Mua sắm điên cuồng, liệu Saudi Arabia có trở thành Trung Quốc thứ hai?

Tác giả Tú Nguyễn - Thứ Sáu 30/06/2023 15:30(GMT+7)

Saudi Pro League (SPL) được thành lập từ năm 1976, nhưng chỉ thực sự tiến tới chuyên nghiệp vào năm 2007. Các đội bóng mạnh nhất giải đấu đã gặt hái thành công tại Champions League châu Á, đặc biệt là Al Hilal và Al Ittihad. Tuy nhiên, sẽ hơi quá nếu cho rằng khán giả bên ngoài Saudi Arabia bắt đầu chú ý đến giải đấu này.

 

Đó là cho đến ngày 30/12/2022, thời điểm Cristiano Ronaldo ký hợp đồng với Al Nassr. Được mệnh danh là biển quảng cáo hiệu quả nhất thế giới, siêu sao 38 tuổi đảm bảo sẽ thu hút sự quan tâm của giới mộ điệu. Tất nhiên, với điều kiện họ trả cho anh hơn 200 triệu USD/năm.

Sau khi thu hút được sự chú ý của người hâm mộ, SPL tỏ ra quyết tâm duy trì điều này. Trong tháng này, Quỹ đầu tư công Saudi Arabia (PIF) đã nắm quyền kiểm soát 3 đội bóng kể trên và Al Ahli. Bốn đội bóng khác được giao cho các doanh nghiệp do nhà nước hậu thuẫn.

Mục tiêu của Saudi Arabia là đưa SPL trở thành 1 trong 10 giải đấu tốt nhất trên thế giới bằng cách nâng cao chất lượng, danh tiếng và doanh thu. Một ngày sau khi kế hoạch được đưa ra, Karim Benzema, đương kim Quả bóng Vàng 2023 xác nhận rời Real Madrid để thi đấu cho Al Ittihad. Tất nhiên, anh cũng nhận số tiền tương tự như Ronaldo.

Từ đó, những tin đồn chuyển nhượng bị chi phối bởi câu chuyện ngôi sao ngoài 30 tuổi nào sẽ đến Trung Đông. Trong vài ngày qua, đã có lời đề nghị dành cho Bernardo Silva của Manchester City. Còn Ruben Neves dự kiến sẽ chuyển từ Wolves sang Al Hilal.

Tại sao Saudi Arabia lại bất ngờ chi đậm cho những tên tuổi bóng đá châu Âu?

Có một thực tế dễ nhận ra: Nền kinh tế Saudi Arabia phụ thuộc vào việc bán dầu mỏ. Điều này sẽ không tồn tại mãi mãi và họ cần đa dạng hóa nền kinh tế của mình. Họ làm điều này thông qua PIF.

Thể thao là lĩnh vực Saudi Arabia đang muốn phát triển trong nước, nhất là bóng đá. Họ muốn xây dựng ngành công nghiệp giải trí của riêng mình và khai thác sự quan tâm của người dân Saudi Arabia – với 70% dân số dưới 40 tuổi – dành cho bóng đá. 

Cuối cùng, Saudi Arabia muốn nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế. Thể thao, mà ở đây là bóng đá là cách để cụ thể hóa điều đó, giúp họ trở thành điểm đến về thể thao trong khu vực. Cần biết rằng Saudi Arabia đang chạy đua đăng cai World Cup 2030 cùng với Hy Lạp và Ai Cập. 

 

“Họ đã để Qatar và UAE vượt lên dẫn trước, nhưng Thái tử Mohammed bin Salman (MBS) đang cân bằng lại cán cân bằng những tên tuổi lớn,” James Dorsey, nhà báo từng đoạt giải thưởng và là thành viên cao cấp tại Viện Trung Đông của Đại học Quốc gia Singapore cho biết.

“Những khoản đầu tư lớn vào thể thao là điều hoàn toàn hợp lý. Ở một khu vực mà tôn giáo rất quan trọng, thể thao có lẽ là cách duy nhất để tương tác với các tầng lớp xã hội; đó là lý do tại sao nó sẽ luôn được các nhà cầm quyền quan tâm.

“Thể thao cũng giúp ích ở góc độ sức khỏe cộng đồng, bởi Saudi Arabia là đất nước có tỷ lệ béo phì và tiểu đường cao,” Dorsey nói.

Một Chinese Super League thứ hai?

Câu hỏi đặt ra là việc đặt cược vào SPL có phải là chiến lược đúng đắn hay không. Hay nói cách khác, liệu SPL có trở thành phiên bản thứ hai của Chinese Super League (CSL) hay không.

Sự so sánh này không phải không có lý. Mọi chuyện bắt đầu khi Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố tham vọng tạo ra ngành công nghiệp thể thao trong nước để cạnh tranh với Mỹ, cũng như đưa Trung Quốc trở thành cường quốc bóng đá. Điều này đã tạo ra tiền đề cho một “cơn bão” chi tiền của các CLB.

Nhưng sau đó, các nhà cầm quyền ở đất nước tỷ dân không muốn một lượng tiền lớn chảy ra khỏi Trung Quốc và vào túi người nước ngoài. Họ quyết định chấm dứt điều này, bằng cách đưa ra vô số quy tắc khác nhau để kiểm soát số lượng cầu thủ nước ngoài tại CSL.

 

Theo tiến sĩ Jonathan Sullivan, giám đốc Viện Nghiên cứu Châu Á của Đại học Nottingham, có những sự khác biệt cơ bản giữa CSL và SPL. “Đầu tiên, khác với Saudi Arabia, Trung Quốc bóng đá để kích thích tiêu dùng, giải trí và ngành thể thao trong nước,” ông nói. “Họ không có nhu cầu tận dụng sự phát triển của CSL cho những mục đích về mặt chính trị.

“Thứ hai, Trung Quốc không chỉ đạo các câu lạc bộ CSL tiêu tiền điên cuồng. Tất cả là do các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào bóng đá, vì họ muốn thể hiện sự trung thành với các chính sách cải cách của Tập Cận Bình, qua đó tạo ra những lợi ích về mặt kinh doanh cho họ. 

“Nhà nước Trung Quốc thực sự kinh ngạc trước số tiền được chi ra và lo lắng, bởi các doanh nghiệp đang sử dụng các giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài. Khi các nhà cầm quyền phát hiện ra sự phi lý của cuộc chạy đua vũ trang này, họ đã can thiệp bằng đủ loại quy tắc.

“Thứ ba, số tiền Saudi Arabia chi ra ở một đẳng cấp khác. Tevez kiếm được 40 triệu USD/năm ở Shanghai, nhưng cậu ấy là một ngoại lệ. Bạn có thể nói đó là do lạm phát hoặc chất lượng cầu thủ đến Saudi Arabia cao hơn, nhưng nó cũng phản ánh thực tế là các câu lạc bộ SPL đang dùng tiền của chính phủ.”

Số tiền Tevez kiếm được chỉ là một trường hợp ngoại lệ của China Super League

Trái ngược với quan điểm của phương Tây, Sullivan không nghĩ rằng dự án CSL là một thất bại. “CSL bị tàn phá bởi Covid-19 và đang cố gắng trở lại. Suy cho cùng thì CSL cũng không quá tệ. Giải đấu bây giờ bền vững hơn nhiều so với những năm trước đó.”

Liệu SPL có đi vào vết xe đổ của CSL? “SPL được kiểm soát bởi các nhà cầm quyền Saudi Arabia,” Sullivan nói. Các đội bóng chỉ là phương tiện để họ theo đuổi việc xây dựng hình ảnh. Không rõ liệu họ có ý định thực sự xây dựng một giải đấu bền vững hay không.

Theo cây viết Kaveh Solhekol (Sky Sports), Saudi Arabia có nhiều tiền hơn và tạo cảm giác làm việc nghiêm túc hơn. Đây là sự khởi đầu của một quá trình và không phải là thứ sẽ biến mất nhanh chóng.

“Ngoài ra, Saudi Arabia có một nền văn hóa cổ động tử tế. Các đội bóng và ĐTQG là một thế lực tại châu Á trong một thời gian dài. Vì vậy, có lẽ câu chuyện này phù hợp theo cách tự nhiên hơn so với Trung Quốc,” Sullivan kết luận.

