Juventus và những câu chuyện đằng sau án phạt của 'The Old Lady' (P2)

Tác giả Đức Thịnh - Thứ Tư 01/03/2023 17:52(GMT+7)

Ngoài ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sự biến động tài chính của Juventus cũng bắt nguồn từ việc ký hợp đồng với Cristiano Ronaldo vào mùa hè 2018 với mức giá kỷ lục chuyển nhượng tại Serie A là 116 triệu euro.

 

Vào một ngày hè đầu tháng 6/2018, Fabio Paratici bất ngờ gõ cửa phòng làm việc của Andrea Agnelli và mang đến một thông tin hết sức thú vị. Đó chính là việc Juventus có cơ hội chiêu mộ cầu thủ xuất sắc bậc nhất lịch sử bóng đá, Cristiano Ronaldo. Cụ thể trước đó, Paratici đã có cuộc trò chuyện thân mật với người đại diện Jorge Mendes và biết được siêu sao người Bồ Đào Nha bị ấn tượng mạnh với sự cuồng nhiệt của các Juventini. Rất nhiều người đã đứng dậy reo hò sau khi chứng kiến pha “xe đạp chổng ngược” ghi bàn của anh vào lưới Gianluigi Buffon trong trận Tứ kết lượt về Champions League 2017/2018, bất chấp đó là một trong những bàn thắng quan trọng góp phần giúp Real Madrid loại Juventus.

Thương vụ chiêu mộ Ronaldo khiến Juventus đối mặt với những vấn đề tài chính.

Không ai biết chính xác Paratici và Agnelli đã thảo luận những gì, chỉ biết rằng chỉ sau đó 1 tuần, các giám đốc điều hành của Juventus đã tụ họp trong một biệt thự trên hồ Maggiore, phía đông bắc Turin, để thống kê các biến số khi đội bóng theo đuổi Ronaldo. Sau đó, Agnelli lên máy bay tới khu nghỉ dưỡng sang trọng tại bờ biển Navariro, nơi Ronaldo đang tận hưởng kỳ nghỉ hè ngắn ngủi. Để rồi thỏa thuận được hoàn tất. Ronaldo, Mendes và Agnelli cùng nâng ly rượu Champagne ăn mừng. 

Đó được xem là đỉnh cao trong nhiệm kỳ chủ tịch của Agnelli. Sau hai thất bại liên tiếp ở các trận chung kết Champions League vào các năm 2015 và 2017, Agnelli hi vọng với sự xuất hiện của một biểu tượng chiến thắng như Ronaldo, Juventus sẽ bước lên thống trị bóng đá Châu Âu. Không chỉ bên trong sân cỏ, những lợi ích kinh tế lớn lao khi có Ronaldo cũng được tính đến. Một dự án lấy Ronaldo làm trung tâm cũng được ra đời từ đây. Và đó cũng là bước đệm đầu tiên cho kế hoạch một siêu giải đấu như Super League ra đời.

Cùng với Ronaldo, Matthijs de Ligt cũng là cái tên đáng chú ý được đưa về. Trung vệ trẻ người Hà Lan được quảng cáo là sao mai sáng giá nhất thế giới, được ký hợp đồng từ Ajax trong mùa hè năm sau với mức giá 75 triệu euro. Đồng thời một thế hệ tài năng trẻ mới mang tên “Next Generation” cũng được gây dựng để chinh chiến ở giải U23. Kế hoạch đầu tư diện rộng này quả thật là nước đi táo bạo. Juventus chấp nhận chi tiền nhiều hơn, tăng vốn 300 triệu euro vào năm 2019 để có kinh phí theo đuổi dự án trong mơ. 

Thế nhưng canh bạc này đã thất bại sau sự cố ngoài ý muốn mang tên Covid-19. Với Agnelli, ông chưa bao giờ hối hận, kể cả trong những ngày tháng đen tối nhất của đại dịch. Khi được hỏi về quyết định ký hợp đồng với Ronaldo, người đàn ông 47 tuổi này kiên định trả lời: “Tôi sẽ gây dựng lại tất cả”. Bất chấp chi phí hàng năm cao ngất ngưởng với sự xuất hiện của chủ nhân của 5 danh hiệu Quả bóng vàng. Điều này khiến Juventus khốn khổ khi phải gồng gánh khoản chi phí tăng thêm 86 triệu euro mỗi mùa.

Juventus đã lỗ 557 triệu euro trong 3 năm qua nhưng Agnelli vẫn được mời phát biểu với tư cách là thành viên tham luận tại Hội nghị thượng đỉnh về kinh doanh bóng đá của Financial Times vào tháng 3/2022. Ông tuyên bố việc bắt tay đầu tư mạnh vào thị trường chuyển nhượng là cách Juventus duy trì tính cạnh tranh của một đội bóng hàng đầu. Đơn giản là họ quá đen đủi như Covid-19 tấn công, gây ra thiệt hại cả trực tiếp lẫn gián tiếp hơn 300 triệu euro.

