Gianluigi Lentini đã trở thành cầu thủ đắt giá nhất thế giới vào thời điểm anh đến San Siro với giá 13 triệu bảng vào năm 1992. Trong lời tự thuật về câu chuyện sự nghiệp của mình, cựu cầu thủ chạy cánh này hồi tưởng lại một vụ chuyển nhượng mà anh phải miễn cưỡng đồng ý và một vụ tai nạn ô tô suýt cướp đi mạng sống của mình.
"Tôi tên là Gigi và tôi là một người bình thường. Tôi có bạn bè và tôi hay dành thời gian để chơi bi-a cùng với họ - đó là một trong những điều tôi thích nhất. Họ nói rằng tôi chơi khá giỏi môn này, chắc là thế thật. Nhưng chắc tôi chỉ chơi tốt khi đánh với những người dưới trình thôi. Ví dụ mà gặp người chơi tốt hơn, chắc tôi chẳng đến mức đó đâu. Tôi rất thích chơi bi-a – nó vui và là cách để tôi dành thời gian bên những người tôi quý mến. Tôi hay đi ăn tối hoặc nghỉ dưỡng cùng họ.
Cuộc sống của tôi không tẻ nhạt, nhưng tôi sẽ mô tả nó là dễ chịu hoặc thoải mái gì đó. Đúng vậy, cuộc sống của tôi là một cuộc sống yên bình, nhưng điều đó hoàn toàn phù hợp với tính cách của tôi và tôi cảm thấy hài lòng với nó. Tôi đã từng là một cầu thủ bóng đá có tầm ảnh hưởng và được mọi người vẫn nhớ đến vì điều đó. Họ từng nói rất nhiều về tôi hồi đó, nhưng đó là ý muốn của họ, không phải của tôi. Nếu bạn hỏi tôi vào lúc đó, thì tôi mong đợi một cuộc sống êm đềm hơn nhiều. Hầu hết các cầu thủ thích trở thành trung tâm sự chú ý nhưng bản thân tôi thì không bao giờ thích điều đó.
Nhưng nó vẫn luôn xảy ra, vì tính cách và phong cách chơi bóng mà tôi thể hiện. Đó thực chất chỉ là con người thật của tôi. Tôi luôn làm những gì khiến tôi cảm thấy thoải mái. Và phải công nhận là vào thời điểm đó, cách cư xử của tôi có hơi khác thường nên mọi người cứ bàn tán suốt về mấy thứ khác thường của tôi thôi. Tóc dài, khuyên tai kim cương và tất cả những điều nhỏ nhặt mà một chàng trai 20 tuổi cố gắng đính lên mình chỉ nhằm mục đích tận hưởng cuộc sống. Ngay cả việc lái một chiếc xe đẹp cũng chỉ để đáp ứng mục đích đó, nhưng tôi sẽ quay lại chuyện xe đẹp sau...
Ngày nay, mỗi cầu thủ đều có cánh tay xăm trổ và kiểu tóc khác người. Họ làm tất cả những gì mà họ muốn. Tất cả đều bình thường và không ai bàn tán gì về họ cả. Tôi cũng tôn trọng điều đó. Tôi chưa bao giờ thích phô trương. Tôi thậm chí không thích những cuộc phỏng vấn. Tôi không muốn phô trương và các cuộc phỏng vấn bởi tôi còn nhiều thứ khác phải làm. Tất cả mọi người lúc đó chỉ muốn nghe tôi trả lời phỏng vấn vì tò mò cuộc sống cá nhân của tôi thôi. Sẽ là sai lầm nếu như hoàn toàn quên đi quá khứ của mình. Chính vì thế chúng ta ở đây để cùng tìm hiểu về câu chuyện của tôi.
