Đằng sau lý do ngại ra nước ngoài thi đấu của người Anh

Tác giả Đức Thịnh - Chủ Nhật 12/11/2023 11:50(GMT+7)

Zalo

Có một sự thật rằng các cầu thủ người Anh rất ít khi xuất ngoại thi đấu. Điều này đã tồn tại trong suốt nhiều năm. Tuy vậy không phải ai theo dõi bóng đá cũng hiểu nguyên nhân đằng sau vấn đề này.  

370201230_248481044622097_4156598900839455454_n
 

Premier League là giải đấu xếp hạng cao nhất trong 5 giải vô địch quốc gia hàng đầu Châu Âu. Và thực tế cũng cho thấy sức hấp dẫn, tính cạnh tranh, doanh thu và mức độ chi tiêu tài chính của Premier League cũng vượt trội hơn hẳn La Liga, Bundesliga, Serie A và Ligue 1. Điều này đồng nghĩa với việc Premier League luôn thu hút được những ngôi sao sân cỏ từ mọi quốc gia, từ mọi châu lục đến đây chơi bóng. 

Đằng sau lý do ngại ra nước ngoài thi đấu của người Anh 1
Premier League là giải đấu vượt trội về doanh thu, bản quyền truyền hình và tài trợ.

Tuy vậy, nếu xét theo chiều ngược lại, rất ít các ngôi sao bản địa tại xứ sở sương mù lựa chọn việc xuất ngoại để tìm kiếm cơ hội chơi bóng tại các giải đấu khác. Vậy đâu là nguyên nhân để giải thích cho điều này? Và liệu trong tương lai, văn hóa ít xuất ngoại ấy có thay đổi?

Thực trạng xuất ngoại của bóng đá Anh

Thống kê cho thấy, chỉ có vỏn vẹn 20 cầu thủ mang quốc tịch Anh đang thi đấu tại nước ngoài, trong màu áo các đội bóng tại 4 giải vô địch quốc gia hàng đầu Châu Âu. Tuy nhiên, những cầu thủ thực sự có đẳng cấp, hoặc chí ít là từng thi đấu nổi bật trong quá khứ, thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Là Jude Bellingham (Real Madrid), Mason Greenwood (Getafe), Chris Smalling và Tammy Abraham (AS Roma), Fikayo Tomori và Ruben Loftus-Cheek (AC Milan), Harry Kane (Bayern Munich). 

Nhìn vào bản danh sách trên, bạn có thấy điều gì đặc biệt? Có đến 4/7 cái tên kể trên là những tân binh của mùa giải 2023/2024. Không khó để mô tả về hành trình xuất ngoại của họ. 

Greenwood, tiền đạo vẫn thuộc biên chế của Manchester United nhưng buộc lòng phải xuất ngoại theo dạng cho mượn, bởi áp lực khủng khiếp từ dư luận nước Anh sau vụ sao mai này hành hung cô bạn gái Harriet Robson hồi tháng 1/2022. Sau cùng, Greenwood được tòa án thành phố Manchester xóa bỏ mọi cáo buộc liên quan đến vụ việc do Harriet Robson đã chủ động rút đơn kiện, cả hai cố gắng hàn gắn mối quan hệ và bản thân họ vừa đón đứa con đầu lòng ra đời. Bất chấp điều đó, sự nghiệp chơi bóng của Greenwood trong màu áo đỏ cũng không vì vậy mà khởi sắc. Vào thời điểm giữa tháng 8/2023, trước khi mùa giải mới khởi tranh, người hâm mộ Man Utd đã tổ chức các cuộc biểu tình bên ngoài SVĐ Old Trafford để phản đối việc CLB dự định để Greenwood trở lại thi đấu. Nói một cách khác, chân sút 22 tuổi khó có “đất sống” nếu cố gắng bám trụ lại Premier League. Việc Greenwood chuyển tới Getafe được xem là giải pháp tình thế bắt buộc.

a2
Greenwood buộc phải chuyển đến Getafe thi đấu vì bị NHM Man Utd phản đối kịch liệt.

