Tại sao các HLV lại muốn "giấu" tình trạng chấn thương của cầu thủ?

Tác giả Skeleton - Thứ Bảy 30/11/2024 17:33(GMT+7)

Có rất nhiều lý do để giải thích cho việc này, nhưng mục đích thực sự của việc các HLV giấu diếm tình trạng chấn thương của cầu thủ là gi?

 

Nhân dịp kỷ niệm 2 năm ngày Eddie Howe bắt đầu công việc tại Newcastle United, một phóng viên trong buổi họp báo đã gửi lời chúc mừng anh theo cách hài hước về việc đã trải qua 2 năm công tác mà không hề nói thật về tình hình chấn thương của đội.

“Cảm ơn anh nhiều nhé — nghe lời này từ anh thì đúng là có giá trị lớn thật đấy,” Howe cười đáp lại.

Đó chỉ là một cuộc đối đáp vui vẻ giữa phóng viên và huấn luyện viên, nhưng chính nó lại làm nổi bật một vấn đề rộng lớn hơn trong bóng đá.

Trong mỗi buổi họp báo, các HLV tại Premier League thường được hỏi về tin tức liên quan đến đội hình. Các nhà báo có trách nhiệm đặt câu hỏi dù họ biết rằng không có gì đảm bảo các huấn luyện viên sẽ trả lời, hoặc nếu có trả lời thì chưa chắc mọi thứ đã chính xác 100%.

Những câu trả lời úp mở hoặc cách nói mập mờ của Howe đã trở thành một chủ đề gây cười liên tục cho cả phóng viên lẫn người hâm mộ. Tuy nhiên, HLV trưởng của Newcastle không phải là người duy nhất bị tố là thường xuyên “nói giảm nói tránh” khi đề cập đến các vấn đề lựa chọn cầu thủ trong đội hình.

Trong cuốn sách gần đây của mình, Oleksandr Zinchenko tiết lộ rằng HLV của Arsenal - Mikel Arteta là một người như sau: "Ông ấy rất thích 'chơi chiêu với đối thủ'. Tôi từng thấy Mikel yêu cầu các cầu thủ bị chấn thương lên xe bus của đội và mang theo túi đồ vào phòng thay đồ chỉ với mục đích làm đối phương trở nên lúng túng".

Mikel Arteta đã trực tiếp lên tiếng về vấn đề này trong một buổi họp báo sau trận đấu với Liverpool vào tháng trước. Ở trận đấu ngày hôm đó, Bukayo Saka vẫn được đá chính dù trước đó HLV Mikel Arteta khẳng định khả năng ra sân của cầu thủ người anh là 'rất không chắc chắn'.

“Tôi không muốn bất kỳ ai có thể dễ dàng đoán được,” Arteta nói. “Đối thủ phải tự làm bài tập về nhà của mình. Tôi cũng như bọn họ, phải giải quyết tất cả bài tập để thấu hiểu hơn về đối thủ. Khi tôi biết rõ điều gì, tôi sẽ không nói dối các anh. Tôi sẽ không nói kiểu ‘Cậu ấy không thể thi đấu’ rồi sau đó lại để cậu ấy ra sân. Không bao giờ tôi làm vậy. Nhưng, nếu tôi chưa chắc chắn hoặc không muốn tiết lộ thì tôi sẽ khiến mọi người phải có chút gì đó 'đoán già đoán non'”.

 

Một trong những người tiền nhiệm của Mikel Arteta - HLV Arsene Wenger thì thẳng thắn thừa nhận sự cần thiết của việc nói dối báo chí về tình trạng thể lực của cầu thủ.

“Nếu các anh hỏi tôi rằng tôi đã từng nói dối báo chí để bảo vệ cầu thủ hay chưa, tôi phải thành thật trả lời ‘có rồi’,” Wenger nói với các phóng viên vào năm 2010. Bình luận này được đưa ra sau khi Wayne Rooney phủ nhận tuyên bố của HLV Sir Alex Ferguson (khi đó dẫn dắt Manchester United) rằng anh bị chấn thương mắt cá. Wenger còn nói thêm: “Khi tôi nói dối báo chí, tôi luôn trao đổi trước với cầu thủ và nói với họ kiểu: ‘Nghe này, đây là câu chuyện chúng ta sẽ đưa ra.’”

