(Bongda24h.vn) – Một trong những vấn đề mà đại diện các đội bóng tại V-League cần đưa ra thảo luận ở hội nghị Diên Hồng vào tháng 12 tới sẽ là việc làm thế nào để đẩy mạnh công tác truyền thông.
Hoàng Anh Gia Lai là đội bóng có nhiều fan nhất V-League |
Tạm gác qua mọi vấn đề về chuyên môn, có lẽ các đội bóng cũng cần quan tâm nhiều hơn tới các CĐV đúng như ý nghĩa là một phần của đội bóng. Các CLB của Việt Nam sở hữu lượng khán giả đến sân mỗi trận đấu là không hề nhỏ nếu so với mặt bằng chung của khu vực. Thậm chí khán giả Việt Nam còn đến sân xem bóng đá nhiều hơn cả một giải đấu được đánh giá là đang vươn mình đến tầm cỡ thế giới như của Thái Lan. Lượng khán giả đến sân trung bình mỗi trận đấu của Thai Premier League mùa này là 6.411 người, thua xa so với con số 7.400 người của V-League 2015. Điều đó cho thấy rằng bóng đá Việt Nam có số lượng người hâm mộ bóng đá nhiều hơn so với Thái Lan, dù chất lượng có lẽ là không bằng. Thế nhưng lượng cổ động viên trên các mạng xã hội, mà điển hình ở đây là Facebook, của V-League là không quá ấn tượng.
Trước hết cần phải khẳng định rằng lượng “Like” trên Facebook đóng vai trò rất quan trọng đối với các đội bóng và thậm chí giá trị của CLB được tính dựa nhiều vào yếu tố này. Tạp chí Brand Finance, một cơ quan thường thực hiện những cuộc khảo sát, đánh giá và nhận định giá trị thương hiệu của các đội bóng hàng đầu châu Âu, coi lượng fan trên các mạng xã hội của các đội bóng như là 1 trong 3 yếu tố quan trọng để xác định giá trị thương hiệu của họ, bên cạnh những yếu tố về chuyên môn và tài chính. Đây có lẽ là một thực tế mà không phải nhiều đội bóng biết được và vì thế công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng hay mạng xã hội chưa được đẩy mạnh và quan tâm đúng mực.
(Bongda24h.vn) – Mùa giải V-League 2016 vẫn còn tới hơn 3 tháng nữa mới khởi tranh, nhưng thành phần các đội tham dự giải gần như đã được bật mí. Điều đáng...
Ở Việt Nam cũng như các quốc gia Đông Nam Á, mạng xã hội Twitter chưa thực sự phát triển, vì thế mà giá trị truyền thông của các CLB sẽ chịu ảnh hưởng lớn của lượt “Like” trên Facebook. Để lấy ví dụ, ta sẽ lại hướng đến Thái Lan, giải đấu có lượng khán giả đến sân thua xa so với Việt Nam. Đội bóng đang đứng đầu Thai Premier League là Buriram United đang có hơn 750.000 fan trên Facebook. Đối thủ đứng ngay sau họ là Muangthong United thậm chí còn có tới hơn 1,5 triệu Like trên Facebook. Các đội bóng các như Chonburi FC có hơn 916.000 fan, Chiang Rai United (503.000 fan), Suphanburi FC (257.000 fan), Bangkok United (203.000),…Trong khi đó, nếu nhìn vào các đội bóng tại V-League, đứng đầu chỉ là Hoàng Anh Gia Lai với hơn 115.000 lượt thích. Mặc dù đây là đội bóng đã trở thành “hiện tượng” cực lớn trong lòng người hâm mộ bóng đá Việt Nam trong những năm qua. Đứng thứ hai là Sông Lam Nghệ An với 87.000 fan còn nhà đương kim vô địch Becamex Bình Dương chỉ có 28.000 lượt “Thích”, ngang bằng với đương kim á quân Hà Nội T&T.
Nếu như so sánh với Thái Lan là khập khiễng thì PERSIB Bandung (Indonesia) sở hữu 6,7 triệu fan trên Facebook, Johor Darul Takzim (Malaysia) có 1,1 triệu fan. Các đội bóng còn lại của hai giải đấu này cũng có lượng CĐV đông đảo hơn so với các CLB tại V-League. Thậm chí đội bóng Cambodian Tiger của Campuchia còn có tới hơn 100.000 lượng fan, dù cho dân số của họ chỉ bằng 1/6 Việt Nam và trình độ thì rõ ràng là thua xa.
Hoàng Anh Gia Lai vẫn còn thua xa về lượng fan so với PERSIB Bandung |
Tất nhiên đối với bóng đá Việt Nam hiện tại, giá trị thương hiệu chưa là một vấn đề đáng nhận được sự quan tâm. Nhưng ngoài ra, lợi ích của việc có nhiều fan trên Facebook là rất lớn. Ở thời đại mà các mạng xã hội đang trở nên bùng nổ, giới trẻ ngày càng dành nhiều thời gian cho Facebook nhiều hơn thì đội bóng nào tạo dựng được chỗ đứng trên Facebook có thể sẽ thu được nhiều nguồn lợi không ngờ đến. Việc lôi kéo được nhiều khán giả đến sân hơn chỉ là một phần rất nhỏ trong số đó. Cái lợi đầu tiên là tiền quảng cáo thu được sẽ tăng lên đáng kể. Những đội bóng có tới hơn 1 triệu fan sẽ nhận được một khoản thu từ mạng xã hội cao hơn tới 10 lần so với những CLB chỉ có 100 nghìn fan, đó là điều hiển nhiên. Việc có nhiều fan trên Facebook cũng giúp các đội bóng mở rộng được uy tín, nâng cao giá trị thương hiệu, nhờ thế mà họ dễ dàng bán các sản phẩm có gắn những logo đội bóng. Hơn nữa các cầu thủ khi thấy được lượng fan lớn trên Facebook cũng sẽ hạ quyết tâm cao hơn mỗi khi ra sân bởi họ không hề muốn làm nhiều người thất vọng.
Như vậy thì làm thế nào để đẩy mạnh công tác truyền thông? Ngoài việc các CLB cần chi tiền quảng cáo cho Facebook, thì họ có thể kêu gọi các cộng tác viên là chính các CĐV trợ giúp. Họ sẽ làm việc với một niềm đam mê lớn và không coi trọng chuyện tiền lương thưởng cho công việc này. Công việc hàng ngày của các cộng tác viên sẽ là đến sân tập và chụp những bức ảnh tập luyện hàng ngày của đội, trao đổi, phỏng vấn các cầu thủ,… Họ còn có thể mở một kênh Youtube riêng, thường xuyên đẩy những video về cầu thủ, CLB và chính các CĐV. Đây là điều mà một số đội bóng như Than Quảng Ninh, Đồng Tháp, Đồng Tâm Long An và đặc biệt là Hà Nội T&T đang làm rất tốt, nhưng họ mới chỉ đang ở những bước đi đầu tiên và những bước tiến vẫn còn chưa thực sự hiệu quả.
Hàn Phi