Thứ Tư, 25/12/2024Mới nhất
Zalo

V-League 2013: Thẻ phạt tăng, BTC đau đầu

Thứ Tư 13/03/2013 11:18(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Bạo lực và thẻ phạt có chiều hướng gia tăng (so với cùng kỳ năm ngoái), khi V-League 2013 mới chỉ trôi qua 2 lượt trận. Đây là bài toán cực nan giải với BTC chứ không thể đùa. Năm thứ 2 V-League nằm dưới sự điều hành của VPF, nhưng chưa có gì đảm bảo là giải đấu được nâng tầm hay bước sang một trang sử mới, thậm chí còn có chiều hướng ngược lại.

Bình mới rượu cũ

Số lượng đội bóng giảm (từ 14 CLB, hiện chỉ còn 12 đội bóng tranh tải ở V-League 2013). VFF hoàn toàn có thể “quở trách” VPF, bởi sau khi sang nhượng quyền điều hành, Cty này đã không đảm bảo được quân số. Đã thế, chất lượng các trận đấu cũng không có nhiều sáng sủa, khi bạo lực và thẻ phạt vẫn được nhắc đến nhiều hơn, so với những trận đấu hay, những bàn thắng đẹp.

Lý do cực kỳ đơn giản: bình mới, nhưng vẫn là thứ rượu cũ mà thôi. Cụ thể, từ đội ngũ giám sát, trọng tài (TT), đến cầu thủ, lực lượng chính làm nên một trận đấu bóng đá, quyết định sự thành bại của bóng đá, vẫn chỉ những gương mặt cũ.

Trung vệ Van Bakel (5) của Đồng Nai bị trọng tài Ngô Quốc Hưng phạt thẻ đỏ ở trận Thanh Hoá-Đồng Nai thuộc vòng 2 V-League 2013.
Trung vệ Van Bakel (5) của Đồng Nai bị trọng tài Ngô Quốc Hưng phạt thẻ đỏ ở trận Thanh Hoá-Đồng Nai thuộc vòng 2 V-League 2013.

Sau khi dăm bảy đội bóng rút lui (cả giải hạng Nhất và V-League), mùa giải 2013 tưởng như đã được hưởng lợi về chất, khi các CLB thỏa sức thanh lọc lực lượng, để chọn ra những tinh túy nhất, nhưng thực tế cũng chỉ là cũ người mới ta, bởi một cầu thủ không đá cho đội bóng này thì ngày mai có thể tìm CLB khác.

Chỉ với đội ngũ cầu thủ ấy, cùng phong cách huấn luyện, chỉ đạo chiến thuật cũng rất cũ vốn đã gieo vào đầu của tất cả như thể tiềm thức, hỏi sao không bạo lực, sao không máu ăn thua và hỏi sao không xấu chơi cho được?

Với quyền hành trong tay, các ông “vua sân cỏ” dại gì không phóng tay rút thẻ phạt, bởi tiền thẻ còn góp phần làm dầy thêm ngân quỹ cho nhà tổ chức. Theo quan sát của PV TT&VH, chỉ có rất ít những nhắc nhở của TT, sau các tình huống va chạm hoặc lỗi 12, mà phần lớn “vua áo đen” đều lăm lăm thẻ trong tay chực rút.

Phú quý giật lùi

V-League 2013 mới chỉ qua 2 lượt trận, nhưng có quá ít các trận đấu đạt chất lượng trung bình khá, mà cuộc đối đầu SLNA-XM V.HP là một tiêu biểu. Ngoài ra, các trận SHB.ĐN-K.KG hay SLNA-K.KG, thậm chí cả SHB.ĐN-B.BD đều chỉ là một chiều.

Trong khi đó, kỳ vọng bao nhiêu về cuộc đối đầu “Gỗ”-“Gạch” thì thất vọng bấy nhiêu về chất lượng chuyên môn. Sự phân cấp, chênh lệch về đẳng cấp chơi bóng, cũng như tham vọng chinh phục giữa các đội bóng là khá lớn. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ SHB.ĐN, SLNA, rồi HN.T&T và hết!

Một cảm giác rất hiện hữu trong “nội tạng” nền bóng đá và cả các bộ phận liên đới (như truyền thông hay khán giả) là sự chán chường. Cầu thủ ra sân đá cho tròn nhiệm vụ, nhận lương (thậm chí nhiều nơi còn không được nhận lương, thiếu vài ba tháng là chuyện bình thường), sau đó, ý niệm về bóng đá gần như không tồn tại. Nhiều cầu thủ còn đương thời, nhưng cũng quyết định nghỉ ngang, chuyển hướng đi mới. Đúng là “Đam mê đã tận, thì đem hóa vàng. Uống nhầm rượu hẩm, phí một lần say”, (thơ: Đoàn Ngọc Thu). Đừng hỏi tại sao!

“Trong tương lai gần, liệu Ban Tư vấn Đạo đức (TVĐĐ) có mở các lớp tập huấn “đạo đức” hay xuống các CLB để úy lạo tinh thần, cũng như tác phong cho các cầu thủ không?”, câu hỏi rất chân phương, nhưng quá khó của ông Võ Thành Nhiệm, GĐĐH kiêm trưởng đoàn CLB ĐT.LA, trong buổi ra mắt Ban TVĐĐ thuộc VPF cách đây không lâu.

Tất nhiên Ban TVĐĐ không đủ chức năng và không thể làm công việc đó, bởi nó là vấn đề của gia đình, của trường học và của cả toàn xã hội chứ chẳng phải là vấn đề của riêng nền bóng đá nữa rồi.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X