Trải qua một kỳ SEA Games không thành công tại Philippines, Lê Thanh Tùng – nhà vô địch châu Á và Thế giới 2017 môn Thể dục dụng cụ vẫn nhận nhiều kỳ vọng cho kỳ đại hội thể thao Đông Nam Á sắp tới diễn ra trên sân nhà.
Một tháng trước SEA Games 31, VĐV Thể dục dụng cụ (TDDC) Lê Thanh Tùng cùng các đồng đội vẫn đang dành 7-8 tiếng tập luyện miệt mài mỗi ngày dưới sự hướng dẫn của HLV Trương Minh Sang tại Trung tâm huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội (Nhổn). Tại kỳ đại hội lần này, Việt Nam là nước chủ nhà khiến áp lực dành cho các VĐV ngày càng đè nặng.
Mỗi ngày, các VĐV TDDC đều phải luyện tập, trải qua 6 nội dung chia 2 buổi sáng chiều. Bên cạnh mục tiêu hướng đến kết quả cao nhất, họ phải vượt qua những cơn đau. Bởi với một bộ môn đòi hỏi những động tác khó như thể dục dụng cụ, chấn thương là điều không tránh khỏi. Tại kỳ Olympic 2020 vừa qua trên đất Nhật, TDDC Việt Nam góp mặt 2 đại diện là Lê Thanh Tùng và Đinh Phương Thành, nhưng cả hai đều gặp những chấn thương khác nhau và phải nén đau thi đấu.
Với Thanh Tùng, một VĐV sinh năm 1995 đã vô địch châu Á lẫn Thế giới, những chấn thương ngày càng trở thành nỗi ám ảnh. Bởi thể thao chuyên nghiệp là những hoạt động vượt qua giới hạn mà người bình thường không làm được, thì những chấn thương luôn hiện hữu, đặc biệt ở những môn thể thao đòi hỏi động tác khó như TDDC. Điều gì cũng có cái giá của nó.
Ở tuổi 27, chàng trai Lê Thanh Tùng hiện tại trưởng thành, chín chắn và có nhiều kinh nghiệm thi đấu hơn. Nhưng theo thời gian, cơ thể của Thanh Tùng chịu nhiều tổn hại hơn, những chấn thương cũng đeo đuổi anh nhiều hơn. Điều đó khiến VĐV giành 3 HCV SEA Games 2017 tỏ ra khá lo lắng trước kỳ đại hội sắp tới.
“Hiện tại trên cơ thể tôi lúc nào cũng đau” – Lê Thanh Tùng chia sẻ. “Từ năm 2020, tôi dính chấn thương gót chân. Năm nay nó lan ra mắt cá chân trái. Hai cổ chân cũng đau nhức nhưng hiện tại bình phục khá ổn.
Tôi nghỉ thi đấu một thời gian năm 2021 để điều trị chấn thương. Trước khi tham dự Olympic tôi đã bị rồi, vì chấn thương đau quá nên không tập luyện thi đấu thành công được. Sau giải đấu đó, tôi trở về điều trị chấn thương cho khỏi hẳn mới tập luyện được tiếp.
Quãng thời gian tôi nghỉ thi đấu tổng cộng là 10 tháng. Tại Olympic, tôi đã phải uống thuốc giảm đau để thi đấu và đến bây giờ vẫn phải uống thuốc. Hiện tại, tôi chỉ đặt mục tiêu cố gắng mỗi ngày, không dám suy nghĩ nhiều”.
Bắt đầu luyện tập Thể dục dụng cụ từ khi 4 tuổi, Lê Thanh Tùng được tuyển chọn vào danh sách đào tạo trọng điểm. Ba năm sau đó, Thanh Tùng được sang Trung Quốc tập huấn dài hạn. Sau chuyến tập huấn kéo dài 8 năm trên đất khách, Thanh Tùng trở về và liên tiếp gặt hái thành tích cao nhất ở các giải trẻ trong nước lẫn quốc tế.
Nhưng 2017 mới là năm đáng nhớ trong sự nghiệp của Thanh Tùng. Tháng 3 ở Doha, Qatar, chàng trai TP Hồ Chí Minh bất ngờ vươn lên đỉnh cao thế giới ở nội dung nhảy chống tại World Challenge Cup, vượt qua nỗi thất vọng về nhì 4 năm trước đó.
Hai tháng sau cũng ở nội dung nhảy chống, Lê Thanh Tùng vượt qua nhiều đối thủ của Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản để vô địch châu Á. Đó cũng là tấm HCV lịch sử của Thể dục dụng cụ Việt Nam. Cuối năm 2017, anh lập cú “hattrick” vàng SEA Games trên đất Malaysia ở 3 nội dung đồng đội, nhảy chống và xà đơn. Với những thành tựu đáng kể, Thanh Tùng vinh dự nhận Cúp Chiến thắng ở hạng mục Nam VĐV xuất sắc nhất năm.
“Trở thành nhà vô địch thế giới, tôi rất vui và bất ngờ, bởi mục tiêu, hy vọng bao lâu nay của mình đã trở thành hiện thực” – Thanh Tùng bày tỏ. “Trước đó tôi cũng thi nhiều, nhưng chỉ giành bạc và đồng. Tấm HCV châu Á cũng đem tới niềm vui lớn với tôi, bởi trước giờ ở đội chưa ai được. Cùng với đó, 3 tấm HCV SEA Games và Cúp Chiến thắng là những niềm vinh dự rất lớn. Đó là kỷ niệm rất đáng nhớ và không thể nào quên được trong cuộc đời tôi”.
