Vì sao ĐT Việt Nam không thể tiến xa hơn khu vực Đông Nam Á?

Tác giả Trọng Hiếu - Thứ Ba 18/10/2022 21:38(GMT+7)

Là đội bóng Đông Nam Á có thứ hạng cao nhất trên bảng xếp hạng FIFA, nhưng ĐT Việt Nam đã thất bại trước Thái Lan ở bán kết AFF 2020 và không thể bảo vệ thành công danh hiệu của mình.

Ở cấp độ khu vực, đội bóng của HLV Park Hang Seo cuối cùng đã đứt chuỗi bất bại. Trong khi đó ở đấu trường châu lục, ĐT Việt Nam phải nhận tới 8 thất bại sau 10 lượt trận ở Vòng loại thứ 3 FIFA World Cup khu vực châu Á. Tại sao ĐT Việt Nam lại sụp đổ trên đỉnh cao, hãy cùng tìm hiểu xem.

 

Chu kỳ của bóng đá Việt Nam

Thuật ngữ “vòng đời của sản phẩm” rất phổ biến trong kinh doanh. Chu kỳ của một đội bóng cũng giống như vòng đời của một sản phẩm, và một đội bóng đá cũng có thể coi như một loại hàng hoá.

 

Sau giai đoạn đầu tiên ‘giới thiệu’ là bước ‘tăng trưởng’. Ta có thể thấy rõ hai giai đoạn này khi so sánh với ĐT Việt Nam. Nhưng sau những giai đoạn ban đầu, mọi sản phẩm sẽ bước vào độ ‘chín’ hoàn toàn. Sự tăng trưởng sẽ chậm lại và ở bước tiếp theo, các đối thủ cạnh tranh sẽ bắt kịp.

Cuối cùng, sản phẩm sẽ đạt đến giai đoạn kết thúc của chu kỳ, đó là sự ‘suy giảm’. Trong giai đoạn này, sản phẩm không còn chiếm lĩnh thị trường và cần phải có những giải pháp thay thế để tiếp tục dẫn đầu.

Khi phân tích thành công của ĐT Việt Nam, chúng ta có thể nhìn lại giai đoạn năm 2007, khi ĐT lọt vào tứ kết AFC Asian Cup. Ở kỷ nguyên đó, Việt Nam có một chân sút biết định đoạt trận đấu là Lê Công Vinh – người khiến Thái Lan ôm hận tại AFF Cup 2008, có tiền vệ Lê Tấn Tài hay thủ môn Dương Hồng Sơn.

Sau đỉnh cao đó, bóng đá Việt Nam bắt đầu sa sút. ĐT bị loại từ vòng bảng các kỳ SEA Games 2011, 2013 và AFF 2012. ĐT Việt Nam tiến vào vòng bán kết 2 giải đấu sau đó, nhưng còn xa mới ở vị thế thống trị bóng đá khu vực.

Mọi thứ chỉ thay đổi với sự xuất hiện của HLV Park Hang Seo, chiến lược gia người Hàn Quốc đã đưa Việt Nam trở thành số 1 Đông Nam Á một lần nữa, với những chiến tích lọt vào chung kết U23 châu Á và vô địch AFF Cup 2018 với một đội hình trưởng thành. Tiếp đó, Việt Nam giành huy chương vàng SEA Games để duy trì sự thống trị, trước khi lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022 và tứ kết Asian Cup.

Với lối chơi thực dụng và linh hoạt, đội bóng của HLV Park Hang Seo luôn gây sức ép cho đối thủ với một cường độ đáng kinh ngạc, trong khi vẫn chắc chắn nơi hàng phòng ngự. Cách tiếp cận này đem đến thành công ở khu vực Đông Nam Á, nhưng đi kèm với những hạn chế khi bước ra châu lục.

 

 

Chiến thuật cũ

Một chuyên gia từng khẳng định: “ĐT Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Park đã không thay đổi chiến thuật trong 3 năm qua và rất dễ để dự đoán được đội hình của họ. Chúng ta có thể so sánh ĐT Việt Nam với Leicester, họ vô địch Premier League với lối đá phản công đầu tàu Jamie Vardy. Chiến thuật này đạt hiệu quả ngoài mong đợi trong vài lần đầu tiên, nhưng rồi các đối thủ đều nghĩ ra cách đối phó. Bạn có thể thấy điều gì đã xảy ra, Leicester xuống phong độ và tình hình của ĐT Việt Nam cũng sẽ được nhìn thấy từ trước”.

HLV Park Hang Seo đã đạt thành công với chiến thuật này trước những đội bóng trong khu vực. Nhưng khi bước ra châu lục rộng lớn hơn, cách tiếp cận này không thể chống lại những Nhật Bản, Oman, Saudi Arabia, Australia và Trung Quốc – những đối thủ đã nghiên cứu kỹ chiến thuật của Việt Nam và có kỹ năng cá nhân vượt trội.

