenerbahce và Porto khi thảo luận về Arda Guler - một măng non đầy tài năng của bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ đã gia nhập Real Madrid vào năm ngoái.
Một số cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp còn cố gắng cho hai chân của mình bắt kịp trình độ bằng cách sử dụng thời gian riêng của mình để tập luyện - và đôi khi chuyện này không được mọi người nhìn thấy. Nghe có vẻ hơi kỳ lạ đúng không, nhưng có những cầu thủ tại Premier League đã từng chi tiền để có huấn luyện viên đến tận khu vườn sau nhà thực hiện những buổi một kèm một nhằm cải thiện cho chiếc chân không thuận của họ. Ở một khoảng vườn riêng tư thì họ có thể tập trung vào việc cải thiện chân không thuận của bản thân mà không lo ai đó sẽ thấy được những sai sót họ gặp phải.
Dẫu vậy cũng chả có con đường tắt nào để tiến tới thành công bất kể là bạn có luyện tập ở nơi riêng tư hay tại nơi công cộng.
"Bản phải trở thành một cầu thủ rất kiên cường, bởi để có thể đá thuần thục hai chân sẽ cần một công cuộc đấy. Đôi khi với tư cách là một cầu thủ, bạn sẽ cảm thấy xấu hổ vì điều đó bởi bạn nhận thấy bản thân gặp khó khăn khi điểm yếu đã bị lộ ra." - Clichy chia sẻ những khó khăn mà anh đã từng phải trải qua khi cố gắng giúp chân phải bắt kịp trình độ trở lại với chân thuận sau này (chân trái) khi gia nhập Arsenal.
Thierry Henry là người đã hỗ trợ Clichy rất nhiều ở khâu sử dụng chân không thuận
|
Gael Clichy nhớ vào thời điểm đó Thierry Henry là người thường xuyên đưa anh tới một khoảng sân để tập luyện kỹ năng sút bằng phần mu bàn chân ở chân không thuận .
"Hồi đó tôi kiểu: 'Chân phải của tôi không còn được tốt cho lắm vì thực ra bây giờ tôi là cầu thủ thuận chân trái'. Lúc đầu khi sút bằng chân phải tôi bóng cứ đi như hình quả chuối vậy, đi hết hướng này tới hướng khác. Nhưng sau một vài tuần luyện tập và cũng được bổ trợ bởi sự đam mê trong việc cải thiện chính mình nên tôi đã cảm thấy việc sút bóng bằng chân phải có phần tự tin hơn nhiều".
Tuy nhiên, không phải ai cũng sẵn sàng bỏ thời gian và công sức để tập luyện chuyện đó giống như De Bruyne hay Clichy. Một số cầu thủ sẽ có hết sức để hướng trái bóng về phía chân thuận của họ.
"Ngay cả ở những đẳng cấp cao nhất, bạn vẫn có thể thấy một vài cầu thủ cảm thấy không thoải mái với chân không thuận của họ, và nó trông thực sự rất buồn cười. Những cầu thủ mà tôi nhắc tới ở đây là những cầu thủ ở đẳng cấp thượng thừa, tuyển thủ của đội tuyển quốc gia rồi. Bạn cứ thử đưa một quả bóng về chân không thuận của họ mà xem, họ sẽ chẳng khác nào mấy con cá được quẳng lên cây đâu" - Bobby Zamora chia sẻ thêm.
"Tất nhiên họ cũng có thể làm một số thứ với chân không thuận nhưng nó còn dựa vào tính ổn định và sự chính xác nữa. Ví dụ, có những cầu thủ có thể đá một quả bóng chéo góc bằng chân không thuận nhưng đó chỉ là việc chơi bóng trong khu vực nhất định mà thôi. Những thứ đơn cử như việc chuyền bóng chính xác đến một ai đó trong đội bằng chân không thuận sẽ khó thực hiện hơn nhiều so với phía chân thuận".
Vậy ở Premier League hiện tại có ai chơi bóng bằng cả hai chân thường xuyên hơn cả? Câu trả lời đó chính là Raphael Varane và Aaron Hickey.
Hai cái tên mà mọi người có lẽ ít có thể hình dung ra đúng không. Nhưng trên thực tế, họ là những cầu thủ chuyền bóng bằng hai chân nhiều nhất tại Premier League mùa này.
