Nguy cơ HV.An Giang bỏ V-League giữa chừng là có thật, khi đội bóng miền Tây Nam bộ lúc này đang dần cạn kiệt về mặt tài chính. Đấy cũng là mặt trái của chuyện doanh nhân làm bóng đá, họ mang lại cho bóng đá khá nhiều, nhưng lấy đi cũng không ít…
Công cũng ở các ông bầu, tội cũng do các ông bầu
Không thể phủ nhận sự có mặt của nhiều ông bầu giúp bộ mặt của bóng đá Việt Nam thay đổi, đời sống của những người làm công tác chuyên môn và các cầu thủ tốt hơn hẳn so với trước đây. Cũng không thể phủ nhận xu thế xã hội hóa, giao đội bóng cho doanh nhân là xu thế đúng. Chỉ có điều, cách thực hiện xu thế đấy nhiều lúc bị méo mó, vì các ông bầu đôi khi xem đội bóng vốn là tài sản chung của cả địa phương cứ như thể tài sản riêng, và nhiều ông bầu khác làm bóng đá nhưng vẫn không thoát khỏi bản chất con buôn.Sau V.Ninh Bình (phải), đến lượt HV.An Giang chờ... bỏ giải?
Trường hợp của HV.An Giang là một ví dụ điển hình. Trước đây đội bóng miền Tây Nam bộ có thế đâu, nhưng từ lúc giao cho doanh nghiệp quản lý, HV.An Giang khác hẳn. Bây giờ họ đã biết nói đến chuyện đòi bỏ cuộc chơi, theo cách mà người ta vốn chỉ thường thấy nơi những đội bóng thuộc sở hữu của các ông bầu đỏng đảnh dạng bầu Thụy hay bầu Trường.
Bây giờ thì CLB HV.An Giang đã biết thế nào là cảnh dài cổ chờ tiền tài trợ của doanh nghiệp, vốn hứa thì rất mạnh miệng, nhưng thực hiện thì toàn nửa vời. Bóng đá khi chưa được đầu tư của các đại gia làm gì có cảnh người ta ưng thì đá, không thích thì bỏ. Bóng đá thời chưa có các nhà đầu tư nhảy vào làm gì có những màn “đi đêm” giật cầu thủ của nhau, đội giá, phá giá chuyển nhượng, khiến cho giờ đây khi kinh tế sa sút, làm ăn khó khăn, thì nền bóng đá Việt Nam làm có nguy cơ tan như bong bóng xà phòng.
Các giải đấu quốc nội bây giờ có cái gì đầy rất giống với thực trạng của bong bóng bất động sản hay chứng khoán, mà chính các doanh nghiệp và chính các đại gia từng trải qua. Bóng đá nội nhìn vẻ ngoài rất hào nhoáng, nhưng bản chất lại yếu kém, vì kiểu làm bóng đá của nhiều ông bầu chỉ toàn thích tô vẽ bên ngoài.
Sẽ tiếp tục có đội bỏ giải?
Nhiều ngày gần đây, bản thân HV.An Giang cũng liên tục đối diện với câu hỏi “tồn tại hay không tồn tại?”. Cách đại diện đội này nêu lý do để nghỉ chưa chắc là lý do thật. Nhưng có một chuyện rất thật là HV.An Giang đang quay quắt vì thiếu tiền, vì nhà tài trợ đã gần như bỏ lơ đội bóng suốt từ đầu giải đến giờ.
Và có một chuyện cần phải nói thật là ngân sách địa phương đã không còn “gồng” nổi, và HV.An Giang nếu muốn tồn tại tiếp cũng chẳng được, vì thiếu tiền (đặt trường hợp trong ít ngày tới nhà tài trợ của đội bóng này tiếp tục chơi trò… “tình vờ”).
Chính VPF có lẽ cũng đã lường trước được nguy cơ này, khi ngay trong cuộc họp đại diện các đội bóng cách nay ít lâu, họ đã đề ra sẵn phương án: Nếu sau V.Ninh Bình, lại có đội bỏ giải giữa chừng thì đội bóng xếp tiếp theo sẽ đá trận play-off chuyển hạng với đội đứng 3 giải hạng Nhất.
Phương án này như một sự chuẩn bị trước cho trường hợp HV.An Giang rút lui như họ đã dọa. Mà không chỉ có HV.An Giang, Hải Phòng đầu mùa cũng đối diện với cảnh doanh nghiệp đột ngột bỏ đội bóng, trả lại cho địa phương “gồng”.
Bóng đá từ khi giao cho doanh nghiệp đối diện với thực trạng đáng buồn như thế. Nhiều ông bầu nhảy vào bóng đá nhưng không vì bóng đá, cũng chẳng đam mê bóng đá. Nhiều người chỉ xem bóng đá là một kênh để mở rộng mối quan hệ rồi tìm đường đầu cơ sang lĩnh vực khác.
Một số ít ông bầu dù làm bóng đá những vẫn chưa bỏ được bản chất của dân buôn, đó là nói nghe rất hay nhưng làm thì như gà mắc tóc, đến lúc gặp chuyện khó khăn thì rủ bỏ đội bóng, khiến chính những người làm chuyên môn gặp khó với các quyết định của họ, còn làng cầu thì bát nháo.
Quả bóng trong chân doanh nghiệp có những mặt trái, chỉ tiếc rằng trong khi các nước quản lý, dung hòa được những mặt trái này, còn ở ta vì phát triển bóng đá quá nóng nên không quản được các doanh nghiệp thích chơi trội!
Theo Dân Trí