Việc chứng kiến các cầu thủ Chelsea đứng tranh cãi và giành giật quyền đá phạt đền vô tổ chức như một đội U12 ở trận đấu muộn với Everton trông nó hài hước hay là thiếu chuyên nghiệp nhỉ?
Câu trả lời có lẽ là "cả hai". Một số hành động của các cầu thủ Chelsea khi tranh giành của phạt đền cũng có phần dễ hiểu: Chelsea thời điểm đó đã dẫn 4-0, kết quả đã an bài và người thường xuyên thực hiện phạt đền là Cole Palmer lúc ấy cũng đã có một cú hattrick cho riêng mình. Chính vì thế, trong một mùa giải mà các cầu thủ Chelsea thực sự gặp phải tình trạng khan hiếm về niềm vui (ngoại trừ Cole Palmer) thì quả phạt đền đó chính là cơ hội để một ai đó bước lên và nhận lấy lời khen khi thực hiện thành công.
Cuối cùng, Palmer vẫn là người nhận lấy trái bóng và thực hiện nó thành công như mọi lần anh vẫn làm ở mùa giải này. Nhưng tình huống này lại gợi mở cho chúng ta sự quan tâm và những câu chuyện thảo luận xoay quanh về những điều nhỏ nhặt trong bóng đá và tất nhiên bóng đá cũng có thể học hỏi từ các môn thể thao khác để cải thiện nếu như cần thiết.
Câu hỏi đặt ra là: Liệu quả phạt đền có nên được thực hiện bởi những cầu thủ bị phạm lỗi?
Điều này trên thực tế đã xảy ra trong bộ môn bóng rổ, nó được áp dụng cho các pha ném phạt (free throws). Đối với một số người không quen với cách thức vận hành của bộ môn thể thao này thì mọi người có thể hiểu nó gần như tương tự với một quả phạt đền: khi một cầu thủ bị phạm lỗi, họ sẽ được trao quyền ném phạt từ 1 đến 3 lần (tùy thuộc vào các yếu tố liên quan đến phạm lỗi). Những pha ném phạt đó được thực hiện ở vị trí một đường thẳng cách xa 5 mét so với vành rổ.
Tương tự như một quả phạt đền trong bóng đá, người thực hiện những quả ném phạt sẽ không phải nhận áp lực hoặc những yếu tố gây trở ngại từ đối phương. Nhưng vấn đề là người bị phạm lỗi phải là người thực hiện pha ném phạt. Người bị phạm lỗi sẽ không ném phạt trừ trường hợp họ bị chấn thương hoặc bị đuổi khỏi sân bằng một cách nào đó trong quá trình dẫn tới pha ném phạt. Trong hai trường hợp kể trên, đối thủ sẽ là người lựa chọn ai sẽ thực hiện cú ném thay cho người bị phạm lỗi.
Điều này dẫn đến một số thông số có nhiều biến động tùy thuộc vào kỹ năng của người thực hiện. Những tuyển thủ ném phạt cừ khôi nhất thì hiếm khi họ trượt những pha được hưởng ném phạt như vậy: tuyển thủ đang có phong độ tốt nhất tại NBA mùa này là Klay Thompson có đến 93% tỷ lệ ném phạt thành công. Tuy nhiên tuyền thủ ném tệ nhất thì gần như làm sự biến động này thành một trò tung đồng xu: theo Basketball Reference, trong số những tuyển thủ đã thực hiện ít nhất 100 lần ném phạt ở mùa giải này tại NBA thì trung phong của Chicago Bulls - Andre Drummond là người có tỷ lệ ném phạt tệ nhất với chỉ 59% thành công.
Klay Thompson của Golden State Warriors ở mùa này đang sở hữu tỷ lệ ném phạt thành công lên tới 93%
|
Vậy nếu chúng ta áp dụng kiểu ném phạt của bóng rổ vào bóng đá thì sao nhỉ? Điều gì sẽ xảy ra nếu chỉ cầu thủ bị phạm lỗi được phép thực hiện quả phạt đền?