Dựa theo dữ liệu do StatsBomb cung cấp trước vòng đấu thứ 23, Varane của Manchester United đã thực hiện 52% đường chuyền bằng chân phải và 48% bằng chân trái; Aaron Hickey (Brentford) thì có một thông số ngược lại với 52% bằng chân trái và 48% bằng chân phải. Thông số gần như đồng đều giữa hai chân giúp họ nằm ở khu vực giữa của bảng xếp hạng những cầu thủ sử dụng hai chân nhiều nhất tại Premier League mùa này (dựa trên những cầu thủ thi đấu tối thiểu 100 phút). Những cầu thủ chuyền bóng nhiều nhất bằng hai chân sẽ xếp trên hoặc dưới Varane và Hickey tuỳ vào độ chênh lệch giữa chân trái và phải trong bảng xếp hạng phía bên dưới.
Những cầu thủ chuyền bóng nhiều nhất bằng hai chân |
Xét về thông số của Hickey thì chắc chắn có bị ảnh hưởng bởi việc phải thay đổi vị trí. Anh làm một cầu thủ thuận chân phải từ bé nhưng phải thi đấu bên phía cánh trái để trám vào vị trí của Rico Henry - người gặp phải chấn thương hồi đầu mùa.
Còn nói về Varane thì vị trí của cựu tuyền thủ Real Madrid lại phải xét theo một góc nhìn khác. Bởi 8/20 cầu thủ chuyền bóng nhiều nhất bằng hai chân tại Premier League mùa này đều là trung vệ. Đây là vị trí mà bạn có nhiều thời gian để cầm bóng và đưa ra quyết định chuyền bóng hơn so với các vị trí còn lại. Có thể mô tả khu vực thi đấu của những trung vệ là an toàn hơn cả nên họ khá thoải mái khi luân chuyển quả bóng bằng cả hai chân.
Và điều đó đúng với Varane khi anh thi đấu tại Man United, cầu thủ này rõ ràng rất thoải mái khi cầm bóng bằng cả hai chân (theo thông kê - Varane là cầu thủ chuyền bóng bằng hai chân nhiều nhất tại Premier League mùa 21/22).
Dữ liệu ở bảng phía dưới đây lại cho thấy hai ví dụ khác về những trung vệ hàng đầu. Nhưng họ không chuyền nhiều bằng cả hai chân mà chỉ chuyền nhiều bằng chân phải của mình. Hai người đó là Ibrahima Konate của Liverpool (95% đường chuyền bằng chân phải) và Cristian Romero (94% chuyền bằng chân phải).
Kovacic là cầu thủ sử dụng chân phải nhiều nhất tại Premier League mùa này
|
Việc Konate và Romero chơi ở phía cánh thuận là một phần ảnh hưởng đến thông số kể trên. Tất nhiên điều đó đúng nhưng một cầu thủ thuận chân phải mà chơi ở vị trí trung vệ trái sẽ có khả năng luân chuyển bóng đồng đều hơn nhiều. (Marc Guehi của Crystal Palace là một ví dụ điển hình)
Dẫu vậy, tỷ lệ Raphael Varane có được khá thú vị. Lý do là bởi Erik ten Hag đã từng đề cập tới việc Jonny Evans và Victor Lindelof (hai cầu thủ thuận chân phải như Varane) sẽ là những lựa chọn tốt hơn so với Varane ở vị trí trung vệ trái nếu như Lisandro Martinez vắng mặt.
Ten Hag nói : “Việc triển khai không trôi chảy khi một trong số họ (Harry Maguire hoặc Varane) phải chơi ở vị trí trung vệ trái".
Maguire là một cầu thủ dành phần lớn thời gian thi đấu ở vị trí trung vệ cánh trái tại CLB và ĐTQG. Nhưng trước đây, The Athletic đã từng nhấn mạnh về vấn đề Harry Maguire thường xuyên sử dụng mặt ngoài của giày bên phải khi thi đấu ở cánh trái để kiểm soát bóng những trái bóng được đưa về phía mình. Hậu vệ người anh sẽ không làm một điều ngược lại là để quả bóng lăn qua chân phải và thực hiện pha khống chế bóng bằng chân trái.
Man United sẽ gặp vấn đề trong khâu triển khai bóng nếu để Varane và Maguire đá trung vệ trái |
Phương pháp nhận bóng hơi dị đó của Maguire khiến anh bị hạn chế đi khá nhiều góc để chuyền bóng cho hậu vệ chạy cánh trái hoặc trong một số trường hợp là với tất cả những cầu thủ còn lại.
Ngược lại với sự khó khăn của những trung vệ Man United thì một trung vệ thuận chân trái hoặc phải sẽ thoải mái hơn nhiều nếu như họ có thể sử dụng chân không thuận của mình để nhận bóng. Từ pha khống chế bóng, họ có thể thực hiện đường chuyền về phía trước theo một quỹ đạo hoàn toàn khác - một đường chuyền có thể là sự khác biệt giữa một đội có thể thoát được lối chơi hoặc gặp bế tắc trong quá trình triển khai bóng.
Tóm lại, việc trở thành một trung vệ thuận cả hai chân vào ngày nay là rất có lợi. Và Jarrard Branthwaite của Everton là người đáp ứng được yêu cầu này.
Mặc dù một số HLV cũ khẳng định Branthwaite là cầu thủ thuận chân phải nhưng bản thân cầu thủ này lại nói một điều ngược lại vào hồi đầu mùa giải: "Tôi thuận chân trái, nhưng tôi lại được đánh giá 5 sao ở chân không thuận trên trò FIFA mới!". Trên lý thuyết, tỷ lệ chuyền bóng bằng hai chân được đều ở mức 59% và 41% của Branthwaite là rất ấn tượng, đặc biệt là khi anh chơi ở vị trí cánh thuận chân của mình.
"Nếu thực hiện một đường chuyền dài, tôi sẽ sử dụng chân trái của mình. Còn nếu chỉ là chuyền ngắn tôi sẽ sử dụng chân phải" - Branthwaite giải thích về cách sử dụng hai chân của mình khi chuyền bóng.
Branthwaite trong bàn thắng vào lưới của Chelsea
|
Đó là những thông số của hậu vệ nhưng khi chuyển sang dữ liệu chuyền bóng của các tiền vệ sẽ cho thấy một vài thứ đáng ngạc nhiên.
Về mặt lý thuyết, những tiền vệ trung tâm là những cầu thủ có kỹ thuật tốt nhất và được kỳ vọng sẽ có khả năng chuyền bóng thường xuyên bằng cả hai chân. Nhưng thực tế lại không xảy ra với một số cầu thủ như Martin Odegaard (94% chuyền chân trái), Jorginho (95% chuyền chân phải), Bruno Guimaraes (96% chuyền chân phải), Rico Lewis (97% chuyền chân phải) và Kovacic (98% chuyền chân phải).
Tuy nhiên thật khó để đưa ra lập luận rằng phong độ của 1 trong 5 cầu thủ kể trên bị ảnh hưởng nhiều do họ phải phụ thuộc phần lớn vào chân thuận của mình.
Nếu có được số liệu thống kê của Steven Gerrard từ thời điểm anh còn thi đấu thì thật dễ dàng để hình dung 5 người kể trên có điểm chung với cựu đội trưởng của The Kop. Nhưng nhìn chung, chỉ có một số ít bàn thắng trong tổng số 120 bàn của Gerrard ghi tại Premier League được thực hiện bằng chân trái. Tuy nhiên những gì Gerrard có thể làm với chân thuận (chân phải) theo lời của Bobby Zamora thì nó thực sự rất đặc biệt.
Cái chân phải của Gerrard thực sự khiến Zamora cảm thấy ấn tượng
|
"Cái chân phải của Steven Gerrard thật sự đáng kinh ngạc. Tôi nhớ khi tập trung trên tuyển Anh, chúng tôi có thực hiện buổi tập giữ bóng và Gerrard dùng chiêu chuyền bóng đi sát mặt cỏ rất đỉnh - đường chuyền của anh ấy chắc chỉ cách mặt cỏ có một milimet mà thôi. Ở Fulham hay West Ham, nếu bạn có thể làm điều đó thì mọi người sẽ kiểu: "Xuất sắc, trông đường chuyền đẳng cấp thật". Nhưng bạn có tin được không Gerrard đã chuyền kiểu đó khoảng 10 lần khi chúng tôi tập luyện cùng nhau trên tuyển Anh và lúc đó tôi nhớ mình đã nghĩ kiểu: 'Ôi Chúa ơi, cái điều đang xảy ra thật quái đản'". - Bobby Zamora nhớ lại.
Số đường chuyền gần bằng nhau ở hai chân có thể không quá quan trọng bằng việc bạn sử dụng chân không thuận của mình như thế nào ở những thời khắc quan trọng của trận đấu. Điều đó đặc biệt phù hợp với các tiền đạo khi cơ hội chỉ đến trong tích tắc và họ buộc phải tận dụng nó tốt nhất có thể. Và Diogo Jota là một người sẽ xuất hiện ngay trong tâm trí của nhiều người khi nhắc về khả năng dứt điểm tốt bằng cả hai chân. Cầu thủ người Bồ Đào Nha đã ghi được 27 bàn thắng bằng chân phải và 20 bàn thắng bằng chân trái kể từ khi gia nhập Liverpool.