Tuy vậy, các nhà điều tra cáo buộc Juventus đã gặp khó khăn về tài chính trước cả khi đại dịch diễn ra. Họ bối rối trong việc thanh lý một người từng là ngôi sao sáng giá nhất Serie A là Gonzalo Higuain để dọn đường đón Ronaldo. Tiền đạo người Argentina được đưa về từ Napoli vào năm 2016 với cái giá ngất ngưởng 90 triệu euro, đồng thời nhận mức lương 12 triệu euro/mùa. Higuain đã có những ngày tháng bùng nổ trong màu áo Juventus, nhưng khoản đãi ngộ mà anh được hưởng là vấn đề lớn khiến các đối tác phải lắc đầu. “Lão bà” buộc lòng phải chấp nhận đề nghị mượn người từ AC Milan, sau đó là Chelsea, nhưng vẫn phải gánh một phần lương đáng kể. Vấn đề tương tự cũng diễn ra với Mario Mandzukic và Emre Can, những người từng là trụ cột hưởng đãi ngộ cao nhưng đã không còn duy trì được phong độ.

Agnelli từng muốn Ronaldo nâng tầm Juventus, nhưng tham vọng này bị đánh sập bởi Covid-19. 

Khi đội bóng chuẩn bị công bố khoản lỗ 50,3 triệu euro trong báo cáo tài chính bán niên 2019, BLĐ dự đoán khoản lỗ cuối năm thậm chí còn tồi tệ hơn ở mức 177 triệu euro. Vào ngày 22/02/2020, Agnelli gửi một email tới các giám đốc điều hành để ra lệnh khống chế khoản lỗ xuống dưới 50 triệu euro. Ngoài những khoản thu tài chính từ màn trình diễn trên sân cỏ, Agnelli nhấn mạnh cần phải có “hành động khắc phục khác”. Paratici nắm vai trò quan trọng trong chiêu trò “tẩy rửa” với những bằng chứng được bóc mẽ bởi chính Cherubini thông qua một tờ giấy viết tay có tên “Libro Nero Paratici” – sổ đen của Paratici. Cụ thể, các cơ quan điều tra phát hiện mảnh giấy này trong quá trình khám xét cơ sở của Juventus. 

“Libro Nero Paratici” hay còn gọi với cái tên “sổ đen” của Paratici.

Cherubini đã khai rằng đó là những ghi chú được viết ra vào tháng 3 hoặc tháng 4/2021, thời điểm bản thân giám đốc thể thao này đang thảo luận tương lai của mình với sếp Paratici. Khi đó, Cherubini đã ở Juventus được 9 năm và muốn cân nhắc ra đi. Cherubini nợ ân tình cất nhắc của Paratici, đồng thời thừa nhận đã làm một số hành động tiếp tay để giúp Paratici làm đẹp sổ sách tài chính. Trên mảnh giấy đó, Cherubini đã liệt kê 4 phần: Quản lý, chiến lược, các mối quan hệ và hành vi. Cũng xuất hiện một vài cụm từ: “Chúng ta tới đây bằng cách nào nhỉ?” hay “Những bản hợp đồng vô nghĩa”. Và cái tên Dejan Kulusevski được ghi trong ngoặc đơn, như một ví dụ về ý kiến của Cherubini, rằng Juventus đã sai lầm khi ký hợp đồng với cầu thủ chạy cánh người Thụy Điển với mức giá 44 triệu euro chỉ sau 4 tháng thi đấu bùng nổ ở Parma. Xa hơn nữa, bên dưới tiêu đề “Chiến lược”, là một dòng có nội dung “Sử dụng quá mức giá trị huy động” với một mũi tên chỉ đến “Lợi ích tức thì” và “Khấu hao”.

Năm 2019, Juventus bán cổ phần để huy động 300 triệu euro. Nhưng khoản tiền này cũng không duy trì được lâu. Vào mùa thu 2021, Juventus tiếp tục bán cổ phần. Lần này họ thu về 400 triệu euro!

Khi CONSOB và các công tố viên đào sâu các sai phạm tài chính của Juventus, họ phát hiện những vấn đề trong việc chi trả lương, đặc biệt trong thời điểm đại dịch Covid-19. Quỹ lương lên đến 262 triệu euro của Juventus là cao nhất Serie A khi giải đấu buộc phải tạm dừng vào ngày 14/03/2020. Đối với một đội bóng đang cố tìm cách để kiềm chế thua lỗ, mọi thứ càng trở nên tồi tệ hơn khi đại dịch xuất hiện. 

