Không chỉ có sân nhà Pleiku, mà các sân khác tại V.League cũng đang lên cơn sốt với những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… Tình yêu với lứa U19 này cũng mang đến nhiều nỗi lo với những nhà tổ chức.
Sức hút U19
Đúng như dự đoán, ngay vòng đầu tiên của V.Laegue 2015, cầu thủ HAGL với nòng cốt là U19 VN đã tạo nên sức hút vô cùng lớn. Dù gặp đối thủ khá yếu Khánh Hòa, nhưng sân Pleiku đã trở thành tâm điểm. Trước sự quan tâm đặc biệt của người hâm mộ với đội bóng của HLV Graechen, Đài truyền hình VN (VTV) đã phải thay đổi lịch phát sóng, khi trực tiếp toàn bộ các trận của HAGL, cả sân nhà lẫn sân khách.
Cuối tuần này, HAGL sẽ làm khách trên sân Long An của đội chủ nhà ĐTLA. Ngay từ đầu tuần, BTC sân Long An đã phải lên kế hoạch “đón bão”. Sức chứa tối đa của sân Long An lên đến 20.000 người. Tuy nhiên, do cơ sở vật chất xuống cấp nên ban tổ chức yêu cầu giảm xuống gần một nửa, khoảng 11.000 ngàn, để đảm bảo an toàn cho trận đấu. Vé trận ĐTLA gặp HAGL sẽ được bán liên tục từ ngày 7/1 đến ngày 11/1.
Cảnh người mua vé xếp hàng chưa từng có xảy ra ở sân Long An những ngày qua. Vé có hai mệnh giá 25.000 đồng khán đài A và 20.000 đồng khán đài B. CĐV vất vả chen lấn để có được tấm vé xem trận đấu ở vòng hai V-League. Sự quan tâm lớn của khán giả nhờ lứa cầu thủ trẻ tài năng của HAGL.
Chắc chắn sân Long An sẽ chứng kiến số lượng khán giả đông kỷ lục chiều Chủ nhật tới. BTC lo ngay ngáy bởi nguy cơ vỡ sân có thể xảy ra bất cứ lúc nào, khi chưa có kinh nghiệm trong việc đảm bảo an ninh, kiểm soát vé và khán giả vào sân. Rút kinh nghiệm trận đấu tại Gia Lai, sân Long An đề xuất thêm gấp rưỡi lực lượng công an để giữ trật tự từ 200 người lên 300 người, cũng như lực lượng dự phòng trong tình huống khẩn cấp. Còn phía BTC giải cũng cử nhiều cán bộ tới sân Long An sớm để cùng BTC địa phương chuẩn bị tốt các phương án đối phó khi sự cố xảy ra.
Ở các sân khác tại V.League cũng được dự báo sẽ rất nóng mỗi khi HAGL làm khách. Rất nhiều fan hâm mộ không có cơ hội được xem Công Phượng,Tuấn Anh, Xuân Trường Mỹ Đình hồi tháng 9 (giải vô địch ĐNA), sẽ dễ dàng vào sân khi chỉ phải bỏ ra vài chục nghìn mua vé.
Bao giờ mới hết lo vỡ sân?
Khán giả đến sân xem đông được xem như tín hiệu vui với nhà tổ chức, trong bối cảnh V.League lâu nay vẫn bị chê thiếu hấp dẫn. Thế nhưng, đi kèm với nó là những mối lo sự cố. Điều đáng nói, dù đã có nhiều sự cố trong quá khứ, nhưng cho đến nay, hầu hết các sân đều không đủ điều kiện để tổ chức những trận đấu chuyên nghiệp.
Mới đây, Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đã kết luận hầu hết các CLB của bóng đá Việt Nam đều không có đủ các tiêu chí của một đội bóng chuyên nghiệp, trong đó có vấn đề sân bãi. Rất nhiều sân có hàng rào tạm bợ, tường bao quanh chỉ cần bắc thang là trèo được qua, nên thường rất khó kiểm soát số lượng CĐV vào sân. Các địa phương muốn có một cái sân thật hoành tráng và đáp ứng đủ các tiêu chí chuyên nghiệp, nhưng khổ nỗi không đủ kinh phí để xây dựng hay nâng cấp, sửa chữa.
Theo một thành viên BTC giải, dù không muốn song BTC cũng chẳng còn cách nào là phải chia sẻ khó khăn với các đội bóng. Sự cố “vỡ sân” bắt nguồn từ sự thiếu chuyên nghiệp trong khâu tổ chức và cả ý thức của CĐV. Nếu BTC bố trí lực lượng đông, có các SVĐ đạt tiêu chuẩn để đảm bảo an toàn, an ninh, thì lo gì sự cố xảy ra. Còn các CĐV cũng chưa ý thức được văn hóa cổ vũ của mình. Họ nên nhìn các CĐV ở các giải đấu lớn như Ngoại hạng Anh để mà học tập về văn hóa cổ vũ.
Từ “cơn sốt” U19 và nguy cơ vỡ sân có thể xảy ra ở bất cứ sân nào, sẽ là dịp để bóng đá VN nhìn lại mình, chứ không phải cứ "vỡ" sẽ bị xử là xong chuyện!
Xem các tin tức mới nhất về bóng đá Việt Nam
Theo Vietnamnet