Khi các ông bầu mất… lửa
Một hội nghị tổng kết mùa giải thiếu những phản biện – vốn là tiền đề của sự phát triển trên mọi lĩnh vực, cũng là một hội nghị mà ở đó người ta đến để nghe nhiều hơn nói. Đại diện của các đội bóng không nói không phải vì V-League không còn gì để nói, mà chủ yếu những người ngồi đấy không phải là những người có quyền quyết định tối thượng ở các CLB, nên tiếng nói ít nhiều mất đi trọng lượng.
Ngoại trừ chủ tịch CLB Thanh Hóa Nguyễn Văn Đệ, những nhân vật còn lại không phải là những nhân vật to nhất ở các đội bóng. Nhưng kỳ thực ông Đệ cũng không phải là ông bầu đúng nghĩa, kiểu tự mình bỏ tiền và tự mình quyết hết mọi chuyện ở CLB, ông Đệ đơn giản là người đại diện cho nhóm các nhà tài trợ rót tiền vào đội bóng xứ Thanh. Hay như chủ tịch CLB SHB Đà Nẵng Bùi Xuân Hòa dù mang danh chủ tịch, nhưng cả làng cầu Việt Nam đều biết rằng quyền quyết định ở đội bóng sông Hàn là của bầu Hiển, trong khi bầu Hiển không dự hội nghị.
Bầu Đức và bầu Thắng dù vẫn còn đội bóng ở V-League, nhưng họ không còn máu mê đầu tư để cạnh tranh như ngày xưa |
Những người dự hội nghị đều là những người thừa hành, đơn giản họ đến để nghe rồi về báo cáo, chứ để phản biện lại những vấn đề mang tầm cỡ của cả một giải đấu, của cả một hệ thống bóng đá chuyên nghiệp là việc quá sức của họ.
Vắng các ông bầu đủ gai góc, hội nghị tổng kết mùa giải diễn ra một chiều. Toàn cảnh V-League 2014 cũng vậy, VPF, BTC giải hướng V-League đi theo đường của họ, người tham gia thấy hợp thì chạy theo, không thấy hợp thì… ngưng. Người ta không còn thấy những cuộc đua hừng hực, không còn những sự ganh đua kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy” của những ông bầu bóng đá.
Không phải tất cả những gì mà các ông bầu phản biện với BTC trong 3 năm qua, ở các hội nghị tổng kết mùa giải đều là nói đúng. Nhưng khi bầu Kiên chỉ ra sự ma quái của các trọng tài trong bóng đá nội, khi bầu Thụy bức xúc với tình trạng một ông chủ - nhiều đội bóng, họ không phải là không có lý. Bây giờ, tiếc rằng không còn người dám đứng lên nói ra những bất cập của giải đấu, không ai đủ sức nặng để làm đối trọng với BTC giải – ngay cả trong những việc mà giải đấu đi sai đường.
Bóng đá không còn hấp dẫn với các ông bầu
Chỉ tịch VFF Lê Hùng Dũng nói thẳng mùa tới, sẽ không còn nhà đầu tư mới nữa. Bóng đá không còn hấp dẫn với khán giả thì cũng khó hấp dẫn với những nhà tài trợ. Bầu Thụy bỏ rồi, bầu Trường cũng đã bỏ. Bầu Hiển thuộc vào loại nhà đầu tư kiên trì nhất, khi ông có đến 2 – 3 đội bóng đá ở V-League. Nhưng ngay cả ông Hiển cũng không còn hào hứng như xưa.
Lâu rồi, người ta không còn thấy bầu Hiển đăng đàn bàn chuyện bóng đá. Riêng trong mùa này, người ta thấy rõ là Hà Nội T&T của bầu Hiển đã có dấu hiệu “hãm phanh” ngay trước đích đến, tạo điều kiện cho B.Bình Dương lên ngôi.
Với bầu Đức và bầu Thắng, việc họ còn duy trì đội bóng cho đến giờ đã là điều may. Giống như bầu Hiển, bầu Đức từ lâu không còn những tuyên bố hùng hồn về đội một HA Gia Lai như xưa. Mà khi ông Đức không có những phát biểu gây sốc, ông không phải là bầu Đức mà người ta từng biết.
Bầu Thắng suýt chút nữa đã trả đội bóng về cho tỉnh Long An, giờ ông vẫn giữ lại đội, nhưng hầu như bầu Thắng cũng không còn đầu tư mạnh để đội bóng đấy cạnh tranh ngôi cao. Với những nhà đầu tư, bóng đá không còn là kênh sinh lợi. Cái thời mà người ta có thể thông qua bóng đá để làm lợi ở các mảng khác qua rồi, trong khi tìm lợi nhuận trực tiếp từ bóng đá càng khó.
Đúng là khi các ông nhảy vào bóng đá, không phải việc gì họ làm cũng đúng, nhưng chỗ họ sai thì cũng phải hỏi vai trò quản lý, giám sát của cơ quan điều hành. Giờ họ rút hàng loạt, có lẽ cũng nên xem lại môi trường đầu tư. Vắng những ông bầu đúng nghĩa, dường như giải đấu trong nước cũng không còn nhiều tính cạnh tranh! Mà trong nhiều lĩnh vực, cạnh tranh cũng là tiền đề cho sự phát triển.
Theo Dân Trí