Süper Lig Thổ Nhĩ Kỳ: Nghĩa địa của những chú voi

Tác giả Fussballgott - Thứ Tư 29/01/2020 21:22(GMT+7)

Tờ báo Der Tagesspiegel có trụ sở ở Berlin từng ám chỉ: Süper Lig là nghĩa địa của những chú voi. Trong bài viết, họ nhấn mạnh sự nghiệp của những cầu thủ này đang đi xuống nhưng vẫn lấy đi của các đội bóng không ít tiền. Podolski là 3 triệu euro/mùa còn Gomez là 3,5 triệu euro/mùa.

 Tháng hai 1987, thủ môn Cologne và Tây Đức Harald ‘Toni’ Schumacher phạm phải sai lầm chết người. Ông xuất bản một quyển sách.

 
Để quyển sách ăn khách, Schumacher không ngại ‘dốc hết ruột gan’ viết ra những trải nghiệm liên quan đến tình dục, nghiện ngập và bê bối trong lòng Bundesliga.
 
Đột nhiên, nhưng dễ hiểu, Schumacher bị CLB mình đã phụng sự 15 năm sa thải đồng thời cánh cửa ở đội tuyển cũng khép lại vĩnh viễn. Đội bóng duy nhất muốn tiếp nhận ông lúc đó là Schalke. Và họ cùng nhau đi hết một trong những mùa giải tồi tệ nhất lịch sử, đứng chót bảng xếp hạng mùa giải 87-88, thua 19 trận, thủng lưới 84 bàn.
 
Hè 1988, Schumacher-34-tuổi bị rớt hạng, bị sa thải và bị căm ghét bởi đồng nghiệp. Lối thoát nào cho Schumacher?
Ông chuyển sang Süper Lig Thổ Nhĩ Kỳ rồi trở thành người hùng ở đó.
 
Schumacher không phải người Đức đầu tiên đến thi đấu ở Süper Lig. Hè 1984, cầu thủ chạy cánh Rudiger Abramczik chuyển đến Galatarasay thi đấu chỉ một mùa giải duy nhất, giúp CLB này giành cúp quốc gia. Hai trường hợp tiếp theo không may mắn như vậy. Năm 1985, hậu vệ Jürgen  Groh chuyển đến Trabzonspor từ Hamburg, vội vã trở về Đức chỉ sau 6 tháng vì không được trả lương. Một thủ môn khác là Jürgen  Pahl thì phải xuống hạng cùng Rizespor.
 
Schumacher trở thành hình mẫu của nhiều cầu thủ Đức về sau khi ghé qua Süper Lig, dễ dàng giành vị trí xuất phát và đoạt danh hiệu vô địch quốc gia trong màu áo Fenerbahce. Những thể hiện ấn tượng trên ở Thổ Nhĩ Kỳ giúp ông hồi hương, tiếp tục được Bayern Munich rồi Borussia Dortmund chiêu mộ trước khi giải nghệ 1996.
 
Lukas Podolski sẽ có lần thứ hai tái hợp với Süper Lig sau khi hết hợp đồng với Vissel Kobe của J-League. Cựu tuyển thủ Đức có liên hệ để quay về Cologne nhưng không thành công, rốt cục chuyển sang CLB đang xếp nhóm bảng Antalyaspor. Trước đó, từ năm 2015-2017, Podolski đã phục vụ Galatasaray. Cũng như Schumacher, anh chuyển đến Süper Lig sau khi sự nghiệp gần như chạm đáy. Suốt mùa giải 14-15 chỉ xuất phát 8 lần cho Inter Milan, hoàn toàn bị Arsenal bỏ mặc.
 
