Thứ Sáu, 22/11/2024Mới nhất
Zalo

Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An chung tay cùng Nhà tài trợ "cứu" SLNA

Thứ Tư 31/10/2012 16:37(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Trong thời điểm này, duy nhất UBND tỉnh Nghệ An “dám” bỏ ra 20 tỷ đồng/mùa chia sẻ khó khăn với nhà tài trợ ngân hàng Bắc Á (30 tỷ đồng/mùa) để cùng giữ và phát huy thương hiệu SLNA.

Lâu nay, chúng ta chỉ nghe địa phương A, tỉnh B, thành phố C…mỗi năm hỗ trợ cho đội bóng dăm mười tỷ là nhiều lắm rồi. Còn, dám chi đến 20 tỷ như UBND tỉnh Nghệ An, quả là hiếm.

Đơn giản, bởi tất cả đã giao phó cho nhà tài trợ. Có một tâm lý rất rõ, hầu như phần lớn các địa phương, sau khi chuyển giao đội bóng cho các Mạnh Thường Quân, chẳng khác gì đã chối bỏ được “của nợ”. Ngay cả Đà Nẵng, vốn là địa phương mạnh, nhưng SHB.ĐN vô địch năm 2012, lãnh đạo cũng chỉ thưởng cho một tỷ đồng. Kinh phí hoạt động của đội bóng, bầu Hiển cáng đáng hết.

Tỉnh ủy Nghệ An chung tay cùng nhà tài trợ NH Bắc Á giúp SLNA (phải) vượt qua khó khăn về kinh tế
Tỉnh ủy Nghệ An chung tay cùng nhà tài trợ NH Bắc Á giúp SLNA (phải) vượt qua khó khăn về kinh tế

Thành ra, vai trò của các địa phương với bóng đá hiện nay hết sức mờ nhạt. Đội bóng chỉ biết coi trọng ông bầu là to nhất. Đấy là điều hết sức nguy hiểm, trong bối cảnh bóng đá chuyên nghiệp ta thiếu cái nền tảng vững chắc. Xã hội hóa bóng đá là chủ trương đúng đắn, nhưng không có nghĩa là buông lỏng quản lý về mặt Nhà nước, từ phía các địa phương.

Rõ ràng, bóng đá ta đang đi chệch định hướng, không phải trong cơn khủng hoảng hiện nay mới thấy vai trò đưa bóng đá vào quỹ đạo của VFF, các địa phương còn nhợt nhạt. Cũng cần phải nói thẳng, sự “chán nản” bóng đá của nhiều lãnh đạo địa phương, phần nào xuất phát từ sự phát triển của bóng đá chuyên nghiệp ở ta thiếu căn bản, gây lãng phí tiền bạc, những phiền muộn là bất tận. Đấy cũng là bằng chứng để hàng loạt đội bóng hiện nay rao bán với giá bèo bọt, nhưng đều gặp khó khăn.

Bóng đá có đáng phải bị đối xử thế không? Chắc chắn là không, bởi nếu đội bóng có thương hiệu, được lãnh đạo địa phương và nhân dân coi như là tài sản, niềm tự hào của họ, bao nhiêu tiền cũng không thể mua nổi. Tính truyền thống của CLB, khó xây dựng một khi bỗng dưng một nhà tài phiệt nào đó, bỏ đống tiền mua đội bóng nào đó, rồi mang đến địa phương nào đó nhập hộ khẩu, bắt khán giả sở tại phải yêu quý đứa con lai tạo. Khi không hài lòng, hoặc gặp khó khăn, lập tức giải tán. Tiếc thay, đấy là hiện tượng phổ biến, mà bóng đá TP.HCM là “nạn nhân” điển hình nhất.

Trên thực tế, SLNA đến nay vẫn là thương hiệu đủ sức lay động lòng người. Hãy nhìn sức lan tỏa của họ với người Nghệ, thậm chí người Nghệ ở nước ngoài vẫn phát cuồng với đội bóng áo vàng, mới thấy rằng thương hiệu Sông Lam là vô giá.

Vậy thì, 20 tỷ đồng mà UBND tỉnh Nghệ An bỏ ra để quyết giữ gìn, phát huy thương hiệu SLNA trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, là chấp nhận được. Như thế, một mặt tô đậm thêm vai trò quản lý, định hướng của lãnh đạo địa phương với đội bóng, mặt khác chia sẻ với nhà tài trợ trong điều kiện khó khăn chung. Thực ra, nếu khéo tập hợp hơn, chắc chắn nhiều doanh nghiệp trong tỉnh sẵn sàng chung sức cùng UBND tỉnh Nghệ An, để số tiền hỗ trợ cho đội bóng, có thể hơn 20 tỷ đồng.

50 tỷ đồng/ mùa, khéo vẽ vẫn tròn. Có lẽ, các CLB nên siết chặt lại quỹ hoạt động, để góp phần đưa bóng đá về đúng giá trị của nó. SLNA giờ bỗng dưng sống khỏe, hẳn nhiên phải nhờ thương hiệu Sông Lam vẫn giữ được sau bao vùi dập, bể dâu của 12 năm làm bóng đá chuyên nghiệp.

Còn thương hiệu là còn tất cả!

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X