Cuối tháng 3/2020, BLĐ Juventus thông báo đã đạt được thỏa thuận giảm lương với toàn thể cầu thủ và HLV Maurizio Sarri. Theo đó, tất cả đều đồng ý cắt giảm 4 tháng lương (từ tháng 3 đến tháng 6). Điều này sẽ giúp đội bóng giảm bớt khoảng 90 triệu euro chi phí cho năm tài chính 2020. Là đội bóng Italia đầu tiên đạt được thỏa thuận này, Juventus được ca ngợi hết mình. Nhưng sau này vụ việc vỡ lở khi các điều tra viên tìm được bằng chứng để chứng minh tập thể Juventus chỉ giảm lương 1 tháng. Trong điện thoại tịch thu được của De Ligt và Mattia De Sciglio, họ phát hiện tin nhắn từ Chiellini từ ứng dụng WhatsApp đề cập tới thỏa thuận “trả lương kín”, đồng thời nhắc nhở tất cả các đồng đội không được phép để lộ thông tin trước truyền thông. 

Xuất hiện những đoạn chat trên ứng dụng WhatsApp khi Chiellini cảnh báo các đồng đội.

Đây không phải là lần duy nhất các cầu thủ được yêu cầu giảm lương để trợ giúp đội bóng. Ở giai đoạn cuối mùa giải 2020/2021, khi biến chủng mới Omicron quét qua, một lần nữa các SVĐ bị yêu cầu đóng cửa. Đến tháng 4 và tháng 5/2021, Juventus bắt đầu các thỏa thuận giảm lương cầu thủ với 17/24 cầu thủ đội 1. Điều này giúp tiết kiệm 59,8 triệu euro. Tuy vậy, khoản tiền này được bù đắp thông gia tiền thưởng “lòng trung thành” với số tiền 30,7 triệu euro. Những việc làm mờ ám này giúp Juventus trốn được một khoản tiền thuế đáng kể, để giảm khoản lỗ trên báo cáo tài chính.

Một thông tin thú vị đằng sau sự ra đi của Ronaldo đó chính là việc Juventus quyết định bán CR7 vì không còn kham nổi mức chi phí lên đến 86 triệu euro mỗi năm, trong đó riêng tiền lương trước thuế đã là 57 triệu euro. Ngoài ra, Juventus vẫn nợ siêu sao người Bồ Đào Nha khoản tiền lên tới 19 triệu euro. Ban đầu đã có một thỏa thuận về việc Ronaldo sẽ nhận được số tiền này ngay sau khi hợp đồng với Manchester United hoàn tất. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, khoản nợ này vẫn chưa được thanh khoản. 

Juventus chìm trong khủng hoảng tài chính vì những nước đi sai lầm của BLĐ đội bóng. Việc họ bị trừ 15 điểm vì án phạt gian lận tài chính là điều khó có thể tránh khỏi. Những nhân vật chủ chốt trong bộ máy lãnh đạo như Agnelli, Pavel Nedved và Paratici đều đã ra đi. Trước mắt chắc chắn sẽ là một hành trình cực kỳ khó khăn cho đội bóng giàu thành tích bậc nhất bóng đá Italia.

Lược dịch từ bài viết “Inside the Juventus crisis: The Paratici ‘black book’, Chiellini’s WhatsApps and Ronaldo’s wages” của tác giả James Horncastle.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cuộc đua vô địch Serie A: Tìm về những ngày xưa cũ

Vòng đấu thứ 12 Serie A mùa giải năm nay khép lại với trận hoà 1-1 giữa hai kẻ đang dẫn đầu bảng xếp hạng là Inter Milan và Napoli. Trận hoà này cùng với những trận thắng trước đó của những Juventus, Atalanta, Fiorentina và Lazio đã khiến cho bảng xếp hạng ở những vị trí dẫn đầu trở nên vô cùng chật chội.

Manchester United: Bao giờ cho đến ngày xưa

Từ một thế lực lớn của bóng đá thế giới, Manchester United đang sa sút trầm trọng thời kỳ hậu Sir Alex Ferguson. Và cuộc chia tay của đội chủ sân Old Trafford với Erik ten Hag càng đào sâu vào cuộc khủng hoảng của đội bóng lừng danh một thời.

Tại sao những ngôi sao bóng đá lại đầu tư vào Esports?

Có hai cách chính để các cầu thủ bóng đá tham gia vào sân chơi esports. Họ có thể dành thời gian để xây dựng một lượng người theo dõi đáng kể trên mạng xã hội - những người muốn xem họ chơi trò chơi điện tử hoặc không thì sẽ là đầu tư trực tiếp vào một tổ chức thể thao điện tử chuyên nghiệp.

Lionel Messi và hồi ức về màn ra mắt Barcelona

Ngày 16 tháng 10 năm 2004 sẽ mãi được ghi nhớ như một khoảnh khắc quan trọng trong lịch sử Barcelona. Đó là ngày, Lionel Messi, một cậu thiếu niên tóc xù và chưa được nhiều người biết đến đã có trận ra mắt cho đội bóng xứ Catalunya trong trận đấu với Espanyol.