Harry Redknapp: Wheeler Dealers của giới huấn luyện

Tác giả Skeleton - Thứ Năm 08/08/2024 14:50(GMT+7)

Trong suốt sự nghiệp cầm quân kéo dài 34 năm, cựu huấn luyện viên của Portsmouth và Tottenham Hotspurs - Harry Redknapp nổi tiếng với khả năng nhạy bén trên thị trường chuyển nhượng. Khi kỳ chuyển nhượng mùa hè gần kết thúc, ông đã có những chia sẻ với FourFourTwo về những trải nghiệm liên quan đến những ngày cuối cùng của thị trường chuyển nhượng, trong đó có cả một cuộc gọi với Quả bóng vàng người Mỹ - George Weah.

 

Làm việc với những người mà bạn tin tưởng

Thành công sẽ đến khi mọi người trong câu lạc bộ đều chung một chí hướng – điều này cũng áp dụng cho các vụ chuyển nhượng. Rất nhiều cuộc tranh cãi giữa huấn luyện viên và chủ tịch câu lạc bộ đã bắt đầu từ việc tuyển dụng cầu thủ – một người muốn chi tiền để cải thiện đội bóng, trong khi người kia lại thận trọng hơn với ngân sách mà mình chi ra. Tất yếu sẽ có xung đột nếu hai người này không cùng chí hướng – đặc biệt khi chủ tịch tự đưa ra ý kiến của mình chiêu mộ cầu thủ mà ông ấy muốn ký hợp đồng. Harry Redknapp đã thành công khi mối quan hệ của ông với ban lãnh đạo CLB trở nên vững mạnh. Phía ban lãnh đạo đội bóng tin tưởng Redknapp trong việc đánh giá cầu thủ và thường không tạo ra sự mâu thuẫn trong chí hướng để đưa ra quyết định chiêu mộ một cầu thủ.

“Tại Tottenham, Daniel Levy thực sự không can thiệp nhiều,” Redknapp chia sẻ với FourFourTwo khi ông nhớ lại khoảng thời gian 4 năm làm việc tại White Hart Lane. Thời điểm đó, ông đã dẫn dắt câu lạc bộ Tottenham từ khu vực trực chờ xuống hạng lên đến vị trí của đội tham dự sân chơi UEFA Champions League. 

Bình thường như những ông chủ khác thì Daniel có thể bảo với tôi rằng: "Ồ, Harry, chúng ta không thể hoàn thành thương vụ được rồi...". Nhưng nhìn chung, Daniel Levy là một người rất dễ để làm việc. Nếu câu lạc bộ có thể chi trả khoản tiền để mua cầu thủ, thì điều đó rất tuyệt. Nhưng nếu không, Daniel Levy sẽ chấp nhận điều đó mà không gây khó khăn hay mâu thuẫn với những người như tôi. Đó là cách mà Daniel Levy hành động."

 

Tại Bournemouth, câu lạc bộ đầu tiên mà Redknapp dẫn dắt, giám đốc điều hành Brian Tiler là người nắm vai trò chủ chốt. “Nếu bạn có một giám đốc điều hành hiểu biết về bóng đá, họ sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều. Họ biết các vấn đề trong bóng đá là gì,” Harry Redknapp chia sẻ. “Trong những ngày đầu, tôi đã may mắn có được sự đồng hành của Brian Tiler, người đã từng là đội trưởng của CLB Aston Villa. Ông ấy hiểu rõ về bóng đá, ông ấy rất tuyệt vời, ông ấy đã giúp tôi và ủng hộ tôi 100% ở mọi thời điểm. Nếu bạn có một người lãnh đạo đồng hành như vậy, đó là thực sự là một sự trợ giúp cực kỳ đắc lực.”

