Thứ Sáu, 10/01/2025Mới nhất
Zalo

V-League: Chuyện người Nhật

Thứ Tư 16/03/2011 20:43(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Sau thảm họa chẳng khác thời Thế chiến II, thế giới càng sửng sốt trước cách tiếp nhận, ứng xử và đứng lên của người dân xứ hoa Anh Đào.

Bạn hẳn ấm lòng khi gặp những hình ảnh trên TV chiếu cảnh tại những nơi hàng hóa do các tổ chức cứu trợ được đưa tới, mọi người xếp hàng đúng trật tự, lịch sự, bình tĩnh và không cuộc ẩu đả, xô đẩy hay tranh giành. Các siêu thị Nhật đã giảm giá mạnh và các chủ sở hữu máy bán hàng tự động đã mở các máy bán hàng, phân phát nước uống miễn phí cho các nhân viên cứu trợ, nhân viên khẩn cấp và những người tình nguyện tham gia trợ giúp trong thảm họa.

Và đặc biệt nhất là bất chấp sự tàn phá và sự khan hiếm hàng hóa, không xảy ra cảnh cướp bóc. Đối lập với các thảm họa thiên nhiên gần đây trên khắp thế giới, người Nhật đoàn kết và cư xử có trật tự, thay vì tận dụng cuộc khủng hoảng để tư lợi cá nhân.

May mà chuyện đó xảy ra ở Nhật, liệu có ai trong số chúng ta thốt lên như thế, khi những cảnh đau lòng như cướp bóc, đầu cơ trên bị kịch của người dân sau thảm họa ở nhiều quốc gia, chẳng còn xa lạ, gây phẫn nộ và đắng cay?

HLV Phạm Công Lộc của TĐCS.ĐT đang vô cùng lo lắng vì tiền đạo chủ lực Samson lại bị chèo kéo trái phép

Con người ta, chỉ những lúc lâm vào bi đát nhất, thì văn hóa, bản lĩnh cùng khí chất mới thể hiện một cách đầy đủ và toàn diện.

Cách đây 3 năm (2007), trong vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ liên quan đến người Nhật, nỗi đau của chúng ta nguôi ngoai rất nhiều trước thiện chí của Chính phủ Nhật Bản. Hình ảnh đại diện của họ cúi gập người xin lỗi Việt Nam và gia đình các nạn nhân thực sự nói lên nhiều điều. Đấy là văn hóa xin lỗi.

Trong 2 thập kỷ qua, người Nhật cũng đã giúp VN không ít, nhất là khoản viện trợ ODA. Thật ra, khoản tiền ODA được trích từ ngân sách quốc gia Nhật Bản, tức tiền do dân chúng đóng góp qua thuế má. Dân chúng, Quốc hội và Chính phủ Nhật dành một khoản ngoài việc lo cho đời sống dân Nhật, để giúp dân chúng các nước khác phát triển, cải thiện đời sống.

Với bóng đá, có câu chuyện đáng suy ngẫm, cũng liên quan đến người Nhật. Trận giao hữu năm 1959 với ĐTVN, lúc đó, Nhật Bản vẫn phải năn nỉ ĐTVN thi đấu giao hữu để học hỏi. Tan trận, người Nhật tặng cho những nhà làm bóng đá Việt Nam một đôi giày với lời nhận xét chân tình: “Bóng đá Nhật chỉ là chiếc giày nhỏ so với bóng đá VN”.

Vậy mà giờ đây, bóng đá Nhật Bản đã phát triển kỳ diệu ở đấu trường châu lục và quốc tế. Ngày càng có nhiều cầu thủ xứ Phù Tang thành danh ở trời Âu.

Còn chúng ta đến nay vẫn loay hoay trong việc xác định đẳng cấp, đi tìm bản ngã. Đã 20 năm hội nhập vẫn chưa lần tìm được hương vị đoạt HCV ở đấu trường SEA Games. Đã nhiều lần thảm họa mang tên bóng đá xảy ra, đằng sau đó là sự mất phương hướng, luẩn quẩn.

Ở sân cỏ nội, nếu sự hỗn loạn không có chế tài kiểm soát và bạo lực vẫn tung hoành, CLB này nhăm nhăm cướp quân của đội kia, thì khán giả sẽ chỉ được xem thứ bóng đá tàn nhẫn!

Samson, chân sút ngoại của TĐCS.ĐT, đang “ngã bệnh” vì bị chèo kéo, thông tin đó chẳng có gì lạ khi tình trạng cướp quân của nhau ngày càng trắng trợn, do không ai có thể kiểm soát đầy đủ. Sự hỗn loạn của thị trường chuyển nhượng đang khiến cho một bộ phận có cơ hội tận dụng tối đa để làm việc mờ ám, tiền chảy về túi họ nhưng bóng đá chuyên nghiệp thì bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong những ngày này, nghĩ từ chuyện người Nhật sau thảm họa, chuyện họ ví von nền bóng đá Nhật so với bóng đá VN chỉ nhỏ xíu như đôi giày cách đây 52 năm, mới thấy bóng đá VN đang có quá nhiều vấn đề cần phải cách mạng triệt để. Đấy không còn là chuyện riêng của bóng đá.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X