Philippe Troussier: “Tôi là người khởi đầu lịch sử bóng đá Nhật Bản ở World Cup”

Tác giả CG - Thứ Bảy 04/03/2023 13:41(GMT+7)

Bản dịch dưới đây dựa trên bài viết gốc trên Tạp chí Jsoccer số 20 vào năm 2016, cuộc phỏng vấn giữa cây bút Lionel Piguet và ông Philippe Troussier về quãng thời gian ông Troussier dẫn dắt đội tuyển Nhật Bản.

 

- Lionel Piguet: Ông trở thành HLV trưởng đội tuyển Nhật Bản như thế nào?

- Philippe Troussier: Sau World Cup 1998 tại Pháp, Nhật Bản tìm kiếm HLV trưởng cho đội tuyển quốc gia. Ở Nhật Bản, các sự lựa chọn luôn gắn với những sự kiện đương thời, và những tin tức thể thao đương thời khi ấy là đội tuyển Pháp vô địch thế giới. Chính vì thế, một HLV người Pháp được tìm kiếm, trong khi tôi cũng dẫn dắt Nam Phi tham dự World Cup.

Ngoài ra, một người bạn của tôi là Arsene Wenger cũng được đánh giá cao ở Nhật Bản khi đó. Cộng nhiều yếu tố lại giúp tôi trở thành một ứng viên. Một sự tương đồng nhỏ với HLV hiện tại của tuyển Nhật Bản là ông Vahid Halilhodzic khi Nhật Bản gấp rút tìm kiếm một HLV trưởng. Halilhodzic là một HLV người Pháp (Halilhodzic có quốc tịch Bosnia và Pháp) vừa trải qua kỳ World Cup ấn tượng cùng Algeria thời điểm ấy. Quả thực, tôi được hưởng lợi từ những điều kiện kể trên.

- Những ngày đầu của ông ở Nhật Bản ra sao?

- Tôi đã gặp những người phụ trách đội tuyển vào ngày diễn ra trận chung kết World Cup ở Paris. Đến đầu tháng 9, chúng tôi họp lại ở Nhật Bản, tại đó tôi gặp Phó chủ tịch, Tổng thư ký và Giám đốc kỹ thuật JFA (Liên đoàn bóng đá Nhật Bản). Mọi thứ tiến triển rất nhanh sau đấy, trong đó có cuộc họp báo và trận giao hữu đầu tiên - trận đấu gặp Ai Cập ở Osaka.

Tôi có một tuần tập luyện 2 buổi với nhiều cầu thủ - một lứa là đội U23 và một lứa là đội A - ở Fukushima, từ đó tôi có ý tưởng nhanh chóng về đội hình. Ngoài ra, tôi xem nhiều băng hình, cộng thêm việc được làm việc ngay ở trận đấu với Ai Cập, đã giúp tôi có thông tin về khả năng của những cầu thủ khi ấy. Sau đó, tôi tiếp tục tổ chức các đợt tập huấn nhỏ để nắm rõ các cầu thủ ở mọi lứa tuổi (cùng với lứa cầu thủ Olympics sắp được bổ sung).

Tôi may mắn khi được huấn luyện 3 lứa: Đội tuyển lớn - đội được định hình tham dự World Cup 4 năm sau đó; đội U23 - những người đang tìm kiếm tấm vé tham dự Olympics 2000 - và đội U20 - những người vừa đoạt chức vô địch châu Á, sau đó đoạt vé tham dự U20 World Cup ở Nigeria. Vì vậy, thực tế tôi dẫn dắt cả 3 đội và tôi phải thừa nhận rằng điều này giúp tôi rất nhiều. Nếu bạn nhìn danh sách những người được chọn tham dự World Cup 2002, bạn sẽ thấy hơn 80% cầu thủ là lứa U20 và U23.

- Ông có áp dụng cùng lối chơi/hệ thống huấn luyện cho cả 3 đội hay không?

- Vì tôi dẫn dắt cả 3 đội nên tôi đã tập hợp một ekip ban huấn luyện “di động”, một đội ngũ kết hợp giữa các trợ lý (assistant), HLV thể lực, HLV thủ môn, người phụ trách video… Tất cả bọn họ sẽ tập hợp lại để đại diện cho một thực thể triết lý và tôi may mắn khi thời điểm ấy không hề có sự lộn xộn nào vì các giải đấu được tổ chức hợp lý để các trận đấu không diễn ra chồng chéo. 

