Thứ Bảy, 20/04/2024Mới nhất
Zalo

V-League không phẳng

Thứ Sáu 03/07/2009 15:03(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Cuốn “Thế giới phẳng” của Thomas L. Friedman được chào đón trong bối cảnh toàn cầu có sự hội nhập sâu sắc. Cụm từ “Thế giới phẳng” giờ được dùng ở nhiều nơi như một thách thức và cũng hàm chứa ước mơ về một tương lai, nơi đó, xã hội bình đẳng về cơ hội, khoảng cách giàu nghèo ngày càng ngắn.


Bóng đá cũng không phải là ngoại lệ. Cuối tuần này, trên sân Chi Lăng sẽ diễn ra cuộc chạm trán của một đội bóng thậm giàu- SHB.Đà Nẵng gặp anh nghèo kiết xác- Thanh Hóa.

Đội bóng sông Hàn đang ngự ngôi đầu với 39 điểm. Trong khi, xứ Thanh chỉ 16 điểm. 23 điểm, một khoảng cách quá khủng khiếp, chắc chắn chưa dừng lại ở đó khi cuộc chạm trán lần này phần thắng dường như chủ nhà đã nắm chắc.

Đặt bóng đá tỉnh Thanh bên cạnh SHB.Đà Nẵng lúc này, thật là cám cảnh. Thanh Hoá đang là quá khứ ám ảnh từng rất nhiều đội bóng, trong đó có SHB.ĐN. Một quá khứ bao cấp, cái nghèo đeo bám đến tận cùng mà ai cũng muốn chối bỏ. Dường như đội bóng nào tổ chức cũng luôn rệu rã với cái vòng luẩn quẩn bất tận. Rõ nhất, VFF mới đánh công văn số 19 thông báo xứ Thanh thay HLV trưởng thì chỉ 3 vòng sau lại tiếp tục ra thông báo số 22, HLV Văn Tiến trở lại. Sự trở lại của ông mang đậm bi kịch, bất an, giống như niềm vui có tính chất nhất thời, rằng đội bóng bây giờ đã được trả về cho tỉnh và nhân dân Thanh Hoá vậy. Một sự tụt hậu đau lòng!

Thanh Hóa (phải) từng thua gần bằng séc tennis ở lượt đi trước SHB.ĐN

Đã 9 năm lên chuyên nghiệp, cuộc phân hoá giàu nghèo diễn ra với tốc độ chóng mặt. Hãy nhìn những đội bóng đang có nguy cơ rớt hạng cao nhất hiện nay, đều rơi vào trường hợp nghèo cùng cơ chế bao cấp trói buộc. Như Thanh Hoá và Nam Định cơ hội, vạch xuất phát để làm bóng đá chuyên nghiệp đâu thua ai. Tiềm năng con người họ đều được làng bóng đá cả nước nể. Vậy mà họ đã tụt hậu nghiêm trọng so với một số địa phương khác, như Gia Lai và Long An.

Bóng đá ta chưa thu về lợi nhuận, phần lớn các doanh nghiệp đều mới đến với bóng đá để mưu cầu việc kinh doanh, đánh bóng thương hiệu là chủ yếu. Thì tương lai vẫn cần sự kiểm chứng. Nhưng, dưới góc độ hiện tại, sự đầu tư mạnh về vật chất đã khiến cho V-League có sự đua tranh quyết liệt hơn. Ngay cả Thể Công và Hải Phòng bây giờ cũng sẵn sàng đọ tiền. Mấy năm trước dường như bầu Đức vô đối.

Lĩnh vực nào thì vật chất cũng quyết định ý thức. Cuộc chơi chuyên nghiệp bây giờ đồng tiền quyết định đến tư tưởng, thái độ thi đấu của cầu thủ. Lương thưởng yếu thì sớm hay muộn cầu thủ cũng mỏi gối. Đấy là thực tế đã và đang xảy ra hàng ngày ở sân cỏ nước nhà.

Như sự hồi sinh của T&T.HN mới đây, cũng chuỗi 13 trận bất bại của SHB.ĐN, nếu bầu Hiển “yếu đạn” thì không trụ nổi, bởi tính sơ sơ như một trận thắng QK4 thì T&T.HN cũng có 600 triệu. Cứ nhân lên thì biết số tiền khủng khiếp đến mức nào. Vậy mà ông Hiển cứ tủm tỉm giải quyết “rẹc đùng”, trong khi như QK4 thưởng đã ít phải qua bao thủ tục, 4 chữ ký.

Ai cũng thừa nhận nếu V-League có thêm nhiều ông bầu kiểu như Quốc Thắng, Nguyên Đức, Quang Hiển, hay nhiều đội bóng giàu như B.Bình Dương, Thể Công, Hải Phòng...thì sự quyết liệt, đua tranh, hấp dẫn còn nhân lên nhiều.

Nhưng cứ nhìn sự phân hoá ngày càng rõ nét giữa giàu- nghèo, rõ ràng đã đến lúc không còn chỗ cho những đội bóng chỉ sống dựa vào tinh thần, thở bằng cơ chế bao cấp nữa. Như thế cũng hay, bởi giới chuyên môn chẳng đã chỉ ra V-League đang phình ( về số đội) chưa hẳn là hay, trong bối cảnh hầu hết các CLB chưa đáp ứng được quân số cả lượng lẫn chất. Một cuộc chơi chuyên nghiệp mà nhiều anh không đủ khả năng về tài chính thì quay quắt lắm.

Mặt khác, sự tồn tại của những đội bóng không chịu thay đổi, chẳng khác gì lực cản cho tiến trình chuyên nghiệp hoá của bóng đá nước nhà. Ví dụ, năm nào cũng thế, những căn bệnh ân tình, móc ngoặc, dàn xếp tỉ số cũng đều liên quan đến những anh này là chủ yếu.

V-League đang không phẳng là thế. Một sự “lồi lõm” xét ở khía cạnh nào đó vẫn có yếu tố tích cực, bởi cứ nghèo, hay đeo bám mãi với tư duy bao cấp thì đồng nghĩa với sự tụt hậu, trong khi tiến trình chuyên nghiệp hoá bóng đá nước nhà bị cản trở.

(Theo Thể Thao Văn Hóa)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X