Cả hai đã giúp Bournemouth thăng hạng từ đấu trường Hạng 3 cũ. Cả hai vẫn có mối quan hệ rất thân thiết cho đến khi Tiler qua đời thảm khốc trong một tai nạn xe buýt nhỏ ở kỳ World Cup 1990. Thời điểm đó cả Redknapp và Tiler đã di chuyển từ Anh đến Ý để xem nhiều trận đấu tại giải đấu năm ấy. Tại Portsmouth, Redknapp cũng làm việc với những người mà ông tôn trọng. Những con người ấy thậm chí không phải là có chức tước gì cao hơn Redknapp. Khi đến với Portsmouth ở tuổi 55, lời khuyên từ đội ngũ nhân viên hậu cần cũng rất quan trọng. “Các huấn luyện viên trẻ nên đưa một người có kinh nghiệm đi cùng – họ là những con người từng trải nên có thể đưa ra một số lời khuyên,” Redknapp chia sẻ. “Tôi có tuổi rồi nhưng tôi vẫn làm điều đó ở Portsmouth. Thời điểm đó, tôi đã đưa Jim Smith đi cùng. Jim lúc ấy lớn tuổi hơn tôi! Ông ấy rất tuyệt vời, tôi có thể hỏi ý kiến ông ấy về các vấn đề liên quan. Và sau khi đã nhận được lời khuyên và ý kiến từ Jim, tôi sẽ đưa ra quyết định bằng trực giác và sự đánh giá của cá nhân mình."

Chọn lựa cầu thủ cẩn thận và đưa ra đánh giá của riêng mình

Những cuộc gọi thường xuyên từ các đại diện cầu thủ là điều hiển nhiên đối với Redknapp. Điều đó có thể mang lại cơ hội, nhưng cũng có lúc nó đem lại những rủi ro bởi không phải cầu thủ nào được đề nghị cũng phù hợp với đội của ông.

“Những người đại diện luôn gọi điện cho bạn, nhưng bạn phải có kiến thức riêng về cầu thủ,” Redknapp nhấn mạnh. “Nếu họ gọi, thường bạn sẽ nói, ‘Không, tôi không quan tâm đến anh ta’. Bạn phải tự mình đánh giá xem ai mới là người bạn thích và ai không đủ tiêu chuẩn để làm việc với đội bóng của bạn.”

Điều này được minh họa rõ nhất qua trường hợp của Ali Dia - người được Graeme Souness chiêu mộ về tại Southampton năm 1996 sau một cuộc gọi từ một người đàn ông tự xưng là George Weah. Người đàn ông này nói rằng Dia là em họ của anh ta và giới thiệu anh ta cho Souness.

Redknapp kể lại rằng ông cũng nhận được một cuộc gọi tương tự, và khẳng định đó chính là George Weah. “Anh ta gọi tôi lúc ở sân tập và đó chính xác là George Weah,” ông nói. “Anh ta gọi và nói, ‘Em họ của tôi - nó là một cầu thủ giỏi, tôi đã xem đội của ông và tôi nhận thấy rằng đội ông vẫn ổn nhưng thực tế là đang thiếu đi một cầu thủ biết ghi bàn’. Tôi nói, ‘Oh yeah, được rồi George, mọi thứ tuyệt đấy’. Lúc trả lời cuộc gọi đấy, tôi chỉ nghĩ đó là một trò đùa của ai đó mà thôi.

George Weah từng liên hệ để giới thiệu em họ cho Harry Redknapp 

Sau đó tôi mới dò hỏi, ‘Ok, được rồi, George, cuộc sống hiện giờ của cậu ở Milan như thế nào rồi?’ Tôi nghĩ đó là ai đó đang gọi điện và chém gió thôi. Nhưng sau đó tôi đột nhiên nghe được ở đầu dây bên kia là một người đang ông đang kể cho tôi nghe về cách Milan sẽ chơi năm đó và các cầu thủ anh ta đang chơi cùng. Tôi nghĩ, ‘Ôi Chúa ơi, chuẩn là George Weah rồi!’ Tôi quả thực rất sốc. Nhưng cũng may thay là tôi không nhận em họ của George Weah về đội của mình. Cuối cùng hình như là em trai của Weah đến Southampton thì phải. Cậu ta vào sân 20 phút rồi bị thay ra sau 20 phút thi đấu. Và đó cũng là lần xuất hiện duy nhất của Ali Dia ở CLB thuộc bờ biển miền nam nước Anh. 

Ký hợp đồng với những người có nhân cách tốt

Một cầu thủ mới có thể có tài năng khi thi đấu, nhưng nếu họ gây rối trong phòng thay đồ, họ có thể mang lại những rắc rối đi ngược với tài năng mà họ có được. “Tôi thường gặp gỡ cầu thủ và trò chuyện riêng với họ. Tôi làm vậy là để xem anh ta đến từ đâu và tham vọng của anh ta là gì – liệu anh ta có hứng thú đến chơi cho câu lạc bộ của tôi không hay chỉ đơn giản là một bước trong sự nghiệp mà không có cam kết hay nhiệt huyết đặc biệt đối với câu lạc bộ mới?” Redknapp giải thích. “Bạn sẽ có cảm giác về họ. Tôi đã gặp gỡ nhiều cầu thủ và nghĩ, ‘Tôi không ưa anh ta, anh ta không phù hợp với tôi’. Tôi cũng đã gặp những người mà tôi nghĩ, ‘Tôi phải có bằng được chàng trai này, tôi yêu quý anh ta. Anh chàng này chắc chắn sẽ là một mảnh ghép tuyệt vời cho đội bóng của tôi’.

“Đó là lý do tại sao tôi thường mang theo những cầu thủ mà tôi đã từng dẫn dắt trước đây như Crouchy (Peter Crouch), Jermain Defoe và Niko Kranjcar. Niko là một cầu thủ tuyệt vời và là một người tốt. Tôi thích những người như vậy, bạn biết họ là những người tốt, họ muốn chơi bóng mà không có một phút vấn đề nào xung quanh. Họ chỉ đơn giản là làm công việc của mình. Bạn cần những người như vậy trong đội bóng. Công việc sẽ trở nên dễ dàng nếu bạn có một phòng thay đồ tốt và ổn định.”

 

Làm đúng ở "Deadline Day"

Khái niệm cánh cửa ngày cuối của thị trường chuyển nhượng chỉ tồn tại trong những năm cuối sự nghiệp HLV của Harry Redknapp. Tuy nhiên ông đã trở thành biểu tượng của những ngày quan trọng như Deadline Day. Không có ngày cuối cùng chuyển nhượng nào là hoàn hảo nếu không có cảnh Harry Redknapp nhìn ra ngoài cửa sổ chiếc Range Rover của mình trên đường tiến đến sân tập. Ở đó ông sẽ giải thích cho phóng viên của Sky Sports News về những mục tiêu của ông trong những giờ cuối cùng trước khi cánh cửa thị trường chuyển nhượng khép lại.

Ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng có thể khiến ông cảm thấy căng thẳng không? “Nó còn phụ thuộc vào vị trí của bạn trên bảng xếp hạng nữa,” Redknapp nói. “Nếu bạn đang ở trong một câu lạc bộ gặp khó khăn, cố gắng trụ hạng và biết rằng bạn cần một vài cầu thủ nếu không sẽ không có cơ hội để tiếp tục chặng đường. Lúc đó thì phải nói là cực kỳ căng thẳng nếu như bạn chỉ còn vài giờ mà phải đi thuyết phục các cầu thủ về để bổ sung lực lượng cho giai đoạn kế tiếp. Nhưng nếu bạn có một đội hình tốt và mọi thứ vẫn đang diễn ra tốt đẹp, thì chẳng có gì phải căng thẳng cả. Trừ trường hợp bạn có thể đưa về một cầu thủ mà bạn nghĩ cậu ta thực sự có tài năng để tạo nên sự khác biệt."

“Tại Tottenham, Daniel Levy rất thích ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng. Ông ấy tận hưởng ngày hôm đó. Khi tôi trở lại Portsmouth lần thứ 2, chúng tôi đang ở vị trí gần cuối bảng xếp hạng và lúc đó tôi buộc phải tìm cách đưa về những cầu thủ có thể giúp chúng tôi trụ hạng.

Và sau đó, chúng tôi đã đạt được thỏa thuận với Daniel vào tháng 1, tôi đưa về ba cầu thủ từ Tottenham là Pedro Mendes, Sean Davis và Noe Pamarot. Họ đã làm rất tốt khi làm việc với tôi, hơn nữa họ còn có thể tạo ra sự khác biệt. Sau đó, chúng tôi đã chiêu mộ thêm về đội anh chàng người Argentina - Andres D’Alessandro theo dạng cho mượn vào ngày cuối cùng chuyển nhượng. Và phải nói là cậu thanh niên đó thi đấu rất tuyệt.

Thời gian đó rất căng thẳng vì tôi đã thừa hưởng một đội hình kém và bạn biết rằng nếu không thay đổi mọi thứ, nếu tôi không đưa về vài cầu thủ để vực dậy đội bóng thì tôi hay bất kỳ ai khác cũng chẳng đủ tài cáng để giúp họ trụ hạng. Họ đưa Sir Alex Ferguson về dẫn dắt vào thời điểm đó nhưng ông ấy cũng không thể giữ họ trụ hạng nếu vẫn không được bổ sung thêm lực lượng. Tôi phải rất quyết định và làm điều gì đó. Và điều đầu tiên chính là thay đổi nhân sự để tìm kiếm sự đổi mới."

Harry Redknapp cùng các học trò tại Portsmouth ăn mừng chức vô địch FA vào năm 2008

Redknapp đã giúp Portsmouth trụ hạng vào cuối mùa giải 2005-06, và giành FA Cup hai năm sau đó. Đến mùa giải 2012-13, ông lại rơi vào tình huống tương tự tại QPR – đến một câu lạc bộ không lâu trước dịp lễ Giáng sinh và được giao nhiệm vụ giúp QPR thoát khỏi khu vực xuống hạng của Premier League. Vào ngày cuối cùng chuyển nhượng năm đó, ông đã ký hợp đồng với Chris Samba cùng bộ đôi của Spurs là Jermaine Jenas và Andros Townsend. Thêm vào đó, Redknapp cũng đã nỗ lực để chiêu mộ tiền đạo Peter Odemwingie từ West Bromwich Albion nhưng sau đó thương vụ bất thành nên anh ta đã không thể đến với QPR. Thương vụ bị huỷ này sau đó cũng trở nên rất nổi tiếng ở báo chí của Anh và Thế giới. 

Cụ thể khi thỏa thuận giữa West Brom và QPR chưa được hoàn tất, Peter Odemwingie đã bất ngờ xuất hiện trong một chiếc xe bên ngoài sân Loftus Road. Lúc đó, cầu thủ người Nigeria đã thực hiện một cuộc phỏng vấn trực tiếp với một phóng viên của Sky Sports News về những thứ liên quan đến một thương vụ mà sắp xảy ra. “Tôi vui vì sự tin tưởng mà Harry Redknapp đã dành cho tôi,” cầu thủ người Nigeria nói. “Tôi tin rằng chúng tôi có thể trụ hạng.” Tuy nhiên, sự xuất hiện của Odemwingie trên sóng Sky Sports ngày hôm đó là một bất ngờ đối với cả QPR và West Brom. Chính vì không hài lòng với việc Odemwingie đã đến Loftus Road trước khi thỏa thuận được hoàn tất, The Baggies đã huỷ bỏ thương vụ trên.

Màn trả lời phỏng vấn của Odemwingie đã khiến thương vụ chuyển nhượng bị đổ bể

“Ôi chúa ơi, cái thương vụ đó…” Redknapp than thở khi nhớ lại khoảnh khắc ông thấy Odemwingie trên truyền hình. “Tôi nghĩ, ‘Ôi không, đây có thể là rắc rối’. Đó không phải lỗi của Peter, những gì xảy ra là một sự hiểu lầm. Cậu ấy là một chàng trai tốt và tôi đã gặp Peter vài lần rồi. Tuy nhiên chúng tôi vẫn cố gắng hoàn tất thỏa thuận thương vụ khi thời gian đã chuẩn bị cạn kiệt. Tôi đã nói với người đại diện của Peter, ‘Cậu ta nên đến London, nếu không chúng ta sẽ hết thời gian để thực hiện thương vụ và hoàn thành thoả thuận. Thời điểm hiện giờ cậu ta còn chưa đạt được thoả thuận cá nhân với chúng tôi nữa’. Peter Odemwingie lúc đó cần phải gặp giám đốc điều hành của QPR để thảo luận và hoàn tất các điều khoản cá nhân trong hợp đồng chuyển nhượng. 

“Nhưng thay vì lái xe đến một khách sạn nào đó và đậu xe vài giờ để chờ thỏa thuận hoàn tất, Peter và người đại diện của mình đã lái thẳng đến sân Loftus Road khi những ống kính máy quay của Sky Sports vẫn đang ở bên ngoài để săn tin. Chủ tịch của West Brom lúc đó đang xem TV và chứng kiến toàn bộ cuộc trả lời của Peter. Tất nhiên sau đó thương vụ đã đổ bể."

Redknapp đã không thể ký hợp đồng với một tiền đạo khác vào buổi tối cuối cùng trước khi thị trường chuyển nhượng mùa đông năm đó khép lại. Odemwingie tin rằng QPR có thể trụ hạng mà không có sự phục vụ của anh ấy. Tuy nhiên mùa giải năm đó QPR đã phải xuống hạng với chỉ 25 điểm sau 38 vòng đấu.

Biết đưa ra những quyết định khó khăn

Một huấn luyện viên không chỉ có công việc là ký hợp đồng với cầu thủ mà họ còn phải biết khi nào nên nói lời chia tay với cầu thủ mình đang có. Điều đó có nghĩa là đôi khi bạn không được để tình cảm lấn át đi lý trí. Đó là trường hợp khi Manchester City mới được mua lại bởi Thaksin Shinawatra. Thời điểm đó, nửa xanh thành Manchester đã đề nghị ký hợp đồng với Benjani từ Portsmouth của Redknapp trong một thỏa thuận trị giá 7,5 triệu bảng vào cuối kỳ chuyển nhượng mùa đông năm 2008. Thương vụ đó mọi thứ đều ổn thoả chỉ có một vấn đề duy nhất là... Benjani không muốn rời đi. Có nhiều câu chuyện lan truyền sau này cho rằng Benjani, cầu thủ người Zimbabwe, không muốn rời Portsmouth đến nỗi anh ta đã ngủ quên tại sân bay và bỏ lỡ chuyến bay đến Manchester. Tuy nhiên, Benjani sau đó khẳng định lại với truyền thông rằng anh ta thức suốt thời gian đó và cuối cùng thương vụ chuyển nhượng đã được hoàn tất kịp thời.

“Man City đã đưa ra một lời đề nghị điên rồ,” Redknapp nói. “Lúc đó tôi cần số tiền lớn để chiêu mộ Jermain Defoe. Chính vì vậy Benji phải ra đi, đó là điều mà không ai mong muốn cả. Nói lời chia tay với cầu thủ không bao giờ là chuyện dễ dàng, Benji thích chơi cho Portsmouth và chơi trong đội hình của tôi. Người hâm mộ ở đó cũng rất thích cậu ấy. Benji là một cầu thủ rất nỗ lực và luôn cố gắng cống hiến hết mình vì đội bóng. Nhưng số tiền đó là rất lớn và nó có thể giải quyết được một số chuyện của đội bóng. Và cuối cùng chúng tôi đã phải chọn phương án chia tay với Benji. 

Tôi vẫn yêu quý Benji, tôi hay gặp cậu ấy để uống cà phê và nói chuyện với cậu ấy thường xuyên. Benji đã đến Plymouth và làm việc với đội trẻ. Cậu ấy sẽ làm rất tốt nhiệm vụ này bởi Benji là một anh chàng rất đáng mến."