“Lối đá này không còn phù hợp với bóng đá hiện đại, đặc biệt với giới hạn của các cầu thủ. Sự sáng tạo của ĐT Việt Nam bị suy giảm bởi họ chỉ có những cái tên quen thuộc ghi bàn, như Công Phượng, Quang Hải, Phan Văn Đức hay Hồng Duy. Những cái tên trẻ trung còn quá thiếu kinh nghiệm. Bạn có thể đặt câu hỏi vì sao chỉ có một nhóm cầu thủ được sử dụng thường xuyên? Bởi họ là những cái tên duy nhất có thể thi đấu. Vấn đề lớn với ĐT Việt Nam đó là đội hình của họ quá ít” – chuyên gia tiếp tục.

“Một số cầu thủ trẻ trong đội hình vẫn chưa đạt được đẳng cấp như các đàn anh. Điều đó cần thời gian, nhưng thời gian sẽ không chờ đợi ĐT Việt Nam”.

 

Ảnh hưởng của đại dịch

Bởi tác động của Covid-19, ĐT Việt Nam phải đứng trước quyết định quan trọng nhất của mình, đó là huỷ bỏ giải quốc nội và dành thời gian cho HLV Park chuẩn bị cho vòng loại World Cup. Về lý thuyết, đó là một hướng đi đúng đắn cho đội và giúp HLV có tối đa thời gian làm việc với các cầu thủ.

Tuy nhiên, điều này lại như một con dao hai lưỡi. Chuyên gia bóng đá Đông Nam Á của ESPN – Gabriel Tan lý giải: “Thực tế là các cầu thủ không được thi đấu thường xuyên tại CLB khi giải quốc nội bị huỷ bỏ, và sự mệt mỏi về tinh thần trong nhiều tháng đã ảnh hưởng tới phong độ của họ tại vòng loại World Cup”.

Quãng thời gian ở cùng nhau lại không mang lại hiệu quả như mong muốn. Sự tự tin của các cầu thủ suy giảm, đặc biệt họ không giành được bất kỳ chiến thắng nào. Sự gián đoạn đem tới nhiều tác hại hơn, ảnh hưởng tới vấn đề thể lực khi các cầu thủ Việt Nam chủ yếu chỉ chơi tại V-League. Họ không có thể lực sung mãn khi đối đầu với các cầu thủ từ quốc gia khác. Chiến thuật của Park Hang Seo vốn dựa vào sự bền bỉ, thể lực của toàn đội, vì vậy cũng kém hiệu quả hơn đáng kể.

Nhìn lại thì quyết định dừng giải có thể là một sai lầm lớn. Tuy nhiên, chúng ta không thể chỉ trích VFF, bởi họ phải đối mặt với một tình huống ngoài mong đợi và cần đưa ra sự lựa chọn khó khăn.

Cá lớn trong ao nhỏ

Gabriel Tan tiếp tục nhận định, ĐT Việt Nam bị loại ở bán kết AFF Cup vì thiếu những ngôi sao có thể thay đổi thế trận: “Về chất lượng, những cầu thủ như Quang Hải, Hoàng Đức hay Tiến Linh vẫn rất xuất sắc. Bỏ qua tác động của đại dịch, những ngôi sao này không thử thách bản thân và quá thoải mái như những con cá lớn trong một cái ao nhỏ.

Chanathip – người đã trải qua 4 năm rưỡi thi đấu tại Nhật Bản trong màu áo Consadole Sapporo, gây ấn tượng với 2 bàn thắng quyết định. Anh ấy là một nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn hơn 2 kỳ AFF 2014 và 2016, nhờ những bài học nhận được khi thường xuyên chơi bóng ở cấp độ cao hơn”.

 

Hầu hết các cầu thủ Việt Nam đều lựa chọn ở lại giải quốc nội, vì vậy chất lượng và cường độ của giải đấu này có ý nghĩa quan trọng với thành tích của ĐT Việt Nam. Từng có thời gian làm việc ở cả Thái Lan lẫn Việt Nam, HLV Mano Polking đưa ra quan điểm về vấn đề này: “Tôi đã làm HLV ở Thai League lẫn V-League, và gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng đội bóng. Tôi sẽ không so sánh nhiều. V-League có những CLB mạnh nhưng để so sánh chất lượng của cả giải đấu, Việt Nam vẫn cần phát triển.

Thai League đang là giải đấu tốt nhất Đông Nam Á. Các CLB ở Thái Lan không ngừng tiến bộ và thi đấu liên tục. Chúng tôi có những cầu thủ, các HLV giỏi. Chúng tôi sản sinh ra một tài năng như Chanathip Songkrasin, người là sản phẩm của Thai League và đang thi đấu tại J-League.