Thực sự, điều duy nhất tôi muốn làm là ra sân, chơi bóng đá và sống với những cảm xúc ngất ngây trên sân cỏ. Mọi thứ khác đối với tôi không quan trọng. Tôi có niềm đam mê với bóng đá lớn đến mức tôi tiếp tục chơi bóng đến tầm ngoài 40 tuổi chỉ đơn giản vì tôi thấy nó vẫn đem đến niềm vui cho bản thân tôi. Tôi đã chơi cho Carmagnola - đội bóng quê nhà của tôi. Đội bóng tôi thi đấu không ở quá xa so với Turin, nhưng nó vẫn mang lại cho tôi rất nhiều niềm vui. Tôi tiếp tục chơi bóng cho đến khi những cơn đau ở đầu gối, lưng và khắp cơ thể bảo tôi rằng tôi nên dừng lại. Bây giờ, tôi muốn sống một cuộc sống yên bình mà không còn là người của công chúng nữa. Hiện tại tôi đang làm tuyển trạch viên cho CLB Monza - đội bóng của cựu CEO Milan, Adriano Galliani tại khu vực Piedmont (một vùng gần Turin). Tại đây, tôi xem nhiều trận đấu của lứa trẻ, đủ lứa tuổi từ U-14 đến U-17. Tôi sống cuộc sống mà tôi muốn. Vào Chủ nhật, tôi thường di chuyển quanh khu vực của mình để tìm kiếm những tài năng trẻ, nên tôi không còn đến những sân vận động lớn như ngày xưa nữa. Tôi sẽ xem các trận Serie A hoặc Champions League trên TV - nhưng trận nào hay và đáng xem thì tôi mới xem thôi. Ngay cả với câu lạc bộ đầu tiên tôi bắt đầu sự nghiệp và tạo dựng tên tuổi là Torino, tôi cũng chỉ xem nếu tôi tin rằng trận đấu đó đáng để bỏ thời gian ra xem thôi."
Thành thật mà nói, tôi hầu như không nhớ rằng mình từng là một cầu thủ có tầm ảnh hưởng tới như vậy. Tôi có một câu chuyện khá độc đáo mà nó không hề liên quan tới với những danh hiệu mà tôi giành được hay đã từng bỏ lỡ. Tôi đã từng là một người thu hút mọi ánh nhìn từ truyền thông. Việc chuyển từ Torino sang Milan đã gây sốc cho toàn bộ Italia vào thời điểm đó, đôi khi vụ chuyển nhượng của tôi còn gây sốc cho cả thế giới ấy chứ. Nhưng tôi cũng đã gặp phải một tai nạn xe hơi tồi tệ và bằng một cách thần kỳ nào đó thoát chết rồi sống đến tận bây giờ. Vụ tai nạn của tôi thực sự đã chạm đến trái tim của nhiều người.
Trụ cột của Torino và bản hợp đồng đắt giá nhất thế giới năm 1992
Ở Italia, một cầu thủ hàng đầu như tôi được ngưỡng mộ gần đến mức thần thánh luôn đó. Thời điểm tôi bị tai nạn và suýt chết vào một đêm tháng 8 năm 1993, mọi người đã cảm thấy hoang mang tột độ vì một cầu thủ như tôi lại phải rơi vào một tình cảnh cận kề cái chết như vậy. Tôi là Gianluigi Lentin đang chơi bóng ở đỉnh cao sự nghiệp và là cầu thủ đắt giá nhất mọi thời đại tính đến thời điểm đó. Một tai nạn suýt cướp đi mạng sống của tôi thật sự không thể xảy ra với tôi vào lúc đó. Nhưng như mọi người đã biết rồi đấy, vụ tai nạn đó đã xảy ra và tôi thì suýt chết. Mười hai tháng trước đó, tôi đã chuyển đến AC Milan của Silvio Berlusconi từ Torino - câu lạc bộ mà tôi đã giúp tôi phát triển sự nghiệp và bản thân tôi cũng chưa muốn rời xa nơi này. Định mệnh đã can thiệp vào cuộc đời tôi theo một cách tôi không mong muốn, quả thực tôi không hề muốn rời Turin và CLB Torino.
Đầu năm 1992, các nhà báo và mọi người liên tục nói với tôi rằng tôi sẽ sớm khoác áo Rossoneri mặc dù không có ai từ Torino hay Milan nói chuyện đó với tôi bao giờ. Tôi luôn nói rằng tôi sẽ ở lại với Torino và điều đó là sự thật! Tôi không muốn đi đâu cả, tôi đã sống một cuộc sống hạnh phúc tại Turin. Tôi chưa bao giờ là kiểu người nói một đằng làm một nẻo. Tại Torino, chúng tôi thua Ajax trong trận chung kết UEFA Cup năm 1992 với luật bàn thắng sân khách sau khi hòa chung cuộc 2-2 ở cả hai lượt trận.
