Đại hội thay vì được tổ chức vào ngày 30/11, có khả năng phải hoãn đến giữa tháng sau. Có thể lý do được đưa ra xuất phát từ thủ tục hành chính, nhưng có thật ngẫu nhiên đến mức rằng VFF khéo dời đại hội này đến giữa SEA Games, hòng “né” dư luận?
Lý do được đưa ra ở đây là Đại hội thường niên VFF chưa được Bộ Nội vụ cấp phép, nên chưa thể diễn ra theo như dự kiến, đấy là lý do đơn thuần liên quan đến thủ tục hành chính. Dù vậy, vấn đề đáng nói ở chỗ Đại hội thường niên vốn được tổ chức hàng năm, nằm trong kế hoạch của VFF hẳn hoi. VFF thừa hiểu và cũng thừa kinh nghiệm để biết rằng họ cần những thủ tục gì để tổ chức đại hội ấy.Nếu Đại hội thường niên của VFF phải hoãn, thì nhiều kế hoạch cho năm sau có khả năng sẽ bị ách lại
Thế nên, VFF hoàn toàn có thể làm công văn xin phép Bộ Nội vụ sớm hơn, thay vì đến tận tháng 10 mới xin phép. Xin phép sớm hơn thì khả năng có được giấy phép và tổ chức Đại hội thường niên đúng như kế hoạch sẽ cao hơn nhiều. Một lần nữa dư luận không phục lý do mà VFF đưa ra để nói đến nguy cơ phải hoãn đại hội thường niên, như rất nhiều lần bất phục những kiểu lý giải theo lối đùn đẩy trách nhiệm của VFF.
Một điều đáng nói nữa là nếu tổ chức Đại hội thường niên đúng như lịch định, VFF sẽ phải đối diện với nhiều vấn đề nhức nhối của bóng đá Việt Nam. Đấy là một hành trình nhục nhã với chuỗi 5 trận toàn thua mà đội tuyển quốc gia đang trải qua ở vòng loại Asian Cup 2015.
Đấy là một bộ máy Ban chỉ đạo các đội tuyển bóng đá quá cồng kềnh, mà dù VFF lý giải là họ dùng tiền của Tổng cục TDTT hay tiền của VFF thì đều là tiền ngân sách, tiền từ nhà tài trợ, nói nôm na là dùng tiền thuế của dân, chi vào mục đích không đáng. Đấy còn là một hệ thống giải quốc nội đang lộn xộn mà bản thân VFF vẫn còn chưa quyết định số đội lên – xuống hạng.
Chỉ riêng vấn đề của đội tuyển quốc tại vòng loại Asian Cup 2015 cũng đủ làm dư luận dậy sóng. Mới đây phó chủ tịch VFF Nguyễn Lân Trung lý giải cho chuỗi trận thua mất mặt ấy đại loại rằng do đối thủ quá mạnh, chúng ta đang sa sút và VFF đã cố gắng hết sức, đã chuẩn bị tốt nhất cho đội tuyển.
Một kiểu lý giải cho xong và đấy là cách nói khiến nhiều người lầm tưởng dường như chỉ có mỗi VFF hiểu về bóng đá châu Á, còn dư luận thì không. Riêng nói chuyện các đối thủ của đội tuyển Việt Nam quá mạnh có lẽ có nhiều người sẽ không phục.
Hong Kong (Trung Quốc) chưa bao giờ mạnh hơn đội tuyển Việt Nam, nếu không muốn nói là yếu hơn. Uzbekistan bây giờ cũng chỉ tầm trung bình của châu Á, chứ không còn đủ khả năng ngồi chuung mâm với nhóm đội mạnh thực sự như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Iran… Và UAE có lẽ cũng vậy. Có nghĩa là 2 đội ấy mạnh đến mức thắng đậm đội tuyển Việt Nam hết trận này đến trận khác.
Cũng không thể nói VFF không có trách nhiệm trong chuyện đội tuyển Việt Nam sa sút như cách nói của ông Nguyễn Lân Trung, bởi nhiều vị ngồi ở VFF quá lâu, nhưng lại để đội tuyển sa sút đến mức ấy thì không biết họ ngồi đó để làm gì?
Tất cả những vấn đề ấy lẽ ra VFF phải đối diện trong Đại hội thường niên, trước khi lên những kế hoạch chi tiết hơn cho bóng đá nội trong năm sau. Nhưng rốt cuộc VFF vẫn tìm thấy lý do để khiến cho cái đại hội đáng để người ta ngồi lại với nhau ấy có nguy cơ phải hoãn thêm nữa.
Đại hội thường niên hoãn cũng đồng nghĩa với việc những kế hoạch chuẩn bị cho bóng đá trong nước, cho các đội tuyển trong năm sau cũng bị ách lại, dẫn đến khâu thực hiện kế hoạch chắc chắn cũng bị “dồn toa” theo. Và thật ngẫu nhiên chăng khi thời điểm mới, dự kiến diễn ra Đại hội thường niên sau lần hoãn này sẽ là vào giữa tháng 12, tức đang là cao điểm của SEA Games 27. Khi đó, sự chú ý đang tập trung vào đại hội thể thao Đông Nam Á, và những ý kiến muốn chất vấn nhằm vào VFF xung quanh những yếu kém vừa nêu của họ từ phía dư luận nhiều khả năng cũng phân tán theo.
Theo Dân Trí