Toàn bộ các cầu thủ đều được huấn luyện theo cách giống nhau, từ các bài tập, việc giao tiếp cho đến kỷ luật. Không hề có sự khác biệt nào giữa đội U20 và đội tuyển lớn. Những cầu thủ xuất sắc nhất của đội U20 sẽ được đôn lên đội U23 và những cầu thủ hay nhất của đội U23 sẽ được lên đội tuyển lớn.

Thông thường sẽ có 3 ban huấn luyện khác nhau cho 3 đội - điều đang diễn ra ở Nhật Bản bây giờ, và tất nhiên nếu bạn bảo Halilhodzic quản lý đội U23 hiện tại, có lẽ ông ấy sẽ bảo đó không phải nhiệm vụ của mình. Halilhodzic sẽ lấy những cầu thủ U23 hay nhất lên đội “Samurai Xanh” của ông ấy, nhưng quá trình đào tạo họ lại không phải việc ông ấy bận tâm. 

- Cầu thủ nào khiến ông ấn tượng nhất ở Nhật Bản?

- Khi tôi bắt đầu nhiệm kỳ của mình, Masashi Nakayama là tiền đạo trong đội của tôi và cậu ấy có cá tính tuyệt vời. Nakayama chính là người ghi bàn thắng đầu tiên trong kỷ nguyên của tôi - pha lập công vào lưới Ai Cập trên chấm 11 m. Nakayama lúc đó đã ở đội tuyển một thời gian dài, là biểu tượng của sự bền bỉ và năm 2002 cậu ấy là “Thần hộ tự” (Guardian of the Temple). 

Tôi lựa chọn cậu ấy không phải để thi đấu mà để là một phần của tập thể và tiếp tục biểu tượng của truyền thống Nhật Bản. Tôi muốn có một người mang những phẩm chất, giá trị cạnh tranh trong đội. Tôi gọi cậu ấy là “Thần hộ tự” vì có cậu ấy trong đội sẽ có nhiều lợi ích. Cậu ấy đóng góp giá trị quan trọng về chuyên môn, nhưng trên hết, những giá trị bên ngoài sân cỏ quan trọng hơn trong mắt tôi. Tất nhiên, cậu ấy là một cầu thủ và bất cứ thời điểm tôi đều có thể sử dụng cậu ấy. Nhưng với tôi, nhiệm vụ đầu tiên của cậu ấy là duy trì trật tự trong đội. Nakayama gây ấn tượng với tôi và tôi có thể nói rằng cậu ấy gây ấn tượng tương tự với toàn bộ nền bóng đá Nhật Bản.

Kazu (Kazuyoshi Miura) cũng tạo ra ấn tượng tương tự vì cậu ấy là một ngôi sao ở Nhật Bản, dù tôi chỉ lựa gọi cậu ấy lên có 2-3 lần. Tuy nhiên, bạn có thể cảm nhận sự tôn trọng mọi người dành cho cậu ấy giống như Nakayama nhưng theo một cách bình lặng hơn. Tôi gặp cậu ấy vài lần và báo chí luôn gây áp lực bảo tôi phải gọi cậu ấy. Tôi trả lời báo chí rằng tôi sẽ không bị họ tác động, nhưng có một giai đoạn tôi cảm thấy mình phải gặp cậu ấy. Cậu ấy là người luôn đại diện cho bóng đá và là người tôi thích gặp mỗi khi đến Nhật Bản.

Một người nữa là Hidetoshi Nakata, người tất nhiên là rất quan trọng trong tập thể của tôi. Lý do bởi cậu ấy là cầu thủ duy nhất trong đội lúc đó thi đấu tại một CLB lớn của châu Âu và cậu ấy sống đúng ước mơ của những cầu thủ trẻ. Cậu ấy là đại sứ của thành công, phẩm chất và cậu ấy chứng minh tiềm năng của cầu thủ Nhật Bản. Phải có những cầu thủ thể hiện điều đó ở châu Âu và cậu ấy làm hàng ngày ở giải VĐQG Italy - thời điểm đó được xem là giải đấu số một thế giới.

Và khi ấy, lứa cầu thủ trẻ này đã tạo nên thứ mà người ta gọi là “Kỷ nguyên Troussier”. Những cầu thủ như Shunsuke Nakamura - dù tôi không thể đưa cậu ấy đến World Cup vì cậu ấy không đủ thể lực - đã ghi dấu ấn lên cả thế hệ Olympic. Shinji Ono, Junichi Inamoto, Atsushi Yanagisawa, Naohiro Takahara… tất cả những cầu thủ này đều là một phần “câu chuyện của tôi”.

