Sân vườn Ông Thượng: Viết cho một thời quá vãng huy hoàng

Tác giả Phương GP - Thứ Bảy 03/09/2016 20:01(GMT+7)

Zalo
Đường Huyền Trân Công Chúa vẫn đang đắm mình trong cơn mưa chiều tầm tã, dòng người dần trở nên thưa thớt trên con đường đượm màu rêu phong. Hàng cây sao đen vẫn như mọi khi, đang gồng mình dưới làn mưa ướt át, những hạt nước lăn dài trên tán lá chực tuôn rơi xuống như một người già nhớ về kỷ niệm của một thời quá vãng:

“Chiều Sài Gòn mưa rơi sao buồn quá

Cảnh nơi đây mà người đã mãi xa”

San vuon Ong Thuong: Viet cho mot thoi qua vang huy hoang
Sân vườn Ông Thượng: Viết cho một thời quá vãng huy hoàng

Tôi đã từng gửi đến các bạn câu chuyện về Lưỡng Thủ Vạn Năng Phạm Văn Rạng. Niềm hạnh phúc lớn lao khi tự bản thân có thể viết lên vài dòng nhằm gửi lời tri ân đến con người vĩ đại của bóng đá Việt, và niềm vui càng nhân lên gấp bội khi nhận ra được tình yêu của các bạn dành cho ông, và nhất là dành cho nền bóng đá xứng đáng được thừa nhận, cũng như để tự hào. Tôi đã lướt hết những dòng nhận xét để đọc, rồi khựng lại khi có một bạn chợt hỏi: “Sân Tao Đàn ở chỗ nào vậy?”

    Đó cũng là một câu hỏi bình thường mà thôi, bởi có nhiều người thậm chí còn không biết đến sự tồn tại của mảnh sân này. Mảnh sân từng là cái nôi của bóng đá Việt Nam, mảnh sân từng một thời là niềm tự hào của Sài Gòn, vậy mà giờ đây bỗng như bị chôn vùi trong lớp bụi dày của thời gian. Cái suy nghĩ ấy không khỏi khiến những con người yêu bóng đá Sài Gòn cũng như yêu lịch sử Sài Gòn phải chạnh lòng. Bởi thế, câu chuyện ngày hôm nay sẽ là câu chuyện về mảnh sân ấy, để những ai chưa biết hôm nay sẽ biết, và những ai đã biết sẽ được thêm một cơ hội để sống lại những ngày xưa cũ, những kỷ niệm của một thời quá vãng.

   Sân Tao Đàn xưa kia được gọi là Sân Vườn Ông Thượng, cơ duyên đơn giản là vì nó nằm trong Vườn Ông Thượng (tên tiếng Pháp là “Vườn Jardin de la Ville” nhưng dân gian ta vẫn quen gọi như vậy), tức là mảnh đất mà ngày nay được bao quanh bởi bốn con đường Huyền Trân Công Chúa - Nguyễn Du - Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Thị Minh Khai. “Sự tích” về cái tên Vườn Ông Thượng giờ vẫn còn nhiều tranh cãi, có nhà nghiên cứu thì nói là do ngày xưa đây vẫn thường là chỗ vui chơi của “Thượng Công” Tả Quân Lê Văn Duyệt (nếu bạn nào chưa biết thì ông là người có công giúp nhà Nguyễn phục quốc). Còn một ý kiến khác cho rằng đây vốn xưa là một mảnh vườn cây xanh, sau này vào năm 1868, khi người Pháp cho xây dựng Dinh Toàn Quyền (tức Dinh Độc Lập ngày nay) thì nó trở thành khu vườn của dinh, và dân gian ta vẫn thường có thói quen gọi ông “quan lớn” là “quan thượng” nên từ đó hình thành nên cái tên Vườn Ông Thượng. Nhưng cho dù bất kỳ lý do gì đi nữa, thì ta cũng có thể một phần hình dung ra gốc gác “con ông cháu cha” của mảnh sân này.

San vuon Ong Thuong: Viet cho mot thoi qua vang huy hoang2
Sân vườn Ông Thượng: cụm thể thao phục vụ nhu cầu vui chơi của giới Quý tộc

   Vào những năm cuối thế kỷ 19, để phục vụ cho nhu cầu vui chơi giải trí và thể thao của giới quý tộc cũng như công dân Pháp từ mẫu quốc, người Pháp bắt đầu cho quy hoạch một nửa khu Vườn Ông Thượng thành cụm thể thao mà trong đó Sân Vườn Ông Thượng là công trình đầu tiên được xây dựng. Không rõ thời gian là khi nào, nhưng theo nhiều tư liệu để lại thì bóng đá bắt đầu du nhập vào Việt Nam vào những năm 1890, và có lẽ đây cũng chính là thời điểm sân được đưa vào sử dụng. Những trận đấu khi xưa chỉ được dành cho những người ngoại quốc, cụ thể là những người lính lê dương, chứ dân Việt ta chỉ được theo dõi mà thôi. Trái bóng đầu tiên lăn trên mảnh sân khi ấy có hình dáng như bóng bầu dục ngày nay và phải mãi sau này nó mới tròn như một trái bóng đá bình thường.