 

Ba năm sau khi rời Fratton Park, Benjani đã trở lại Portsmouth trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên lúc đó Harry Redknapp đã ra đi và câu lạc bộ đang chơi ở Championship. Thời gian sau đó Benjani ghi được 1 bàn sau 18 trận cho Portsmouth trước khi đến Nam Phi và đầu quân cho Chippa United.

Cầu nguyện giám đốc chuyển nhượng của bạn là một người có tài

Harry Redknapp từng kiểm soát việc chuyển nhượng trong suốt sự nghiệp huấn luyện của mình. Nhưng giờ đây, một số huấn luyện viên không còn thứ quyền lực xa xỉ đó trong tay nữa.

Liverpool đã giới thiệu một nhóm chịu trách nhiệm về khâu chuyển nhượng gồm 5 người vào năm 2012, trong đó bao gồm huấn luyện viên Brendan Rodgers, một giám đốc thể thao, một giám đốc tuyển trạch, một giám đốc điều hành và một giám đốc kỹ thuật. Mauricio Pochettino đã rời Chelsea vào tháng 5 do có xung đột về việc ai sẽ là người quyết định các cầu thủ sẽ được ký hợp đồng. Trên thực tế, tại Chelsea, các giám đốc thể thao như Paul Winstanley và giám đốc kỹ thuật Laurence Stewart nắm giữ rất nhiều quyền lực.

Manchester United được cho là đã thay đổi trong cấu trúc quản lý chuyển nhượng của câu lạc bộ nhằm giảm quyền lực của huấn luyện viên trong công tác chuyển nhượng của đội bóng. Công việc tuyển quân sẽ được giao quyền cho những người khác tại Old Trafford. Theo tình hình gần đây thì Man United đã bổ nhiệm Dan Ashworth làm giám đốc thể thao và Jason Wilcox làm giám đốc kỹ thuật.

Giờ đây mọi thứ đã khác, cầu thủ sẽ được chọn bởi những giám đốc tuyển trạch hoặc bất kỳ cách gọi nào khác về vị trí này. Nhưng trước đây họ được gọi đơn giản là scout (tuyển trạch viên)” Redknapp nói. “Ngày trước, không ai ký hợp đồng hộ Sir Alex hết. Chính ông ấy tự ký hợp đồng với cầu thủ mình đưa về. Không ai có quyền can thiệp khi ông ấy ký hợp đồng với các cầu thủ. Sir Alex sẽ không nghe ý kiến của ai hết, chẳng có giám đốc thể thao hay giám đốc tuyển trạch nào có thể can thiệp vào thời gian ông ấy thực hiện một thương vụ. Tôi chắc chắn David Gill - người là cựu tổng giám đốc điều hành của Manchester United chưa bao giờ cố gắng nói với Alex Ferguson nên ký hợp đồng với bất kỳ ai."

 

“Nhưng câu chuyện bây giờ thì khác, các huấn luyện viên phải dựa vào những người khác để chiêu mộ một cầu thủ nào đó. Nếu đánh giá của những vị giám đốc đó không tốt, các huấn luyện viên gần như chẳng có cơ hội để mua bất kỳ cầu thủ nào cả. Các cầu thủ đều đến từ nhiều nước khác nhau trên thế giới, vậy khi nào bạn có cơ hội để theo dõi họ thi đấu? Đội của bạn thi đấu vào thứ Bảy hoặc Chủ Nhật, họ cũng thi đấu vào thứ Bảy hoặc Chủ Nhật, vì vậy bạn buộc phải dựa vào những người khác để chiêu mộ một cầu thủ.