Đừng quên Inamoto đã ghi 2 bàn ở World Cup khi cậu ấy mới chỉ 20 tuổi. Có thể tôi cũng vô tình bỏ qua một vài cầu thủ khác nhưng hãy nói rằng Nakata là cầu thủ đại diện rõ nét nhất của “Thế hệ Troussier”, trong khi Kazu và Nakayama cũng là những nhân vật quan trọng trong suốt 4 năm tôi ở Nhật Bản.

- Ông mô tả triết lý huấn luyện của mình như thế nào?

- Có thể miêu tả triết lý của tôi là sử dụng hàng thủ 3 trung vệ và phong cách pressing gắt gao, điều còn rất mới thời điểm ấy. Đội bóng của tôi phòng ngự định hướng theo trái bóng thay vì cầu thủ, vì thế chúng tôi phải thay đổi cách chơi. Nhưng ngay khi tôi bắt đầu làm việc với các cầu thủ trẻ, tôi hiểu ngay rằng họ dễ uốn nắn hơn nhiều, điều lý giải việc về cơ bản tôi loại hết đội hình những cầu thủ vừa tham dự World Cup ở Pháp và gọi những gương mặt mới. Tôi chỉ giữ lại 4-5 cầu thủ từ World Cup 1998 cho đội hình tham dự World Cup 2002.

Ví dụ, nếu bạn nhìn Tsuneyasu Miyamoto, không HLV nào sẽ lựa chọn cậu ấy nếu chúng ta đánh giá dựa trên tiêu chuẩn thường gắn với bóng đá đỉnh cao: Chiều cao, sự năng nổ (aggression) hay sức mạnh trong những tình huống tranh chấp 1v1. Khi bạn nhìn những cầu thủ của tôi, bạn sẽ thấy họ rất thông minh và nắm rõ hệ thống Troussier đến mức hoàn hảo. Miyamoto chính là thủ lĩnh của 3 trung vệ, cậu ấy đáp ứng hết những yêu cầu của tôi. Tôi bảo các cầu thủ rằng có thể họ sẽ không thi đấu cho Arsenal, Real Madrid hay Juventus nhưng họ, đội tuyển Nhật Bản của tôi, có thể đánh bại Anh, Tây Ban Nha hay Italy. Chúng tôi cần xây dựng một chiến lược để đối đầu với các đối thủ trên thế giới, một thế giới không công bằng.

Đội tuyển Nhật Bản đã thi đấu với sự tôn trọng đối thủ, không phạm lỗi bừa bãi hay tranh cãi trọng tài, tuy nhiên chúng tôi sớm phát hiện ra một thế giới khác. Các cầu thủ Nhật Bản bị nhổ nước bọt và phải nhận những cái cùi chỏ. Họ bị giẫm lên người còn đối thủ thì ăn vạ trong vòng cấm để kiếm phạt đền. Theo quan điểm của tôi, giải VĐQG Nhật Bản quá ôn hòa, họ không có ai chơi xấu, trong khi trên khán đài thì quá nhiều cô gái mặc váy ngắn ném gấu bông vào bạn. Các cầu thủ cần phải học tất cả những mánh lới như vậy, do đó tôi chính là người thầy chuẩn bị để tạo nên một đội biệt động có thể mang về kết quả.

Ngày nay việc lựa chọn cầu thủ dễ hơn nhiều. Có lẽ phải đến 21/23 cầu thủ đang thi đấu ở châu Âu với các HLV ngoại và xung quanh họ là những cầu thủ xuất sắc, trong khi thời của tôi chỉ có một người. Tôi không muốn so sánh nhưng tôi cảm thấy không hề ngạo mạn khi nói rằng tôi là người khởi đầu lịch sử bóng đá Nhật Bản ở World Cup. Điểm số đầu tiên giành được, chiến thắng đầu tiên và lần đầu tiên lọt vào vòng hai của World Cup cũng đều diễn ra ở kỷ nguyên Troussier.

- David Camhi - trợ lý cũ của ông - nói với tôi rằng mối quan hệ giữa ông với các cầu thủ là theo kiểu cha con. Đó có phải cách miêu tả chính xác nhất?