   Sau đó, những thương gia, công chức người Pháp và số ít người Việt Nam bắt đầu đến khu liên hiệp thể thao ngày một đông hơn, họ quyết định tập hợp lại thành lập nên một câu lạc bộ được gọi là Cercle Sportif Saigonnais (CSS), đây có lẽ là câu lạc bộ thể thao đầu tiên của Việt Nam, và bóng đá cũng trực thuộc bên trong CSS. Đội bóng lúc này vẫn mang tính chất phong trào chứ chưa có một sự điều hành chuyên nghiệp chi cả, nhưng có một điều đáng chú ý là vào năm 1905, sân Vườn Ông Thượng đã chứng kiến trận đấu quốc tế đầu tiên của lịch sử bóng đá Việt Nam khi một hạm đội của Anh Quốc tên là King Alfred đã đến Sài Gòn và có trận đấu giao hữu với CSS. Và từ đó, một trang sử dài về bóng đá quốc nội được hình thành.

San vuon Ong Thuong: Viet cho mot thoi qua vang huy hoang3
CLB bóng đá được coi là đầu tiên của Việt Nam

   Bóng đá ngày càng phát triển, Sân Vườn Ông Thượng ngày càng được người dân biết đến nhiều hơn. Từ năm 1906, khi E. Breton mang những điều luật bóng đá đầu tiên đến Việt Nam, hàng loạt những đội bóng tự phát ra đời, và trên mảnh sân này, chứng kiến một không khí bóng đá cuồng nhiệt thuở sơ khai. Những giải đấu được tổ chức đều đặn, giới ông bầu bắt đầu hình thành và say mê làm bóng đá. Người dân Việt Nam cũng dần biết đến không khí ăn cùng bóng đá, ngủ cùng bóng đá. Thậm chí, những người điều hành sân còn nghĩ đến việc… lắp hệ thống đèn pha để tổ chức những trận đấu vào ban đêm cho khán giả thoải mái theo dõi. Cựu danh thủ Phan Ngươn Đang đã từng đề cập đến điều này:

   “Ngày 29-4-1937, sân Vườn Ông Thượng diễn ra trận đấu giữa Liên quân Auto Hall (của hãng xe hơi Citroen)-Cảnh sát với đội Singapore (hòa 1-1) dưới ánh đèn điện. Lịch sử bóng đá Việt Nam cần ghi nhận đây là trận bóng đá quốc tế đá đèn đầu tiên tại Việt Nam. Thế nhưng, ngày 1-3-1943, Tổng cục Bóng đá Nam Kỳ ra lệnh hủy bỏ đá đèn vì sợ... máy bay đồng minh dội bom”.

   Có một chuyện vui cũng được thổ lộ là vì điện thời ấy quá yếu, nên bóng phải được… quét sơn phát quang để cầu thủ và khán giả có thể nhìn thấy! Không những được trang bị hiện đại từ rất sớm, mà sân bóng ngày ấy cũng được trải trên mình một thảm cỏ xanh mướt, chất lượng đến nỗi mà khiến những nước láng giềng phải ganh tị. Những hàng cỏ xanh tít tắp, được cắt tỉa gọn gàng để những bước chân được thoải mái phô diễn những kỹ thuật tuyệt đỉnh. Để rồi một năm sau trận đấu với Singapore, chúng ta có trận thắng lịch sử trước đội tuyển Nam Hoa của cầu vương Lý Huệ Đường với tỷ số 2-1, trận cầu có ý nghĩa đến nỗi một tờ báo đương thời đã “quá khích” mà đưa ra cái tít: “Từ đáy giếng, chú ếch An Nam nhảy tót lên đầu Bóng đá đại vương”.

   Và cũng trên sân Vườn Ông Thượng, những tượng đài của bóng đá Việt ra đời, những danh thủ như Phạm Văn Rạng, Phạm Huỳnh Tam Lang, Nguyễn Ngọc Thanh… đã từng một thời tung hoành ngang dọc ở mảnh sân nằm giữa trung tâm Sài Gòn khi khoác lên mình màu áo của đội Tổng Tham Mưu. Thời ấy, Tổng Tham Mưu không những chỉ là một thế lực của bóng đá Miền Nam mà mỗi khi nhắc về cái tên này cũng khiến những đội bóng nước ngoài phải ngao ngán. Trên mảnh sân ấy đã từng chứng kiến một Sáu Rạng kiên cường trước mũi giày của những “Hongkong chi bảo” Diêu Trác Nghiên, Mạc Chấn Hoa, Trần Chí Cường để giúp Tổng Tham Mưu giành chiến thắng trước Hương Cảng Nam Hoa với tỷ số 2-1. Và trên mảnh sân ấy, những người cao niên hoài niệm về Sài Gòn xưa cũ vẫn nhớ như in về kỉ niệm tuổi học trò trong những dòng hồi ức:

San vuon Ong Thuong: Viet cho mot thoi qua vang huy hoang1
Phạm Huỳnh Tam Lang - tượng đài bóng đá Việt Nam một thời

   “Vườn Ông Thượng, nhìn qua Dinh Độc Lập, thời đó đẹp với những bóng cây đổ mát Huyền Trân Công Chúa, những khán đài xi măng được những tàng cây lớn phủ, thu hút người ta vì những trận cầu quốc tế nảy lửa, không như con đường xưa nằm trên lối vào sân ngày nay ngày đêm chỉ tấp nập ở những gốc cây chặp tối. Trên sân đó một thời đã có những đội bóng như Wiener từ Áo, Djurgarden từ Thụy Điển, Nam Hoa, Ô-tô-buýt, Đông Phuơng, Kiệt Trí từ Hong Kong, và những đội như Nimes, Racing Club từ Pháp…”

   Đúng vậy, những con đường vào sân huy hoàng ngày xưa giờ đây chỉ còn là những mảng màu chập tối, lớp rêu phong của thời gian bám đầy trên những mảng tường rào. Bóng đá phát triển và nó kéo theo một nhu cầu đổi mới để đáp ứng với sự gia tăng số lượng của người xem, những sân bóng mới dần ra đời như sân Thống Nhất, sân Hoa Lư, sân Quân Khu 7,… Để rồi sau ngày giải phóng, cái tên Sân Vườn Ông Thượng bị đổi thành Sân Tao Đàn và ký ức về nó cũng dần phai mờ. Vào một ngày vào năm 1997, trong một trận đấu thuộc giải đấu phong trào được tổ chức trên sân Tao Đàn, nhà báo Đặng Hoàng đã có dịp gặp Phạm Văn Rạng khi ông đến đây để huấn luyện một đội bóng nghiệp dư, anh viết rằng:

   “Thật đắng cay cho ông Rạng, “Thánh địa” Vườn Ông Thượng ngày nào tôn vinh ông, nơi có thảm cỏ xanh đẹp nhất Đông Nam Á, nay chỉ còn lại là một sân bóng đầy cát và bụi (vào năm 1997). Và nếu như vào cái thời hoàng kim của ông, sân này chỉ dành cho những đôi chân chuyên nghiệp, thì nay lại in đậm dấu giày của không biết bao nhiêu đôi chân phong trào.”

san Tao dan
Sân Tao đàn của ngày nay

   Có lẽ ông Rạng đến đấy không chỉ vì công việc của mình, có lẽ đâu đó ở tuổi xế chiều ông muốn đến đây để nắm lấy một chút ký ức của thời trai trẻ. 20 năm sau ngày gặp gỡ ấy, Phạm Văn Rạng đã không còn trên cõi đời này, nhưng sân đấu của ông đã trở nên tươi tốt hơn xưa với một sự đầu tư mới. Nó không còn là nơi chỉ dành cho những trận đấu phong trào ở thực tại, không còn là nơi để tìm lại chút hơi vị của một thời quá vãng ở những trận cầu của các cựu danh thủ, mà nó còn mang trong mình trọng trách nuôi lớn cả một tương lai thế hệ của bóng đá nước nhà, đội tuyển bóng đá Nữ Tao Đàn.


PHƯƠNG GP(TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

HLV Philippe Troussier: Người sai thời điểm

Được AFC ca ngợi là một trong những HLV xuất sắc nhất trước thềm Asian Cup 2023, chỉ sau hơn 2 tháng đã khép lại triều đại chóng vánh của mình như một trong những HLV tệ nhất lịch sử bóng đá Việt Nam, liệu HLV Philippe Troussier có thực sự thiếu may mắn?

John Stones và Rodri đã phá vỡ sơ đồ 4-2-4-0 của MU như thế nào?

John Stones di chuyển lên hàng tiền vệ không phải điều quá mới đối với những người đã theo dõi anh, Rodri cũng không phải là một mối nguy hiểm quá lớn ở 1/3 cuối sân nhưng giờ đây họ lại đang đảm nhận thêm nhiều vai trò quan trọng hơn. Trong trận đấu với Man United, điều đó tỏ ra rất quan trọng trong cả 3 bàn thắng mà Man City đã có được.

Tại sao có rất ít cầu thủ sử dụng tốt cả hai chân?

Thật sự thì danh sách những cái tên sử dụng tốt chân không thuận ở thế hệ trước cũng không nhiều cho lắm. Nhưng điều thú vị là thế hệ sau này cũng không cho ra thấy được sự khác biệt về số lượng cầu thủ có thể sử dụng thuần thục cả hai chân.

X
top-arrow