"Olimpico" là một hiện tượng tương đối hiếm gặp. Thông thường, một mùa giải có khi chỉ xuất hiện một lần hoặc đôi khi còn chẳng thể xảy ra.
Trong vở kịch "The Importance of Being Earnest", Oscar Wilde từng nói một câu như sau: "To lose one parent may be regarded as a misfortune; to lose both looks like carelessness. (Mất bố, hoặc mất mẹ có thể coi là điều không may mắn, nhưng mất cả hai thì nó sẽ bị coi là sự bất cẩn). Đó chỉ là một câu nói để trong bối cảnh của vở kịch kể trên, nhưng nếu để biên ra một phiên bàn hài hước hơn về câu nói đó và kết hợp với tình cảnh của Man United trong các pha phạt góc ở thời gian này, chúng ta có thể có được một câu mới như sau: "Việc để thủng lưới từ một quả phạt góc là điều không may, còn để thủng lưới hai lần trong tám ngày thì có thể coi là sự bất cẩn."
Oscar Wilde thực tế chẳng có gì liên quan đến bộ môn thể thao này. Nhưng nếu Oscar xem được việc Man United bị thủng lưới trực tiếp từ các pha bóng phạt góc trong có hơn 1 tuần thì chắc chắn ông cũng sẽ phải nói ra một câu như trên. Man United đã để thủng lưới 2 bàn từ những quả đá phạt góc trực tiếp trong 2 đấu trường khác nhau chỉ trong hơn một tuần. Họ phải nhận bàn thua trực tiếp từ các tình huống "olimpico" - thuật ngữ bóng đá mô tả đây là những pha ghi bàn trực tiếp từ chấm phạt góc.
Bàn thua đầu tiên đến từ Son Heung-min trong cơn mưa bàn thắng tại trận tứ kết Carabao Cup. Cú đá trực tiếp của tiền đạo người Hàn Quốc đã bay thẳng qua thủ thành dự bị Altay Bayindir và đi vào lưới. Bàn thua thứ hai xảy ra khi Matheus Cunha thực hiện cú đá trực tiếp để hạ gục Andre Onana trong trận đấu tại Premier League vào ngày Boxing Day.
"Olimpico" là một hiện tượng tương đối hiếm gặp. Thông thường, một mùa giải có khi chỉ xuất hiện một lần hoặc đôi khi còn chẳng thể xảy ra. Vì vậy, việc Man United để thua hai bàn như vậy trong một khoảng thời gian ngắn là điều khá phi thường. Tuy nhiên, với những vấn đề gặp phải trong việc phòng ngự các tình huống cố định và khủng hoảng phong độ nói chung ở thời gian gần đây, thì đội có khả năng để thua các bàn thắng dạng đặc biệt như vậy chỉ có thể là Man United.
Nhìn nhận theo bản năng thì nhiều người sẽ cho rằng những bàn thắng đó phần nhiều xảy ra là do may mắn. Những cú tạt bóng có quỹ đạo đi không như ý muốn của cầu thủ thực hiện hoặc đôi khi là thủ môn mắc lỗi trong khung thành, bàn thắng dạng "olimpico" mới có thể xảy ra. Về cơ bản, những pha ghi bàn như của Son Heung-min và Cunha không phải là chủ đích khi họ thực hiện pha đá phạt góc. Làm sao cầu thủ tấn công có thể cố gắng ghi bàn khi họ thậm chí không nhìn thấy khung thành?
Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, việc cầu thủ cố ý sút ghi bàn từ chấm phạt góc là hoàn toàn có cơ sở. Có những lúc họ thực sự muốn sút thẳng để ghi bàn, nhưng cũng có khi bàn thắng chỉ vô tình xảy ra. Nhiều tình huống phạt góc rơi vào một 'vùng xám' – tức là rất khó xác định liệu người đá phạt có thực sự muốn sút thẳng vào lưới hay không. Điều này có nghĩa là đôi khi người đá phạt chỉ muốn tạo ra một đường bóng nguy hiểm, nhưng nếu bóng đi thẳng vào lưới thì mục tiêu cuối cùng là ghi bàn vẫn được hoàn thành.
Cựu cầu thủ chạy cánh của Blackburn Rovers - Morten Gamst Pedersen, người vẫn đang thi đấu ở tuổi 43 tại quê hương Na Uy đã biến việc ghi bàn từ các tình huống "olimpico" thành một dấu ấn riêng trong những thời gian cuối của sự nghiệp. Anh từng ghi 3 bàn "olimpico" trong một mùa giải ở vài năm trước và khẳng định rằng mình đã ghi tới 5 bàn từ phạt góc trong một trận đấu hồi còn trẻ.