- Đúng, cha con là từ chính xác. Tôi không chỉ quan tâm tới khía cạnh chuyên môn và những gì diễn ra trên sân mà tôi còn quan tâm đến cuộc sống các cầu thủ, cách sống của họ, những gì diễn ra trước và sau buổi tập để giúp họ thể hiện tác phong chuyên nghiệp trong công việc. 

Tôi khắt khe với màn thể hiện của họ trong công việc, trong luyện tập, trong cách diễn giải những gì cần làm trên sân, lấy bóng làm sao, kiểm soát hay chuyền bóng thế nào. Tôi cho họ những mục tiêu và kỳ vọng họ thi đấu hết khả năng. Một cái bắt tay hay một ánh nhìn cũng đủ để tôi hiểu tôi có hòa hợp với cầu thủ hay không. Và cá nhân tôi cần tiếp xúc với cầu thủ, tôi cần cảm nhận, trò chuyện hay kích thích họ. Đó là cách của tôi.

- Hiện tại ông vẫn theo dõi bóng đá Nhật Bản chứ?

- Có, tất nhiên rồi, tuy nhiên tôi không thể kể ra chi tiết, ví dụ như điểm số của Vissel Kobe cuối tuần trước. Tôi không nắm quá rõ kết quả chính xác.

- Ông suy nghĩ gì về bóng đá Nhật Bản hiện tại?

- Nếu phải đánh giá, đây là ứng cử viên giành tấm vé tham dự World Cup ở vòng loại cuối cùng. Đây là đội tuyển nằm trong top 3 châu Á, điều rất khác với thời của tôi, vì chúng tôi từng trong top 2, thậm chí là dẫn đầu. Khi ấy, chúng tôi chia sẻ vị thế dẫn đầu cùng Hàn Quốc nhưng hiện tại Australia đã xuất hiện và Iran có những bước tiến mạnh mẽ.

Vì vậy, chúng ta có thể nói rằng hiện tại có 4-5 đội tuyển có khả năng đoạt chức vô địch châu Á và Nhật Bản phải chấp nhận chia sẻ tham vọng này, dù Nhật là đội tuyển được tổ chức bài bản và có nguồn lực tốt. Thành công của một đội tuyển quốc gia liên quan mật thiết đến nền tảng đào tạo trẻ và ở Nhật Bản, nền tảng ấy rất tốt. Các CLB được tổ chức quy củ, chính sách đào tạo HLV tuyệt vời, các cầu thủ và trọng tài đều là những người giỏi nhất bên cạnh việc công tác giáo dục trong hệ thống này ở mức hàng đầu.

Những điều kiện ấy khiến các cầu thủ tôn trọng và có tính kỷ luật hơn. Tuy nhiên, lợi thế của đội tuyển quốc gia hiện nay so với thời của tôi là 90% cầu thủ của đội tuyển đang thi đấu tại các CLB hàng đầu châu Âu. Tôi nhớ một câu hỏi mà tôi đã nhận được rất nhiều lần: “Thưa ông Troussier, chúng tôi nên làm gì để mạnh hơn?”

Tôi trả lời: “Các anh sẽ mạnh hơn vào cái ngày các anh được thế giới bóng đá công nhận, cái ngày các cầu thủ thi đấu ở nước ngoài”. Hiện tại đang là như vậy.

- Trong số những cầu thủ Nhật Bản hàng đầu hiện tại, 1 hay 2 cầu thủ nào ông muốn có trong đội của mình nếu ông là HLV trưởng?

- Hiện tại Shinji Okazaki ở Leicester City đang có những bước tiến vượt bậc trong giai đoạn này của sự nghiệp, cả về sự trưởng thành lẫn vị thế… Tôi biết Ranieri muốn huấn luyện kiểu cầu thủ như vậy vì cậu ấy luôn sẵn sàng với trái bóng và giàu tính chiến đấu. Nếu bạn hỏi tôi, với tư cách một HLV có muốn cậu ấy trong đội không, tôi sẽ trả lời “có” ngay lập tức. 

