Premier League vẫn đang ngự trị trên đỉnh cao của bóng đá thế giới. Những siêu sao hàng đầu, những ông chủ giàu có, những vị HLV xuất sắc nhất thế giới vẫn tìm đến đây. 30 năm sau ngày những nhà sáng lập Premier League đàm phán với Sky và ITV về bản quyền truyền hình, số tiền mà họ thu được từ đây đã tăng lên chóng mặt.
Ở trận cầu tâm điểm vòng đấu này, Tottenham Hotspur đánh bại Manchester City bằng bàn thắng ở phút 90+5 của Harry Kane. Một trận cầu hay, Man City là đội được đánh giá cao hơn trước trận nhưng đội giành chiến thắng lại là Spurs. Trận đấu cũng quy tụ những cầu thủ hàng đầu thế giới, hai đội bóng được dẫn dắt bởi những nhà cầm quân xuất sắc nhất làng túc cầu thế giới hiện tại là Pep Guardiola và Antonio Conte.
Trong ngày kỷ niệm 30 năm Premier League ra đời, trận đấu đó như một minh chứng vì sao giải đấu này vẫn luôn được coi là hấp dẫn nhất hành tinh: những ngôi sao, tốc độ, sự khó lường.
Nhìn lại hành trình 30 năm qua của Premier League, từ một nhóm các nhà lãnh đạo các CLB muốn tách khỏi Football League để lập nên một giải đấu mới với nhiều lợi nhuận và có thể kiếm được tiền từ bóng đá, giải đấu này đã vươn lên đỉnh cao và vẫn ngự trị trên đỉnh thế giới trong nhóm các giải đấu cấp CLB.
Khát vọng của “5 ông lớn”
Trong thập niên 80 của thế ký 20, bóng đá Anh trải qua những thảm hoạ bóng đá lớn bậc nhất lịch sử là thảm hoạ Heysel và Hillsborough. Song, bằng một cách nào đó, nó lại trở thành động lực để những nhà cách tân ở Anh tìm cách phá vỡ những truyền thống, tư duy cũ kỹ không còn hợp thời đại để hướng tới việc biến bóng đá trở thành một ngành công nghiệp hái ra tiền.
Trong cuốn "The Club: How the English Premier League Became the Wildest, Richest, Most Disruptive Force in Sports" của hai tác Joshua Robinson, Jonathan Clegg có đoạn như sau: “Trò tiêu khiển quốc gia của người Anh trong thập niên 80 không phải một khoản đầu tư để tất cả thấy được lợi nhuận. Nó gần như không phải một hoạt động kinh doanh kiếm lời.
Các hoạt động tài trợ và quảng cáo ở sân chỉ xuất hiện từ cuối thập niên 70. Và khi đó, nguồn thu cũng chỉ để chi vào việc giữ mặt cỏ thật xanh tươi. Truyền hình không những không được chú trọng mà nó còn bị xem là tạo ra ảnh hưởng xấu lên bóng đá, một thứ âm mưu quỷ quái để giữ người hâm mộ ngồi trên ghế sofa ở nhà thay vì đứng ở các hành lang khán đài dưới bầu trời xám xịt lất phất mưa phùn dai dẳng để xem đội bóng địa phương họ hoà 0-0 với một đội khác”.
Tháng 5/1985, sân vận động Valley Parade của CLB Bradford City bốc cháy dẫn đến 56 người thiệt mạng, trong đó có cựu chủ tịch Sam Firth. 1 tháng sau, thảm hoạ Heysel ở Bỉ xảy ra trong trận chung kết cúp C1 giữa Juventus và Liverpool khiến 39 người thiệt mạng và hơn 600 người bị thương. Bóng đá Anh dường như chạm đáy, thậm chí tờ Sunday Times thời điểm đó gọi bóng đá là “trò chơi dơ bẩn của những con người dơ bẩn trong những sân vận động dơ bẩn”.
Trong cơn tăm tối, có những con người sẵn sàng tìm ra lối đi mới. Năm 1983, ông David Dein chi 292.000 bảng để sở hữu 16,6% cổ phần CLB Arsenal. Ông Dein sau đó trở thành phó chủ tịch CLB. Cùng thời điểm ấy, ông gặp được những người cùng chí hướng là Irving Scholar – chủ tịch Tottenham – và Martin Edwards – chủ tịch Manchester United. Cả ba đều có tình yêu bóng đá và đều muốn đưa bóng đá lên tầm cao mới ở Anh. Cùng với ông Phil Carter – chủ tịch Everton – và Noel White – thành viên ban lãnh đạo Liverpool – họ trở thành nhóm “Big 5” của bóng đá Anh thời điểm đó với hy vọng hiện đại hoá nền bóng đá.
