Nếu bầu ra nhân vật được coi đáng chú ý nhất của bóng đá Việt Nam tuần này, có lẽ đấy là ông Phạm Văn Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao, vừa được bầu làm phó chủ tịch, ủy viên Ban chấp hành Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF).
Ông Tuấn sẽ thay ông Hỷ?
Như vậy, ông Tuấn sẽ tham gia vào cấp quản lý nền bóng đá cùng Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ và hai phó chủ tịch trước đó là ông Lê Hùng Dũng và Nguyễn Lân Trung. Nhiệm kỳ sáu sang năm kết thúc, công tác chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ bảy đến thời điểm này, cũng có thể gọi là hợp lý.
Dõi theo diễn biến tình cảm của Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ, và xu thế của bóng đá nước nhà hiện nay, xem ra đến thời điểm này, ông Hỷ đang ủng hộ ông Phạm Văn Tuấn nhất. Khi đã ủng hộ, dĩ nhiên chủ tịch VFF sẽ giới thiệu người cho nhiệm kỳ mới vào ghế chủ tịch VFF. Nói thế bởi cách đây hơn 10 tháng, khi bầu Kiên và một số doanh nghiệp đang thắng thế, đã không dưới một lần ông Hỷ lên tiếng ủng hộ bầu Kiên vào ghế chủ tịch VFF. “Tôi trân trọng anh Kiên bởi niềm đam mê, tâm huyến với bóng đá và là một trong những doanh nhân tiên phong đầu tư làm bóng đá chuyên nghiệp. Anh ấy hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển bóng đá. Khi không còn làm chủ tịch VFF nữa, tôi muốn giới thiệu anh Kiên cho chức vụ này bởi bóng đá luôn cần những người yêu bóng đá thực sự và tâm huyết với nó. Riêng cá nhân tôi, ngay từ khóa ba (10 năm trước), khi còn là cán bộ quản lý của Ủy ban Thể dục thể thao, tôi cũng từng nhắm tới anh Kiên và kể cả những lần sau này. Nếu anh Kiên tham gia gánh vác nhiệm vụ với VFF, đó là việc tốt cho sự nghiệp phát triển bóng đá”. Ông Hỷ phát biểu như vậy trên báo.Ông Phạm Văn Tuấn (phải) và Tổng thư ký VFF Ngô Lê Bằng, hai nhân vật có kinh nghiệm thực tế với bóng đá trong ban lãnh đạo VFF
Đấy là lúc vai trò của các doanh nghiệp phủ bóng xuống các hoạt động của nền bóng đá. Có những thời điểm, làm mờ cả vai trò của VFF. Điển hình, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) ra đời đã khiến cho tầm ảnh hưởng của VFF bị che khuất. Giới chuyên môn thời điểm đó cũng ủng hộ quan điểm VFF cần phải mở rộng cửa hơn cho các doanh nghiệp bước vào ngôi nhà của mình, thậm chí cả cái ghế chủ tịch. Tuy nhiên, ông Kiên cũng nói thẳng không có thời gian. Những ông bầu có máu mặt cũng không mặn mà, trừ đương kim Phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính, Lê Hùng Dũng.
Sau khi ông Mai Liêm Trực chia tay ghế chủ tịch VFF, cái ghế này đã không còn hấp lực với các chính khách. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh, từng được giới thiệu, nhưng đã nhẹ nhàng từ chối. Quả thật, làm bóng đá kiểu chụp giật như ta, thành tích các đội tuyển quốc gia không ngóc đầu nổi, trong khi các giải đỉnh cao đang nếm trải quá nhiều di chứng, các chính trị gia ngại ngồi ghế chủ tịch VFF là phải.
Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ khi trúng cử nhiệm kỳ năm, lúc đó đang mang hàm phó chủ nhiệm Ủy ban Thể dục thể thao. Năm 2007, ông Hỷ được bổ nhiệm làm thứ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch cho đến lúc về hưu. Nguyên tổng thư ký VFF Trần Quốc Tuấn cũng là người của Tổng cục Thể dục thể thao biệt phái sang VFF. Lần này, đến lượt ông Phạm Văn Tuấn, cũng là điều dễ hiểu.
Người của bóng đá và người làm bóng đá
Lịch sử bóng đá thế giới có không ít người vốn chẳng xuất thân từ bóng đá, nhưng vẫn có thể quản lý, điều hành bóng đá giỏi. Tuy thế, số này ít. Nguyên nhân, họ không có thực tiễn, không am hiểu thế giới bóng đá vốn tưởng chừng đơn giản, nhưng vi diệu, nhất là làm “quan” bóng đá.