Vẫn còn rất nhiều cần suy ngẫm. Có lẽ chúng ta sẽ phải đợi đến năm 2040 để biết câu trả lời. Khi đó Mbappe sẽ 41 tuổi, còn Haaland bước sang tuổi 39; chúng ta sẽ biết câu trả lời là gì khi nhìn thấy bến đỗ của họ. 

Bài viết dựa trên những nguồn sau:

“Saudi Arabia: What is the nation hoping to achieve amid transfer takeover and what happens next?” của Kaveh Solhekol (Sky Sports)

“Bubble or boom: Is the Saudi Pro League a new Chinese Super League… or a new IPL?” của Matt Slater (The Athletic)

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Người làm bóng đá sẽ xem bóng đá như thế nào?

Làm công việc chuyên nghiệp liên quan đến bóng đá thường đi kèm với việc phải xem quá nhiều trận đấu trong suốt một tuần. Thỉnh thoảng, việc ngừng lại và xem bóng đá để giải trí cũng là điều cần thiết để thư giãn đầu óc.

Bí ẩn phía sau câu chuyện Ilkay Gundogan nói lời chia tay với Barcelona

Vào sáng thứ Năm tuần trước nữa, Ilkay Gundogan đã đến buổi tập của Barcelona với tâm trạng sẵn sàng tập trung cho trận đấu mở màn của mùa giải với Valencia tại La Liga. Nhưng chỉ vài giờ sau khi buổi tập kết thúc, anh và đội ngũ của mình đã bắt đầu tìm cách rời khỏi câu lạc bộ Barcelona.

CAHN vs Buriram United: Ngày những Quang Hải, Đình Trọng “gặp lại thanh xuân”

Những tài năng độc đáo như Nguyễn Quang Hải, Trần Đình Trọng tìm lại phong độ đỉnh cao để đóng góp cho CLB và ĐTQG, là mong mỏi của chúng ta trước thềm mùa giải mới. Họ có thể khởi phát hành trình đó từ niềm cảm hứng đặc biệt này: Trận khai màn với nhiều chi tiết trùng hợp, gợi nhớ chính tuổi trẻ “vàng son”.

Vén màn phân tích dữ liệu: Liverpool đã mang về những Salah, Mane, Firmino, Van Dijk,... như thế nào?

Trong những trích đoạn từ quyển sách chuẩn bị được phát hành của mình mang tên “How to Win the Premier League: The Inside Story of Football’s Data Revolution”, Ian Graham – Giám đốc Nghiên cứu trong giai đoạn đỉnh cao của Liverpool dưới kỷ nguyên Jurgen Klopp – đã chia sẻ về quá trình làm việc cùng Giám đốc Thể thao Michael Edwards và HLV người Đức, để từ đó tạo dựng nên một đội hình chinh phục các danh hiệu, gồm những ngôi sao như Roberto Firmino, Mohamed Salah, Sadio Mane hay Virgil van Dijk.

Toni Kroos: "Tôi đã chứng minh được lối chơi của mình cuối cũng đã dẫn đến thành công"

Toni Kroos - nhà vô địch cùng với Real Madrid và là nhạc trưởng của đội tuyển quốc gia Đức tại Euro 2024 vừa qua. Cầu thủ sinh năm 1990 thuộc hàng ngũ của những cầu thủ vĩ đại nhất nước Đức đã quyết định giải nghệ ở đỉnh cao sự nghiệp. Dưới đây sẽ là một cuộc trò chuyện của tờ Kicker với Toni Kroos về các trận đấu và những người đã chỉ trích mình.

Angel Di Maria: "Paris đã thay đổi cuộc đời tôi"

Ở những năm tháng cuối sự nghiệp cầu thủ, nhà vô địch thế giới 2022 - Angel di Maria đã có những chia sẻ với tạp chí France Football để nhìn lại sự nghiệp của bản thân và thể hiện tình yêu dành cho hai màu áo: một là Paris Saint Germain và hai là đội tuyển Argentina.

Neil Warnock: "Tôi đã cố gắng xây dựng một QPR xoay quanh Adel Taarabt"

Neil Warnock - một huấn luyện viên theo trường phái cổ điển đã phá vỡ sự im lặng để có những câu trả lời với tạp chí FourFourTwo về quãng thời gian thi đấu của bản thân, bản hợp đồng tuyệt vời nhất có được khi làm huấn luyện và cả câu chuyện từ sân khấu kịch nghiệp dư