Với những gì đã được trải nghiệm từ NFL – Giải vô địch Bóng bầu dục Mỹ - họ muốn tạo ra một giải đấu hiện đại, hấp dẫn, có các sân vận động an toàn và các CLB kiếm được nhiều tiền từ bản quyền truyền hình. David Dein chia sẻ về trải nghiệm của mình ở NFL: “Tôi thực sự được mở mang tầm mắt và hiểu một môn thể thao được vận hành như thế nào. Cái cách họ quảng bá nó – còn hơn cả 90 phút của bóng đá – thực sự biến nó thành một sự kiện”.
David Dein (bên phải) - cựu phó chủ tịch Arsenal - là người đóng góp lớn trong sự ra đời của Premier League. Ảnh: Getty Images
David Dein nhận ra những thay đổi phải bắt đầu từ những điều tưởng chừng nhỏ nhặt nhất, ví dụ như nhà vệ sinh. Thời điểm đó, phòng vệ sinh trong các sân vận động rất tệ, trong khi thời gian nghỉ giữa hai hiệp chỉ kéo dài 10 phút. Để đi vệ sinh, các khán giả phải xếp hàng rất dài mới đến lượt mình, và thậm chí rất nhiều người hâm mộ đã lựa chọn cách đi tiểu ngay vào tường hoặc bồn rửa mặt.
Dein nói: “Chúng ta đang làm trong ngành giải trí và khán giả phải có trải nghiệm thú vị. Chắc chắn bạn không muốn phải xếp hàng 10 phút mà vẫn không đến được phòng vệ sinh”. Arsenal của Dein là một trong những đội bóng Anh đi tiên phong trong việc bổ sung các dịch vụ trong sân vận động để giúp khán giả có trải nghiệm tốt nhất.
Nhưng đó chỉ là một trong rất nhiều vấn đề của bóng đá Anh thời điểm ấy. Một vấn đề mà nhóm “Big 5” nhận ra cần giải quyết chính là bản quyền truyền hình. Cho đến thập niên 60, bóng đá Anh mới được phát trực tiếp trên truyền hình. Tuy nhiên, trận đấu sẽ không được phát hết 90 phút. Các đội bóng rất ghét việc phát sóng bóng đá trên truyền hình, bởi họ sợ điều đó sẽ khiến khán giả lười đến sân. Nói cách khác, thời điểm đó các đội bóng không nhận ra bóng đá sẽ trở thành một sản phẩm béo bở, đặc biệt là từ truyền hình. Khi đó, 92 đội bóng ở Anh chia đều số tiền bản quyền truyền hình, kể cả đội bóng ở hạng cao nhất cũng ngang bằng đội bóng hạng cuối.
Nhưng đến thập niên 80, các CLB và nhà đài bắt đầu nhận ra trực tiếp bóng đá là một miếng bánh ngon. Và các đội bóng lớn nhận ra rằng họ không thể chỉ thu được số tiền bản quyền ngang bằng với những CLB nhỏ hơn nữa. Mùa giải 1985, khi các bên không thể đạt được thoả thuận dẫn đến việc bóng đá không được phát sóng trên truyền hình mùa đó, nhóm “Big 5” manh nha ý định tách khỏi Football League.
Năm 1988, nhóm “Big 5” đạt được thoả thuận phát sóng với ITV, cụ thể các đội Arsenal, Liverpool, Manchester United, Everton và Tottenham sẽ nhận tối thiểu 1 triệu bảng tiền bản quyền cho các trận đấu trên sân nhà của họ. Tuy nhiên, 87 CLB còn lại ở Football League bị gạt ra ngoài cuộc chơi. Rõ ràng điều đó làm gia tăng khoảng cách giữa “Big 5” và các CLB còn lại, từ đó buộc Football League (ban tổ chức giải bóng đá Anh thời đó) phải xuống nước.
Năm 1989, thảm hoạ Hillsborough xảy ra trong trận đấu giữa Liverpool và Nottingham Forest khiến tình trạng sân vận động xuống cấp được dấy lên. Đó thực sự là thảm hoạ quốc gia, và chính phủ Anh vào cuộc, yêu cầu toàn bộ các sân vận động phải tu sửa, bắt buộc tất cả phải lắp ghế ngồi cho cả sân thay vì sử dụng khu vực đứng như trước. Điều đó đặt ra bài toán kinh tế với các CLB, và bản quyền truyền hình chính là một nguồn tiền lý tưởng cho họ.