Quan điểm của Pedersen là: Ngay cả khi người đá phạt góc không hoàn toàn có ý định sút thẳng vào lưới, thì nếu quả phạt góc được thực hiện tốt để biến thành bàn thắng thì đó vẫn là một kết quả để hoàn tất mục đích ban đầu.
“Nếu bóng có thể đi thẳng vào lưới, nó giống như một cú sút phạt hoàn hảo vậy,” Pedersen nói chia sẻ với The Athletic. “Bạn nhắm đến góc xa nên có rất nhiều điều có thể xảy ra trong một pha phạt góc. Một tình huống như thế sẽ khiến thủ môn bị phân tâm vì họ không biết mục đích thực sự của quả đá phạt góc là gì. Nếu bóng có thể đi vào lưới mà không cần ai chạm vào, đó thực sự là một quả đá phạt góc hoàn hảo."
“Bạn có thể thấy điều Arsenal đã làm mùa này: Ở rất nhiều quả phạt góc mà họ ghi bàn, nếu không ai chạm vào bóng, thì quỹ đạo của đường bóng vẫn có thể đi thẳng vào lưới. Đó là lý do tại sao các đội bóng thường cố gắng đưa bóng càng gần với đường biên ngang càng tốt. Bởi bất kỳ điều gì cũng có thể xảy ra khi một quả bóng được đưa vào khu vực gần cầu môn."
Quan điểm này cũng được chia sẻ bởi một chuyên gia khác trong việc ghi bàn từ các quả đá phạt góc trực tiếp: Joe Jacobson - cựu hậu vệ của Wycombe Wanderers. Anh chàng này đã ghi 2 bàn từ phạt góc trong một trận đấu mà anh đã lập hattrick bàn thắng từ các tình huống cố định trước Lincoln vào năm 2019. Ngoài ra, bản thân Jacobson cũng từng ghi được rất nhiều bàn thắng tương tự trong sự nghiệp của mình.
“Tôi không nghĩ rằng mình từng bước vào sân với suy nghĩ: ‘Tôi sẽ đá vào góc xa của khung thành’. Nhưng nhiều lần huấn luyện viên đã nói với tôi rằng: ‘Đưa bóng vào đúng hướng là được, cứ làm như thể cậu đang sút thẳng về phía khung thành ấy’. Sở dĩ họ nói vậy là để nếu ai đó chạm nhẹ vào đường bóng tôi đưa vào, bóng vẫn có thể đi ngay vào lưới,” Jacobson nói.
“Tôi nghĩ rằng các quả phạt góc xoáy vào trong (inswing) đã từng bị lãng quên một thời gian. Có nhiều nghiên cứu cho thấy nếu đá xoáy ra ngoài (outswing), bóng sẽ bay với quỹ đạo hướng ra xa khung thành và làm giảm lực phản hồi của các cú đánh đầu phá bóng của cầu thủ phòng ngự. Nhưng giờ đây, đột nhiên Arsenal đã khiến những quả phạt góc xoáy vào trong trở nên phổ biến trở lại.”
Joe Jacobson từng ghi 2 bàn từ chấm phạt góc vào lưới đối thủ trong một trận đấu |
Tuy nhiên, trong một số tình huống, người đá phạt góc chắc chắn có ý định sút thẳng vào lưới.
Megan Rapinoe đã trở nên nổi tiếng từ tình huống đá phạt góc thành bàn tại Thế vận hội Tokyo năm 2021, sau khi đã làm điều tương tự ở 9 năm trước đó tại London. Lần đầu tiên, Rapinoe có thể không hoàn toàn có chủ đích, nhưng lần thứ hai thì chắn chắn là có. Theo lời chia sẻ của Rapinoe, thì rõ ràng cô có ý định để sút thẳng.
"Tôi có ý định sút thẳng quả này," Rapinoe nói với giới truyền thông sau trận đấu gặp Úc tại Tokyo. "Thực ra hôm qua tôi đã nói điều đó với Vlatko (Andonovski) và trợ lý HLV Laura Harvey. Họ bảo tôi: ‘Đưa bóng đến vị trí này, chúng tôi muốn bóng được hướng đến khu vực này và đây là chiến thuật của trận đấu.’ Và tôi trả lời họ rằng: ‘Được thôi, có lẽ tôi sẽ thực hiện một cú sút thẳng luôn.’"
Các cú đá phạt góc của Pedersen thường xuyên và có chủ đích đến mức đồng đội của anh đã điều chỉnh vị trí di chuyển theo cách anh thường hiện phạt góc.
"Có lần một đồng đội chơi ở vị trí trung vệ hỏi tôi trước khi tôi thực hiện quả phạt góc rằng: ‘Morten, cậu định sút luôn à?’ Tôi đáp lại là có thể. Và thế là anh ấy đứng lại ở giữa sân luôn chứ không tiến lên để xâm nhập vòng cấm."
