Sau 11 năm dẫn dắt các đội bóng khác nhau, nhưng dấu ấn để lại của HLV Toshiya Miura gần như không có. Thành tích không phải là tất cả, nhưng việc VFF trao trọn niềm tin với một HLV chưa khẳng định được tài năng liệu có quá mạo hiểm?
Trước khi VFF chọn HLV Toshiya Miura, người hâm mộ đã mừng thầm khi danh sách ứng viên dẫn dắt đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) và U23 có những cái tên rất đáng chú ý. Đầu tiên là cựu trung vệ tuyển Pháp Marcel Desailly-người đã quá nổi tiếng khi còn thi đấu, với các chức vô địch World Cup và Euro cùng thế hệ vàng đội tuyển áo xanh lam. Tuy nhiên, chỉ vì kinh nghiệm ít và đặc biệt là mức lương cao ngất lên tới 50-60 nghìn USD, Marcel Desailly đã bị VFF loại khỏi danh sách.
HLV Miura không có được thành tích nổi bật nào trong 11 năm qua
Gương mặt thứ hai là “phù thủy” Rajagobal-cái tên rất nổi trong làng bóng khu vực, từng được xem là người hùng của bóng đá Malaysia, với thành tích đưa đội tuyển U23 và ĐTQG Malaysia liên tiếp vô địch SEA Games và AFF Cup nhiều năm gần đây. Trong những cái tên đáng chú ý ứng cử vào ghế HLV trưởng ĐTVN, Rajagobal ngay lập tức nhận được sự quan tâm của các quan chức VFF. Thế nhưng, cũng rất nhanh, vị chiến lược gia người Malaysia đã bị loại khỏi danh sách, bởi nhiều lý do.
Một ứng viên nữa còn “khủng” hơn là cựu HLV trưởng tuyển Nhật Bản, HLV Takeshi Okada. Thế nhưng, cũng như 2 người trước, vị HLV đến từ Nhật Bản đã không được VFF gật đầu. HLV Takeshi Okada cũng là người nằm trong danh sách các HLV mà Liên đoàn bóng đá Nhật Bản giới thiệu cho VFF, nhưng không phải là cái tên đang được VFF tiến hành đàm phán hợp đồng. Lý do từ chối HLV tài năng Takeshi Okada không được các quan chức VFF tiết lộ, nhưng rất có thể VFF đang tìm một HLV thực sự phù hợp với bóng đá Việt Nam, bên cạnh những điều kiện rất quan trọng khác như mức lương.
Nhiều lựa chọn tốt bị bỏ qua, báo chí và dư luận đều dự đoán VFF sẽ ký hợp đồng với một HLV tên tuổi, nhưng cuối cùng lại là HLV gần như vô danh trong làng bóng châu lục. Thực tế, HLV Toshiya Miura cũng đã có 11 năm dẫn dắt các đội bóng khác nhau. Ông bắt đầu sự nghiệp huấn luyện vào năm 1997 với CLB Vegalta Sendai tại J-League. Tiếp đó, ông Toshiya Miura lần lượt đảm nhiệm vị trí HLV trưởng tại nhiều CLB khác nhau như Mito HollyHock (1998), Omiya Ardija (2000-2001, 2004-2006), Consadole Sapporo (2007-2008), Vissel Kobe (2009-2010), Ventforet Kofu (2010-2011).
Trong hơn 11 năm gắn sự nghiệp với chiếc sa bàn, ông Toshiya Miura đã trải qua hơn 100 trận đấu tại J-League 1, nhưng thành tích lại rất khiêm tốn. Theo thống kê, trong sự nghiệp cầm quân, Toshiya Miura đạt tỷ lệ chiến thắng 24,22% (hòa 23,44% và thua 52,34%). Có một điều đặc biệt nữa là vị tân HLV trưởng ĐTVN và U23 chưa dẫn dắt một đội bóng nào quá 2 năm và ông chưa từng nhận nhiệm vụ ở một ĐTQG nào. Đáng lo ngại hơn khi gần 3 năm qua, HLV Toshiya Miura đã bị thất nghiệp, khiến ông phải bỏ dở nghiệp cầm quân để làm nghề tay trái là bình luận viên bóng đá.
Để trở lại với công việc quen thuộc của mình, HLV Miura cần phải có thời gian tiếp xúc, làm quen với bóng đá Việt Nam, cầu thủ Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, bên cạnh việc cập nhật kiến thức bóng đá thực tế trong thời gian qua. Đó là những công việc không phải dễ làm và làm trong ngày một, ngày hai. Ưu thế lớn nhất của HLV Toshiya Miura là ông đến từ Nhật Bản và chỉ nhận mức lương khiêm tốn khoảng hơn 10.000 USD/tháng. Tuy nhiên, để ĐTVN và U23 thi đấu thành công, thì những yếu tố này cũng không phải là điều quá khó với VFF.
Tất nhiên, khi chọn HLV Toshiya Miura, VFF đã có tìm hiểu kỹ cũng như tin tưởng vào sự giới thiệu của Liên đoàn bóng đá Nhật Bản. Hơn nữa, thành tích dẫn dắt không phải điều quyết định đến thành công của HLV Toshiya Miura tại Việt Nam, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Vậy thì hãy cứ để thời gian trả lời xem HLV Toshiya Miura có làm nên điều gì mới mẻ với ĐTVN và U23?
Theo Dân Trí