Manchester United là một trong các đội bóng thành lập Premier League. Ảnh: Manchester United
Năm 1991, nhóm 5 vị lãnh đạo các CLB Liverpool, Arsenal, Manchester United, Everton và Tottenham thống nhất quyết định tách khỏi Football League để thành lập giải đấu riêng do 20 CLB trực tiếp điều hành với thể thức lên, xuống hạng. Quyết định này tất nhiên bị Football League phản đối nhưng lại được Liên đoàn Bóng đá Anh (FA) ủng hộ.
Ngày 20/2/1992, Premier League chính thức được thành lập, Sky trở thành đơn vị phát sóng giải đấu khi đồng ý trả 304 triệu bảng để độc quyền phát sóng trực tiếp toàn bộ giải đấu. Tất cả thống nhất công thức chia doanh thu là 50-25-25, theo đó 50% được chia đều, 25% dựa trên số lượng trận đấu của đội bóng được phát và 25% còn lại dựa trên thứ hạng của đội bóng trên BXH chung cuộc. Một kỷ nguyên mới của bóng đá Anh ra đời.
Những nhà cách mạng trong dòng chảy kim tiền
Suốt một thời gian dài, bóng đá Anh bị gắn chặt trong hình ảnh của lối chơi bóng dài mà họ gọi là “kick and rush”, đi kèm với đó là hình ảnh của những cầu thủ thi đấu xả thân như những chiến binh. Hình ảnh cái đầu chảy đầy máu của Terry Butcher trong một trận đấu của đội tuyển Anh như là biểu tượng về tinh thần chiến đấu của cầu thủ Anh khi ấy. Sau khi Premier League ra đời, làn sóng các cầu thủ ngoại quốc đến Anh đã mang đến cho nền bóng đá xứ sở sương mù những làn gió mới, những tư duy mới. Sau các cầu thủ, những HLV và cả các ông chủ ngoại quốc cũng xuất hiện để giúp bóng đá Anh dần trở nên toàn cầu hoá.
Trong bài viết trên Financial Times, nhà báo Simon Kuper cho rằng có 3 nhân vật ngoại quốc nổi bật nhất trong việc thay đổi hình ảnh của Premier League là Eric Cantona, Arsene Wenger và Roman Abramovich.
Không thành công ở quê nhà, năm 1992, Cantona vượt eo biển Manche để gia nhập Leeds United. Sau khi cùng Leeds vô địch giải Hạng Nhất 1991/1992 (mùa giải cuối cùng trước khi Premier League ra đời), cùng năm đó, ông gia nhập Manchester United. Trước khi “King Eric” đến, Man United có 26 năm không vô địch quốc gia. Nhưng ngay mùa giải đầu tiên, ông đã giúp “Quỷ đỏ” lên ngôi vương nước Anh. Nhưng không chỉ vậy, ông giúp Man United định hình một cách chơi tấn công uyển chuyển và khéo léo.
4 năm sau ngày Cantona đặt chân đến Anh, có một người Pháp nữa cũng xuất hiện ở sứ sở sương mù và làm thay đổi nền bóng đá này. Arsene Wenger không chỉ là một HLV, ông còn là một nhà quản trị, và “Giáo sư” đã làm những điều chưa từng có trong bóng đá Anh thời điểm đó. Trước khi Wenger xuất hiện ở Arsenal, các cầu thủ Anh không có ý thức chăm sóc cơ thể hay quan tâm tới vấn đề dinh dưỡng.
Arsene Wenger là người nước ngoài có đóng góp quan trọng trong lịch sử Premier League. Ảnh: Arsenal
Gary Lewin – cựu bác sĩ của Arsenal – chia sẻ trong cuốn tự truyện của Dennis Bergkamp như sau: “Trong tuần George Graham thường đưa đội bóng đi đâu đó và thường là đi uống rượu. Vấn đề diễn ra ở khắp nơi và đó là văn hóa rồi. Nếu nói chuyện với bất cứ cựu cầu thủ Liverpool nào, họ sẽ nói với bạn rằng khi họ ăn mừng các chức vô địch châu Âu, uống rượu là một phần trong số đó. Đây là một cách liên kết cả đội lại với nhau. Và trước trận đấu, chúng tôi có một chai rượu trong phòng thay đồ để các cầu thủ có thể làm một ngụm trước khi bước vào sân, qua đó tăng thêm sự can đảm! Mà chắc chắn không chỉ là uống rượu, cái này thì truyền thống quá. Một trong những thứ mà họ đặt lên xe buýt sau trận đấu là một két bia”.
