Bóng đá Việt Nam bị bỏ xa ở lĩnh vực 'xuất khẩu' cầu thủ
Thị trường chuyển nhượng châu Âu đã khép lại nhưng tại châu Á, đây mới là thời điểm các CLB đang tích cực bổ sung lực lượng chuẩn bị cho mùa giải mới. Với các đội bóng tại Nhật Bản, lúc này ngoài việc bổ sung các ngoại binh Tây Âu hay Nam Mỹ, họ cũng đang chú trọng tới việc chiêu mộ các cầu thủ đến từ khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan nhằm tăng cường chiều sâu đội hình trước mùa giải mới.
Sau những sự thành công mang tên Chanathip Songkrasin và Theerathon Bunmathan, người Nhật dường như đã hiểu ra rằng các cầu thủ Thái Lan không hề yếu kém. Có thể người Thái chưa bằng được Nhật Bản ở thể hình, thể lực, tốc độ nhưng họ không kém về kỹ thuật và đặc biệt là tư duy chơi bóng. Đó là lý do mà những Chanathip, Theerathon luôn được ra sân thi đấu trên dưới 30 trận/mùa giải trong màu áo Consadole Sapporo và Yokohama Marinos tại J-League.
Bóng đá Việt Nam cần 'học hỏi' Thái Lan ở lĩnh vực xuất ngoại cầu thủ |
Thành công của những người đi trước giúp những cầu thủ Thái Lan khác có thêm nhiều cơ hội được chơi bóng ở đất nước Mặt trời mọc. Sau Chanathip, Theerathon, đến lượt Teerasil Dangda, Kawin “cập bến” J-League khoác áo các đội bóng J-League 1 là Shimizu S-Pulse và Consadole Sapporo.
Tuy vậy, con số này chưa dừng lại do tiền vệ Sarach Yooyen (Muangthong United) đang trong quá trình đàm phán để tới khoác áo một trong 3 CLB Kashiwa Reysol, Gamba Osaka, Sagan Tosu ở mùa giải mới. Thậm chí nếu không bất ngờ dính chấn thương, tiền vệ tài năng Ekanit Panya đã có thể chuyển đến J-League chơi bóng ở mùa giải tới.
Nếu tính cả những cầu thủ trẻ Thái Lan đang chơi bóng ở các giải hạng dưới của đất nước Mặt trời mọc thì đang có tới 10 cầu thủ người Thái đã và sắp chơi bóng ở quốc gia này. Điều đó đã cho thấy chất lượng, trình độ của cầu thủ Thái Lan cao tới mức nào dù ở cấp ĐTQG, màn trình diễn của họ có thể chưa được như mong muốn.
Chứng kiến sự 'xâm chiếm' của người Thái tới Nhật Bản, tờ thể thao châu Á Live Sport Asia cũng phải thốt lên rằng bóng đá Thái Lan đang sở hữu nguồn cầu thủ chất lượng nhất khu vực Đông Nam Á bất chấp việc thành tích thi đấu của các đội tuyển quốc gia đang có dấu hiệu tụt dốc. Nó hoàn toàn trái ngược với Việt Nam khi chúng ta có thể thành công ở khía cạnh tập thể nhưng lại tụt hậu so với người Thái ở khía cạnh từng cầu thủ riêng biệt.
Chúng ta học được gì từ người Thái?
Năm 2019 là một năm mà bóng đá Việt rầm rộ xuất ngoại cầu thủ với 3 bản hợp đồng Công Phượng tới Incheon United, Xuân Trường tới Buriram còn Văn Lâm khoác áo Muangthong. Tuy nhiên ngoài Văn Lâm khẳng định được tài năng tại đội bóng mới thì hai trường hợp còn lại nhìn chung đều là các thương vụ thất bại.