Cũng có chút tương đồng với Greenwood là trường hợp của Harry Kane. Tất nhiên, thủ quân của Tam Sư là một người có lối sống mẫu mực bên ngoài sân cỏ và gần như chưa bao giờ dính đến scandal. Tuy vậy, việc Kane quyết tâm rời Tottenham để tìm kiếm thử thách mới cho sự nghiệp được xem là tác động tiêu cực đến người hâm mộ Spurs. Họ đơn giản không muốn mất đi chân sút vĩ đại nhất lịch sử CLB, người đã ghi tới 280 thắng sau 435 lần ra sân. Vậy thử tưởng tượng xem, viễn cảnh Kane chuyển sang thi đấu cho Man Utd, Man City hoặc một đội bóng trong nhóm Big Six khác? Đó chắc chắn là một kịch bản tồi tệ với tất cả những người trong cuộc, từ gia đình Kane cho đến BLĐ Tottenham. Chẳng ai biết trong cơn tức giận sẽ dần chuyển hóa thành thù hận kia, những hành động quá khích nào có thể xảy ra. Cũng chính vì vậy mà một người lọc lõi đến đáng sợ như chủ tịch Daniel Levy cũng không muốn bán Kane cho một đội bóng khác tại Premier League. Bản thân tiền đạo 30 tuổi cũng định sẵn phương án an toàn là chuyển tới Bundesliga đầu quân cho Bayern Munich. 

Với 2 trường hợp còn lại, sự đối lập trong quyết định xuất ngoại của họ cũng chính là vấn đề mà chúng ta cần tìm hiểu.

Loftus-Cheek đại diện cho một bộ phận cầu thủ vì nhiều lý do khác nhau mà mất chỗ đứng ở các đội bóng lớn tại nước Anh, dù trước đó từng có thời điểm họ chứng tỏ được tài năng chơi bóng của mình. Với riêng Loftus-Cheek, sau nhiều năm gắn bó với Chelsea, anh không thể chen chân được vào đội hình chính thức, thậm chí thời lượng thi đấu ngày càng giảm dần. Và để cứu vãn sự nghiệp, thay vì chuyển tới một đội bóng tầm trung tại Premier League, Loftus-Cheek lựa chọn ra nước ngoài thi đấu trong màu áo AC Milan. Tại đây, sự cạnh tranh sẽ không quá gay gắt như tại Chelsea, trong khi Loftus-Cheek vẫn được tham dự Champions League, đồng thời đóng một vai trò quan trọng tại một tập thể đủ sức cạnh tranh danh hiệu. Trong quá khứ, trường hợp tương tự cũng từng xảy ra với Smalling, Tammy Abraham và Fikayo Tomori. 

Trường hợp của Jude Bellingham thì lại khác hoàn toàn. Cựu thần đồng của Birmingham là ví dụ điển hình cho một thế hệ “tài không đợi tuổi” của bóng đá Anh. Khi mới 16 tuổi, Bellingham đã gây tiếng vang ở xứ sở xương mù dù chưa từng chơi bóng tại Premier League. Chuyển đến Dortmund theo một bản hợp đồng kỷ lục đối với một cầu thủ 17 tuổi, Bellingham dần chứng tỏ được tài năng trên đất Đức, trước khi được Real Madrid để mắt tới và kích nổ bom tấm chuyển nhượng với tổng giá trị thương vụ lên đến 103 triệu euro. Và đây chính là trường hợp hiếm hoi của bóng đá Anh, khi một cầu thủ người Anh từ chối trở lại trong nước thi đấu dù từng được Man City và Liverpool theo đuổi một thời gian dài, để quyết tâm trở thành một phần quan trọng của Dải ngân hà Galacticos 3.0. Có thể nói những trường hợp xuất ngoại để nâng tầm sự nghiệp như Bellingham là tương đối hiếm đối với bóng đá Anh. Trong quá khứ chúng ta có Gary Lineker (Barcelona), Steve McManaman, Michael Owen và David Beckham (đều thi đấu cho Real Madrid). 

Tuy vậy, không phải cái tên nào kể trên cũng đạt được thành công khi lựa chọn xuất ngoại. Owen từng giành danh hiệu Quả bóng Vàng tại Liverpool nhưng cũng nhanh chóng bật bãi khỏi Real chỉ sau duy nhất một mùa giải duy nhất. Beckham là thương vụ đem lại hiệu quả trên phương diện kinh tế, thực chất cựu ngôi sao của Man Utd không chứng tỏ được quá nhiều trên sân cỏ suốt 4 năm chơi bóng tại Bernabeu. 

