Chuyện mùa 98/99 của thành Manchester: Suy thoái hay cực thịnh, chẳng có gì là vĩnh cửu

Tác giả Nam Khánh - Thứ Bảy 03/06/2023 18:27(GMT+7)

Vào năm 1999, khoảng cách giữa hai đội bóng thành Manchester chẳng khác nào một trời một vực, và hiện tại là một thời điểm quá thích hợp để nhìn lại những năm tháng đó. 

Ảnh: The Athletic

Hồi ấy, một nửa của thành phố này đã được say sưa ăn mừng chiến tích vĩ đại nhất lịch sử bóng đá Anh, ít nhất là cho đến tận bây giờ. Còn nửa kia thì đang cố ngoi lên từ bùn lầy và bóng tối. 

Mùa giải ấy, Manchester United sẽ giành được một cú ăn ba và trở thành một cái tên bất tử trong ngôi đền thể thao. Còn Man City, theo như tên cuốn sách được viết bởi Mark Hodkinson về mùa giải 1998-99 của họ sau khi rơi xuống giải hạng Ba của bóng đá Anh: “Blue Moon: Down Among The Dead Men” – thì chẳng khác nào những cái xác biết đi, bởi vì đang sống mà như ch.ết. 

Một đội đã đánh bại Juventus và Bayern Munich trên cuộc hành trình trở thành nhà vua của bóng đá châu Âu. Còn một đội thì để thua Lincoln City, York City và Wycombe Wanderers.

 

Nhưng giờ đây, sau gần 1 phần 4 thế kỷ, thời thế đã thay đổi, và hiện Manchester City mới là đội có vị thế “từ trên cao nhìn xuống”, đồng thời đang đứng trước cơ hội tái hiện lại chiến tích vô tiền khoáng hậu của Manchester United hồi năm 1999. Còn Man United thì đang có cơ hội ngăn chặn đối thủ cùng thành phố làm điều đó.

Những ký ức về mùa giải 1998-99 từ cả hai đội bóng thành Manchester sẽ trở thành một phần nguyên nhân dẫn tới sức nóng của trận chung kết cúp FA diễn ra vào hôm nay, cuộc đụng độ đầu tiên của hai CLB trong lịch sử 152 năm của giải đấu này – và vào tuần tới nếu Man City giành chiến thắng. 

Những con người có mối liên kết với hai CLB này đang bước vào một tình huống mà 24 năm trước là điều không tưởng. 

***

“Chúng tôi thậm chí không ở chung một thế giới với họ,” đó là lời thừa nhận rất thẳng thắn từ Andy Morrison, một thành viên của Manchester City vào cái mùa giải ảm đạm mà họ phải trải qua ở Second Division – hiện được biết đến với cái tên League One. 

Khi Morrison gia nhập CLB vào tháng 10 của mùa giải 1998-99, Man City đang đứng thứ 11 trên bảng xếp hạng và chỉ giành được 1 chiến thắng trong 10 trận gần nhất. Trong vòng 1 tháng kể từ khi có màn ra mắt, ông đã có lần đầu tiên đeo băng đội trưởng của họ. Đến tháng 2, ông đã được bổ nhiệm làm đội trưởng chính thức. 

Là "đại ca" của Man City thời đó nhưng Morrison vẫn cảm thấy tự ti với Man United

Khả năng lãnh đạo của Morrison từng là một thiếu sót trầm trọng tại Man City cho đến khi ông xuất hiện. Nhưng ngay cả khi được xem là có đủ tố chất để trở thành “đại ca” của The Citizens, Morrison vẫn cảm thấy tự ti về khoảng cách quá lớn giữa tình trạng khổ sở của CLB này và “hào quang rực rỡ” ở nửa kia của thành phố. 

“Hồi ấy, họ là một trong những đội bóng hay nhất thế giới, còn chúng tôi thì đang ngụp lặn ở Second Division,” ông kể. “Chúng tôi chỉ đơn giản là không được chung mâm với họ.”

Morrison đã hồi tưởng về những lần ông đỗ xe phía sau Kippax – khu khán đài mang tính biểu tượng của Maine Road – vào ngày xuất trận và phải cuốc bộ qua đám đông để tìm đường vào sân vận động. Trước khi trận đấu bắt đầu, chuyện này không thành vấn đề. Nhưng sau đó, nó hoàn toàn có thể trở thành việc bất khả thi.