Trước tiên thì việc loại bỏ những tranh cãi kiểu trẻ con của các cầu thủ Chelsea như hồi đầu tuần sẽ được loại bỏ. Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ của vấn đề khi chúng ta áp dụng cách làm của bóng rổ sang bóng đá, những ảnh hưởng lớn hơn vẫn còn phía sau đó.
Việc áp dụng kiểu ném phạt của bóng rổ cho bóng đá sẽ là một yếu tố nguy hiểm. Mặc dù chúng ta vẫn thường xuyên cảm thấy hồi hộp khi đội bóng nào đó được hưởng phạt đền nhưng về cơ bản kết quả của một pha phạt đền có phần dễ đoán hơn trong bóng đá. Về nguyên tắc, một quả phạt đền mang tới 75% tỷ lệ chuyển hóa thành bàn thắng. Thậm chí ở mùa giải này tại Premier League, thông số chuyển hóa phạt đền thành bàn thắng còn cao hơn rất nhất với mức hơn 90% tỷ lệ thành công.
Một quả phạt đền thực sự không phải là cuộc đấu công bằng giữa cầu thủ thực hiện và thủ môn. Những người thực hiện thường xuyên những quả phạt đền ngày một trở nên giỏi hơn và họ cũng có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho tình huống mình được đá phạt đền. Ngay cả những thủ môn giỏi nhất khi đứng trước phạt đền cũng chỉ dựa vào phán đoán cá nhân của mình để đổ người nhằm ngăn cản cú sút. Các thủ môn về cơ bản là không có cơ hội quá nhiều để cán phá nếu như người sút bóng thực hiện mọi thứ một cách chuẩn chỉ.
Đối mặt với quả phạt đền thủ môn không có quá nhiều cơ hội để cản phá |
Ngay cả những trò thao túng tâm lý cũng thường nghiêng nhiều hơn về phía người sút bóng. Nếu chúng ta áp dụng cách của bóng rổ cho bóng đá thì mấy cái mánh khóe cũ rích như kiểu để một người đứng lên chấm phạt đền trước để nhận lấy áp lực từ đối phương sau đó mới chuyển lại quả bóng cho người thực sự đá quả phạt đền sẽ không thể tồn tại được nữa. Nếu phạt đền giống như ném phạt của bóng rổ thì giờ đây cuộc đấu trí sẽ chỉ còn giữa hai người là cầu thủ sút bóng và thủ môn.
Ở những cấp độ cao nhất, những cầu thủ thường xuyên đá phạt đền đã trở nên quá xuất sắc ở khía cạnh này. Nhưng nếu chúng ta thêm vào đó một chút yếu tố ngẫu nhiên như kiểu ai bị phạm lỗi sẽ được đá phạt đền thì sao? Nó rất có thể sẽ đem lại nhiều sự rủi ro hơn cho đội bóng.
Hãy lấy Chelsea ở Premier League mùa này làm ví dụ cho mệnh đề trên. Đội bóng của Pochettino đã được hưởng 12 quả phạt đền từ đầu mùa tới giờ. Cole Palmer đã đứng lên thực hiện và ghi bàn trong cả 9 lần anh nhận trách nhiệm đá phạt đền.
Nhưng trong 3 quả phạt đền còn lại thì Chelsea chỉ thu về được một bàn thắng: Enzo Fernandez và Raheem Sterling mỗi người đều đã đá hỏng một quả phạt đền. Nicolas Jackson - người được cho là bức xúc nhất trong cuộc tranh cãi đầy trẻ con vào hồi đầu tuần thậm chí còn chưa từng thực hiện một quả phạt đền nào trong sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp của mình. Và sẽ ra sao nếu như một cầu thủ chưa từng đá phạt đền bao giờ bước lên để nhận trách nhiệm ghi bàn cho đội ở pha bóng được hưởng lợi như thế? Kết quả chắc chắn sẽ rất khó đoán và nó chẳng thể đem lại sự an tâm như cách mà Palmer đã từng làm trong 9 lần ở mùa giải này.