Gianluigi Lentini trong trận chung kết UEFA Cup với Ajax
|
Sau thất bại đó của Torino, một người từ Milan đã gọi tôi và hỏi liệu tôi có muốn gia nhập đội bóng của họ không. Tôi ngay lập tức nói không và trả lời lại rằng tôi muốn ở lại Turin. Cá nhân tôi tin rằng việc tôi đưa ra lời từ chối đã chấm dứt câu chuyện chuyển nhượng đó rồi. Thậm chí, tôi cũng nói về ý kiến của mình với cánh truyền thông. Nhưng AC Milan rất kiên trì. Tôi mới 23 tuổi và có khả năng sẽ nhận được nhiều tiền hơn so với những gì tôi đang nhận từ Torino. Người đại diện và bạn bè của tôi lúc đó thì nói ngay với tôi rằng sẽ là ngu ngốc nếu như tôi từ chối lời đề nghị từ Milan
Berlusconi kiên trì trong việc chiêu mộ tôi đến mức ông ấy đã gửi trực thăng 2 lần đến chỗ tôi chỉ để gây ấn tượng với tôi. Đi từ nơi tôi ở đến sân bay cách Turin vài km và chờ đợi máy bay 30-40 phút để tới Arcore (gần Milan) còn tốn nhiều thời gian hơn so với việc tự tôi lái xe thẳng đến biệt thự của Berlusconi. Nhưng ông ta thích làm những điều đó để khiến bạn phải bất ngờ. Thời điểm đó Silvio Berlusconi liên tục khẳng định rằng AC Milan là đội bóng thành công nhất thế giới vào thời điểm đó
Berlusconi là một người giỏi đàm phán và thuyết phục người khác, nhưng tôi không cần đến việc thuyết phục đó. Tôi hạnh phúc ở nơi mình đang sống khi có những người bạn thân và một câu lạc bộ mà tôi đang là người có tầm ảnh hưởng. Liệu ông ta có thể cung cấp cho tôi điều gì nữa đây? Có lẽ chỉ là tiền - điều mà tôi không bao giờ quan tâm. Tôi đã đến nói chuyện với chủ tịch CLB Torino - Gian Mauro Borsano và yêu cầu thêm một chút lương bổng. Lúc đó, tôi nói với ông rằng tôi muốn ở lại với Torino nhưng trên thực tế tôi đang nhận được một lời đề nghị khổng lồ. Tôi không mong muốn Torino sẽ đưa ra được một khoản tiền tương xứng với những gì Milan có thể trả cho tôi. Tôi chỉ muốn một khoản tiền lương nhiều hơi chút ít từ Torino để tôi có thể có lý do để từ chối AC Milan. Tôi không muốn người ta nghĩ rằng tôi là một kẻ thực sự ngu ngốc khi từ chối lời đề nghị của Milan vào lúc đó.
Và rồi chủ tịch Gian Mauro Borsano nói rằng ông ấy sẽ đáp ứng nguyện vọng của tôi nhưng tôi phải có sự kiên nhẫn và chờ đợi việc ký kết hợp đồng mới. Cuối cùng, tôi mới phát hiện ra rằng ông ta đã bán tôi cho Milan vào tháng Ba! Ông ta đã ký một thỏa thuận trước với Milan có hiệu lực đến ngày 30 tháng 6 – một thoả thuận mà nếu tôi không ký hợp đồng với Milan trước thời hạn đó, nó sẽ hết hạn. Gian Mauro Borsano tiếp tục nói rằng tôi cần phải kiên nhẫn chờ đợi. Nhưng ở tình cảnh hợp đồng kể trên sắp hết hạn và ông ấy cứ bắt tôi chờ thì tôi chỉ còn có lựa chọn ký hợp đồng với Milan mặc dù tôi không hề mong muốn chuyện đó xảy ra.