Xuân Trường về nước sau nửa mùa giải. Công Phượng thậm chí còn bỏ ngang hợp đồng với đội bóng Hàn Quốc để chuyển sang khoác áo Sint-Truidense của Bỉ. Song một lần nữa anh cũng không thể cạnh tranh được suất ra sân thi đấu như kỳ vọng của NHM.
Bóng đá Việt liên tục gặp thất bại trong việc xuất ngoại cầu thủ. |
Có nhiều yếu tố khiến các cầu thủ Việt không thành công ở nước ngoài, ngoài yếu tố chuyên môn hay thể lực, tốc độ còn phải nói tới khả năng sử dụng ngoại ngữ. Bên cạnh đó việc không có sự đầu tư nghiên cứu, đánh giá kỹ về bến đỗ mới cũng là một lý do khiến cầu thủ Việt không thể tỏa sáng nơi 'đất khách'.
Trong thời gian qua, đã có không ít lời đề nghị dành cho các gương mặt sáng láng trên tuyển Việt Nam như Quang Hải, Văn Toàn, Đức Huy,... nhưng đã không có thêm thương vụ xuất ngoại nào 'nổ' ra.
Có lẽ bóng đá Việt đã học hỏi được nhiều điều từ người Thái để trở nên khôn ngoan hơn trước những lời đề nghị của các đối tác. Trước hết, để thành công ở nước ngoài, các cầu thủ cần hội tụ mọi yếu tố để tạo thành một cầu thủ giỏi từ thể lực, tốc độ, khả năng tranh chấp và trên hết là kỹ năng với trái bóng. Nhưng quan trọng nhất vẫn là việc cầu thủ đó có khả năng thích nghi với môi trường thi đấu mới.
Các cầu thủ Thái Lan dễ thích nghi với Nhật Bản bởi họ mạnh ở kỹ thuật và có khả năng chơi bóng ngắn, và có thể tạo ra những pha phối hợp kỹ thuật đậm chất J-League. Người Thái hiếm khi tới Hàn Quốc thi đấu bởi họ hiểu được mình khó có thể đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe về thể lực cho tới khả năng tranh chấp của các đội bóng Hàn Quốc.
Phần lớn cầu thủ Thái Lan ra nước ngoài chơi bóng đều đã vào độ chín của sự nghiệp. |
Thêm vào đó, đa phần các cầu thủ Thái Lan xuất ngoại sau khi đã tích lũy kinh nghiệm và đạt độ chín về chuyên môn tại Thai-League. Chanathip chỉ sang J-League năm 25 tuổi còn Theerathon chuyển đến xứ mặt trời mọc khi đã 28 tuổi. Rõ ràng nếu đi sớm hơn, họ sẽ khó có thể có được những kinh nghiệm thi đấu cần thiết để tỏa sáng ở bến đỗ mới.
Việc xuất ngoại không thể đòi hỏi sẽ thành công ngay trong lần đầu tiên mà các cầu thủ và đội bóng chủ quản cần sự kiên nhẫn và không ngại đối mặt với thất bại. Theerathon từng thi đấu cho Vissel Kobe rồi mới chuyển sang Yokohama Marinos. Tương tự, tiền đạo Teerasil Dangda cũng từng là người của Sanfrecce Hiroshima, trước khi ký hợp đồng 2 năm với Shimizu S-Pulse.
Nhìn lại bóng đá Việt Nam, các trường hợp xuất ngoại của Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh đều còn quá trẻ và thường không chọn đúng đội bóng cần đến. Và hệ quả như đã thấy là họ đã sớm bộc lộ những hạn chế và đánh mất mình trong màu áo mới.
Nói tóm lại, bóng đá Việt Nam cần học hỏi nhiều điều từ người Thái trong lĩnh vực xuất khẩu cầu thủ. Nếu không nghiêm túc nhìn nhận vấn đề này, e rằng sớm muộn chúng ta cũng sẽ bị người Thái đòi lại ngôi vương Đông Nam Á.
Minh Long