Chỉ cho cầu thủ bị phạm lỗi thực hiện quả phạt đền không phải là một thay đổi lớn, vì nó có thể không tạo ra sự khác biệt lớn đối với việc ai sẽ thực hiện quả phạt đền. Biểu đồ phía trên chỉ ra những cầu thủ đã bị phạm lỗi nhiều nhất để dẫn đến một quả phạt đền tại Premier League trong 10 mùa giải gần nhất. Hầu hết những người đứng đầu danh sách đều là những người đá phạt đền, điều này tất nhiên là hợp lý. Người thực hiện phạt đền thường là các tiền đạo và họ thường xuyên bị phạm lỗi trong vòng cấm để dẫn đến phạt đền cũng là điều chẳng có gì phải tranh cãi cả.
Nhưng danh sách này cũng cho thấy rằng điều này có thể tạo ra một chút khác biệt. Ở danh sách kể trên, tỷ lệ chuyển hóa phạt đền thành bàn thắng của Jamie Vardy tại Premier League là 81%, Harry Kane là 89% và mặc dù gặp một chút vấn đề thời gian gần đây nhưng tỷ lệ chuyển hóa của Mohamed Salah cũng đang ở mức ổn định tầm 81%.
Tiếp sau đó là Wilfried Zaha - cầu thủ chỉ thực sự trở thành một cầu thủ thường xuyên đá phạt đền trong vài mùa giải cuối tại Crystal Palace. Và bản thân tiền đạo người Bờ Biển Ngà cũng không phải là người đá phạt đền quá tốt khi tỷ lệ chuyển hóa phạt đền thành bàn của anh cũng chỉ ở mức trung bình là 64%. Anthony Martial chỉ có vài lần nhận trách nhiệm đá phạt đền tại Premier League, anh ghi 3 bàn và đá hỏng 1 quả phạt đền. Đó là một thông số khá hạn hẹp nhưng đó có lẽ cũng là lý do Martial không thường xuyên là người thực hiện phạt đền tại Man United. Trường hợp nổi bật nhất là Raheem Sterling, cầu thủ đã đá hỏng nhiều quả phạt đền hơn cả số bàn thắng anh có được từ chấm 11m: anh đá 7 quả phạt đền ở Premier League và chỉ thành công có 3 lần. Nếu chúng ta sử dụng tỷ lệ chuyển hóa của Sterling (từ dữ liệu hiện có, anh ấy đã ghi được 3 bàn từ 7 quả phạt đền), và áp dụng tỷ lệ này vào số lượng quả phạt đền mà Sterling đã mang về ở bảng dữ liệu phía trên (23 quả phạt đền), thì rất có thể cầu thủ người Anh đã đá hỏng khoảng 13 quả phạt đền trong số 23 lần mang phạt đền về cho đội. Vậy câu hỏi đặt ra là sẽ rủi ro tới mức nào nếu chúng ta chỉ để những cầu thủ bị phạm lỗi thực hiện phạt đền? Đâu ai biết đội bạn có thể sở hữu một người như Sterling?
Sterling chỉ thành công 3/7 lần đá phạt đền ở Premier League |
Việc áp dụng quy tắc chỉ cho cầu thủ bị phạm lỗi được thực hiện quả phạt đền có thể giải quyết một phần nào đó trong những điểm yếu của hệ thống liên quan đến quả phạt đền: một cầu thủ có thể bị phạm lỗi ở góc của vòng cấm - ở một vị trí cách trung tâm khung thành của hơn 20 mét và đang có xu hướng đưa quả bóng hướng xa khung thành bỗng dưng lại có cơ hội được đứng trước cơ hội 90% để ghi bàn (dựa theo số liệu đá phạt đền thành công ở mùa giải này tại Premier League). Điều này thực sự là bất công vô cùng, nhưng trên thực tế khó có thể điều chỉnh luật lệ của bóng đá liên quan đến phạt đền một cách hiệu quả trừ khi chúng ta tái cơ cấu lại một cách rõ rệt các đường kẻ của sân bóng đá. Quy định mới không thể hoàn toàn khắc phục vấn đề, nhưng nó có thể tạo ra sự cân bằng và phần nào đó giúp giảm bớt sự bất công trong hệ thống phạt đền.
