Juventus và những câu chuyện đằng sau án phạt của 'The Old Lady' (P1)

Tác giả Đức Thịnh - Thứ Năm 23/02/2023 13:23(GMT+7)

Trong khi Manchester City mới chỉ bắt đầu đối mặt với cuộc điều tra với 100 cáo buộc vi phạm các quy định tài chính trong khoảng gần một thập kỷ trở lại đây (từ giai đoạn 2009-2018), thì Juventus – đội bóng giàu thành tích bậc nhất Italia đã phải chịu án phạt vì những cáo buộc tương tự.

 

Đầu tiên, cơ quan giám sát thị trường Italia (CONSOB) đã tiến hành kiểm tra và kiểm toán CLB, sau khi báo cáo tài chính được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán. 

Thứ hai, các công tố viên ở Turin đã nghe lén được đoạn hội thoại nội bộ giữa các nhân vật cộm cán trong ban điều hành, sau khi đặt máy nghe trộm trong một nhà hàng. Và sau khi tiến hành điều tra, khám xét để thu thập bằng chứng tại các cơ sở thuộc sở hữu của CLB, cáo buộc đã được đưa ra, bao gồm: làm sai lệch số liệu, sai lệch thông tin trên thị trường chứng khoán, gian lận tài chính và cản trở cơ quan giám sát. Họ đặt nghi vấn về tính chính xác của khoản doanh thu 170 triệu euro từ chuyển nhượng ở một vài thương vụ ghi nhận trong giai đoạn 2019-2021 (quy đổi ra 150 triệu bảng hoặc 184 triệu USD).

Sau Calciopoli, Juventus tiếp tục “dính chàm” vì nhiều sai phạm liên quan đến tài chính.

Thứ ba, các công tố viên liên bang của Liên đoàn bóng đá Italia (FIGC) đã đưa ra các thủ tục kỷ luật đối với Juventus và những đội bóng khác vào tháng 4/2022. Juventus đã an toàn trong vụ kiện ban đầu, nhưng lại thất bại trong nỗ lực kháng cáo sau đó. Đơn kháng cáo bị bác bỏ hoàn toàn vì FIGC nắm giữ bằng chứng quan trọng.

Điều này dẫn đến hành loạt các hình phạt nghiêm khắc: Juventus bị phạt 15 điểm tại Serie A 2022/2023. Cựu chủ tịch Andrea Agnelli bị cấm tham dự các hoạt động liên quan đến bóng đá trong vòng 24 tháng. Cựu giám đốc thể thao Fabio Paratici thậm chí còn bị cấm 30 tháng do là người liên quan trực tiếp. Nếu kháng cáo bất thành, Paratici sẽ mất việc tại Tottenham.

CONSOB yêu cầu Juventus cung cấp thông tin về doanh thu chuyển nhượng của đội bóng thời điểm trước 4 tháng khi Paratici được Tottenham bổ nhiệm giữ chức giám đốc thể thao. Người đàn ông 50 tuổi này đã từ chối bình luận về những cáo buộc mà bản thân gặp phải khi được The Athletic liên hệ.

Fabio Paratici là nhân vật cộm cán đứng đằng sau sai phạm của Juventus.

Hiện tại, FIGC đã có kế hoạch kiến nghị đến các tổ chức có thẩm quyền cao hơn như UEFA, cơ quan quản lý bóng đá Châu Âu và FIFA, với mục đích mở rộng lệnh cấm với Juventus. Trong các lý do được trả lời bằng văn bản để giải thích cho quyết định của mình, Tòa phúc thẩm bóng đá đã sử dụng cụm từ “mức độ nghiêm trọng với tính chất lặp lại và kéo dài hành vi phạm tội”.

Và thứ 4? Đó chính là UEFA – tổ chức đang tiến hành điều tra riêng về những vi phạm của Juventus có thể ảnh hưởng trực tiếp đến Luật công bằng tài chính.

Liên tiếp những cơn bão quét ngang đã vùi dập danh tiếng của một trong những đội bóng xuất sắc bậc nhất của bóng đá Châu Âu, nơi từng ghi dấu chân của những huyền thoại bóng đá, bao gồm cả Cristiano Ronaldo – chủ nhân của 5 danh hiệu Quả bóng vàng và hiện vẫn là cầu thủ đắt giá nhất lịch sử Serie A.

Đi sâu vào chủ đề chính, trở lại vào một buổi tối cuối tháng 11/2022, khi Stefano Bizzotto – bình luận viên của kênh truyền hình RAI thuộc nhà đài quốc gia Italia, đã cắt ngang bản tin của trận đấu vòng bảng giữ Bồ Đào Nha và Uruguay tại World Cup để thông báo về tiêu điểm nóng việc Agnelli và BLĐ Juventus tuyên bố từ chức, sau hàng loạt các cáo buộc về sai phạm. Tất cả bằng chứng được ghi lại trong một tập hồ sơ dày 544 trang do các công tố viên biên soạn vào năm ngoái. Trong đó nổi bật ở 3 vấn đề chính: “sổ đen” của Fabio Paratici, thông tin bị lộ ra từ nhóm WhatsApp của các cầu thủ và các khoản thanh toán cho Ronaldo.

Đáp trả những cáo buộc bất lợi dành hướng về mình, một tuyên bố được ngay lập tức đăng tải với nội dung: “Juventus tin tưởng vào công lý. Chúng tôi đã hành động tuân thủ luật pháp và các quy định quản lý về lập báo cáo tài chính, phù hợp với nguyên tắc kế toán và phù hợp với thông lệ quốc tế trong ngành bóng đá”.

Tuy vậy, có vẻ như CONSOB, các công tố viên ở Turin và FIGC đều nắm bằng chứng xác thực về việc Juventus gian lận trong việc ghi nhận doanh thu của một vài thương vụ trong giai đoạn 2019-2021. Ngoài ra, khoản tiền lương mà Juventus trả cho các cầu thủ trong đại dịch Covid-19 cũng được nhắc đến.   

Vào tháng 2/2021, CONSOB đã yêu cầu Juventus cung cấp thông tin liên quan đến doanh thu chuyển nhượng của họ. Điều đáng chú ý là nguồn thu của đội bóng tăng đội biến trong giai đoạn cuối của 2 năm tài khóa với 157 triệu euro ở mùa giải 2018/2019 và 172 triệu euro ở mùa giải 2019/2020. Đây là những nguồn thu chiếm tỉ trọng lớn, chiếm 30% tổng doanh thu cả mùa.

Trong bóng đá, công tác chuyển nhượng cầu thủ luôn là một phần quan trọng đem về nguồn thu lớn cho các CLB. Đối với các CLB không thuộc Premier League, những người kiếm ít tiền hơn từ các hợp đồng truyền hình trong nước và quốc tế, nguồn thu từ chuyển nhượng càng trở nên quan trọng hơn. Và khi đại dịch Covid-19 bùng nổ với những SVĐ không khán giả, đây chính là cứu cánh. 

Nhìn bề ngoài, có vẻ như Paratici và bộ phận chuyển nhượng của Juventus – Area Sport – đã hoạt động vô cùng hiệu quả. Tuy nhiên, điều khiến CONSOB băn khoăn đến từ những thương vụ chuyển nhượng chéo, hay còn gọi là trao đổi cầu thủ. Juventus chính là đội bóng xuất hiện nhiều thương vụ trao đổi cầu thủ nhất trong 5 giải vô địch quốc gia hàng đầu Châu Âu. Xếp sau họ là Barcelona, Manchester City và Marseille. 

COVISOC – cơ quan giám sát bóng đá Italia, chuyển danh sách cho chủ tịch Gabriele Gravina “gắn cờ” 62 vụ chuyển nhượng liên quan đến 11 đội bóng Italia giai đoạn 2019-2021. Trong số này có tới…42 thương vụ liên quan đến Juventus. Và có đến 36 thương vụ trao đổi cầu thủ trẻ là những người mà ngay cả những Juventini cũng có thể chưa từng nghe tên.

Vụ trao đổi cầu thủ nổi tiếng nhất xảy ra vào mùa hè 2020 khi Miralem Pjanic và Arthur Melo hoán đổi vị trí cho nhau ở Juventus và Barcelona. Pjanic khi ấy vừa bước sang tuổi 30, được Juventus định giá ở mức giá 60 triệu euro. Phía Barcelona định giá Arthur ở mức 72 triệu euro. Thế nên, chỉ có 12 triệu euro khoản chi thực tế mà Juventus phải chuyển cho Barcelona ở phi vụ này.

Khi một tân binh gia nhập đội, chi phí để mua cầu thủ đó được khấu hao dần qua các năm. Nhưng lợi nhuận từ việc việc bán cầu thủ lại được ghi nhận ngay lập tức. Sở dĩ có điều này là vì cầu thủ như một loại tài sản, do đó chi phí mua bán sẽ không được ghi nhận ngay lập tức trong năm mà sẽ được chia đều cho tới hết hợp đồng.

Juventus mua Pjanic trong giữa năm 2016 với giá 35 triệu euro, ký hợp đồng 5 năm, với mức khấu hao trung bình 7 triệu euro/năm. Đến tháng 8/2018, Juventus tiếp tục ký gia hạn với tiền vệ người Bosnia tới mùa hè 2023, làm giảm giá trị khấu hao của cầu thủ này xuống 4,8 triệu (24 triệu euro còn lại chia cho 5 năm). Tính tới thời điểm giao dịch mua bán với Barcelona diễn ra, giá trị sổ sách của Pjanic rơi vào khoảng 14,2 triệu euro. Như vậy, với mức giá bán là 60 triệu euro, Juventus sẽ ghi nhận ngay khoản lợi nhuận bán cầu thủ là 45,8 triệu euro. Đây chính là cứu cánh cho bản báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm thua lỗ của Bianconeri. Thương vụ Pjanic hoàn tất vào ngày 29/06/2020, chỉ 1 ngày trước khi kết thúc kỳ báo cáo tài chính bán niên.

Juventus và Barcelona đã làm đẹp báo cáo tài chính nhờ thương vụ trao đổi Pjanic – Arthur.

Cũng với cách thức tương tự, Juventus đã thu lợi từ Man City ở 2 thương vụ trao đổi Joao Cancelo lấy Danilo (lãi 30,4 triệu euro) và trao đổi Pablo Moreno lấy Felix Correia (lãi 9,4 triệu euro). Đây là những khoản lợi nhuận được vẽ ra để làm đẹp sổ sách. Khoan hãy nói về Cancelo, việc một cầu thủ trẻ như Moreno, được định giá trong sổ sách chỉ 500.000 euro, mới chỉ ra sân 1 lần cho U23 Juventus, được ấn định mức giá trao đổi là 10 triệu euro. Đó là một điều hết sức vô lý!

Bị đặt nghi vấn về trường hợp của vụ Moreno – Correia, Paratici và giám đốc thể thao Federico Cherubini đã biện minh cho cái giá 10 triệu euro của Moreno như sau: “Trong 5 năm ăn tập ở La Masia, cậu nhóc này đã ghi hơn 200 bàn thắng – con số có thể so sánh với Lionel Messi”. Về phần Correia, mức giá trong tầm kiểm soát. Man City từng trả cho Sporting Lisbon 5 triệu euro để mua cầu thủ này một năm trước đó.

Một ví dụ đáng xem xét nữa diễn ra vào tháng 1/2021, khi Juventus đồng ý ký hợp đồng với tiền vệ triển vọng Nicolo Rovella với mức giá 18 triệu euro. Ngược lại Genoa cũng nhanh tay chiêu mộ Manolo Portanova (10 triệu euro) và Elia Petrelli (8 triệu euro) từ chính Juventus. Không có bất cứ sự trao đổi tiền tệ nào diễn ra cả, nhưng cả hai đội bóng đều có thể ghi nhận khoản lãi 18 triệu euro vào báo cáo tài chính. Một kết quả viên mãn dành cho cả hai bên, tuy nhiên các cơ quan hành pháp tại Italia thì không nghĩ vậy. Rovella khi ấy vừa bước sang tuổi 19 tuổi, mới 11 lần ra sân tại Serie A, đồng thời chỉ còn hợp đồng nửa năm với Genoa, lại được định giá lên đến 18 triệu euro. 

Paratici và Cherubini     lấy ví dụ về trường hợp của Facundo Colidio – tiền đạo trẻ được Inter Milan chiêu mộ từ Boca Juniors vào năm 2017 với mức giá 9,6 triệu euro, dù thậm chí chưa từng ra sân cho đội 1. Hay như William Geubbels – cầu thủ tuổi teen được Lyon bán cho AS Monaco với mức giá 20 triệu euro chỉ sau vài tháng lên chơi cho đội 1. Họ đã ám chỉ về việc chấp nhận mạo hiểm bỏ ra một số tiền lớn đầu tư khi thấy tiềm năng phát triển của Rovella. Tuy nhiên vấn đề là tại sao Juventus không chờ đến mùa hè để chiêu mộ miễn phí Rovella, thay vì bỏ ra 18 triệu euro?

Nicolo Rovella ở thời điểm cuối hợp đồng, được Genoa bán cho Juventus với giá 18 triệu euro.

Đó chỉ là một vài hoạt động chuyển nhượng do COVISOC cung cấp, trước khi FIGC hoàn tất hồ sơ để đưa vụ việc ra tòa án quốc tế liên bang vào tháng 4/2022. Giuseppe Chine – công tố viên liên bang của FIGC và nhóm làm việc của ông, đã cho rằng việc lấy Transfermarkt làm căn cứ ghi nhận giá trị cầu thủ là điều không thể chấp nhận. Tuy vậy ở thời điểm đó, Juventus và các đội bóng Italia khác đều được tha bổng với lý do không vi phạm pháp luật.

Đơn kháng cáo của FIGC gửi lên tòa phúc thẩm liên bang vào tháng 5/2022 bị từ chối. Nhìn theo góc độ thể thao, có vẻ như Juventus đã là bên giành chiến thắng. Nhưng đến tháng 10/2022, khi mọi chuyện tưởng chừng đã lắng xuống, cuộc điều tra từ FIGC mang tên Prisma được hoàn tất. Chỉ 1 tháng sau đó, họ đệ đơn yêu cầu phiên điều trần để đưa Juventus ra xét xử. 

Chine với tập tài liệu dày 14.000 trang trong hồ sơ Prisma đã tố cáo sai phạm của Juventus là sai phạm mang tính hệ thống của một tổ chức. Hồ sơ Prisma bao gồm cả 12 đoạn điện thoại nghe lén của bộ sậu Juventus trong mùa hè 2022. Lệnh khám xét và tịch thu sau đó đã được ban hành đối với cơ sở của Juventus vào tháng 11 và tháng 12 cùng năm. 

Khi Chine sử dụng bằng chứng từ các đoạn ghi âm, đại diện pháp luật phía Juventus đã lên tiếng phản đối và cho rằng đây không thể là bằng chứng hiệu lực. Nhưng lần này tòa án phúc thẩm đứng về phía FIGC. Cuộc trò chuyện của Cherubini và giám đốc tài chính Stefano Bertola tại nhà hàng sang trọng Cornoler ở Turin chính là điểm nhấn. Tại đây, Bertola đã nói rất nhiều về các mánh khóe lách luật để làm đẹp báo cáo tài chính với tuyên bố: “Chúng tôi đã tính toán để tạo ra nó”.

Lược dịch từ bài viết “Inside the Juventus crisis: The Paratici ‘black book’, Chiellini’s WhatsApps and Ronaldo’s wages” của tác giả James Horncastle.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

La Liga và cuộc đua tam mã: Cơ hội chia ba

Mặt trận Châu Âu đã tạm ổn sau khi Real Madrid và đội bóng cùng thành phố Atletico cùng lách qua khe cửa hẹp để tránh được nguy cơ bị loại sớm trong khi Barcelona thì đã vượt hẳn lên sau trận thắng trên sân của Borussia Dortmund. Cả ba ông lớn sẽ trở lại La Liga để lao vào một mặt trận mới mà cũ, cuộc chiếm tranh đoạt ngôi vương ở xứ sở những chú Bò Tót.

Đêm huyền ảo ở Munich

Thật không tưởng và kỳ lạ, nhưng giờ tôi có thể nói với bản thân mình, ‘Chúa ơi, thì ra cảm giác vô địch là thế này! Tôi luôn luôn tự hỏi nó sẽ như thế nào, nhưng giờ tôi đã biết rồi!’.

Cuộc đua vô địch Serie A: Tìm về những ngày xưa cũ

Vòng đấu thứ 12 Serie A mùa giải năm nay khép lại với trận hoà 1-1 giữa hai kẻ đang dẫn đầu bảng xếp hạng là Inter Milan và Napoli. Trận hoà này cùng với những trận thắng trước đó của những Juventus, Atalanta, Fiorentina và Lazio đã khiến cho bảng xếp hạng ở những vị trí dẫn đầu trở nên vô cùng chật chội.