Thứ Sáu, 22/11/2024Mới nhất
Zalo

V-League 2014: Có bao nhiêu, chơi bấy nhiêu

Thứ Năm 03/10/2013 20:10(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Trong nỗ lực tái cơ cấu 2 giải chuyên nghiệp, VPF mong muốn có bao nhiêu đội thì chơi bấy nhiêu. Tuy nhiên, nếu đề xuất này không được lãnh đạo VFF chấp thuận thì mùa giải 2014 có thể dẫm lại vết xe đổ từ mùa giải trước để lại.

Đúng 2 năm trước, Công ty cổ phần bóng đá VPF ra đời với trách nhiệm tổ chức, điều hành 2 giải chuyên nghiệp bóng đá Việt Nam. Nhiệm vụ của tổ chức do các ông bầu bóng đá thành lập là thu được nhiều lợi nhuận hơn nữa, giúp bóng đá nội có thể tự sống trên đôi chân của chính mình.

Ý tưởng thì tốt nhưng qua 2 năm thực hiện VPF vẫn chưa thể hoàn thành nhiệm vụ mà họ đã được định hướng. Một phần nguyên nhân không nhỏ xuất phát từ việc bầu Kiên, vốn là người phụ trách mảng tìm kiếm tài trợ, bị dính vào vòng lao lý. Cùng tác động kép từ khó khăn kinh tế khiến nhiều ông bầu bỏ của chạy lấy người, các doanh nghiệp tạm thời ngãng ra để tái cơ cấu lại tập đoàn, doanh nghiệp của mình.

Bi kịch hiện tại của K.KG có thể sẽ không xuất hiện nếu như công tác thẩm định năng lực tài chính trước mùa giải được làm chặt chẽ và khắt khe hơn.
Bi kịch hiện tại của K.KG có thể sẽ không xuất hiện nếu như công tác thẩm định năng lực tài chính trước mùa giải được làm chặt chẽ và khắt khe hơn.

Tác động khách quan là thế, nhưng chủ quan cũng một phần từ sự phát triển bất bình thường của bóng đá Việt Nam. Đã 13 năm kể từ ngày giải chuyên nghiệp ra đời nhưng giấc mơ biến bóng đá thành con gà đẻ trứng vàng vẫn chỉ là giấc mơ với chúng ta.

Chủ tịch HĐQT VPF Võ Quốc Thắng nhận định: “Chúng ta biết rằng nhiều đội bóng đang tình trạng rất khó khăn, nên không thể chạy theo số lượng. Chúng tôi sẽ quy định các đội bóng nếu đăng ký tham gia phải đáp ứng các tiêu chuẩn gắt gao hơn.

Sẽ có các quy định về tài chính về chế tài đối với các đội tham gia giải. Họ phải cam kết kinh phí đầy đủ để dự giải chuyên nghiệp. Chúng tôi chấp nhận phương án còn bao nhiêu thì đá bấy nhiêu và sẽ trình lên Thường trực và BCH VFF”.

Nếu không đồng thuận với đề xuất của VPF gửi lên, VFF cần phải nhớ lại bài học kinh nghiệm ở mùa trước, khi việc phải đôn Đồng Nai lên chơi V-League vào phút cuối cũng không phải giải pháp đúng đắn. Rồi câu chuyện cố gắng để K.KG ở lại, dù đội bóng rơi vào cảnh nợ tiền, nợ lương cầu thủ, càng khiến mùa giải 2013 càng u ám.

Trong bối cảnh chưa có nguồn thu từ bóng đá, khả năng bỏ giải luôn thường trực, thà rằng chỉ có 10 đội dự giải, thậm chí 8 đội nhưng có đủ tài chính lẫn đam mê, trách nhiệm với bóng đá nước nhà còn tốt hơn có 12 đến 14 đội bóng nhưng luôn sống trong cảnh sợ hãi.

Ít đội bóng tham dự dĩ nhiên BTC giải dễ kiểm soát mọi tình hình, các đội cũng có khả năng tích lũy nội lực, tinh gọn phiên chế, thị trường chuyển nhượng đỡ loạn. Lãnh đạo VPF ý thức rằng có một giải đấu nghiêm túc, công bằng, khách quan mới lôi kéo được khán giả đến sân, đồng nghĩa với việc nhà tài trợ trở lại.

Còn những cảnh loạn từ trên xuống dưới bắt nguồn từ quá nhiều vấn đề bất cập làm chính người đầu tư bóng đá cũng chán nản. Việc cố đôn thật nhiều đội lên chuyên nghiệp dù không đủ tiềm lực tài chính, năng lực để hoạt động đã chứng minh là lợi bất cập hại.

Đến khi những hiện tượng nhất thời tan như bong bóng xà phòng, bóng đá Việt Nam đã và đang phải chịu thiệt hại gấp bội từ tham vọng mở rộng V-League và hạng Nhất.

Có bao nhiêu đội đá bấy nhiêu, có lẽ đến lúc những người đang tham gia hoạt động bóng  đá chuyên nghiệp ở ta cần suy ngẫm nghiêm túc cụm từ này nên.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X