Đằng sau lý do ngại ra nước ngoài thi đấu của người Anh 2
Owen và Beckham từng thi đấu cho Real Madrid nhưng không thực sự thành công.

Nói về độ hiệu quả, Gary Lineker và McManaman là hai cầu thủ người Anh xuất ngoại thành công nhất trong quá khứ. Một người giúp Barcelona vô địch Cúp Nhà Vua và UEFA Cup, một người là nhân tố quan trọng cùng Real chinh phục 2 danh hiệu La Liga và 2 danh hiệu Champions League. Không đạt được nhiều danh hiệu cùng Dortmund, thế nhưng Jadon Sancho cũng là một ví dụ hiếm hoi về việc cầu thủ Anh xuất ngoại thành công.

Đi tìm nguyên nhân

Như đã nói ở trên, Premier League là giải đấu nổi bật nhất trong số 5 giải đấu hàng đầu Châu Âu. Các đội bóng tại đây có được thuận lợi về tài chính, từ chuyện doanh thu cao kéo theo các khoản tiền thưởng, tiền tài trợ cũng tăng đột biến. Điều này đồng nghĩa với thu nhập của các cầu thủ tại Premier League cũng luôn cao hơn mặt bằng chung của các giải đấu khác. Thống kê tài chính từ chuyên trang Off The Pitch đầu năm 2023 cho thấy, các cầu thủ thi đấu tại Premier League trong mùa giải 2022/2023 kiếm được trung bình là 4,2 triệu euro/mùa, hơn hẳn La Liga (2 triệu euro/mùa), Bundesliga (1,8 triệu euro/mùa), Serie A (1,1 triệu euro/mùa) và Ligue 1 (460 nghìn euro/mùa).

Đặc biệt hơn, các cầu thủ bản địa có xu hướng nhận lương cao hơn nhóm cầu thủ nước ngoài. Bằng chứng là trong Top 20 cầu thủ hưởng đại ngộ cao nhất Premier League hiện nay, đã có 8 cầu thủ Anh xuất hiện trong bản danh sách. Tiêu biểu phải kể đến Raheem Sterling (19,5 triệu euro/mùa), Marcus Rashford và Jack Grealish (18 triệu euro/mùa), bộ ba Reece James, John Stones và Jadon Sancho (15 triệu euro/mùa). 

Được thi đấu trong nước, gần gia đình, lại được hưởng đãi ngộ cao, vậy nên ngoài trừ xảy ra một trong số vấn đề như những ví dụ kể trên, rất hiếm cầu thủ người Anh nào lựa chọn xuất ngoại. Trừ khi họ nhận được một lời đề nghị đủ sức hấp dẫn.  Cụ thể, ngay cả khi bị thất sủng tại Chelsea, để thuyết phục Tammy Abraham chuyển đến AS Roma, đội bóng thủ đô Italia phải đồng ý nâng lương cho tiền đạo sinh năm 1997 từ 4,8 triệu euro/mùa lên thành 6,5 triệu euro/mùa. Và nếu biết những gì Bellingham đang được hưởng tại Bernabeu, rất nhiều người sẽ cảm thấy sốc. Chàng trai 20 tuổi đứng thứ 6 trong Top 10 ngôi sao hưởng lương cao nhất La Liga với khoảng 21 triệu euro/mùa. Nếu so sánh với Premier League, mức đãi ngộ của Bellingham chỉ kém Kevin De Bruyne và Erling Haaland.

Đằng sau lý do ngại ra nước ngoài thi đấu của người Anh 3
 

Ngoài vấn đề về thu nhập, có một sự thật là suy nghĩ xuất ngoại gần như không xuất hiện ở các cầu thủ Anh từ khi họ còn nhỏ. Ngay từ thời điểm mới chập chững bước chân vào nghề, họ đã được giáo dục hệ tư tưởng rằng Premier League là vua của mọi giải đấu. Tại Anh, các cầu thủ trẻ được ưu tiên phát triển thể chất, phong cách chơi bóng để phù hợp với lối chơi tốc độ, mạnh mẽ và quyết liệt của bóng đá Anh. Họ cũng không được đào tạo thêm ngôn ngữ nào khác bởi lộ trình phát triển sự nghiệp gần như chỉ gói gọn trong lãnh thổ nước Anh. 