Tuy nhiên, đừng chỉ nói về những ngôi sao. Thời ở Trung Quốc, tôi muốn tìm kiếm các cầu thủ Nhật Bản và luôn tìm họ. Tôi luôn tư vấn mọi CLB Pháp hãy đưa cầu thủ Nhật Bản vào trong đội của họ. Gần như ngay sau khi chuyển đến một CLB mới, một cầu thủ trẻ Nhật Bản sẽ thích nghi hoàn toàn với yêu cầu của đội và mức độ chơi bóng cao nhất. Liệu cậu ấy có hòa nhập được với cuộc sống ở nước ngoài hay không ư? Đây lại là câu hỏi khác vì có những người thành công, có những người thất bại bởi họ không thể thay đổi hành vi và thái độ, có lẽ do họ được bao bọc quá mức ở quê hương.

Đúng là bạn phải có chút chất cao bồi khi ra nước ngoài. Chúng ta sẽ thấy rằng trong số 20 cầu thủ hàng đầu thế giới có lẽ phải đến 10 cầu thủ Nhật đủ đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật.

- Điểm khác biệt giữa Nhật Bản và Trung Quốc trên khía cạnh bóng đá là gì?

- Câu hỏi chính phải là nền tảng đào tạo trẻ ở Trung Quốc hiện tại thế nào? Trung Quốc rất rất chậm trong công tác đào tạo trẻ. Trung Quốc có phần giống một người Pháp, một người đến trường mà không chơi thể thao hay đá bóng, mà nếu anh ta buộc phải chơi thể thao thì anh ta sẽ lấy cái xác nhận y tế để không phải tham gia hoạt động.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng thiếu cơ sở hạ tầng và các CLB bóng đá. Vì thế nếu muốn chơi bóng ở Trung Quốc, bạn phải sống hoặc sống gần một thành phố có cơ sở hạ tầng phục vụ bóng đá. Dù có hàng triệu trẻ em, có lẽ chỉ khoảng 200.000 đứa trẻ muốn chơi bóng đá. Trong số 200.000 đứa trẻ đó, chỉ 50.000 em có thể tìm được nơi để tập luyện trong môi trường bóng đá bình thường. Họ có những cầu thủ với nền tảng thể chất tốt, họ mạnh mẽ và có ý chí. Họ có mọi thứ cần thiết để chơi bóng, nhưng để bắt kịp Nhật Bản thì còn cần thời gian.

- Quãng thời gian của ông ở Trung Quốc diễn ra thế nào?

- Tôi muốn đến Trung Quốc và có nhiều cơ hội để dẫn dắt đội tuyển quốc gia Trung Quốc. Tuy nhiên, tôi không muốn làm điều đó vì thời điểm ấy tôi vừa rời Nhật Bản và thành thật mà nói tôi thấy mình không thể dẫn dắt một đội tuyển quốc gia khác. Nhật Bản giúp tôi đạt đỉnh cao sự nghiệp và trải nghiệm tôi có được cùng đội tuyển Nhật - với quá trình 4 năm dẫn dắt 3 cấp độ đội tuyển cùng với một đội ở Olympic, thậm chí tham gia cả dự án xây sân vận động - là rất lớn. Nói ngắn gọn, khi đó tôi thực sự là “Bộ trưởng Bóng đá”. Vì thế tôi cảm thấy mình không sẵn sàng đối diện thử thách này một lần nữa, nhất là với Trung Quốc, nơi tôi biết nhiệm vụ được kỳ vọng dành cho tôi. Vì vậy tôi không cảm thấy có động lực.

Cuối cùng, tôi đến Trung Quốc thông qua cửa sau là một CLB nhỏ ở hạng hai và tôi không hề hối tiếc vì tôi đã được khám phá một CLB thiếu thốn đủ thứ. Tôi đến một CLB muốn xây dựng và cần bắt đầu từ những điều cơ bản. Đến một CLB có yêu cầu gấp gáp như vậy không làm tôi khó chịu, thực tế là ngược lại. Nó cho phép tôi khám phá những điều mới mẻ và cho tôi được đắm mình trong những nguyên tắc mà tôi đã quên. Nó giống như thể bạn yêu cầu một quản lý ngân hàng bắt đầu lại sự nghiệp ở vai trò nhân viên giao dịch. Tôi đã làm việc 4 năm ở đó và không hối hận điều gì. Trải nghiệm quý giá đó giúp tôi khám phá Trung Quốc.

- Và ở Trung Quốc ông đã gặp David Camhi, người ban đầu là phiên dịch viên?