Pedersen thường xuyên luyện tập các quả phạt góc với ý định sút thẳng vào lưới, mặc dù hầu hết các tình huống đều bị cản phá trước khi bóng chạm lưới. "Khi tôi chơi cho Tromso ở thời gian đầu sự nghiệp, tôi thường đặt một bảng bóng rổ và vòng rổ trước khung thành rồi nhắm vào đó để sút" - anh chia sẻ.
Theo góc nhìn của những người không chuyên đá góc thẳng vào lưới, bí quyết để tạo ra một quả phạt góc có độ xoáy vào trong đủ độ nguy hiểm là khiến trái bóng đi xoáy càng nhiều càng tốt. Chính vì vậy người đá phải điều chỉnh cách sút bóng sao cho phù hợp để quỹ đạo bay của bóng đi đúng mục đích. Tuy nhiên, Jacobson cho rằng, dù độ xoáy là một yếu tố quan trọng, thì tốc độ và góc độ khi đưa bóng vào mới là yếu tố quyết định để tạo ra một bàn thắng từ cột cờ góc.
"Bạn thấy rất nhiều quả bóng được đưa vào với một quỹ đạo cong rất đẹp, nhưng thủ môn chỉ cần nhẹ nhàng bắt lấy chúng ở trong vòng cấm mà chẳng tốn quá nhiều sức lực. Nhưng khi bóng bay nhanh và quỹ đạo bay không quá cao, đồng thời giữ bóng ở gần tầm mắt của thủ môn, thì tình huống phạt góc sẽ trở nên rất khó đoán và tạo ra cảm giác lưỡng lự cho thủ thành đối phương có thể lao ra cản phá."
Jacobson thay vì chú ý vào độ cong của đường bóng thì lại dựa nhiều vào góc độ khi anh lấy đà để tạo độ xoáy vừa đủ. Điều này giúp anh có thể tập trung vào việc sút bóng một cách mạnh mẽ và chính xác nhất có thể.
"Giống như khi thực hiện các quả đá phạt trực tiếp, tôi luôn đứng tạo thành một góc vuông so với hướng mà tôi muốn sút bóng và nơi tôi muốn bóng đi đến. Tôi cố gắng sút hơi chạm lên phía trên quả bóng, nó giống như động tác topspin trong tennis vậy. Kiểu sút đó giúp bóng bay theo một đường cong nhỏ hơn và giữ cho quỹ đạo gần với mục tiêu hơn ngay từ đầu."
"Tôi đã từng đá bóng quá mạnh và cũng từng đá nhẹ quá nhiều lần, nhưng khi làm đúng động tác, góc độ lấy đà giúp tôi không cần lo lắng quá nhiều về hướng đi của bóng. Tôi biết rằng nếu tôi chạy lấy đà đúng góc, bóng sẽ bay đến đúng khu vực mà tôi mong muốn."
Từ góc nhìn của một thủ môn, việc để lọt lưới một quả phạt góc như vậy là khá đáng xấu hổ. Tuy nhiên, đôi khi vòng cấm địa trở nên quá đông đúc kèm theo người đá góc thực hiện cú sút quá hoàn hảo, thì thủ môn cũng không thể làm gì nhiều.
"Những tình huống này rất khó xử lý vì có quá nhiều cầu thủ xung quanh," cựu thủ môn Matt Pyzdrowski (hiện là chuyên gia của tờ The Athletic) chia sẻ. "Bản năng của thủ môn thường là lao lên phía trước. Trực giác của một thủ môn mách bảo bạn nên lao lên phía trước để đấm bóng hoặc bắt nó ở tầm cao nhất trước khi các tiền đạo của đối phương có thể chạm vào bóng."
"Là một thủ môn, bạn cần phải kiềm chế bản năng đó và kiên nhẫn hơn một chút. Tôi nghĩ bàn thắng mà Tottenham ghi vào lưới Manchester United là một ví dụ rõ ràng. Altay Bayindir trong tình huống này đã phản ứng quá sớm. Có một cầu thủ chạy cắt ngang trước mặt Altay và anh ấy lại tỏ ra quá tập trung vào cầu thủ đang có xu hướng băng vào. Anh ấy đã bước lên vài bước để hy vọng kiểm soát tình hình, nhưng sau đó lại nhận ra bóng đang bay qua đầu mình."
"Bất cứ khi nào bóng bay qua đầu thủ môn, việc lùi lại để xử lý là rất khó khăn. Tôi nghĩ điều đó khiến anh ấy (Altay) mất tập trung vào bóng và hoàn toàn bỏ lỡ cơ hội để kiểm soát nó."