Các huấn luyện viên hiếm khi công khai về phương pháp của mình, nhưng đôi khi chiếc mặt nạ của họ cũng bị rơi xuống lúc nào không hay. Đầu mùa giải này, huấn luyện viên Steve Cooper của Leicester City đã khẳng định rằng ông không nói dối trong một buổi họp báo vào chiều thứ Sáu về tình trạng thể lực của tiền đạo Jamie Vardy - người mà ông đã tuyên bố không thể thi đấu trong trận đấu ba ngày sau đó với Tottenham.

Sau khi Vardy thi đấu và ghi bàn vào lưới Spurs, Cooper nói: "Tôi nghĩ nếu trận đấu diễn ra vào hôm qua hoặc thứ Bảy, chắc chắn cậu ấy (Vardy) sẽ không ra sân. Vì vậy chẳng có trò chơi tâm lý hay nói dối báo chí gì cả. Tôi không hề nói dối trong buổi họp báo. Trước đây tôi đã làm vậy, nhưng lần này thì không."

 

Số ít người hâm mộ có thể không phản đối nếu các huấn luyện viên "lừa dối" phóng viên để mang lại lợi thế cho đội bóng của họ. Nhưng đối với chính các huấn luyện viên, họ cũng phải cân nhắc rất kỹ trước khi đưa ra câu trả lời chính thức với cánh truyền thông. Các huấn luyện viên phải xem xét những yếu tố quan trọng như trách nhiệm đối với đội bóng và các cá nhân, cũng như những hậu quả có thể xảy ra nếu họ nói dối hoặc tiết lộ thông tin không chính xác. 

"Vấn đề là phải cân nhắc từng tình huống vì mọi trường hợp đều có thể xảy ra" Chris Hughton, một trong những người tiền nhiệm của Eddie Howe tại Newcastle chia sẻ với The Athletic.

"Điều bạn cần hạn chế nhất có thể là nói dối. Luôn có những tình huống rất rõ ràng để bạn có thể công khai mọi thứ mà không phải nói dối, ví dụ như một cầu thủ vắng mặt vài tháng vì chấn thương. Những tình huống như vậy chẳng có gì đáng để giấu diếm cả."

"Điều bạn luôn phải suy nghĩ là trách nhiệm của bản thân đối với cá nhân cầu thủ và cả đội bóng. Vì vậy, nếu bạn có vài trận đấu trong ít ngày, bạn có thể muốn hơi kín tiếng về một số thông tin. Bạn có muốn đối thủ biết liệu cầu thủ của bạn có thể ra sân hay không? Câu trả lời thường là 'không', vì vậy bạn sẽ không muốn tiết lộ điều đó. Bạn sẽ không muốn đối thủ một chút lợi thế nào, dù chỉ là nhỏ nhất." 

"Tuy nhiên, cũng có những yếu tố không lường trước được về việc một cầu thủ sẽ vắng mặt bao lâu. Đôi khi, một cầu thủ mà bạn nghĩ sẽ vắng mặt vài tuần lại có sự tiến triển lớn về việc phục hồi trong vài ngày và cuối cùng bắt kịp thời gian để trở lại thi đấu... Nói chung, bạn không muốn nói dối vì đôi khi nó có thể quay lại và làm bạn phải hối hận, nhưng bạn cũng không muốn tạo lợi thế cho đối thủ từ những thông tin như vậy. Và tất nhiên, bạn cũng không muốn tạo ra những tiền lệ khi bước vào phòng họp báo theo kiểu: 'Lần trước ông đã rất công khai về tình hình chấn thương, vậy tại sao lần này lại tỏ ra kín tiếng như vậy?'"

HLV Chris Hughton cho rằng trước khi đưa ra thông tin gì cần có sự cẩn trọng nhất định

Đôi khi, những nỗ lực của các huấn luyện viên trong việc lảng tránh câu hỏi về tình trạng thể lực của cầu thủ có thể trở nên khá hài hước. Cụ thể là vào cuối mùa giải trước, Mikel Arteta đã từ chối loại Gabriel Martinelli khỏi trận đấu tại đấu trường Champions League với Porto, mặc dù tiền vệ người Brazil đã bị phát hiện dùng nạng để di chuyển ở Brentford chỉ ba ngày trước đó.

Và các trò chơi tâm lý không chỉ dừng lại ở việc đưa ra những câu trả lời mơ hồ trong các buổi họp báo trước trận đấu. Chẳng hạn, hai mùa giải trước, Sheffield United đã cho phép tiền đạo Ollie McBurnie tham gia buổi họp báo trước trận đấu làm khách tại Cardiff City ở Championship.