“Nếu kết quả trận đấu không tốt, chúng tôi sẽ ở lại quán bar dành cho các cầu thủ cho đến khi người hâm mộ rời đi hết,” ông kể. “Sau đó, sẽ có người hét lên rằng đám cổ động viên đã về hết rồi và cả bọn sẽ vội phóng nhanh ra ô tô của mình để tránh việc bị ai đó bắt gặp và phải nghe ca cẩm rằng tỷ số hòa 0-0 trước Bristol Rovers là một kết quả tệ hại đến mức nào.”

Người hâm mộ sẽ không chỉ nhắc bạn những gì đang diễn ra ở Manchester United, mà còn về trách nhiệm thoát khỏi giải hạng ba. Cho đến khi Guy Butters sút hỏng quả 11 mét quyết định trong trận chung kết play-off hùng tráng của Man City và Gillingham, các cầu thủ của The Citizens đã thực sự nhận thức được rằng, thăng hạng không chỉ là một kỳ vọng, mà còn là điều cực kỳ cần thiết.    

Việc thăng hạng mùa giải năm ấy là điều rất quan trọng với Man City

Khi bị rớt hạng vào mùa giải trước đó, hóa đơn trả lương của Man City đang ở mức 8,7 triệu bảng; dù có một đội hình cồng kềnh cần phải tinh giảm bớt, nhưng CLB này còn phải tốn thêm một số tiền đáng kể cho trang phục tham dự giải hạng ba, còn Ged Brannan, Lee Bradbury và Nigel Clough thì rời khỏi đội chủ sân Maine Road và để lại cho họ khoản lỗ khoảng 3 triệu bảng. 

Trong tuần lễ mà Man United được định giá 623 triệu bảng khi tin đồn về khả năng họ được tiếp quản bởi BSkyB của Rupert Murdoch nổi lên rầm rộ, thì khoản thấu chi của Man City đang ở mức 10 triệu bảng. Nếu CLB này không thể nhanh chóng ngoi lên giải hạng hai, những vấn đề cực nghiêm trọng về tài chính sẽ xảy đến, đây là điều mà Chris Bird, giám đốc điều hành của Man City khi ấy, tin rằng đã thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của cả đội. “Bởi vì chúng tôi không có tiền nên chẳng còn lựa chọn nào khác cả,” ông kể. “Chúng tôi nhất định phải thoát khỏi hạng đấu này. Chúng tôi phải thắng Gillingham, nếu không, CLB sẽ gặp rắc rối lớn về tài chính.”

4 ngày sau khi Man United đánh bại Bayern Munich một cách đầy kịch tính ở trận chung kết Champions League để hoàn tất cú ăn ba lịch sử, thì Man City cũng lấy được tấm vé thăng hạng trong một trận đấu cũng gay cấn không kém – ghi 2 bàn vào cuối trận, trong một tình thế tưởng chừng hoàn toàn tuyệt vọng, sau đó giành chiến thắng trong loạt sút luân lưu. Nhưng The Citizens quyết định rằng họ sẽ không tổ chức một cuộc ăn mừng hoành tráng nào cả. 

 

“Cuối cùng, khi chúng tôi đoạt được suất thăng hạng, Joe Royle (HLV trưởng khi ấy của Man City) đã nói: ‘Sẽ không có chuyến diễu hành bằng xe buýt nào đâu nhé’,” Morrison hồi tưởng. 

Thượng tầng CLB cũng có thái độ tương tự sau chiến thắng này. “Chúng tôi đã cam kết với nhau rằng trừ khi chúng tôi làm được điều gì đó thực sự đặc biệt, còn không thì sẽ chẳng bao giờ có một chai sâm panh nào được mở trong phòng họp cả. Không bao giờ,” Bird khẳng định. “Tôi đã ăn mừng bằng cách ngồi với Joe trong phòng thay đồ và uống một lon Strongbow.” 

Nguyên nhân là bởi tập thể Man City ý thức được rằng đáng lẽ ra ngay từ đầu họ không nên lâm vào cảnh rớt hạng xuống tận đây, nhưng một phần cũng là do những gì Man United đã làm được ít ngày trước đó. 