Trong tình huống ghi bàn của Matheus Cunha, thủ môn của Manchester United - Andre Onana đã bị kẹp giữa các cầu thủ tấn công phía trước và phía sau của Wolves. Điều này khiến anh không thể di chuyển một cách thoải mái trong khung thành. Trong trường hợp này, có thể nói trách nhiệm lớn hơn sẽ thuộc về các hậu vệ của Man United.
"Mỗi thủ môn có một phong cách khác nhau," Pyzdrowski giải thích, "nhưng khi tôi còn thi đấu, tôi muốn hậu vệ đứng ở phía ngoài so với cầu thủ tấn công, để họ có thể ép đối thủ tiến gần hơn về phía khung thành qua đó loại bỏ khoảng trống nguy hiểm. Trong tình huống này, hậu vệ (Manuel Ugarte) đã không làm tốt nhiệm vụ của mình, và thực tế là anh ấy đã đẩy cầu thủ tấn công vào sát khu vực Onana đang đứng."
Các đội bóng thường luyện tập cho những tình huống cố định, như phạt góc hay các pha bóng bổng, để chuẩn bị tốt hơn khi đối mặt với những tình huống tương tự trong trận đấu thật. Tuy nhiên, dù có luyện tập kỹ đến đâu, rất khó để mô phỏng lại hoàn toàn tính bất ngờ và cường độ cao của những pha bóng xảy ra trong trận đấu thực tế. Liệu việc những bàn thắng kiểu này xuất hiện có phần nào liên quan đến thời điểm mà các đội luyện tập đá phạt góc không? Pyzdrowski nghĩ rằng điều này có thể là một yếu tố liên quan.
"Chúng tôi luôn luyện tập đá phạt góc vào ngày trước trận đấu, khi cường độ tập luyện thấp hơn để tránh gây mệt mỏi cho cầu thủ trước khi thi đấu thật. Tuy nhiên, vì cường độ tập luyện bị giảm sút, các cầu thủ sẽ có xu hướng thư giãn hoặc không tập trung hoàn toàn vào tình huống bóng."
Khi bạn xem một pha ghi bàn trực tiếp từ phạt góc, bản năng của chúng ta sẽ cho rằng những quả bóng đi vào lưới ở cột xa là có chủ đích, còn những quả bóng đi vào lưới ở cột gần là do may mắn. Nhưng sự thật có thể hoàn toàn diễn biến theo chiều hướng ngược lại.
Một ví dụ hoàn hảo là trận đấu mà Jacobson ghi hai bàn trực tiếp từ các quả đá phạt góc. Bàn đầu tiên đi vào vị trí lưới ở cột gần, còn bàn thứ hai bay cao rồi cuộn vào lưới ở cột xa.
"Bàn thứ hai rõ ràng trông đẹp mắt hơn, nhưng có lẽ nó bay hơi quá cao so với mục tiêu cột gần. Pha đó chỉ là vô tình bay vào lưới thôi," anh nói.
"Trợ lý HLV của Wycombe, Richard Dobson, người phụ trách các tình huống cố định của đội luôn bảo chúng tôi cố gắng đưa bóng vào cột gần ở tầm cao ngang đầu. Sỡ dĩ ông ấy muốn vậy vì khi bóng ở tầm đó, các cầu thủ tấn công sẽ có cơ hội tiếp cận được bóng, hoặc nếu không, họ cũng sẽ gây ra hỗn loạn ở phía sau. Đối với thủ môn, rất khó để phán đoán tình huống khi có cầu thủ thực hiện băng cắt để chạm bóng."
Pyzdrowski xác nhận điều này. "Nơi mà tôi luôn cảm thấy bất an khi làm thủ môn là thời điểm biết đối thủ cố tình đưa bóng xoáy mạnh về phía cột gần," anh nói. "Ở một pha bóng nhưu thế, bản năng của thủ môn sẽ khiến bạn muốn lao lên để đấm bóng, nhưng những cầu thủ khác có thể chắn đường bạn di chuyển. Và khoảnh khắc đó là lúc bạn dễ bị tổn thương nhất khi đối mặt với một tình huống phạt góc."
Với ngày càng nhiều đội bóng làm theo chiến thuật của Arsenal khi họ cố gắng đưa những quả phạt góc xoáy mạnh vào khu vực 6m, có lẽ đây sẽ không phải lần cuối cùng trong mùa giải này chúng ta chứng kiến một pha ghi bàn trực tiếp từ các pha đá phạt góc.
Những bàn thắng trực tiếp từ phạt góc (olimpico) có thể trông giống như một pha ghi bàn "ăn rùa" nào đó, nhưng thực tế vẫn có rất nhiều sự tính toán và kỹ năng được áp dụng vào tình huống kiểu như vậy.
Theo Nick Miller (NY Times)