McBurnie tuyên bố mình đã khỏe mạnh, nhưng nỗ lực của câu lạc bộ trong việc đánh lừa đối thủ đã đổ sông đổ bể khi McBurnie đăng tải một bức ảnh của anh tại một buổi biểu diễn quyền anh ở Sheffield lên trên mạng xã hội. Trong khi bức ảnh đó được công khai, các đồng đội của McBurnie đã đi đến Nam Wales từ trước đó. 

Hoàn toàn trái ngược với xu hướng giấu diếm thông tin, Marcelo Bielsa lại có thói quen công bố đội hình xuất phát trước mỗi trận đấu trong thời gian làm huấn luyện viên tại Leeds United. Phải đến một ngày vào năm 2019, ông đã bị một người hâm mộ phê phán ở ngoài đường phố vì đã tạo quá nhiều lợi thế cho đối thủ vì thói quen công bố đội hình thi đấu quá sớm.

Tại buổi họp báo tiếp theo, Marcelo Bielsa đã thông báo với các phóng viên rằng ông không thể cung cấp thông tin về đội hình trước trận đấu nữa, nhưng sau đó ông lại đùa rằng: "Chuyện này là bí mật giữa tôi và các anh thôi nhé, đội hình vẫn sẽ là như vậy, không thay đổi gì đâu."

Trong bóng đá nữ, việc giải thích sự vắng mặt của các cầu thủ mang thai có thể phức tạp hơn đôi chút. Vì một số cầu thủ có thể chưa sẵn sàng để công khai tin vui về việc bản thân mang thai với công chúng.

Cụ thể, đội nữ của Chelsea đã từng sử dụng lý do Melanie Leupolz nhiễm Covid-19 trong những tuần đầu của thai kỳ để giải thích việc cô vắng mặt trong các trận đấu, thay vì tiết lộ rằng cô đang mang thai. Thậm chí, các đồng đội của Leupolz cũng không biết vì sao cầu thủ này lại phải nghỉ thi đấu trong thời gian dài tới vậy.

"Tôi chỉ nói sự thật với những người cần biết thôi. Tôi đã giữ bí mật đó với cả đội trong một thời gian dài, tôi nghĩ chắc phải đến tháng thứ ba hoặc thứ tư của thai kỳ thì tôi mới nói cho mọi người biết chuyện.” Leupolz chia sẻ với Sky Sports vào năm 2023. “Tôi vẫn tham gia tập luyện, nhưng tôi và CLB đã dùng lý do tôi bị Covid để giải thích việc tôi không tham gia các buổi tập, không tiếp xúc với các đồng đội và không tham gia vào những hoạt động liên quan.”

Đội nữ của Chelsea đã từng sử dụng lý do Melanie Leupolz nhiễm Covid-19 để che giấu việc cô đang mang thai

Quyền riêng tư về y tế chắc chắn là một lý do thuyết phục để các huấn luyện viên giấu lý do các cầu thủ vắng mặt. HLV Mark Robins ở trước thời điểm rời Coventry City thậm chí đã đòi trích dẫn luật bảo vệ dữ liệu cá nhân như một lý do để ông không phải trả lời các câu hỏi về tình hình đội bóng. Trên thực tế chuyện đó nghe hơi nực cười và đôi khi chỉ là một câu nói đùa của HLV để né tránh việc trả lời các câu hỏi về tình trạng các cầu thủ.

Mặc dù việc giấu giếm sự thật có thể bị coi là không trung thực, nhưng trong một số tình huống, các huấn luyện viên và nhân viên truyền thông có lý do chính đáng để không tiết lộ toàn bộ sự thật về tình trạng của cầu thủ.

“Đôi khi, cầu thủ vắng mặt vì những lý do khác” một cựu giám đốc truyền thông giấu tên có kinh nghiệm tại các câu lạc bộ Ngoại hạng Anh chia sẻ với The Athletic. “Anh ta có thể gặp chuyện buồn trong gia đình, nhưng bạn chắc chắn không muốn công khai điều đó vì những lý do không cần giải thích."