Lúc đó tôi buồn đến mức khi chúng tôi đến Milan, tôi nói với người đại diện của tôi rằng hãy quay xe lại và lái xe đưa tôi về với Turin. Tôi đã thay đổi quyết định của mình vì quá chán nản. Phía Milan lúc đó đã gọi cho cha tôi để làm dịu tình hình và nói rằng tôi đang điên rồ khi quyết định lật kèo ở phút chót như vậy! Cuối cùng, Milan đã thuyết phục được tôi và tôi ký hợp đồng ngay trước khi hợp đồng hết hiệu lực vào ngày 30 tháng 6. Milan đã trả rất nhiều tiền để chiêu mộ tôi vào lúc đó - thời điểm ấy số tiền mà họ bỏ ra để đưa tôi về Milan là con một số kỷ lục thế giới. Ngoài ra họ cũng trả cho thù lao cho tôi rất hậu hĩnh khi gia nhập đội bóng.
Gianluigi Lentini và chủ tịch Silvio Berlusconi
|
Trong suốt hơn 30 năm nắm quyền điều hành AC Milan, Silvio Berlusconi đã kéo đội bóng từ bờ vực phá sản bước lên đỉnh vinh quang của thế giới và trở thành hình mẫu cho nhiều CLB noi theo.
Các con số kinh khủng về tôi lúc đó đã được công bố trên báo chí. Bỗng nhiên vào thời điểm đó tôi được gán vào cái mác "Quý ông 65 tỷ" (lúc đó 65 tỷ lira rơi vào khoảng 30 triệu bảng Anh lúc đó - nó bao gồm phí chuyển nhượng và hợp đồng của tôi). Tầng lớp người lao động, công chúng nói chung và những người sống xung quanh tôi đều tỏ phẫn nộ vì việc tôi rời bỏ Torino để gia nhập Milan. Người hâm mộ thậm chí đã tấn công trụ sở của Torino và thực hiện cuộc biểu tình trên đường phố vì vụ chuyển nhượng của tôi.
Với tôi, mọi chuyện lúc đó quả thực không ổn. Bởi trước đó, tôi đã từng nói sẽ ở lại với Torino nhưng rồi lại làm điều ngược lại, mặc dù đó không phải là mong muốn thực sự của tôi. Tự dưng vào thời điểm đó tôi trở thành một kẻ lật lọng. Tôi chỉ muốn ở lại Turin - nơi tôi có thể chơi bóng mà không gặp phải những phiền toái như lúc đó
Tôi là cầu thủ được nhắc đến nhiều nhất thế giới vào thời điểm đó. Mùa đầu tiên của tôi ở Milan rất tốt khi chúng tôi đã ngay lập tức giành được danh hiệu Serie A. Đó có lẽ là khoảng thời gian hạnh phúc nhất đối với tôi – đó là danh hiệu Scudetto đầu tiên của tôi và tôi lúc đó cũng là một thành viên quan trọng của đội khi là cầu thủ được đá chính thường xuyên ở cả đấu trường quốc nội và Châu Âu. Việc trở thành nhà vô địch nước Ý cũng giúp chúng tôi giành quyền tham dự Champions League. Thời đại bây giờ, đã có nhiều CLB ở cùng một quốc gia có thể tham dự giải đấu này, nhưng ở ngày xưa, chỉ có nhà vô địch quốc gia mới có quyền tham dự giải đấu danh giá đó.
Tai nạn ô tô thảm khốc suýt... cướp đi mạng sống
Nhưng khi tôi thực sự cảm thấy mình bất khả chiến bại, định mệnh lại quyết định chơi đùa với tôi lần 2. Đó là đầu tháng 8 năm 1993 – chúng tôi đang tập huấn trước mùa giải ở Milanello và sau đó lái xe đến một giải đấu kỷ niệm 100 năm thành lập của Genoa.