“Tôi có biết một giám đốc điều hành gần đây nói rằng họ có một nhóm bao gồm 6 người, và huấn luyện viên chỉ là một phần trong nhóm đó mà thôi. 'Vậy huấn luyện viên có phải người có tiếng nói cuối cùng hay không? Ồ không, huấn luyện viên sẽ không phải là người có tiếng nói cuối cùng. Ý kiến của huấn luyện viên chỉ là một phần trong 6 người kể trên thôi'. Nhưng những người khác trong bàn tròn 6 người đó là ai? Đó là những người vô danh mà huấn luyện viên không hề quen biết hoặc có tương tác từ trước đó, họ sẽ là người đưa ra quyết định sẽ ký hợp đồng với ai. Chính vì thế có thể nói việc quản lý công tác chuyển nhượng ở thời điểm hiện tại trở nên khó khăn hơn rất nhiều bởi huấn luyện viên không còn nhiều quyền lực như trước nữa. Các cầu thủ được mua bởi những giám đốc tuyển trạch, giám đốc thể thao,... 

Thực sự vào thời điểm này tất cả những gì một huấn luyện viên có thể làm tốt nhất huấn luyện các cầu thủ trên sân. Nhưng nếu câu chuyện là cầu thủ khi được đưa về không tốt thì sao? Vào thế đó thì bạn chẳng thể làm gì bởi bạn không thể huấn luyện người ta trở nên giỏi hơn được. Vậy khi nào bạn sẽ có thời gian để huấn luyện một cầu thủ như vậy? Đội của bạn thi đấu vào thứ Bảy hoặc Chủ Nhật rồi tiếp tục đá một vài trận vào thứ Ba hoặc thứ Tư. Bạn có một ngày nghỉ vào thứ Năm và sau đó bạn có một buổi giảm tải để cho cầu thủ hồi sức... Vậy rốt cuộc khi nào bạn mới có thời gian để huấn luyện cho một cầu thủ không như ý muốn của mình?

 

“Mọi người đôi khi nói, 'Ông ấy là một huấn luyện viên tuyệt vời'. Nhưng thành thật mà nói, tôi chưa nhìn ra được nhiều huấn luyện viên tuyệt vời trong bóng đá đâu. Tôi đã thấy cầu thủ giỏi và những nhà quản lý bóng đá tuyệt vời, nhưng tôi chưa thấy nhiều huấn luyện viên tuyệt vời như mọi người nói. Huấn luyện viên tuyệt vời là gì? Họ làm gì khác biệt vậy? Tôi không biết. Công việc cũng chỉ là khai thác tiềm năng tốt nhất từ cầu thủ, chọn đúng người và đặt họ vào đúng vị trí mà thôi. Công việc đó đâu có khó cỡ nghiên cứu khoa học tên lửa đâu!” 

Trong suốt 34 năm làm huấn luyện viên, đó là phương pháp mà Redknapp luôn áp dụng và đạt được hiệu quả. Ông chỉ đơn giản chọn đúng người và đặt họ vào đúng vị trí. Vậy thôi.

Theo Chris Flanagan (FourFourTwo)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

La Liga và cuộc đua tam mã: Cơ hội chia ba

Mặt trận Châu Âu đã tạm ổn sau khi Real Madrid và đội bóng cùng thành phố Atletico cùng lách qua khe cửa hẹp để tránh được nguy cơ bị loại sớm trong khi Barcelona thì đã vượt hẳn lên sau trận thắng trên sân của Borussia Dortmund. Cả ba ông lớn sẽ trở lại La Liga để lao vào một mặt trận mới mà cũ, cuộc chiếm tranh đoạt ngôi vương ở xứ sở những chú Bò Tót.

Đêm huyền ảo ở Munich

Thật không tưởng và kỳ lạ, nhưng giờ tôi có thể nói với bản thân mình, ‘Chúa ơi, thì ra cảm giác vô địch là thế này! Tôi luôn luôn tự hỏi nó sẽ như thế nào, nhưng giờ tôi đã biết rồi!’.

Cuộc đua vô địch Serie A: Tìm về những ngày xưa cũ

Vòng đấu thứ 12 Serie A mùa giải năm nay khép lại với trận hoà 1-1 giữa hai kẻ đang dẫn đầu bảng xếp hạng là Inter Milan và Napoli. Trận hoà này cùng với những trận thắng trước đó của những Juventus, Atalanta, Fiorentina và Lazio đã khiến cho bảng xếp hạng ở những vị trí dẫn đầu trở nên vô cùng chật chội.