Ở tuổi đời 27, Lê Thanh Tùng đã có 23 năm tuổi nghiệp. Chuẩn bị bước vào kỳ SEA Games lần thứ 4 trong đời, Thanh Tùng lúc này trưởng thành, chín chắn, giàu kinh nghiệm và bản lĩnh hơn so với chàng trai 20 tuổi tại SEA Games 2015 (Singapore). Tuy nhiên, anh vẫn phải sống chung với những chấn thương.
Trước mỗi buổi tập, Tùng và các đồng đội đều khởi động rất kỹ cả tiếng đồng hồ nhằm hạn chế tối đa nguy cơ chấn thương. Chàng trai này thừa nhận đó trở thành nỗi ám ảnh đeo bám mình: “Khi còn trẻ, còn nhiều hoài bão, giờ lớn rồi nên tôi cũng tâm lý một chút, không dám suy nghĩ nhiều. Tôi luôn đau nhức 2 cổ chân và chỉ đặt mục tiêu nỗ lực mỗi ngày”.
Nhưng Lê Thanh Tùng chia sẻ một cách rất bình thản với nụ cười thường trực. Với anh, chấn thương luôn gắn liền từ khi còn là một VĐV tiềm năng cho tới thời đỉnh cao. Thanh Tùng chấp nhận và sống chung với nó. “Tôi đang chuẩn bị tốt cho kỳ SEA Games diễn ra trên sân nhà” – đó là những gì Tùng chia sẻ với chúng tôi, dù phần lớn cuộc trò chuyện trước đó liên quan tới thể trạng của bản thân Tùng.
Sau cú hattrick vàng SEA Games Malaysia 2017, Lê Thanh Tùng chỉ giành đồng tại kỳ SEA Games 2019 trên đất Philippines (3 HCĐ). “Đó là kỳ đại hội không thành công với tôi” – Thanh Tùng chia sẻ. “Tôi cảm thấy khá buồn vì không giữ được HCV ở những nội dung sở trường. Lý do là VĐV của Philippines khá mạnh, bạn ấy là đối thủ lớn nhất của tôi.
Đồng thời, tôi cũng hơi tâm lý khi bắt trượt tay ở môn xà đơn, dù lúc luyện tập, kiểm tra ở nhà rất tốt. Nhìn chung, 2019 là một kỳ SEA Games khá buồn. Điều đó đem tới cho tôi nguồn động lực lớn, thúc đẩy bản thân phải nỗ lực hơn nữa ở kỳ SEA Games năm nay”.
Lý giải về thất bại này của cậu học trò, HLV Trương Minh Sang chia sẻ: “Lúc đó, điểm rơi phong độ của Tùng nằm ở Olympic nên khi đến SEA Games thì phong độ đi xuống. Đó là bài học cho ban huấn luyện, cho bản thân tôi. Một phần khác, chính bản thân Tùng cũng áp lực bảo vệ thành tích vì trước đó đã được 3 HCV.
Điều quan trọng nhất của VĐV là ngã ở đâu, đứng lên ở đó, phải hiểu tại sao chúng ta thất bại ở đó để sửa chữa. Trong thể thao, VĐV ở môn nào cũng có thành công và thất bại, cố gắng rút kinh nghiệm ở những giải đấu tiếp theo, để bảo vệ những thành tích chúng ta đã có và đòi lại những gì đã mất.”
Hướng đến kỳ đại hội trên sân nhà, Lê Thanh Tùng tỏ ra tự tin: “Tôi không nghĩ dịch bệnh là bất lợi, bởi đó là khó khăn chung. Còn việc không được du đấu chỉ ảnh hưởng tới các VĐV trẻ, tôi thì kinh nghiệm nhiều rồi. Điều tôi lo lắng chỉ là tình trạng chấn thương. Hy vọng từ giờ tới SEA Games, chấn thương không tái nặng nữa để tôi chuẩn bị thật tốt.
Trước mắt, mục tiêu của tôi là cố gắng ngày đầu tiên giành HCV nội dung đồng đội, sau đó mới hướng đến những nội dung cá nhân”.
Để chuẩn bị cho Lễ khai mạc SEA Games 31 sắp tới, BTC đã mời xạ thủ Hoàng Xuân Vinh châm đuốc, kình ngư Nguyễn Huy Hoàng đại diện các VĐV đọc tuyên thệ, trong khi kiếm thủ Vũ Thành An là người cầm cờ cho Đoàn Thể thao Việt Nam. Lê Thanh Tùng là một trong 10 VĐV tiêu biểu sẽ tham gia hành trình rước đuốc.
“Khi hay tin, tôi cảm thấy rất vui. Đó là niềm vinh dự lớn khi được chọn cho Lễ khai mạc SEA Games diễn ra trên sân nhà” – VĐV sinh tại TP Hồ Chí Minh bày tỏ sự hào hứng.
Thể dục dụng cụ Việt Nam năm nay đặt mục tiêu giành 3 HCV với những nội dung thế mạnh Đồng đội, Nhảy chống và Xà kép. Đội có những gương mặt trẻ, tiềm năng đã đạt thành tích là Phạm Như Phương (giành vé dự Olympic trẻ 2018) hay Nguyễn Văn Khánh Phong (chung kết giải Vô địch TDDC Baku 2022), nhưng những chiến binh giàu kinh nghiệm như Lê Thanh Tùng vẫn đóng vai trò rất lớn.
Chứng kiến chàng trai sinh năm 1995 toả sáng và vượt qua nỗi ám ảnh chấn thương để giành kết quả cao nhất, đó là niềm mong mỏi của không chỉ HLV Trương Minh Sang, mà còn của hàng triệu CĐV Việt Nam tại SEA Games 31.