Trong 2 kỳ SEA Games gần nhất tổ chức tại Malaysia và Philippines, đội điền kinh Việt Nam đều đứng nhất toàn đoàn. Đó là động lực, cũng là áp lực để các chân chạy hướng tới kỳ SEA Games diễn ra tại Hà Nội.
Áp lực trên sân nhà
Trong 2 kỳ đại hội Thể thao Đông Nam Á gần đây nhất, đội điền kinh Việt Nam lần lượt giành được 17 HCV (Malaysia 2017) và 16 HCV (Philippines 2019), dẫn đầu toàn đoàn. Trong đó ở kỳ đại hội cách đây 5 năm, Lê Tú Chinh – một gương mặt lần đầu dự giải đã lập tức giành cú hattrick vàng ở các cự ly ngắn 100m, 200m và 4x100m. Tới Philippines, Việt Nam toả sáng ở những cự ly trung bình và dài với những Nguyễn Thị Huyền, Đinh Thị Bích, Nguyễn Văn Lai hay Dương Văn Thái.
Thú vị nhất là chiếc huy chương vàng nội dung tiếp sức 4x400m hỗn hợp, khi Việt Nam đưa VĐV nữ Nguyễn Thị Hằng xuất phát trước 3 nam VĐV của đoàn đối thủ, rồi lật ngược thế cờ bằng tốc độ của Trần Nhật Hoàng, Quách Thị Lan và Trần Đình Sơn sau đó. Tấm huy chương vàng nội dung 100m của Lê Tú Chinh trước VĐV Philippines nhập tịch Kristina Knott (nhanh hơn 0,01 giây) cũng là điểm sáng của điền kinh Việt Nam 2019.
Trưởng bộ môn điền kinh thời điểm đó, ông Dương Đức Thuỷ khẳng định Việt Nam đã chứng tỏ vị thế số 1 trong khu vực Đông Nam Á trước sự thách thức từ đối thủ.
Lê Tú Chinh vô địch cự ly 100m tại SEA Games 30 |
Từ đó tới nay, 3 năm trôi qua và gần như các VĐV điền kinh Việt Nam rất hạn chế tập huấn nước ngoài, tham dự các giải quốc tế và dẫn tới tình trạng “dậm chân tại chỗ”. Trong khi đó, các đối thủ trong khu vực đi tập huấn quốc tế rất nhiều. Các đoàn Philippines và Thái Lan tiếp tục chính sách nhập tịch, cũng như tìm ra những tài năng trẻ sáng giá đem tới khó khăn nhất định cho điền kinh Việt Nam.
Đơn cử như VĐV Kristina Knott – người từng đánh bại Tú Chinh ở cự ly 200m, sinh sống và luyện tập tại Mỹ cho tới khi các giải đấu diễn ra. Thần đồng người Thái 16 tuổi, Puripol Boonson gây chấn động khi phá 2 kỷ lục quốc gia nội dung 100m (10 giây 19) và 200m (20 giây 58). Con số này kém một chút so với kỷ lục cự ly 100m các kỳ SEA Games 10 giây 17 của Suryo Agung Wibowo (Indonesia, SEA Games 2009), và nhanh hơn kỷ lục 200m trong 20 giây 68 của VĐV Suppachai thiết lập cũng trong năm 2009.
So sánh với quá trình rèn luyện của các VĐV Việt Nam, những đối thủ dường như đang tiến những bước dài.
Dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sự chuẩn bị của các VĐV, khi virus trực tiếp tác động đến phổi. Các VĐV chạy cự ly trung bình/dài nếu không may nhiễm bệnh phải mất trung bình nửa tháng để lấy lại thể trạng, nhưng cũng chỉ được 90% - theo chia sẻ của HLV ĐT điền kinh quốc gia Nguyễn Mạnh Hiếu. Khả năng hô hấp sau khi bình phục cũng trở nên kém hơn, thậm chí có người gặp tình trạng mất ngủ.