"Thêm vào đó, bạn cũng không khuyên huấn luyện viên nói rằng cầu thủ vắng mặt vì ‘lý do cá nhân’, vì điều đó sẽ tạo ra một khoảng trống thông tin cho giới truyền thông. Và chính từ khoảng trống đó, mọi người sẽ bắt đầu lấp đầy nó bằng đủ thể loại suy đoán. Chính vì vậy, trong trường hợp này, bạn có thể khuyên huấn luyện viên nói rằng cầu thủ vắng mặt vì một chấn thương nhẹ nào đó. Ít nhất khi nói ra như vậy, bạn cũng đang tỏ ra trung thực và nói rằng cầu thủ của mình sẽ không thi đấu."

Nhưng đôi khi việc tiết lộ sự thật quá nhiều có thể dẫn đến những hậu quả liên quan đến mặt tài chính.

Ngay sau khi Omar Richards ký hợp đồng với Nottingham Forest từ Bayern Munich vào mùa hè 2022, người ta đã phát hiện ra rằng anh bị gãy xương chân, một chấn thương nhẹ nhưng đủ nghiêm trọng để khiến anh phải nghỉ thi đấu trong một thời gian dài. Thực tế Richards vẫn có thể tập luyện nhưng anh sẽ phải chịu đựng những cơn đau không cần thiết khi làm điều đó.

Omar Richards trong thời gian tập luyện tại Bayern Munich trước khi chuyển đến Nottingham Forest

Nottingham Forest nhận thức rõ rằng khi họ đang đàm phán với Huddersfield Town để ký hợp đồng với hậu vệ Harry Toffolo, nếu thông tin về chấn thương của Omar Richards bị rò rỉ ra ngoài, nó có thể khiến giá chuyển nhượng của Toffolo tăng lên.

Như The Athletic đã đưa tin vào tháng 7 năm 2023, đội ngũ truyền thông của Nottingham Forest khi đó đã đăng tải những bức ảnh Richards đang tập luyện trên mạng xã hội và cầu thủ này thậm chí còn được liệt kê vào trong danh sách dự bị cho trận giao hữu ở mùa hè với Hertha Berlin. Trong khi đó, các cuộc đàm phán về Toffolo và Lewis O’Brien vẫn đang tiếp diễn như bình thường. Cuối cùng, cả hai cầu thủ kể trên đã được chốt giá chuyển nhượng với con số 10 triệu bảng.

Việc che giấu mức độ nghiêm trọng của chấn thương không chỉ xảy ra ở Premier League, mà còn là một hiện tượng phổ biến ở nhiều giải đấu và các môn thể thao khác nhau - nơi các huấn luyện viên cũng tìm đủ cách để giấu diếm sự thật về tình trạng của các cầu thủ nhằm không muốn lọt ra thông tin nào tạo ra lợi thế cho đối thủ.

Tại Giải bóng chày Major League Baseball (MLB), đội Houston Astros đã phải thừa nhận vào tháng 9 rằng vị trí outfielder - Kyle Tucker đã bị gãy xương ống chân sau khi đã ra thông báo trước đó rằng anh chỉ bị bầm tím ở ống chân. Tuy nhiên, Astros cho rằng bản chất thực sự của chấn thương chỉ được phát hiện khi vết sưng giảm đi.

Một số môn thể thao ở Mỹ đã có quy định nhằm đảm bảo tính minh bạch về chấn thương, nhưng những quy định này vẫn không ngăn chặn được việc các đội thể thao cung cấp thông tin sai lệch.

Tháng trước, đội Philadelphia 76ers đã bị NBA phạt 100.000 USD (khoảng 792.000 bảng Anh) vì đã cung cấp thông tin sai về lý do ngôi sao trung phong Joel Embiid không tham gia thi đấu.

Và chỉ vài tuần trước, huấn luyện viên trưởng đội bóng bầu dục Philadelphia Eagles - Nick Sirianni dường như đã tiết lộ rằng Jalen Hurts đang gặp phải chấn thương mắt cá chân, mặc dù đội bóng này trước đó đã chính thức thông báo rằng anh chỉ vắng mặt trong buổi tập vì cần một chút thời gian 'nghỉ ngơi'. Ở trong buổi họp báo sau đó, HLV Sirianni đã rút lại phát biểu này của mình.

Giải Hockey Quốc gia (NHL) đã áp dụng chính sách công bố chấn thương chỉ với các thuật ngữ như 'chấn thương phần trên cơ thể' hoặc 'chấn thương phần dưới cơ thể', nhằm thông báo cho người hâm mộ về khả năng thi đấu của cầu thủ, nhưng cũng đồng thời ngăn cản đối thủ nhắm vào những điểm yếu của cầu thủ bị chấn thương trong trận đấu. Ví dụ, Auston Matthews của Toronto Maple Leafs hiện đang bị chấn thương nhưng công chúng chỉ biết rằng anh đang gặp vấn đề với phần trên của cơ thể mà không thể biết rõ chấn thương cụ thể là gì.