Ngày hôm sau, huấn luyện viên Fabio Capello cho chúng tôi một ngày nghỉ. Tất cả xe của cầu thủ đều ở Milanello. Để có thể lái xe trực tiếp về Turin sau khi giải đấu kết thúc, tôi đã nhờ vài người bạn để hỏi xem có thể mang xe của tôi đến Genoa được không. Tôi không tìm được ai có thể giúp mình chuyện này nên tôi đã quyết định rằng sẽ trở lại Milanello trên xe buýt của đội, ngủ ở đó và sáng hôm sau lái xe về Turin. Nhưng để đề phòng trường hợp có ai sẵn sàng giúp đỡ, tôi để chìa khóa xe ở cổng trung tâm huấn luyện.
Ngay trước trận đấu, một người bạn gọi cho tôi và nói rằng anh ấy đã tìm được người có thể giúp tôi việc đó. Nếu không có cuộc gọi điện đó, tôi đã quay trở lại Milanello và câu chuyện của tôi đã có kết cục khác rồi. Sau giải đấu, tôi đã lái chiếc Porsche màu vàng của mình ở Genoa để hướng thẳng về Turin vào buổi tối hôm đó. Tôi bị thủng lốp xe chỉ cách một trạm xăng vài trăm mét. Vì hỏng xe nên tôi đã từ từ lái xe đến trạm xăng. Trong lúc tôi uống cà phê, một người thợ sửa xe ở trạm đã nhanh chóng thay lốp cho tôi và khi trả lại xe anh ấy cũng nói rằng tôi nên lái chậm do lốp được thay là lốp dự phòng khẩn cấp. Tuy nhiên, chiếc Porsche của tôi rất nhanh, nó đi với tốc độ 100 hay 120 km/h gì đó nhưng tôi lại cảm thấy như bản thân gần như không di chuyển. Tôi quay lại đường cao tốc với tốc độ chậm hơn chút, nhưng không kiểm tra xem mình có vượt quá vận tốc 70 km/h không. Đột nhiên, lốp dự phòng của tôi bị quá nhiệt và nổ tung. Xe của tôi lao ra khỏi đường trong ngọn lửa đang bùng cháy.
Xác chiếc Porsche của Lentini gặp sự cố vì chiếc lốp dự phòng
|
Tôi không biết điều gì đã xảy ra sau đó. Điều duy nhất tôi nhớ là tỉnh dậy trong bệnh viện. Quá trình hồi phục rất dài. Tôi không thể nói chuyện một cách rõ ràng và không thể nhớ tên của một số thứ như kiểu trái cây hoặc những đồ vật đơn giản. Tôi biết mình là ai và chuyện gì đã xảy ra hôm đó. Tôi không bao giờ mất trí nhớ nhưng quả thật sau tai nạn tôi gặp khó khăn trong việc diễn đạt đúng ý của mình. Đó là một quá trình dài và khó khăn. Lúc đó, tôi không thực sự hiểu điều gì đang xảy ra. Tôi nghĩ rằng điều đó là bình thường, vì ai mà chẳng có lúc quên một thứ gì đó trong cuộc sống, đúng không?
Thực ra, trong sáu tháng đầu tiên sau vụ tai nạn hoặc có thể là một năm, tôi đã không thể đạt đến trình độ như các đồng đội tại Milan. Đó là sự thật và tôi cũng phải mất một thời gian để hiểu ra vấn đề và chấp nhận điều đó. Cũng kể từ tai nạn đó, mọi người đã để cái tên Gianluigi Lentini vào ngăn kéo và khoá chặt nó bên trong.
Nỗ lực trở lại và nỗi buồn của ngày thất bại
Khi một cầu thủ gặp chấn thương nghiêm trọng, mọi người thường so sánh bản thân anh ta với hình ảnh trước đây. Họ chia thành trước và sau rồi họ nghĩ rằng, 'Anh ấy không bao giờ mắc sai lầm trước khi tai nạn xảy ra' và bất kỳ sai lầm nào sau đó đều là do chấn thương đó gây ra. Nhưng trên thực không phải vậy, đến cuối năm thứ hai sau vụ tai nạn ô tô, tôi đã trở lại phong độ như trước.
Để vượt qua mọi chuyện, tôi cần phải tạo dấu ấn trong một trận đấu lớn. Tôi đã trở lại thi đấu thường xuyên, chơi tốt và ghi bàn đều đặn cho Milan. Mùa giải năm 1995 sắp kết thúc và chúng tôi chuẩn bị đối đầu với Ajax trong trận Chung kết Champions League ở Vienna.