Süper Lig 15-16 còn có Mario Gomez tháo chạy khỏi Serie A sau 2 mùa giải chỉ ra sân 29 lần cho Fiorentina. Nhà cựu vô địch Bundesliga chuyển đến Besiktas. Ngoài ra còn có Marko Marin được Trabzonspor mượn từ Chelsea và nhà vô địch World Cup 2014 Kevin Großkreutz tháo chạy khỏi nước Đức sau hàng loạt bê bối đời tư. Điểm chung của họ là đang ở đáy sự nghiệp. Vậy nên tờ báo Der Tagesspiegel có trụ sở ở Berlin từng ám chỉ: Süper Lig là nghĩa địa của những chú voi. Trong bài viết, họ nhấn mạnh sự nghiệp của những cầu thủ này đang đi xuống nhưng vẫn lấy đi của các đội bóng không ít tiền. Podolski là 3 triệu euro/mùa còn Gomez là 3,5 triệu euro/mùa.

 
Dù vậy, tờ báo có vẻ bỏ quên những tên tuổi khi đến Süper Lig vẫn có chỗ đứng ở nước Đức. Gần nhất có Mario Gomez giành suất tham dự Euro 2016 khi đang phục Besiktas. Trước đó 20 năm, Stefan Kuntz cũng làm được điều tương tự, thậm chí là vô địch Euro 1996. Roberto Hilbert cũng chọn đến Besiktas. Anh quay về Đức khoác áo Bayer Leverkusen, chiếm suất đá chính trong giai đoạn 2013-2017. Robert Enke là trường hợp không thích nghi được với Süper Lig, nhưng quay về Đức vẫn giành những thành công nhất định với Hannover 96. Nếu không đột ngột qua đời, anh mới chính là thủ môn của tuyển Đức ở World Cup 2010.
 
Có nhiều nguyên nhân để Süper Lig hấp dẫn những cầu thủ muốn đến đó dưỡng già. Ngay trong bài báo của Der Tagesspiegel được nhắc đến ở trên, tác giả có đề cập cách gọi “MLS của châu Âu”.
 
So với giải đấu ở Bắc Mỹ, Süper Lig có những ưu điểm vượt trội về khoảng cách địa lý (đối với các cầu thủ gốc Âu) và thường xuyên được UEFA xếp hạng từ thứ 8 đến 12 về chất lượng giải đấu, đồng nghĩa với sự bảo đảm về chất lượng và suất tham dự Champions League.
 
Điều kiện sống ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng rẻ hơn hầu hết các thủ đô khác ở châu Âu, kèm theo là mức thuế thu nhập thấp hơn so với các nước láng giềng. Một trận đấu ở Süper Lig thường thu hút khoảng hơn 30 nghìn khán giả, đặc biệt là nếu nó diễn ra giữa các đội cùng ở Istanbul. Trận derby Fenerbahce – Galatasaray được xem một trong những cuộc đối đầu máu lửa nhất thế giới bóng đá. Ngoài ra ở Thổ, các ngôi sao bóng đá có vị thế không khác gì siêu sao điện ảnh Hollywood. Không chỉ bản thân cầu thủ mà các cô vợ và người yêu có cơ hội xuất hiện trên truyền hình, trên tạp chí, điện ảnh,…

 
Tuy nhiên các cầu thủ Đức có nhiều lý do hơn các đồng nghiệp để chọn Süper Lig, đó là vì nền bóng đá nước này chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi bóng đá Đức, hay cụ thể hơn là bởi cac đời HLV người Đức.
 
Quay lại câu chuyện của Abramczik, người mang anh đến Thổ Nhĩ Kỳ là HLV người Đức đồng hương Jupp Derwall. Dù vậy ông cũng không phải HLV người Đức đầu tiên làm việc tại Süper Lig. Bước đi tiên phong thuộc về Horst Buhtz, cựu HLV Nuremberg, đã dẫn dắt Besiktas năm 1974, và Friedel Rausch làm việc tại Fenerbahce hồi năm 1980.
 
Có điều chỉ Derwall mới được coi là người có đổi mới bóng đá ở Thổ Nhĩ Kỳ. Để đối chiếu, chỉ vài tháng sau khi làm việc ở Süper Lig, đội tuyển quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ để cho tuyển Anh hạ nhục với tỉ số 8-0. Kết quả phần nào lột tả sự tụt hậu của bóng đá nước này so với phần còn lại của cả châu Âu.
 