“Ở nửa bên kia của thành phố, họ vừa giành được một cú ăn ba, vậy thì thành tích này có gì đáng để khoe khoang cơ chứ,” Morrison nói. “Chúng tôi hiểu rằng mình cần phải giữ một cái đầu lạnh, hành xử khiêm tốn và làm lại từ đầu ở mùa giải tới.”

***

Đúng là tình cảnh tăm tối của Manchester City đã tạo nên nhiều tiếng cười ở nửa bên kia của thành phố, đó là chuyện hết sức bình thường, nhưng hầu hết những người thực sự toàn tâm toàn ý hướng về Man United lại chẳng thèm quan tâm tới tình trạng đang diễn ra với nửa xanh của Manchester.  

Chuyện chỉ đơn giản là bọn họ quá bận rộn với việc dõi theo đội bóng của mình hướng tới sự vĩ đại. Jay Mottershead – đồng sở hữu của kênh YouTube lâu đời nhất về Manchester United là Stretford Paddock – kể rằng hồi đó Man City hoàn toàn chẳng hề xuất hiện trong suy nghĩ của anh, nếu có thì cũng chỉ là một câu chuyện cười thoáng qua mà thôi. “Tôi thậm chí đã bật cười khi Man City được thăng hạng trong lúc tình cờ xem trận chung kết play-off trong một quán rượu,” anh kể. 

 

Mottershead vẫn còn là một cậu thiếu niên vào thời điểm đó và đoàn quân Man United năm ấy đã chiếm lấy một vị trí đặc biệt trong trái tim của anh. “Tại mọi vị trí đều là những cầu thủ giỏi nhất mà bạn có thể đưa vào hồi ấy,” anh kể. 

“Tôi sẽ không trao đổi bất kỳ ai trong đoàn quân ấy dù cho cái tên được đưa về có là ai đi chăng nữa. Tôi sẽ không đổi Andy Cole lấy (Nicolas) Anelka, (Roy) Keane lấy (Patrick) Vieira, hay thậm chí là (Paul) Scholes lấy (Zinedine) Zidane. Có cảm giác như đó là một đội bóng hoàn hảo vậy.”

Tuy nhiên, điều khiến nhiều người hâm mộ Man United chú ý nhất trong cái năm tuyệt vời ấy là cách thức giành chiến thắng của đoàn quân này. “Tôi đã nghĩ rằng ngay cả khi một ngày nào đó có một đội bóng khác được ăn ba, thì liệu họ có thể tạo nên thành tích đó theo cách mà chúng tôi đã làm hay không? Tôi không nghĩ nó sẽ được tái hiện lại lần nào nữa đâu,” Mottershead khẳng định.

 

“Bạn sẽ không thể một lần nữa được thấy cảnh người ta gắn mấy cái ruy băng vinh danh đối thủ của chúng tôi lên chiếc cúp Champions League và sau đó phải gỡ chúng ra. Bạn sẽ không thể một lần nữa nhìn thấy thêm một trận chung kết FA Cup như cái hồi chúng tôi lội ngược dòng trước đối thủ không đội trời chung ở phút cuối cùng (chiến thắng 2-1 trước Liverpool ở vòng 4).

“Chúng tôi còn giành chiến thắng trước Arsenal trong tình thế phải chơi với 10 người, bằng một trong những pha ghi bàn đẹp nhất lịch sử bóng đá nữa.”

***

Vật đổi sao dời, giờ đây Manchester City mới là đội đang sở hữu uy thế vô song tại bóng đá Anh, còn Man United, tuy chẳng chìm sâu như The Citizens hồi mùa giải 1998-99, nhưng cảnh ngộ hiện tại của họ quả thực rất đáng buồn. 

Mục tiêu tái hiện chiến tích 1998-99 của Man United bằng cách đánh bại chính Quỷ Đỏ trong trận chung kết FA Cup hôm nay, và sau đó khuất phục Inter Milan ở Champions League, chắc chắn sẽ mang đến một nguồn động lực cực lớn dành cho đoàn quân Man City của Guardiola.