Việc áp dụng chính sách công bố chấn thương dưới dạng tổng quát (chỉ ghi là "chấn thương phần trên cơ thể" hoặc "chấn thương phần dưới cơ thể") đã làm giảm trách nhiệm của huấn luyện viên trong việc tiết lộ thông tin về chấn thương. Nhưng trên thực tế, những chi tiết cụ thể về chấn thương vẫn thường bị rò rỉ ra ngoài bằng một cách nào đó.

Chính sách minh bạch về chấn thương được đưa ra một phần để đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin cho các tay chơi các bộ môn "thể thao mạo hiểm". Chính sách minh bạch về chấn thương hiện chưa được đề xuất tại Vương quốc Anh, nhưng tin tức chính xác về chấn thương đang ngày càng trở nên quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh các trò chơi dạng Fantasy Football ngày càng trở nên phổ biến.

Những người chơi Fantasy Football giờ đây quan tâm rất nhiều đến tình hình chấn thương của các cầu thủ trước khi ra quyết định

"Một phần lớn khán giả của tôi đến từ những người chơi Fantasy Football. Và đối với nhóm khán giả này, yếu tố Fantasy Football sẽ còn quan trọng hơn đội bóng thực sự mà họ ủng hộ." - Ben Dinnery - chuyên gia phân tích chấn thương và người sáng lập kênh YouTube Premier Injuries, chia sẻ với The Athletic.

"Tôi thấy có rất nhiều cuộc thảo luận về việc có được mức độ minh bạch về thông tin giống như ở Mỹ. Nếu là một cầu thủ quan trọng hoặc nổi tiếng đột ngột biến mất khỏi danh sách thi đấu mà không có thông báo trước, đó thực sự là một điều gây ra sự khó chịu cho người hâm mộ, đặc biệt là những người chơi Fantasy Football."

"Họ sẽ muốn được thông báo sớm nếu cầu thủ gặp vấn đề hoặc cần kiểm tra thể lực muộn, để họ có thể chuẩn bị và đưa ra phương án ứng phó. Tuy nhiên, mỗi huấn luyện viên luôn có một 'lối thoát' sau mỗi buổi họp báo vì trong khoảng thời gian 24-48 giờ sau đó, cầu thủ có thể gặp phải một chấn thương mới, bị ốm hoặc đôi khi là có tín hiệu xấu từ một chấn thương mà họ đang hồi phục từ trước đó."

Nhiều người hâm mộ và có lẽ tất cả các phóng viên đều mong muốn các huấn luyện viên công khai đầy đủ thông tin về khả năng thi đấu của cầu thủ. Tuy nhiên, thực tế là mức độ quan trọng của các trận đấu quá cao để điều này trở thành một điều hiển nhiên được nói ra trong phòng họp báo. Hoặc nếu bạn là một người như Marcelo Bielsa thì cứ nói thoải mái cũng được, chẳng có vấn đề gì cả.

Theo Steve Madeley (NY Times)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Đêm huyền ảo ở Munich

Thật không tưởng và kỳ lạ, nhưng giờ tôi có thể nói với bản thân mình, ‘Chúa ơi, thì ra cảm giác vô địch là thế này! Tôi luôn luôn tự hỏi nó sẽ như thế nào, nhưng giờ tôi đã biết rồi!’.

Cuộc đua vô địch Serie A: Tìm về những ngày xưa cũ

Vòng đấu thứ 12 Serie A mùa giải năm nay khép lại với trận hoà 1-1 giữa hai kẻ đang dẫn đầu bảng xếp hạng là Inter Milan và Napoli. Trận hoà này cùng với những trận thắng trước đó của những Juventus, Atalanta, Fiorentina và Lazio đã khiến cho bảng xếp hạng ở những vị trí dẫn đầu trở nên vô cùng chật chội.

Manchester United: Bao giờ cho đến ngày xưa

Từ một thế lực lớn của bóng đá thế giới, Manchester United đang sa sút trầm trọng thời kỳ hậu Sir Alex Ferguson. Và cuộc chia tay của đội chủ sân Old Trafford với Erik ten Hag càng đào sâu vào cuộc khủng hoảng của đội bóng lừng danh một thời.