- Đúng, David từng ở Đài Loan, là bạn của Tom Byer - người đã giới thiệu cậu ấy cho chúng tôi - và cậu ấy có thể bắt tay vào công việc ngay lập tức. Do không có gia đình nên cậu ấy có thể vào việc ngay, không chỉ với vai trò phiên dịch viên mà còn tạo cho tôi một môi trường gắn liền với những nhu cầu của tôi. Khi bạn huấn luyện, bạn cần nhiều nhu cầu để phát huy hết khả năng của cầu thủ, ví dụ như đặt phòng khách sạn và vé máy bay, thiết bị, lịch tập… Chúng tôi cần phối hợp mọi thứ và đây là điều tôi luôn cố gắng tạo ra khi đến bất cứ đâu.

David đã trở thành một người như thế. Ngoài ra, cậu ấy có nhiều kiến thức bóng đá bổ ích để có thể ngồi xuống, trò chuyện về bóng đá và phân tích một trận đấu. David là người đảm bảo mọi thứ diễn ra chuẩn chỉ, khi buổi tập sẽ diễn ra vào sáng hôm sau, chúng tôi dụng cụ thiết bị phù hợp, bóng được bơm căng để tôi có thể tập trung vào những thứ khác. Tôi cần một người tận tụy, đặc biệt khi ở một CLB Trung Quốc không có trung tâm huấn luyện. Nói ngắn gọn là ở đó không có gì cả. 

CLB Shenzhen Ruby là một chiếc xe buýt, một rạp xiếc hàng ngày di chuyển đến sân tập ở chỗ này và ngày mai đến chỗ khác. Ngoài ra, các cầu thủ Trung Quốc cũng không về nhà. Chúng tôi phải nuôi họ và cho họ một nơi để sống. Nói cách khác thì lúc đó giống như tổ chức trong quân đội. Vì vậy, David là một người trợ lý rất rất quý giá. Dần dần, vị thế của cậu ấy thay đổi vì tôi có thể trao đổi về bóng đá với cậu ấy và cậu ấy cũng dựng những thước video xuất sắc.

Cậu ấy có cách để làm những bản báo cáo kỹ thuật về đối thủ. Cậu ấy hoàn toàn hợp với phong cách của tôi. Tôi phải thừa nhận rằng người đầu tiên tôi tham khảo ý kiến để chuẩn bị cho một trận đấu là David. Chúng tôi ở bên nhau 24 giờ mỗi ngày nên rất dễ để nói chuyện bóng đá với cậu ấy do cậu ấy đã là một phần trong cuộc sống của tôi.

- Theo ông, David có những yếu tố cần để trở thành một HLV giỏi hay không?

- Cậu ấy đã có sẵn niềm đam mê và khát khao. Điều gì tạo nên một HLV giỏi? Bạn cần đảm bảo nắm vững mọi thứ cũng như đảm bảo các cầu thủ của mình ở trạng thái tối ưu để cống hiến hết sức trong trận đấu, đặc biệt là tận dụng tối đa khả năng. 

Một HLV giỏi là người sử dụng 80% khả năng, trong khi một HLV dở không thể sử dụng tiềm năng một cách tối ưu. Nếu bạn ở giải hạng nhất của quận, một HLV giỏi không phải người được yêu cầu sẽ phải vô địch châu Âu với đội bóng ấy. Thay vào đó, anh ta là người được yêu cầu sử dụng tiềm năng trung bình. Tuy nhiên, anh ta sử dụng 80% khả năng trong khi HLV khác có nhiều khả năng hơn sẽ không biết cách tận dụng chúng và chỉ sử dụng 20% khả năng.

- Ông từng huấn luyện ở châu Âu, châu Phi và châu Á. Điểm khác biệt to lớn giữa nơi này là gì?

- Khác biệt nằm ở cách các cầu thủ tiếp nhận thông điệp. Một đội bóng châu Âu sẽ truyền tải nó trên sân tập với những kỹ năng vượt trội vì anh ta có nền tảng giáo dục cao hơn. Anh ta có kiến thức, có văn hóa nên khi bước vào trận đấu sẽ thể hiện lại những bài tập cũng như thực hiện kỹ thuật tốt hơn. 

Ở châu Á, sự đoàn kết lớn hơn và ở đây tôi đang nói về khía cạnh kỷ luật. Họ tôn trọng HLV. Một cầu thủ châu Á sẽ có kỷ luật tập thể và sẽ sửa đổi hành vi để đáp ứng sự kỳ vọng. Tại châu Á, bạn chỉ cần nâng cao giọng để thay đổi thái độ, trong khi tại châu Âu bạn sẽ phải giao tiếp lâu hơn, trò chuyện cá nhân nhiều hơn với các cầu thủ. Ở châu Á, chúng tôi nói chuyện tập thể, ở châu Âu chúng tôi nói chuyện với cá nhân. Một cầu thủ châu Âu sẽ dễ lay động với cách bạn trò chuyện cá nhân với anh ta.