Điều quan trọng, kỳ SEA Games năm nay diễn ra trên sân nhà có thể đem tới những áp lực vô hình với các VĐV, đặc biệt khi chúng ta đang nắm giữ vai trò nhất khu vực Đông Nam Á ở 2 kỳ đại hội gần nhất.
Điền kinh Việt Nam đang giữ vị thế số 1 Đông Nam Á |
Duy trì ngôi số 1
Tất nhiên, đó cũng là động lực để các VĐV thể hiện, phát huy bản thân khi được chơi trên sân nhà, dưới sự ủng hộ của gia đình và khán giả. Theo chia sẻ của Quách Thị Lan (vô địch ASIAD 2018 nội dung 400m rào), cô sẽ tham dự 4 nội dung tại kỳ SEA Games lần này với mục tiêu giành vị trí cao nhất. Chân chạy sinh năm 1995 khẳng định quyết tâm giành HCV cá nhân ở những nội dung mà các kỳ trước chưa đạt được.
Cô chia sẻ, việc được chơi trên sân nhà không đem tới bất kỳ sức ép nào: “Tôi có nhiều động lực hơn để cố gắng, nỗ lực. Thi đấu tại Việt Nam, tôi nhận được sự quan tâm của mọi người, gia đình, anh chị em, bạn bè cũng sẽ ra cổ vũ nên mọi thứ rất tốt.
Sau khi tham dự Olympic Tokyo, tôi trau dồi cho mình nhiều thứ, được trải nghiệm nhiều điều và có thêm kinh nghiệm, cố gắng được hoàn thiện để đạt tới trình độ như các VĐV trên thế giới. Mỗi giải đấu là một lần chinh phục bản thân, giúp tôi vượt qua thử thách của chính mình.”
Khi được hỏi về những đối thủ nhập tịch có thể chạm trán, Quách Thị Lan tiết lộ: “Chúng tôi không tìm hiểu nhiều về đối thủ. Khi bước vào giải đấu, tôi cảm thấy đối thủ lớn nhất cần phải vượt qua chính là thành tích của bản thân mình, chứ không phải bất kỳ VĐV nhập tịch nào khác”.
Quách Thị Lan trưởng thành hơn sau khi tham dự Olympic, sẽ là một trong những niềm hy vọng vàng của Việt Nam tại SEA Games 31 |
Được biết, thuốc bổ, thực phẩm chức năng, vitamin cũng được bổ sung để hỗ trợ tối đa cho các VĐV. Các chuyên gia cũng chú ý giữ gìn các VĐV không tiếp xúc người ngoài để đảm bảo sức khoẻ, cũng như giúp các tuyển thủ có tâm lý thoải mái trước kỳ đại hội.
Với nòng cốt là những VĐV giàu kinh nghiệm và có thành tích cao, điền kinh Việt Nam vẫn được đánh giá là ứng viên hàng đầu cho vị trí nhất khu vực, bất kể sự vươn lên của các đội điền kinh Thái Lan hay Philippines.
Điền kinh Việt Nam đứng trước thách thức và áp lực lớn từ các đối thủ trong khu vực |
Cùng với đó, những VĐV trẻ cũng được triệu tập lên tuyển và từng bước đóng vai trò quan trọng trong tương lai, như Trần Văn Đảng đặt mục tiêu bắt nhịp với các anh chị, phấn đấu cạnh tranh SEA Games 2023 tổ chức tại Campuchia.
Theo HLV Nguyễn Mạnh Hiếu, Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội (Nhổn) đặt mục tiêu giành 12 huy chương vàng trong kỳ SEA Games tới đây. Nếu có thể hoàn thành chỉ tiêu đó, cộng thêm những VĐV từ Trung tâm khác, cơ hội cân bằng thành tích như những kỳ đại hội trước để bảo vệ ngôi số 1 là hoàn toàn có thể.