Việc áp dụng cách làm của bóng rổ cho bóng đá có thể sẽ làm nổi bật hơn những cầu thủ chơi thực sự tốt trong những tình huống bóng sống. Trong một số thống kê, số lượng bàn thắng từ quả phạt đền có thể không được phân ra riêng biệt với tổng số bàn thắng mà một cầu thủ ghi được. Chính vì vậy khi người ta nhìn vào con số tổng thể, họ sẽ không thể biết được bao nhiêu bàn thắng đến từ các quả phạt đền. Điều này phần nào đó sẽ ảnh hưởng đến cách mà người ta đánh giá sự hiệu quả của một cầu thủ thông qua những chỉ số liên quan đến bàn thắng.
Ví dụ nếu như Cole Palmer ghi 20 bàn thắng ở mùa này nhưng trong đó có tới 9 quả phạt đền thì thông số này sẽ không còn mấy ấn tượng như ban đầu. Người xem có thể nhận định rằng phần lớn bàn thắng của Palmer chỉ đến từ phạt đền nên khó có thể đánh giá cầu thủ này trong những pha bóng sống.
Trong khi đó, một cầu thủ như Ollie Watkins có 19 bàn thắng tại Premier League mà không có bất kỳ quả phạt đền nào, anh ấy sẽ được đánh giá cao hơn vì tất cả bàn thắng của anh ghi được đều đến từ các pha bóng mở. Từ đây họ sẽ đánh giá cao Watkins hơn về khả năng tấn công và kỹ thuật cá nhân. Với cách làm mới chúng ta cũng không thể thường xuyên chỉ trích những cầu thủ thực hiện phạt đền là họ đã cố gắng làm tăng chỉ số cá nhân một cách không công bằng hoặc không chính xác bởi vì những cầu thủ này cũng đã thực sự có được thành quả từ các tình huống tấn công của họ.
Một số tình huống mà việc xác định người thực hiện quả phạt đền không phải lúc nào cũng rõ ràng. Ví dụ khi một quả phạt đền được thổi vì tình huống bóng chạm tay của một cầu thủ đối phương chẳng hạn. Trong tình huống này, không phải lúc nào cũng có thể xác định rõ ràng rằng cầu thủ nào của đội tấn công sẽ thực hiện quả phạt đền, đặc biệt là trong những tình huống bóng đang nằm trong khu vực cấm địa và có nhiều cầu thủ vây quanh. Điều này có thể tạo ra một số bất lợi trong việc áp dụng quy định mới từ môn bóng rổ vì trọng tài có thể phải làm rõ hơn về người thực hiện quả phạt đền trong các tình huống phức tạp như vậy. Nó sẽ còn phức tạp hơn trong các trận đấu mà không có quá nhiều phương tiện hiện đại để xem lại băng quay chậm.
Ngoài những vấn đề kể trên, chúng ta hãy cùng xem xét một tình huống có phần kỳ mà Thomas Tuchel đã phàn nàn sau khi trận đấu tứ kết lượt đi giữa Bayern Munich và Arsenal kết thúc. Ở pha bóng đó David Raya đã chuyền bóng cho Gabriel trong vòng cấm, nhưng sau đó hậu vệ của Arsenal lại dùng tay để đặt bóng và thực hiện lại quả phát bóng lên một lần nữa. Nếu dựa vào cách áp dụng luật ném phạt của bóng rổ vào bóng đá thì lúc này chúng ta sẽ phải tìm ra cầu thủ cuối cùng của Bayern Munich đã chạm bóng là ai - người đó chính là Serge Gnabry, cầu thủ đã có cú sút trước đó đi vọt xà ngang. Nhưng do có một quyền thay đổi người với chính Gnabry sau đó mất gần một phút và tình huống được cho là vi phạm của Gabriel được xác định sau cả pha thay người nên việc xác định ai đá phạt đền sẽ là rất khó khăn. Đây có thể là một tính kỳ là mà khi chúng ta áp dụng luật ném phạt vào môn bóng đá.