Trong khi đó với những quốc gia như Pháp, Tây Ban Nha hay các quốc gia Nam Mỹ như Brazil và Argentina, các cầu thủ trẻ có xu hướng xuất ngoại từ rất sớm. Họ không ngại phải ra nước ngoài thi đấu. Ngược lại, việc xuất ngoại để giúp sự nghiệp thăng tiến được xem là điều đáng tự hào. Chúng ta từng chứng kiến Cesc Fabregas đầu quân cho Arsenal khi mới 16 tuổi, dù tiền vệ người Tây Ban Nha có vô vàn sự lựa chọn để phát triển sự nghiệp trong nước. Với các cầu thủ Nam Mỹ, xuất ngoại là hướng đi bắt buộc để phát triển bản thân, cũng như giúp đỡ gia đình cải thiện cuộc sống.

Cũng chính vì thiếu kinh nghiệm phong phú khi được chơi bóng ở nhiều giải đấu quốc gia khác nhau, vậy nên dù nước Anh là kinh đô của bóng đá nhưng ĐTQG Anh lại không thể chinh phục các danh hiệu cao quý suốt nhiều năm qua. Ngoài sự bảo thủ về phong cách chơi bóng, người Anh còn thiếu đi bản lĩnh tinh thần, thứ phẩm chất mà các cầu thủ ở những quốc gia khác được trui rèn sau nhiều năm “nam chinh bắc chiến”. Liệu trong tương lai, điều này có thể thay đổi không?

Kane dù mới cập bến Bayern Munich nhưng đã thi đấu cực kỳ bùng nổ với việc ghi tới 17 bàn thắng sau 14 lần ra sân, trong đó có 3 cú hattrick. Đặc biệt hơn cả, Kane vừa gửi lời chào ra mắt trận Der Klassiker đầu tiên của mình bằng 1 cú hattrick vào lưới Dortmund ngay tại Signal Iduna Park. Với phong độ săn bàn hủy diệt như thời điểm hiện tại, chắc chắn Kane sẽ là ứng cử viên nặng ký cho danh hiệu Chiếc giày vàng Châu Âu mùa giải 2023/2024.

Đằng sau lý do ngại ra nước ngoài thi đấu của người Anh 4
Kane và Bellingham là hai nhân tố đang thi đấu cực kỳ bùng nổ tại nước ngoài.

Cũng thi đấu bùng nổ không kém người đàn anh tại ĐTQG, Bellingham đang thu hút mọi ánh nhìn của các Madridista khi ghi 13 bàn thắng và 3 đường kiến tạo trong màu áo Real. Nên nhớ rằng chàng trai người Anh năm nay mới 20 tuổi và còn rất nhiều thời gian để chinh phục đỉnh cao sự nghiệp. 

Điều này cho thấy rằng văn hóa xuất ngoại của người Anh đang có sự thay đổi. Chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của Kane và Bellingham, trong tương lai xa hơn rất có thể những ngôi sao khác của xứ sở sương mù sẽ thay đổi nhận thức của bản thân về việc ra nước ngoài chơi bóng.

 

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Xabi Alonso: Thư gửi Leverkusen về những thăng trầm đã qua...

Một bức tâm thư được đăng tải trên The Player’s Tribune do chính Xabi Alonso viết, chia sẻ cảm xúc, tâm tư của ông về những thăng trầm đã trải qua trên cuộc hành trình làm nên lịch sử cùng Bayer Leverkusen, cách nhìn bóng đá qua lăng kính một nhà cầm quân, và những bài học đã rút ra về cái nghề này…

Sau 3 năm, Messi lại khóc

Lionel Messi đã khép lại kỳ Copa America có thể là cuối cùng trong sự nghiệp với những giọt nước mắt, nhưng với kết cục rất khác mùa hè 3 năm trước tại CLB.

X
top-arrow