Dữ liệu về các hậu vệ cánh hoặc tiền đạo chạy cánh thường cho thấy sự phụ thuộc rất nhiều vào một chân là điều có thể đoán trước được.
Ryan Giles (Luton) đang là cầu thủ sử dụng chân trái nhiều nhất tại Premier League mùa này |
Ở trường hợp của Antony (94% đường chuyền được thực hiện bằng chân trái), anh là cầu thủ được các tuyển trạch viên của Man United báo cáo rằng có một sự "phụ thuộc quá mức" vào bên chân trái kể từ lúc thi đấu ở Brazil cho đến khi chuyển sang Hà Lan để đầu quân cho Ajax.
Danny Murphy - cựu tiền vệ của Liverpool và đội tuyển Anh cho biết khi tổng hợp lại những thứ sau trận đấu giữa Man United và Newport County tại FA Cup: "Điều tôi ngạc nhiên là họ không cố gắng để luyện tập nhiều hơn, đôi khi bạn phải làm điều gì đó với chân phải hoặc chí ít thì cũng phải tung ra được một quả tạt bóng bằng chân phải. Thực sự việc đó không quá khó để một cầu thủ như Antony luyện tập và thực hiện thường xuyên hơn khi thi đấu."
Mở rộng hơn về chủ đề này thì HLV Vitor Pereira - cựu huấn luyện viên của Fenerbahce cũng đưa ra một nhận xét rất thú vị: "Cầu thủ thuận chân phải sẽ dễ phát triển những kỹ năng ở chân trái hơn so với chiều ngược lại. Nhưng đó chỉ là dựa trên kinh nghiệm của tôi thôi. Tôi thấy các cầu thủ thuận chân trái thường có xu hướng đá thuận chân nhiều hơn. Có lẽ lời giải thích cho chuyện này có thể liên quan đến sinh lý học hoặc các chức năng vận động của cơ thể".
Và để lý giải cho nhận xét trên của HLV Vito Pereira, chúng ta sẽ có một trường hợp rất điển hình là Arjen Robben.
Theo Opta, tính trong tất cả các bàn thắng cầu thủ người Hà Lan ghi được tại Champions League, Premier League, La Liga và Bundesliga thì có đến 134 bàn thắng được ghi bằng chân trái, 10 bàn bằng chân phải, 8 bàn bằng đầu và 2 bàn bằng vị trí "khác" trên cơ thể.
Robben có một kiểu đi bóng rất đặc trưng. Nó đặc trưng đến nỗi tất cả mọi người, tất cả hậu vệ và tất cả khán giả trên sân đều biết Robben sẽ đi bóng và dứt điểm ra sao khi nhận bóng ở cánh phải. Biết là một chuyện nhưng ngăn cản pha đi bóng quen thuộc đó lại là chuyện khác. Hết lần này tới lần khác, Robben cứ thực hiện những pha cut-inside quen thuộc: lắc vai, rẽ bóng bằng má ngoài chân trái rồi tung ra cú dứt điểm hạ gục thủ thành đối phương.
Và khi nhắc đến Robben, Clichy chỉ lắc đầu, anh nói:
"Nếu bạn không phải Robben và chỉ là một cầu thủ chạy cánh phải thông thường thích đảo quả bóng sang bên trái thì tôi sẽ là người đối đầu với bạn và chặn đứng cái kèo trái đó. Tôi sẽ cho bạn ra ngoài đường biên để chơi bóng luôn. Câu chuyện nếu như bạn không phải Robben chỉ có vậy. Game over!"
"Vì vậy tôi hiểu tại sao mọi người lại nói 'Đúng là như thế, nhưng Messi chẳng cần sử dụng chân phải vẫn có thể ghi 60 bàn trong một năm dương lịch'. Robben và Messi thì họ đều là những cái tên quá đỗi ưu tú rồi nên thật khó để đưa họ ngang hàng với những cầu thủ khác. Nhưng nếu là một cầu thủ bình thường tôi sẽ cho bạn biết nếu giúp họ cải thiện kỹ năng bên chân không thuận, họ sẽ có được kết quả tốt hơn khi thi đấu và trở thành cầu thủ giỏi hơn rất nhiều".
Chính vì trường hợp của Robben và một số câu chuyện về những cầu thủ khác đã vươn tới đỉnh cao dù chỉ đá chân thuận đã tạo ra một quan điểm đối lập rất thú vị trong những cuộc tranh luận lớn hơn về vấn đề này.
Nguồn: The two-footed enigmas: Why are so few players equally good with both feet? - Stuart James, Jack Lang và Mark Carey (The Athletic)