Nhưng Wenger đã làm thay đổi những thói quen không tốt đó. Ông mang những nguyên tắc hiện đại về sinh lý học, dinh dưỡng đến Arsenal, và mọi thứ không chỉ gói gọn ở khía cạnh ấy. Trong cuốn “The Mixer”, cây bút Michael Cox viết: “Wenger yêu cầu các cầu thủ ăn cá và rau hấp. Là một nhà tiên phong thực thụ, ông khuyến khích việc sử dụng các chất bổ sung như creatine, ông sử dụng dữ liệu để phân tích màn trình diễn của cầu thủ và ông hiểu thị trường cầu thủ nước ngoài. Không có gì thần bí để cảm thấy tiềm năng chói sáng của Patrick Vieira của Milan và Thierry Henry ở Juventus, nhưng trước đó gần như không HLV nào ở Anh nghe thấy tên của họ. Các CLB Anh thời đó ít khi đi tuyển trạch ở nước ngoài”.
Trong khi đó, Roman Abramovich mở ra một con đường cho các ông chủ nước ngoài đến với nước Anh. Dù Chelsea ban đầu không phải là mục tiêu mà Abramovich nhắm đến, nhưng sau tất cả đội bóng này đã thay da đổi thịt dưới kỷ nguyên tỷ của tỷ phú người Nga. FIFA Club World Cup là chức vô địch mới nhất mà The Blues đạt được trong quãng thời gian ông sở hữu CLB. Sau Abramovich, làn sóng ông chủ nước ngoài đã đầu tư vào các CLB Anh đã tăng lên.
Bộ sưu tập danh hiệu của Chelsea trong kỷ nguyên Roman Abramovich
Giờ đây, Premier League vẫn đang ngự trị trên đỉnh cao của bóng đá thế giới. Những siêu sao hàng đầu, những ông chủ giàu có, những vị HLV xuất sắc nhất thế giới vẫn tìm đến đây. 30 năm sau ngày những nhà sáng lập Premier League đàm phán với Sky và ITV về bản quyền truyền hình, số tiền mà họ thu được từ đây đã tăng lên chóng mặt.
Theo Sports Business Institute dự đoán, trong vòng 3 năm tới, doanh thu từ bản quyền truyền hình của Premier League là hơn 10 tỷ bảng. Và nó càng làm gia tăng khoảng cách giữa Premier League với các giải đấu khác về khía cạnh kinh tế.
Ông Fernando Carro – CEO của Bayer Leverkusen – chia sẻ trên The Guardian vào năm ngoái rằng: “Chúng tôi cố gắng mua một cầu thủ vào mùa hè và cuối cùng một đội bóng mới thăng hạng lên Premier League có thể trả nhiều tiền chuyển nhượng và trả lương cao hơn chúng tôi – một đội bóng ở top 4 của Đức. Premier League có nhiều tiền và tài nguyên hơn bất cứ giải VĐQG nào”.
Đây không chỉ là câu chuyện của riêng Bayer Leverkusen. Và khoảng cách đó chắc chắn sẽ còn gia tăng hơn nữa.
Những người làm bóng đá vẫn luôn hướng giải đấu phát triển và giới thiệu với NHM quốc tế, nhưng những hình ảnh đọng lại của V.League lại đến từ những vấn đề tiêu cực.
Vòng đấu thứ 12 Serie A mùa giải năm nay khép lại với trận hoà 1-1 giữa hai kẻ đang dẫn đầu bảng xếp hạng là Inter Milan và Napoli. Trận hoà này cùng với những trận thắng trước đó của những Juventus, Atalanta, Fiorentina và Lazio đã khiến cho bảng xếp hạng ở những vị trí dẫn đầu trở nên vô cùng chật chội.
Trong bài viết của David Ornstein trên The Athletic, chúng ta sẽ được tìm hiểu những câu chuyện đằng sau việc giám đốc thể thao Edu Gaspar nói lời chia tay với Arsenal.
Từ một thế lực lớn của bóng đá thế giới, Manchester United đang sa sút trầm trọng thời kỳ hậu Sir Alex Ferguson. Và cuộc chia tay của đội chủ sân Old Trafford với Erik ten Hag càng đào sâu vào cuộc khủng hoảng của đội bóng lừng danh một thời.