Ở Đức người ta chia rẽ ý kiến về Derwall. Không thể quên rằng ông đã nối tiếp thành công từ Helmut Schön, đưa tuyển Đức vô địch Euro 1980. Nhưng Derwall cũng bị quy trách nhiệm chính cho sự kiện “nỗi nhục ở Gijon”, khi mà tuyển Đức và Áo bắt tay nhau tạo ra kết quả 1-0 vừa đủ để loại Algeria tại World Cup 1982.
 
Trong thời gian ông tại chức, Die Mannschaft còn một nỗi xấu hổ nữa là cú ra chân thô bạo của Schumacher vào người Robert Battinson của Pháp. Công việc của Derwall tại tuyển Đức kết thúc sau trận thua 0-1 trước Tây Ban Nha ở Euro 1984. Dù vẫn có những đề nghị từ các CLB Bundesliga, ông vẫn chọn sang Galatasaray.
 
 “Tôi không coi mình là người thích mạo hiểm”. “Tôi giống người leo núi nhiều hơn, là dạng muốn lên đỉnh của tám nghìn ngờ. Đó là công việc khó khăn nhưng khả thi”.
 
Nhiệm vụ của ông bắt đầu từ việc phải vượt qua cú sốc về hệ thống sân bãi tồi tệ ở Thổ Nhĩ Kỳ - dù Galatasaray là một trong Big Three của giải - và khả năng xử lý tình huống sai căn bản của cầu thủ.
 
“Tôi thực sự bị sốc vì sân ở đây toàn là bùn với đất, thay vì cỏ xanh. Vì cầu thủ hầu như sẽ bị thương nếu ngã xuống đất, họ không thể thực hiện các động tác cơ bản của bóng đá. Lấy ví dụ như việc họ hoàn toàn không biết tắc bóng thế nào. Khi đấu cùng các đội ở châu Âu, họ cảm thấy tức giận và ngạc nhiên vì bị đoạt mất bóng”.
 
Derwall đặt ra điều kiện tuyệt đối rằng Galatasaray phải trang bị hệ thống tập luyện và mặt sân cỏ. Ông cũng đưa đội sang Đức tổ chức các trại tập huấn giúp cầu thủ được làm quen các phương pháp luyện tập tối tân nhất.
 
Derwall giới thiệu “pressing và phòng ngự khu vực” (nguyên văn: pressing and zonal marking) đến bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ trong mùa giải đầu tiên. Galatasaray dù bất bại nhưng không thể vô địch vì thua Besiktas hiệu số bàn thắng bại. Nhưng họ nhanh chóng hưởng thành quả xứng đáng với hai chức vô địch liên tiếp 986/1987 và 1987/1988 - lúc này Derwall đã lui về sau làm cố vấn chuyên môn cho CLB. Ông được đưa lên hỗ trợ TFF (Liên đoàn bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ) cho đến năm 1991 mới nghỉ ngơi vì vấn đề sức khỏe. Năm 1989, Derwall được đại học Ankara trao tặng danh hiệu Tiến sĩ danh dự công nhận những đóng góp cho quan hệ hai nước Đức - Thổ Nhĩ Kỳ. 
 
Năm 2002, khi đội tuyển Thổ Nhĩ Kỳ giành vị trí thứ ba ở World Cup 2002, phóng viên Mert Aydin đã viết:
“Ngày Derwall đến là ngày bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ tái sinh”
 
Dù chỉ làm việc ở cấp CLB, Derwall trở thành một biểu tượng và niềm cảm hứng trên toàn quốc gia. Tiếp nối thành công của ông, 10 HLV người Đức khác đến làm việc tại Süper Lig từ 1985 đến 2002. Vị HLV thứ 11, Sepp Piontek thậm chí còn dẫn dắt đội tuyển quốc gia. 2 HLV người bản địa được đánh giá cao nhất Thổ Nhĩ Kỳ là Fatih Terim và Mustafa Denizli đều từng làm việc dưới trướng Derwall. Terim là cầu thủ của Galatasaray mùa 84/85 còn Denizli đóng vai trò trợ lý.
 