Và một điều lý thuyết khá thú vị sẽ chắc chắn được loại bỏ khi chúng ta áp dụng cách ném phạt của môn bóng rổ cho đá phạt đền của bóng đá chính là: các thủ môn sẽ không thể thực hiện một quả phạt đền ngoại trừ thời điểm hai đội đá luân lưu. Những thủ môn đá phạt đền giờ rất hiếm nếu không muốn nói là không có. Dù có bao nhiêu người mơ về một ngày Pep Guardiola cho phép Ederson đá một quả phạt đền cho Man City thì với quy định giả định này thì nó là điều gần như không thể.
Vấn đề rõ ràng nhất về việc áp dụng quy định trên chính là nó làm mất đi tính công bằng của bóng đá: việc quy định ai có được cơ hội ghi bàn có vẻ là điều gì đó hơi lạ lùng và có phần bất công khi đội có được lợi thế không thể trao quyền đá phạt đền cho những chuyên gia trên chấm 11m của họ. Nó cũng sẽ khiến những ưu thế khi có một cầu thủ đá luân lưu tốt bị mất đi.
Chúng ta sẽ cảm thấy ra sao nếu như một cầu thủ có được một quả đá phạt đền nhờ một pha ngã vờ trong vòng cấm? Họ có thể qua mắt trọng tài vài lần và giành được quyền đá phạt đền. Cầu thủ đó có thể hào hứng vì ghi được bàn thắng khi mà bản thân mình gian lận để có được pha phạt đền nhưng nếu nó thất bại thì cũng có thể mở ra một khả năng bị trừng phạt ngược mà nói ngắn gọn là "quả báo" chẳng hạn. Ví dụ chẳng đâu xa chúng ta có thể nhìn ngay vào Anthony Knockaert - cầu thủ đã ngã vờ và được trọng tài thổi phạt đền trong trận bán kết play-off giải hạng Nhất giữa Leicester và Watford. Tuy là có được cơ hội để nhấn chìm Watford những cú đá trên chấm phạt đền của Knockaert đã bị thủ môn cản phá và ngay sau đó là một pha phản công để giúp Troy Deeney có được một trong những bản thắng mang tính chất kịch tính nhất của bóng đá Anh.
Việc đặt lên bàn cân cách ném phạt của bóng rổ với bóng đá cũng không hoàn toàn hợp lý bởi vì ở môn bóng rổ cơ hội ghi điểm sẽ nhiều hơn. Một quả ném phạt ở bộ môn này ít có khả năng tạo ra sự khác biệt giữa chiến thắng và thất bại. Nhưng ngược lại một quả phạt đền trong bóng đá lại là câu chuyện khác, tính chất quan trọng của một quả phạt đền sẽ có tác động rất lớn đến cục diện của trận đấu chứ chưa bàn tới những ảnh hưởng tâm lý mà nó tạo ra trong một số tình huống cụ thể.
Liệu thay đổi này có xảy ra hay không? Câu trả lời gần như chắc chắn là KHÔNG. Vậy liệu nó có tạo ra sự khác biệt lớn cho một trận đấu không? Có lẽ câu trả lời vẫn là KHÔNG. Nhưng liệu nó có khiến một số tình huống trở nên thú vị hơn cho người xem và tạo ra một chút ít rủi ro cho người thực hiện hay không? Câu trả lời có lẽ là CÓ.
Theo Nick Miller (The Athletic)