- Ông có thể chia sẻ kế hoạch tương lai được không?

- Trước hết, tôi có một lối sống nhất định. Tôi lựa chọn những gì tôi mong muốn. Liệu tôi có động lực để tham gia những chuyến phiêu lưu như tôi đã làm trước đó? Không. Tôi có tuổi rồi. Năm nay tôi đã 61. Tôi đã có cơ hội và đặc ân được tham dự 2 kỳ World Cup, tôi dẫn dắt các đội tuyển quốc gia, tôi làm việc với 8 liên đoàn khác nhau và có hơn 200 trận trong sự nghiệp cầm quân, bao gồm World Cup, cúp châu Á và cúp châu Phi. 

Tổng cộng, đã 25 năm kể từ khi tôi bắt đầu công tác huấn luyện trong bóng đá. Động lực hiện tại của tôi là  là chia sẻ kinh nghiệm với những dự án mà tôi lựa chọn. Tôi nhận được nhiều lời mời nhưng tôi không muốn gật đầu cái nào vì chúng liên quan đến những CLB hay đội tuyển mà tôi phải xây dựng lại từ đầu hoặc đó là những dự án không có nguồn nhân lực lẫn tài chính - những nền tảng quan trọng để gặt hái thành công trong bóng đá.

Vì vậy, tôi đang cố gắng phát triển một dự án khác, một dự án tôi rất thích: Tôi sở hữu một vườn nho ở Bordeaux, Saint Emilion. Tôi rất vui khi thực hiện dự án này, mục tiêu của tôi là giúp dự án hoạt động hiệu quả, phát triển thứ rượu cao cấp. Cha tôi từng là một người bán thịt nên tôi thấy giá trị của đất và những nghề thủ công, tay chân rất quan trọng. Loại rượu ấy 99% sẽ được bán ở Nhật Bản.

Tuy nhiên, đừng vẽ nên hình ảnh một Philippe Troussier ngừng tham gia vào bóng đá. Thay vào đó, tôi lựa chọn dự án chất lượng mà tôi có thể chia sẻ kinh nghiệm. Đồng thời, tôi đã đến tuổi phát triển những hoạt động hậu bóng đá. Hiện tại, tôi lựa chọn phát triển vườn nho của mình.

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cuộc đua vô địch Serie A: Tìm về những ngày xưa cũ

Vòng đấu thứ 12 Serie A mùa giải năm nay khép lại với trận hoà 1-1 giữa hai kẻ đang dẫn đầu bảng xếp hạng là Inter Milan và Napoli. Trận hoà này cùng với những trận thắng trước đó của những Juventus, Atalanta, Fiorentina và Lazio đã khiến cho bảng xếp hạng ở những vị trí dẫn đầu trở nên vô cùng chật chội.

Manchester United: Bao giờ cho đến ngày xưa

Từ một thế lực lớn của bóng đá thế giới, Manchester United đang sa sút trầm trọng thời kỳ hậu Sir Alex Ferguson. Và cuộc chia tay của đội chủ sân Old Trafford với Erik ten Hag càng đào sâu vào cuộc khủng hoảng của đội bóng lừng danh một thời.

Tại sao những ngôi sao bóng đá lại đầu tư vào Esports?

Có hai cách chính để các cầu thủ bóng đá tham gia vào sân chơi esports. Họ có thể dành thời gian để xây dựng một lượng người theo dõi đáng kể trên mạng xã hội - những người muốn xem họ chơi trò chơi điện tử hoặc không thì sẽ là đầu tư trực tiếp vào một tổ chức thể thao điện tử chuyên nghiệp.

Lionel Messi và hồi ức về màn ra mắt Barcelona

Ngày 16 tháng 10 năm 2004 sẽ mãi được ghi nhớ như một khoảnh khắc quan trọng trong lịch sử Barcelona. Đó là ngày, Lionel Messi, một cậu thiếu niên tóc xù và chưa được nhiều người biết đến đã có trận ra mắt cho đội bóng xứ Catalunya trong trận đấu với Espanyol.