Nhưng cảm hứng không chỉ đến từ một phía. Trong 10 vị HLV đề cập ở đoạn trên, một trong số đó là Joachim Löw, người đưa tuyển Đức đến chức vô địch World Cup 2014.
 
Mùa hè 1998, Fenerbahce muốn tìm HLV mới và gọi cho người đại diện Harun Arslan - làm việc tại Đức nhưng sinh ra ở Istanbul. Arslan có biết một HLV vừa hết hợp đồng: Löw. Khi hai bên thương lượng thành công, Löw cần một vị trợ lý. Ông hỏi người đồng đội cũ Frank Wormuth hồi còn thi đấu chung ở SC Freiburg. Vào lúc đó, Wormuth đang cầm quân đội nghiệp dư ở giải hạng năm Đức. Ông ta nói với Löw rằng không hề biết gì về bóng đá nước này, chứ nói chi là huấn luyện một đội bóng ở hạng đấu cao nhất. Löw động viên: “cậu không phải lo lắng. Hãy cứ đi cùng tôi”.
 
Vậy là cả hai lên đường.
 
Löw và Wormuth chỉ ở Istanbul một mùa giải duy nhất, nhưng ảnh hưởng vẫn còn kéo dài đến ngày nay. Arslan vẫn là người đại diện và cố vấn tin cậy với Löw. Còn Wormuth có 10 dẫn dắt đội U20 Đức, hiện đã đến giải Hà Lan dẫn dắt Heracles Almelo.
 
Nếu hỏi Löw về giải vô địch Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ có vô vàn hình ảnh hiện ra. Nhưng nghĩa địa voi thì có lẽ là không.

Tổng hợp:
https://www.uefa.com/memberassociations/news/newsid=2119525.html
https://www.espn.com/soccer/club/germany/481/blog/post/2611636/turkish-Süper-lig-offers-german-footballers-more-than-wages
https://www.quora.com/Why-do-many-great-soccer-players-end-up-playing-in-the-Turkish-S%C3%BCper-Lig-in-the-tail-end-of-their-careers
 
 
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

La Liga và cuộc đua tam mã: Cơ hội chia ba

Mặt trận Châu Âu đã tạm ổn sau khi Real Madrid và đội bóng cùng thành phố Atletico cùng lách qua khe cửa hẹp để tránh được nguy cơ bị loại sớm trong khi Barcelona thì đã vượt hẳn lên sau trận thắng trên sân của Borussia Dortmund. Cả ba ông lớn sẽ trở lại La Liga để lao vào một mặt trận mới mà cũ, cuộc chiếm tranh đoạt ngôi vương ở xứ sở những chú Bò Tót.

Đêm huyền ảo ở Munich

Thật không tưởng và kỳ lạ, nhưng giờ tôi có thể nói với bản thân mình, ‘Chúa ơi, thì ra cảm giác vô địch là thế này! Tôi luôn luôn tự hỏi nó sẽ như thế nào, nhưng giờ tôi đã biết rồi!’.

Cuộc đua vô địch Serie A: Tìm về những ngày xưa cũ

Vòng đấu thứ 12 Serie A mùa giải năm nay khép lại với trận hoà 1-1 giữa hai kẻ đang dẫn đầu bảng xếp hạng là Inter Milan và Napoli. Trận hoà này cùng với những trận thắng trước đó của những Juventus, Atalanta, Fiorentina và Lazio đã khiến cho bảng xếp hạng ở những vị trí dẫn đầu trở nên vô cùng chật chội.

Manchester United: Bao giờ cho đến ngày xưa

Từ một thế lực lớn của bóng đá thế giới, Manchester United đang sa sút trầm trọng thời kỳ hậu Sir Alex Ferguson. Và cuộc chia tay của đội chủ sân Old Trafford với Erik ten Hag càng đào sâu vào cuộc khủng hoảng của đội bóng lừng danh một thời.