Có một nghịch lý là V-League ngày một xuống cấp về mặt kỹ thuật, chiến thuật, cũng như kỷ cương, trong khi bạo lực lại gia tăng với tốc độ khó kiểm soát…
Chất lượng tỷ lệ nghịch với bạo lực
Tổng giám đốc (TGĐ) VPF Phạm Ngọc Viễn đánh giá một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia tăng tại V-League xuất phát từ chỗ trình độ chuyên môn hạn chế của các cầu thủ. Theo ông Viễn thì do trình độ hạn chế, nên khi sử dụng lối đá quyết liệt, giới cầu thủ bây giờ phải xài đến phương pháp thô bạo, vì họ không đủ kỹ thuật để thực hiện các động tác thu hồi bóng đúng cách.
V-League đang giảm về kỹ thuật, nhưng lại tăng về mức độ thô bạo
Đúng là chất lượng kỹ thuật của cầu thủ Việt Nam hiện tại có dấu hiệu đi xuống. Rõ ràng là sau thời của những Nguyễn Hồng Sơn, rồi Nguyễn Minh Phương, bóng đá Việt Nam không còn sản sinh được dạng tiền vệ tổ chức chỉ bằng một đường chuyền hoặc một pha đảo người, có thể loại toàn bộ hàng thủ đối phương, đặt tiền đạo đội nhà vào thế thuận lợi để dứt điểm, như Hồng Sơn hay Minh Phương thời đỉnh cao có thể làm.
Xem bóng đá ở V-League bây giờ, có thể dễ dàng nhận ra chúng ta có rất nhiều cầu thủ có thể lao vào đối phương theo kiểu băm bổ, nhưng lại rất hiếm cầu thủ đủ sức đi bóng qua người rồi tạo đột biến. Chất lượng kỹ thuật sa sút còn thể hiện ở khâu phối hợp. Các đội bóng ở V-League bây giờ rất hạn chế khả năng phối hợp nhóm, bằng những đường chuyền nhuyễn, nhỏ như Cảng Sài Gòn ngày nào, hay lứa cầu thủ thuộc học viện HAGL-Arsenal.JMG có thể làm.
Phần đông các đội bóng thuộc V-League tấn công bằng cách dồn bóng bổng và bóng dài cho các tiền đạo ngoại ỷ sức càn lướt ở phía trên. Đấy cũng là dấu hiệu cho thấy kỹ thuật kém, đồng thời còn là sự thụt lùi về mặt chiến thuật.
Trong khi kỹ thuật và chiến thuật sa sút, kỷ cương mỗi lúc một bị buông lỏng, thì điều mà ít người trông đợi là sự thô bạo và bạo lực ở V-League lại lên ngôi. Mới qua 7 vòng đấu đã có 3 ca chấn thương nghiêm trọng, 2 trong số đó cầu thủ bị thương có khả năng giã từ sự nghiệp (Bruno và Anh Hùng), cùng nhan nhản các pha vào bóng như thể triệt hạ lẫn nhau ở sân chơi hàng đầu Việt Nam.
Bóng đá xấu xí có thể “giết” chết nhà đầu tư
Sau khi trở về từ thất bại của thứ bóng đá “dã man” trên sân Vinh, nơi Đình Đồng (SL Nghệ An) đạp gãy chân Anh Hùng (HV.An Giang), HLV Nhan Thiện Nhân của HV.An Giang cho biết ông được lãnh đạo địa phương, nhà tài trợ và người hâm mộ chia sẻ rất nhiều. Với họ, đơn giản HV.An Giang không thể tránh được thất bại khi đối phương áp dụng lối đá chặt chém kiểu ấy, trong khi trọng tài lại phớt lờ như không.
Nhưng càng được chia sẻ thì ông Nhân càng thấy lo. Theo vị HLV của CLB HV.An Giang, ông lo ở chỗ, lãnh đạo địa phương, người hâm mộ và nhà tài trợ đã thấy hết cũng có nghĩa là chính những con người này cũng đang nhận ra sự bất lực khi phải nuôi một thứ bóng đá luôn phải đối diện với bạo lực, trong khi điều mà người ta chờ đợi là kỷ cương nơi những người đang cầm cân nẩy mực thì họ không thấy.
Từ sự bất lực, rất dễ dẫn đến chuyện địa phương rồi nhà tài trợ đâm ra nản, trước khi rút khỏi bóng đá đỉnh cao thì sao? Câu chuyện nhiều địa phương và nhiều doanh nghiệp bỏ bóng đá không còn là câu chuyện mới và đấy cũng không phải là vấn đề của riêng bóng đá An Giang.
Người ta không thể làm bóng đá trong bối cảnh phải đối diện với bất công, đối diện với những điều rõ ràng là xấu nhưng vẫn phải bất lực nhìn nó tồn tại, trong khi đội ngũ lẽ ra phải tạo nên sự công bằng cho sân chơi lại xem đấy là điều bình thường, còn các biên bản của các giám sát thì rập khuôn một kiểu bút phê “không có gì, trọng tài hoàn thành nhiệm vụ!”.
Đấy còn là sự vô cảm đến đáng sợ của những người lẽ ra phải bảo vệ sự công bằng trong bóng đá. Nguy hiểm nhất là ở chỗ sự vô cảm ấy có thể giết chết tình yêu của những phụ huynh đang có ý định cho con em mình gắn bó với nghiệp cầu thủ, có thể giết chết tình yêu của những nhà tài trợ!
Theo Dân Trí