Có 24 bàn thắng được ghi ở vòng 9, nhưng đã có đến 15 bàn được thực hiện bởi ngoại binh và những cầu thủ gốc ngoại. Vai trò của cầu thủ nội ngày một mờ nhạt ở sân chơi ngay trên sân nhà, trong khi các cầu thủ trẻ chưa được tạo điều kiện…
Lối chơi góp phần… triệt tiêu tiền đạo nội
Số lượng cầu thủ ngoại ở V-League không lớn, mỗi đội chỉ được đăng ký 3 cầu thủ ngoại (tức chỉ chiếm 1/8 – 1/10: mỗi CLB thường đăng ký từ 25 – 30 cầu thủ/mùa). Nếu cộng thêm cầu thủ gốc ngoại nhưng đã nhập tịch, số lượng “Tây” có mặt trên sân cỏ Việt Nam vẫn là phần nhỏ so với cầu thủ nội.
Nhưng có điều không khó để nhận ra rằng vai trò của cầu thủ ngoại và cầu thủ gốc ngoại ngày một quan trọng đối với các đội bóng trong nước. Thậm chí, ở một số vị trí cụ thể, như tiền đạo hoặc trung vệ, các đội bóng hầu như không thể không sử dụng “Tây”.Hà Minh Tuấn (10) rất hiếm có cơ hội thể hiện tại V-League
Có 24 bàn thắng ở vòng 9 V-League, trong đó đã có đến 15 bàn được ghi bởi cầu thủ gốc ngoại, tức là gần gấp đôi số bàn thắng được thực hiện bởi các cầu thủ nội (dù về số lượng, cầu thủ gốc ngoại chỉ bằng 1/8 – 1/10 nội binh). Con số ấy tự thân nó đủ nói lên nhiều điều.
Khâu ghi bàn, hay nói rộng ra là khâu tấn công của nhiều đội hầu như khoán trắng cho ngoại binh. Không khó để kể ra hàng loạt đội sử dụng hàng tiền đạo toàn Tây, như SHB Đà Nẵng (Merlo, Mamic), B.Bình Dương (Abass, Suleiman, Kesley, Moses), HA Gia Lai (Timothy, Felix), HV.An Giang (Felix, Sindou, Hoàng Max), Hà Nội T&T (Samson, Gonzalo), Thanh Hóa (Sunday, Lê Văn Tân – tức Jonathan, cộng với 2 tiền vệ tấn công Nastja Ceh và Nguyễn Rogerio)…
Thậm chí, phần lớn các đội bóng trong nước hầu như cũng chẳng cần phát triển dạng tiền vệ tổ chức, bởi cứ sử dụng bài rót bóng bổng lên phía trên cho các tiền đạo ngoại ỷ sức càn lướt, hoặc treo bóng bổng vào khu vực trung lộ để các trung phong ngoại cứ thế mà tì đè và không chiến. Lối chơi ấy vô tình triệt tiêu sự vươn lên các tiền đạo nội, bởi các nội binh không thể nào mạnh mẽ và không chiến giỏi như các ngoại binh, do gặp bất lợi về mặt tố chức và thể hình.
Đấy có lẽ cũng là lý do mà các tiền đạo thuộc vào loại có triển vọng như Hà Minh Tuấn, hay Mạc Hồng Quân “rụng” dần, vì không có chỗ cạnh tranh với các tiền đạo ngoại, trong một lối chơi được xây dựng quá thiên về thể lực như hiện nay.
Chưa có quy định số lượng cầu thủ trẻ ra sân
Trong điều lệ của V-League 2014 có ghi, các đội được đăng ký “tối đa 5 cầu thủ có hợp đồng đào tạo, tập nghề (nếu có)”. Hiểu nôm na đấy là cách mà VPF dành chỗ cho các cầu thủ trẻ xuất hiện ở mỗi CLB.
Chỉ có điều, VPF cũng không quy định rõ là trong mỗi trận đấu, mỗi đội bóng phải sử dụng bao nhiều cầu thủ trẻ trên sân trong cùng một thời điểm? Điều này cũng đồng nghĩa với việc, các đội bóng cứ việc đăng ký cầu thủ trẻ, nhưng dùng hay không dùng là… quyền của họ. Không có sự ràng buộc trong việc sử dụng cầu thủ trẻ, các đội bóng cũng chẳng dại gì mạo hiểm, bởi đối với họ, thành tích vẫn là trên hết.
So về cách làm bóng đá, cụ thể là các biện pháp khuyến khích để các cầu thủ trẻ được thi đấu, rõ ràng là V-League đang đi sau Thai-League. Các đội bóng của Thai-League đang dần mạnh lên, đủ sức đá ở AFC Champions League, nhưng bản thân họ cũng rất có ý thức tôn vinh các tài năng nội địa.
Bằng chứng là ở 2 CLB hàng đầu của bóng đá Thái gồm Buriram United và Muangthong United (đội đã loại Hà Nội T&T ở AFC Champions League năm nay), họ vẫn dành chỗ và xây dựng lối chơi để phục vụ các tiền đạo bản địa như Chainarong Tathong, Teerasil Dangda (Muangthong), hay Adisak Kraisorn và Kittiphong Pluemjai (Buriram).
Không khuyến khích các CLB sử dụng cầu thủ trẻ, không có ý thức xây dựng lối chơi để phục vụ các tiền đạo nội, bóng đá Việt Nam coi chừng đối diện với viễn cảnh tiếp tục thụt lùi so với quốc tế. Trước mắt, từ sau khi Việt Thắng bước sang bên kia sườn dốc của sự nghiệp, bóng đá Việt Nam hầu như không còn trung phong đúng nghĩa, còn số lượng tiền đạo mới ngày một ít dần, số lượng tiền vệ tài hoa có khả năng tổ chức kiểu Minh Phương đang dần đi đến chỗ… tuyệt chủng!
Theo Dân Trí