Hà Nội và Than Quảng Ninh đã có những trận ra quân không thật tốt tại AFC Cup 2017 và cùng có kịch bản giống nhau. Do đó, giờ là lúc các đội bóng cần thay đổi tư duy làm bóng đá thay vì cách làm có phần “ăn xổi” hiện nay.
Điểm chung trong những trận ra quân của Hà Nội và Than Quảng Ninh tại AFC Cup 2017 là mạnh hơn các đối thủ Ceres, Felda và Yadanarbon rất nhiều. Họ dồn ép đối thủ trong phần lớn thời gian của trận đấu nhưng đều phải vất vả mới giành nổi 1 điểm. Đáng nói hơn là trận đấu nào, các đại diện của Việt Nam cũng rơi vào thế rượt đuổi. Điều này khiến NHM thất vọng bởi các đội bóng V-League năm nay rất “máu” tham gia sân chơi châu lục. Hai đội cũng dồn toàn bộ lực lượng mạnh nhất cho sân chơi này.
Gã khổng lồ xứ Catalan đã có màn ngược dòng vĩ đại nhất lịch sử Champions League cũng như bóng đá trong trận Barca 6-1 PSG vào đêm qua. Nhưng nếu trận đấu đó...
Điểm chung trong cách đá của Hà Nội và Than Quảng Ninh là quá phụ thuộc vào các ngoại binh, nhất là hàng tiền đạo. Trong 2 trận đấu với Ceres và Felda, các cầu thủ Hà Nội chỉ biết dồn mọi điểm đến cho Gonzalo. Bàn thắng duy nhất của họ cũng đến từ pha làm tường của chân sút này. Tương tự như vậy là Patiyo của Than Quảng Ninh. Các cầu thủ áo xanh không có bài gì ngoài dồn bóng cho vua phá lưới V-League 2016. Trước lối đá đơn điệu như vậy thi việc họ gặp khó trước các đội bóng nước ngoài vốn có thể chất tốt là điều dễ hiểu. Mà nên nhớ Hà Nội và Than Quảng Ninh còn được đánh giá là những đội chơi đỡ nhàm chán nhất V-League vào thời điểm này nhờ lực lượng nội chất lượng.
Hà Nội FC thi đấu rất thất vọng ở AFC Cup 2017 |
Xa hơn một chút là xu hướng dồn bóng cho Tây đang quá phổ biến tại V-League 2017 hiện nay. Ngoài HAGL, tất cả các đội đều thi đấu như một cái máy. Họ dồn những suất ngoại binh trên hàng tiền đạo. Nhiệm vụ của tuyến dưới chỉ là tìm mọi cách đưa bóng lên trên. Cách đá ỷ lại này là nhằm mục đích “mua mâm phải đâm cho thủng” khi các đội dồn nhiều ngân sách để mua Tây. Điểm chung là đội nào có tiền đạo ngoại tốt sẽ thăng hoa, đội nào ngoại binh kém là thành tích sẽ sa sút. Đến đây nhiều người đã dần hiểu ra vấn đề đó là V-League đang trở thành sân chơi cho các ngoại binh chứ không phải cầu thủ nội. Nhìn số bàn thắng vượt trội của các cầu thủ nước ngoài tại giải VĐQG quả thật đáng lo. Đó là nguy cơ lớn kìm hãm sự phát triển của cầu thủ nội, mà nói cách khác là kìm hãm nền bóng đá.
CLB Hà Nội hoà 0-0 trên sân của người anh em Sài Gòn FC trong trận đá sớm vòng 8 giải V-League 2017 chiều 2/3. 8 giải VĐQG Việt Nam V-League 2017 lúc 18h00...
Ỷ lại ngoại binh dẫn tới lối chơi cũng đơn điệu theo. Đội nào cũng chỉ áp dụng những đấu pháp gần như tương đồng với nhau. Bây giờ, chẳng cần các HLV mà chỉ những người mới xem cũng biết chiến thuật chủ đạo ở V-League là phất bóng cho Tây. Hệ quả là bây giờ, CLB nào cũng thi đấu đơn điệu và dễ dàng bị bắt bài. Bộ mặt của V-League thì đang thiếu sức sống hơn bao giờ hết. Vòng 8 V-League 2017 vừa qua, 7 trận đấu mà chỉ có vỏn vẹn 9 bàn thắng mà quá nửa được ghi ở phút cuối cùng hoặc bù giờ, có 5 đội không ghi được bàn. Trước đó ở vòng 7 có 1 trận hòa 0-0 và không có trận nào xuất hiện quá 3 bàn thắng.
Than Quảng Ninh rất vất vả mới giành lại được 1 điểm trước Yadanarbon |
Về bề ngoài mà nói, V-League 2017 của chúng ta đang diễn ra vô cùng tẻ nhạt, đơn điệu. Tỷ lệ với điều đó là lượng khán giả thưa thớt tại các sân bóng. Với những người làm bóng đá mà nói thì vấn nạn này còn tệ hơn công tác trọng tài mà chúng ta đang kêu ca hiện nay. Căn bệnh thành tích quá nặng, ỷ lại ngoại binh, các HLV quá thiếu sự sáng tạo rõ ràng là kìm hãm sự phát triển của nền bóng đá. Các cầu thủ nội phải thi đấu dựa dẫm lâu ngày trở nên ỷ lại, thiếu bản lĩnh. Để đến khi lên các đội tuyển lộ rõ những sai sót sơ đẳng trong những thời điểm quan trọng.
Lỗi nằm ở các CLB, HLV đặt nặng thành tích nhưng trách nhiệm của VFF và VPF mới là đáng nói. Những lãnh đạo phải là người đi tiên phong để định hướng nền bóng đá. Nếu các đội bóng lạm dụng ngoại binh quá mức thì cấm hoặc chỉ cho mỗi đội ra sân với 1 cầu thủ ngoại thôi. Ở mức độ cao hơn, khi chúng ta đã có GĐKT và hội đồng chuyên môn thì phải đề cao công tác định hướng lối chơi cho các địa phương hơn. Cần có sự hợp tác của hai phía để cùng nhau xây dựng lối chơi để phát huy tốt đa sức mạnh của cầu thủ nội chứ không phải “ăn sẵn” với Tây mãi được. Đó mới là nền tảng của nền bóng đá, giúp các đội tuyển mạnh lên, giúp các CLB thi đấu khởi sắc hơn ở các đấu trường Quốc tế. Còn nếu tiếp tục cách làm như hiện nay, đổ nhiều tiền vào các ngoại binh rồi ỷ lại thì chỉ làm nền bóng đá đi xuống mà thôi.
Doãn Công (Theo Thể Thao Việt Nam)