Nhiều người, sau thất bại có tính hệ thống của bóng đá Việt Nam, sau khi phát triển bóng đá chuyên nghiệp đến 12 năm vẫn đang bung bét, đã đặt câu hỏi: phải chăng do bộ máy quản lý và điều hành bóng đá quá nhiều người ngoại đạo? Khủng hoảng lãnh đạo ngành thể thao nói chung, bóng đá nói riêng đang là câu chuyện có thực. Ông Lê Thế Thọ, cầu thủ hay nhất của bóng đá Việt Nam trong 50 năm, từng nói: ở VFF đang thiếu những người vừa hồng, vừa chuyên.
Sau khi ông Lê Thế Thọ bị ép từ chức ở nhiệm kỳ năm (2005), bộ máy chủ chốt VFF trống người xuất thân từ bóng đá. Do đó, ai bước vào ngôi nhà VFF biết được quả bóng “mấy múi” được chào đón nhiệt thành. Có thể thấy điều đó rõ nhất, khi ông Ngô Lê Bằng được bổ nhiệm chức tổng thư ký VFF thay cho Trần Quốc Tuấn. Ông Bằng trưởng thành từ bóng đá, quá trình lăn lộn với bóng đá Việt Nam qua nhiều giai đoạn khác nhau, nên có thể gọi là người có thực tế. Lần này, đến lượt ông Phạm Văn Tuấn, cũng được coi là người của bóng đá. Ông Tuấn vốn là cựu hậu vệ biên phải khá cừ của đội Gia Lai-Kon Tum cũ. Sau đó, ông Tuấn được bổ nhiệm làm giám đốc Sở Thể dục thể thao Gia Lai. Thế nhưng, sự nghiệp của ông Tuấn được thiên hạ biết đến, đấy là lúc Hoàng Anh Gia Lai đình đám từ năm 2002.
Được bổ nhiệm phó tổng cục trưởng tổng cục thể dục thể thao, ông Tuấn phụ trách mảng bóng đá, tham mưu cho lãnh đạo. Lâu nay, người ta thấy hình ảnh ông đi khắp các sân, các giải để trao hoa, tặng cờ. Những cuộc họp, hội nghị quan trọng liên quan đến bóng đá, ông Tuấn đóng vai trò “quan sát viên” là chủ yếu. Nếu nhìn ở góc độ ở Sở Thể dục thể thao Gia Lai trước đây, có thể nói ông Tuấn “đá” hai vai, người của bóng đá và người làm bóng đá, khá tốt.
Bước lên võ đài
Rõ ràng, ông Tuấn là trường hợp đặc biệt, hay “của hiếm”, của ngôi nhà VFF trong hai nhiệm kỳ năm và sáu, vốn dành cho người ngoại đạo làm nhân sự cao cấp. Mấy chục năm lăn lộn từ đá bóng, làm quản lý liên quan đến thể thao vua nhiều, chắc chắn đã trang bị cho ông Tuấn những vũ khí đắc dụng để quản lý, điều hành bóng đá. Tuy thế, quản lý, điều hành nền bóng đá ta là một sứ mệnh quá khó khăn. Kể từ năm 1991 (bóng đá Việt Nam tái hòa nhập thế giới) đến giờ, rất hiếm lãnh đạo VFF để lại được dấu ấn đậm nét. Hẳn nhiên, ông Tuấn phải biết rõ sứ mệnh nặng nề lèo lái nền bóng đá, qua quá trình dài, nhất là thời gian ngồi ghế phó tổng cục trưởng tổng cục thể dục thể thao. Thuận lợi của ông Tuấn hiện nay, ngoại thực tiễn, có cả quyền hành. Ngoài phó chủ tịch VFF, ông còn là quan chức cao cấp của tổng cục. Như thế, dưới con mắt của người có thực tiễn bóng đá, ông Tuấn sẽ dễ bề kiểm soát VFF, tránh bị cấp dưới “xỏ kim” với đủ chiêu bài. Lâu nay, chúng ta thấy rất rõ dấu ấn quản lý, chỉ đạo của tổng cục để VFF và nền bóng đá đi đúng định hướng, là còn mờ nhạt.
Tóm lại, đã quá lâu rồi, người hâm mộ lẫn dân bóng banh khao khát có được một vị lãnh đạo VFF vừa chuyên môn bóng đá giỏi vừa có tài quản lý. Trên cả, là có tâm đức, trách nhiệm, bản lĩnh, dám đương đầu với mọi rào cản để thực hiện cuộc cách mạng đến nơi đến chốn cho bóng đá Việt Nam. Trong đó, cách mạng để nâng trình độ VFF cao và hơn mặt bằng xã hội là nan giải nhất.
Ông Tuấn có tạo được sự khác biệt so với các tiền nhiệm hay không, thời gian sẽ nhanh chóng đưa ra đáp án, nhanh thôi!
(Theo Thể Thao Văn Hoá)