Tôi tin chắc rằng mình sẽ được ra sân. Tôi đã thi đấu rất tốt và vừa ghi bàn trong một vài trận đấu liên tiếp của Milan. Tôi nghĩ trận đấu đó sẽ là cơ hội hoàn hảo để dập tắt mọi lời bàn tán và kết thúc câu chuyện về phong độ của tôi sau tai nạn kinh hoàng đó. Bản thân tôi tin rằng cuối cùng sau tai nạn đó, mình đã có thể thi đấu ở đẳng cấp từng có và duy trì nó đến hết sự nghiệp.
Nhưng thật không may, mọi chuyện đã diễn ra rất khác. Capello quyết định không để tôi vào đội hình xuất phát, và chung cuộc ngày hôm đó Ajax thắng Milan 1-0. Ông ấy đưa ra quyết định đó với thiện chí thôi, Capello không hề điên rồ và cũng không làm gì để chống lại tôi cả. Nếu ông ấy không chọn tôi thì là vì Capello nghĩ ai đó sẽ phù hợp hơn cho trận đấu ngày hôm đó. Bây giờ khi đã trưởng thành và có thể nhìn nhận mọi thứ một cách sáng suốt, tôi đã hiểu được lý do đằng sau quyết định ngày đó của Capello. Nhưng ở thời còn trẻ, mọi chuyện không đơn giản để chấp nhận như vậy.
Quyết định của Capello không giống với kỳ vọng của tôi. Ông ấy tung tôi vào sân khi chỉ còn 6 phút thi đấu. Nghiệt ngã hơn là Patrick Kluivert đã ghi bàn thắng duy nhất của trận đấu chỉ đúng 1 phút sau khi tôi vào sân. Vào sân muộn, đối thủ ghi bàn và đội thua trận, nó là một chuỗi các sự việc như muốn giết chết tôi vào thời điểm đó vậy.
Bàn thắng của Patrick Kluivert gần như dập tắt hi vọng để Gianluigi Lentini tìm lại chính mình lại AC Milan
|
Đó quả thực là khoảnh khắc mà tôi buông xuôi. Tôi cảm thấy rằng nếu tôi đã không đủ khả năng để thi đấu trong những trận đấu lớn như vậy, tôi thà chơi thứ bóng đá thoải mái hơn với chỉ một trận vào Chủ nhật và không có Champions League. Nỗi thất vọng của tôi lớn tới mức nó đã dẫn đến nhiều suy nghĩ tiêu cực. Tôi đã hy vọng có một trận đấu để đời để lấy lại hình ảnh của bản thân trong mắt mọi người biến chuyển hướng đi sự nghiệp theo một hướng tích cực hơn. Nhưng thứ tôi nhận được là một thất bại hoàn toàn. Trong tiềm thức, tôi cảm thấy mình không đủ giỏi, rằng mọi người đã đúng khi phán xét tôi và tôi không đủ khả năng để trở thành một cầu thủ hàng đầu thế giới.
Sự lựa chọn của huấn luyện viên Capello vào lúc đó phản ánh những thứ áp lực mà tôi nhận từ bên ngoài. Tôi thực sự tức giận và trải qua nỗi đau khổ tận cùng. Bây giờ tôi không còn vấn đề gì với Capello nữa, hoàn toàn không có hiềm khích gì với ông ấy vì quyết định đó. Tôi đã gặp ông ấy ở Turin vài năm trước – chúng tôi ôm nhau, nói về điều này điều kia và ông ấy bảo tôi đáng ra nên đến thăm ông ấy chứ. Thật ra, chẳng có gì vấn đề gì giữa tôi và Capello cả. Đêm đó ông ấy chỉ đơn giản là huấn luyện viên của tôi và ông ấy đang phải đưa ra những quyết định tốt nhất cho đội bóng.
