Thực tế có nhiều người tham gia vào TTCN cầu thủ nhưng không phải ai cũng có khả năng đánh giá đúng nên nhiều "cò" bị thua lỗ vì sai lầm
Bóng đá Việt Nam là miền đất hứa với các nhà môi giới cầu thủ mà nhiều người thường gọi là “cò”. Có nhiều “cò” kiếm bộn tiền nhờ thị trường chuyển nhượng vốn phát triển quá nóng. Nhưng cũng có những “cò” vỡ mộng, thậm chí thua lỗ vì không đánh giá đúng được vấn đề. Những câu chuyện về “cò”, về thị trường chuyển nhượng có rất nhiều điều để nói.
ĐÁNH BẠC VỚI CHÍNH MÌNH
Bài học xương máu sau những lần mua hớ khiến BLĐ các đội bóng luôn tự răn mình trong mối quan hệ với các nhà môi giới. Dù có thân thiết đến thế nào, bản hồ sơ cầu thủ đẹp đến đâu thì vẫn phải thử việc gắt gao. Chuyển sang doanh nghiệp hóa, các “ông bầu” càng chú trọng việc tiêu tiền nên không còn có chuyện ký hợp đồng bừa. Ngay cả “bầu Trường”, người nổi tiếng là “mua cho thỏa chí” nay cũng đã phải thay đổi cách nghĩ.
Các đội bóng giờ không tuyển người qua những lời giới thiệu nữa. Trình độ của cầu thủ phải được kiểm chứng trên sân. Nếu đạt yêu cầu thì hai bên mới nói chuyện giá cả, lương bổng. Trước đó, nhà môi giới phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về cầu thủ do mình quản lý. Từ việc làm thủ tục xin visa nhập cảnh, đến chi phí di chuyển, ăn ở… Tất nhiên, khoản tiền không hề nhỏ này sẽ do “cò” tạm ứng. Nếu cầu thủ được ký hợp đồng thì các đội bóng mới chi trả chi phí ban đầu, bằng không, hàng ngàn USD sẽ trôi theo sông nước.
Một thống kê nho nhỏ: Để tuyển mộ 3 ngoại binh cho mùa giải mới, HP.HN đã thử việc khoảng 20 cầu thủ ngoại. Lam Sơn Thanh Hóa cũng đón ngần ấy ngoại binh đến kiểm tra. Từ Bắc chí Nam, hàng trăm cầu thủ ngoại đã được các nhà môi giới đem đến giới thiệu. Chỉ có điều, rất ít trong số đó được ký hợp đồng. Có những nhà môi giới mang cả chục cầu thủ đến Việt Nam nhưng chẳng ký được bản hợp đồng nào.
CẠM BẪY Ở THIÊN ĐƯỜNG
Cách đây không lâu, HP.HN đón một cầu thủ được giới thiệu là “chất lượng cao” đến thử việc. Chỉ sau 15 phút thi đấu, HLV Nguyễn Thành Vinh đã rút cầu thủ này ra sân. Và ngay lập tức, người đại diện được trả lời: “Đợt kiểm tra đã kết thúc”. Chi phí 2.400 USD mà chỉ đổi được 15 phút thử việc, nhưng chẳng thể khác. Bởi, nhà môi giới này đã đánh giá quá thấp yêu cầu của bóng đá Việt Nam.
Mới rồi, một nhà môi giới người Hàn Quốc đã tá hỏa khi hay tin HLV Lê Thụy Hải chính thức nói không với cầu thủ do mình đại diện. Ông này chạy đôn chạy đáo tìm đội bóng khác, nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu với lý do: “Đến LS.TH còn từ chối thì làm sao đảm bảo được chất lượng?”. Sợ mất khoản chi phí đưa cầu thủ sang Việt Nam là một nhẽ, nhưng ông này lo hơn về cam kết với cầu thủ. Theo hợp đồng, cầu thủ đó sẽ nhận khoản tiền lót tay 70 ngàn USD và mức lương 8 ngàn USD/tháng. Bằng không, ông sẽ mất 35 ngàn USD. Cuối cùng, ông “cò” này phải chịu mất tiền và tự trách mình đã “quá non tay” trong quá trình chọn đầu vào.
Thực tế là có rất nhiều người tham gia vào thị trường chuyển nhượng cầu thủ nhưng không phải ai cũng có khả năng thẩm định chất lượng của họ. Chính các “cò” đã tự đưa mình vào cạm bẫy khi họ bị hạn chế về chuyên môn, không thể biết cầu thủ nào là hay, cầu thủ nào là dở nên phải trả giá.
(Theo báo Bóng Đá)