 

Còn đối với Man United, cản đường được Man City và bảo vệ niềm tự hào của họ thì cũng vui đấy, nhưng nhiệm vụ của họ thì còn lâu mới hoàn tất. “Tôi thực sự không muốn họ ăn ba,” Mottershead chia sẻ. “Nếu họ mà đánh bại chúng tôi trong trận chung kết FA Cup và sau đó giành được nốt Champions League, thì đó là một câu chuyện quá buồn. Nhưng điều quan trọng hơn hết là liệu chúng tôi sẽ tiến về phía trước như thế nào sau trận đấu này.”

Đối với anh, trận đấu này có ý nghĩa to lớn không chỉ với quá khứ, mà còn với cả tương lai của CLB chủ sân Old Trafford. “Nếu có thể đánh bại Man City, qua đó kết thúc mùa giải ở vị trí thứ ba và 2 danh hiệu, tác động quan trọng nhất mà kết quả này có thể tạo ra là nó sẽ củng cố niềm tin rằng chúng tôi đang đi đúng hướng với vị HLV trưởng hiện tại.

Man City và Man United sẽ chiến đấu hết mình cho trận derby Manchester cuối cùng của mùa này

“Nó cũng sẽ mang đến cho các chủ sở hữu đội bóng – dù là những người mới hay đám hiện tại – một cú hích cực mạnh. Họ sẽ thấy rằng mình cần phải ủng hộ người đàn ông này hết mình, bởi ông ấy xứng đáng được như vậy.”

Để tóm gọn câu chuyện của hai đội bóng thành Manchester, sẽ không gì thích hợp hơn một câu thoại trong bộ phim 24 Hour Party People, khi một người đàn ông vô gia cư tên là Boethius đưa ra lời khuyên cho ông trùm âm nhạc Tony Wilson. 

“Tôi tin rằng lịch sử là một bánh xe,” Boethius nói. “‘Bản chất của tôi là sự thất thường,’ bánh xe đó bảo. ‘Chẳng có ai ở trên cao mãi được, cũng chẳng có ai mãi ở dưới đáy sâu cả.”

“Những năm tháng đẹp đẽ sẽ đến lúc qua đi, nhưng những khoảng thời gian tồi tệ cũng vậy. Sự thất thường vừa là bi kịch của cuộc đời, nhưng cũng là thứ mang đến cho chúng ta niềm hy vọng. Những thời điểm tuyệt vời nhất, cũng như những thời điểm tồi tệ nhất, đều chẳng hề tồn tại vĩnh viễn.” 

Theo Mark Critchley, The Athletic

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Cuộc đua vô địch Serie A: Tìm về những ngày xưa cũ

Vòng đấu thứ 12 Serie A mùa giải năm nay khép lại với trận hoà 1-1 giữa hai kẻ đang dẫn đầu bảng xếp hạng là Inter Milan và Napoli. Trận hoà này cùng với những trận thắng trước đó của những Juventus, Atalanta, Fiorentina và Lazio đã khiến cho bảng xếp hạng ở những vị trí dẫn đầu trở nên vô cùng chật chội.

Manchester United: Bao giờ cho đến ngày xưa

Từ một thế lực lớn của bóng đá thế giới, Manchester United đang sa sút trầm trọng thời kỳ hậu Sir Alex Ferguson. Và cuộc chia tay của đội chủ sân Old Trafford với Erik ten Hag càng đào sâu vào cuộc khủng hoảng của đội bóng lừng danh một thời.

Tại sao những ngôi sao bóng đá lại đầu tư vào Esports?

Có hai cách chính để các cầu thủ bóng đá tham gia vào sân chơi esports. Họ có thể dành thời gian để xây dựng một lượng người theo dõi đáng kể trên mạng xã hội - những người muốn xem họ chơi trò chơi điện tử hoặc không thì sẽ là đầu tư trực tiếp vào một tổ chức thể thao điện tử chuyên nghiệp.

Lionel Messi và hồi ức về màn ra mắt Barcelona

Ngày 16 tháng 10 năm 2004 sẽ mãi được ghi nhớ như một khoảnh khắc quan trọng trong lịch sử Barcelona. Đó là ngày, Lionel Messi, một cậu thiếu niên tóc xù và chưa được nhiều người biết đến đã có trận ra mắt cho đội bóng xứ Catalunya trong trận đấu với Espanyol.