Tuy nhiên, những quyết định của Capello đã có tác động lớn đến sự nghiệp của tôi. Ông ấy đúng là nghĩ về tập thể chung, nhưng xét về hoàn cảnh cá nhân của tôi thì thật khó để chấp nhận quyết định đó. Sau vụ tai nạn và kỷ niệm đáng buồn tại trận chung kết Champions League, tôi gần như không còn cơ hội để chơi cho Milan nữa. Năm 1996, Emiliano Mondonico, người từng huấn luyện tôi ở Torino đã gọi và hỏi liệu tôi có muốn giúp ông ấy để cố gắng trụ hàng cùng Atalanta hay không. Tôi đã ngay lập tức đồng ý. Tôi muốn được thi đấu thường xuyên, dù là ở mức đẳng cấp thua kém hơn so với Milan. Tôi không muốn ngồi dự bị và nhìn các đồng đội giành danh hiệu. Tôi không quan tâm điều gì nữa, tôi muốn được thi đấu thôi.
Nhưng bạn có biết điều tốt đẹp nhất trong tất cả câu chuyện này là gì không? Đó là tôi đã ở đây và kể lại câu chuyện của mình. Tôi hài lòng với những gì tôi đã làm, mặc dù tôi thừa nhận rằng có một vài điều cũng hối tiếc đấy. Một cầu thủ với tài năng như tôi đáng lẽ có thể làm được nhiều điều hơn thế, nhưng vụ tai nạn đó không chỉ đơn giản là một đòn giáng mạnh vào sự nghiệp của tôi. Trước khi gặp tai nạn, tôi đã thi đấu trong một số trận đấu ở vòng loại World Cup 1994 tại Mỹ, nhưng rốt cuộc tôi đã không thể tham gia giải đấu. Tôi đã giành được chức vô địch Champions League năm 1994 mà không ra sân thi đấu. Tôi là một phần trong đội hình trong trận chung kết, nhưng thực tế là vẫn đang trong quá trình phục hồi sau vụ tai nạn.
Tập thể AC Milan cùng với chức vô địch Champions League năm 1994 |
Điều hối tiếc lớn nhất của tôi có lẽ là trận chung kết UEFA Cup 1992 với Torino. Tôi đã thua các trận chung kết khác như trận chung kết Champions League 1993 trước Marseille ở Munich, nhưng cảm giác của mỗi lần thua trận lại không giống nhau chút nào. Với vị thế và những cầu thủ có trong tay, Milan có thể chạm đến trận chung kết của những giải đấu bất cứ lúc nào họ muốn. Nhưng việc giành chiến thắng trong một trận chung kết châu Âu với CLB như Torino - một câu lạc bộ mà tôi cảm thấy mình là một phần không thể tách rời và là trụ cột của cả một tập thể, nó mới xứng đáng là một kỳ tích lịch sử với bản thân tôi và CLB.
Đúng là tôi có thể đã chiến thắng và làm được nhiều hơn những thứ tôi đã có trong sự nghiệp. Nhưng sau những gì đã xảy ra, tôi hạnh phúc vì mình có thể đứng dậy và tiếp tục chơi bóng ở mức độ đủ tốt. Tôi hạnh phúc vì mình còn sống. Đêm đó, tôi có thể đã mất mạng vì chiếc lốp xe bị nổ đó. Tôi vẫn có một câu chuyện hay để kể và một cuộc sống để sống. Nếu dừng lại một chút và nhìn lại, tôi cảm thấy mình là một người may mắn. Tôi hài lòng với cách mình sống, tôi cảm thấy bình yên và an nhiên ở thời điểm này rồi.
Tôi luôn hành xử đúng mực, cẩn thận và chu đáo. Tôi luôn coi trọng những gì mình đã làm. Giờ đây, tôi vẫn là con người như vậy – tính cách của một con người không thay đổi bất kể họ làm gì đi chăng nữa. Tôi vui vì mọi người tôn trọng tôi vì con người tôi thể hiện ra bên ngoài, chứ không phải vì tôi từng là cầu thủ như thế nào. Đó là cách mọi người nên nhớ về tôi – là Gigi, chứ không phải Gianluigi Lentini.
Nguồn: "It was a world record transfer, but i never wanted to sign for Milan. Then came my crash. I could have died" - Gianluigi Lentini (Daniele Verri)