Đội bóng phố Núi đang sở hữu lứa đầu tiên của học viện HAGL JMG, 1 tập thể tiềm năng, trẻ trung và hứa hẹn sẽ đóng góp nhiều thứ cho BĐVN. Tuy nhiên những bước đi đầu tiên của lứa Công Phượng đang thật sự gặp nhiều trắc trở vì công tác y tế yếu kém.
Đầu năm nay, bầu Đức đã quyết định thanh lọc toàn bộ lực lượng của HAGL mùa giải trước và đưa cầu thủ khóa 1 HAGL JMG lên thi đấu tại V-League 2015. Một quyết định có phần mạo hiểm nhưng nhận được sự đồng tình của NHM bởi cách hy sinh cho tương lai. Trong những vòng đấu đầu tiên việc đội bóng phố Núi vấp ngã là chuyện hoàn toàn dễ hiểu. Thế nhưng thật lạ, càng ngày người ta càng thấy tình hình chấn thương của sân Pleiku nhiều lên mà không có dấu hiệu giảm đi. Đừng đổ lỗi cho lối chơi có phần thô rát của V-League bởi các đối thủ đều thi đấu rất fair-play khi chạm trán thầy trò HLV Graechen ở mùa giải này. Việc danh sách thương binh của HAGL ngày một dài thêm có trách nhiệm không nhỏ của bộ phận y tế của CLB, cụ thể là các trợ lý thể lực của ông “Giôm”.
Ngay từ đầu, bầu Đức đã phát hiện ra điểm yếu về thể lực của cầu thủ HAGL JMG nên đã mời chuyên gia Anthony từ Pháp sang là cố vấn cho ông Graechen. Đồng thời đội bóng phố Núi cũng nhập về những trang thiết bị vô cùng hiện đại để tập luyện. Thế nhưng theo thời gian, NHM chưa thật sự cảm thấy sự chuyển biến về thể lực của các cầu thủ. Tệ hơn khi thay vào đó là nạn chấn thương ngày một nhiều thêm ở sân Pleku. Trong suốt thời gian qua, người ta chỉ thấy Xuân Trường, Tuấn Anh, Đông Triều, Hồng Duy, Thanh Tùng làm bạn với giường bệnh chứ chẳng mấy khi thi đấu. Không tự nhiên mà tốc độ hồi phục của các cầu thủ HAGL lại kém hơn bình thường. Ở đây cần phải nói rõ trách nhiệm của bộ phận y tế của đội bóng phố Núi.
Đông Triều đã dính chấn thương trong suốt 1 năm qua |
Một trường hợp điển hình cho công tác yếu kém của HAGL là chấn thương của Đông Triều. Trung vệ người Quảng Ngãi chỉ bị tổn thương cơ đùi nhưng gần như mất hút trong suốt 1 năm vừa qua. Một khoảng thời gian khiến người ta có quyền lên án các bác sĩ của đội chủ sân Pleiku. Trong bóng đá, ngay cả chấn thương nặng nhất là đứt dây chằng hay gẫy ống quyển cũng chỉ mất khoảng 9 tháng đến 1 năm hồi phục. Nếu thời gian hồi phục lâu hơn thì có nghĩa cầu thủ đã tiệm cận quãng thời gian giải nghệ. Còn nếu chỉ bị tổn thương cơ đùi như Đông Triều mà mất cả năm trời, thậm chí là chưa hẹn ngày trở lại thì rõ ràng công tác sức khỏe của HAGL thật sự đáng báo động.
Hôm nay, ông Graechen phải nhận thông tin sốc hơn khi tiền vệ Nguyễn Phong Hồng Duy phải nghỉ hết mùa giải vì vấn đề sức khỏe. Chấn thương của cầu thủ người Bình Phước còn lãng nhách và đáng trách hơn trường hợp của Đông Triều rất nhiều. Cụ thể, hồi đầu năm Hồng Duy bị rạn xương cổ chân, một chấn thương chỉ cần nghỉ ngơi là sẽ khỏi hẳn. Thế nhưng trải qua gần 4 tháng chữa trị, bây giờ vết rạn của Hồng Duy giờ đã… vỡ hẳn. Chắc chắn giáo án tập luyện và công tác y tế của HAGL đang có vấn đề nhất định. Cũng không thể không kể đến những chấn thương của Xuân Trường, Tuấn Anh và Thanh Tùng trong suốt thời gian qua. Dù những tiền vệ tài năng trưởng thành từ HAGL JMG chỉ bị những chấn thương không quá nặng nhưng mức độ phục hồi lại rất chậm chạp.
Trong bóng đá hiện đại ngày nay, công tác y tế được coi là có ý nghĩa sống còn với bất kỳ đội bóng nào. Nếu công tác hậu cần tốt, đội bóng sẽ không lo rơi vào cảnh thiếu hụt lực lượng trong suốt 1 mùa giải kéo dài. HAGL có một thế hệ cầu thủ tài năng và đáng hứa hẹn của đất nước, thậm chí còn là niềm hy vọng để thay đổi bộ mặt bóng đá Việt Nam. Thế nhưng công tác y tế của đội bóng phố Núi đang cực kỳ đáng báo động dù V-League 2015 mới trải qua được nửa chặng đường. Nếu không sớm chỉnh đốn, thậm chí là phải thay thế nếu cần với bộ phận y tế thì HAGL sẽ còn phải nhận nhiều hậu quả khôn lường từ chấn thương của các cầu thủ.
Doãn Công