Nếu các cầu thủ Đông Nam Á có cơ hội, họ nên nắm bắt và ra nước ngoài thi đấu, điều đó tốt hơn là chờ cho giải quốc nội phát triển. Các CLB và LĐBĐ Việt Nam cần đảm nhiệm vai trò định hướng, phát triển cầu thủ tài năng để có thể đóng góp cho ĐT quốc gia. Ngược lại, ĐT cũng cần thừa nhận tác động của CLB trong việc phát triển cầu thủ”.

 

Vậy tại sao các cầu thủ Việt Nam hiếm có cơ hội thi đấu ở nước ngoài, và nếu có, tại sao họ vẫn không thành công?

Công Phượng là một ví dụ. Cầu thủ này không được trao cơ hội tại Saint-Truidense V.V tại Bỉ và sa sút phong độ đáng kể. Rào cản ngôn ngữ cũng là một trở ngại, bởi Công Phượng không thể nói tiếng Anh và khó giao tiếp với các đồng đội.

Dù vậy, các cầu thủ Việt Nam cần vượt qua những trở ngại kể trên nếu muốn cải thiện, xa hơn là nâng tầm chất lượng ĐT quốc gia.

 

Nhưng không chỉ Việt Nam

“Thể lực” là từ khoá quan trọng trong bài viết này và là chủ đề được thảo luận rất nhiều. Đó là vì nó đóng vai trò quan trọng nhất trong trường hợp này, và là vấn đề ảnh hưởng nhiều nhất của ĐT Việt Nam.

Khoảng thời gian 3-4 năm trông có vẻ nhiều để một HLV đặt nền móng cho đội bóng của mình. Nhưng trên thực tế, chừng đó là không đủ để chuẩn bị cho kế hoạch xa hơn là bước ra châu lục. Giống như Thái Lan giai đoạn 2015-2018, khoảng cách tại Đông Nam Á so với những ĐT mạnh nhất châu Á vô cùng to lớn.

Chanathip Songkrasin, cầu thủ xuất sắc nhất 3 kỳ AFF, cũng thi đấu trong một tập thể (ĐT Thái Lan) thống trị khu vực Đông Nam Á, trước khi gây thất vọng ở vòng loại World Cup.

“Dù chức vô địch AFF Cup cho thấy chúng tôi là đội bóng mạnh nhất giải, nhưng không có nghĩa Thái Lan là ĐT mạnh nhất Đông Nam Á” – Chanathip chia sẻ trên T SPORTS 7. “Hiện tại, mọi ĐT trong khu vực Đông Nam Á đều tăng cường sức mạnh của mình. Thái Lan đang là ĐKVĐ AFF Cup, nhưng liệu chúng tôi có thể bảo vệ danh hiệu này mãi? Đó là một câu hỏi cần giải quyết.

Chúng tôi phải tiếp tục tạo ra những tiêu chuẩn cho các thế hệ trong tương lai của bóng đá Thái Lan. Sau khi kết thúc thế hệ của tôi, những thế hệ mới sẽ xuất hiện, nhưng chúng ta sẽ duy trì tiêu chuẩn của mình như thế nào?

Tôi không muốn nghĩ rằng chúng ta chỉ phải đối mặt với những ĐT của Đông Nam Á. Tại sao chúng ta không cạnh tranh với những ĐT ở châu Á? Chúng ta phải suy nghĩ một cách logic và nhất quán. Chúng ta phải quan tâm đến thể chất, dinh dưỡng, tất cả mọi thứ phải được tính toán để chúng ta có thể cạnh tranh ở châu lục. Thái Lan tự tin ở khu vực Đông Nam Á, nhưng gặp khó khăn khi đối mặt với những ĐT xuất sắc nhất châu Á.

Liệu chúng ta có thể tiến sâu hơn ở các giải đấu? Chúng ta phải tìm ra nguyên nhân và tiếp tục phát triển cùng lúc, ngay cả trong những giải đấu trẻ. Chúng ta cần cải thiện mọi thứ và có thể tiến tới cấp độ châu Á như mục tiêu đặt ra”.

Vì sao ĐT Việt Nam không thể tiến xa hơn khu vực Đông Nam Á

Ngày hôm nay, chúng ta đã biết sức mạnh của ĐT Việt Nam, nhưng họ vẫn phải gặp giới hạn ở đấu trường châu lục. Điều này không chỉ cần thiết với Việt Nam, mà cho thấy mọi quốc gia trong khu vực Đông Nam Á phải cùng nhau phát triển để tiến tới đẳng cấp châu lục.

Việt Nam và phần còn lại của khu vực, phải tận dụng khoảng thời gian này để phục hồi sức mạnh và hướng đến tầm cao mới.

 

Dịch từ bài viết gốc “Fall from grace: Reasons why Vietnam national football team can’t go further than ASEAN” (Main Stand)

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục