Không phải ngẫu nhiên HLV Hoàng Văn Phúc lại dành tới 10 ngày trong đợt tập trung ngắn ngày trước SEA Games để tăng cường thể lực cho các học trò. Tuy nhiên, kế hoạch tập thể lực trên cát tại bãi biển Đà Nẵng bị phá sản, ít nhiều ảnh hưởng đến sự chuẩn bị của U23 Việt Nam.
Lịch thi đấu của U23 Việt Nam tại SEA Games đã được thay đổi hợp lý hơn, nhưng vấn đề thể lực vẫn phải có sự chuẩn bị tốt nhất, bởi nếu như vào đến vòng bán kết, các cầu thủ chỉ có đúng 2 ngày nghỉ ngơi. Trận chung kết tại BTV Cup vừa rồi U23 Việt Nam mất cúp vào tay Bình Dương, cũng bởi ở hiệp 2, các học trò của HLV Hoàng Văn Phúc xuống sức thấy rõ. Quyết tâm có thừa nhưng nếu không biết phân bổ hợp lý cho một chặng đường dài như SEA Games, U23 Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn.
Xác định là vậy, vấn đề tăng cường thể lực đang được HLV Hoàng Văn Phúc đặt lên hàng đầu. Nhà cầm quân họ Hoàng có hơn 1 năm làm việc cùng các cầu thủ, nên ông thừa hiểu đội tuyển đang cần gì để có sức mạnh tốt nhất mang tới SEA Games.
HLV Hoàng Văn Phúc rất quan tâm đến việc rèn thể lực
Kế hoạch “nhồi” thể lực đã được HLV Hoàng Văn Phúc chuẩn bị từ lâu, nhưng đùng một cái cơn bão Hải Yến quái ác đã khiến U23 bị phá sản kế hoạch tập huấn tại Đà Nẵng. Bản thân ông Phúc khẳng định việc thay đổi kế hoạch phút chót này không ảnh hưởng đến sự chuẩn bị của toàn đội, và U23 rèn thể lực ở Hà Nội cũng rất tốt vì trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam có đầy đủ cơ sở vật chất, chế độ dinh dưỡng đảm bảo…Tuy nhiên, không phủ nhận việc thay đổi kế hoạch, sẽ phải khiến Ban huấn luyện U23 khá đau đầu trong việc điều chỉnh các giáo án bài tập.
Một chuyên gia trong nước cho rằng, tập thể lực trên cát và trên cỏ là hoàn toàn khác nhau. Ở trên cát, các VĐV sẽ bị mất sức rất nhanh nhưng bù lại, sẽ tích lũy nền tảng thể lực rất tốt. Trong khi đó, với những bài tập chạy trên mặt cỏ, các cầu thủ lâu mệt hơn, nhưng họ lại ít khi rơi vào tình trạng “no đủ” thể lực.
Ở bài tập thể lực sáng qua, sau nhiều vòng chạy quanh sân, HLV Hoàng Văn Phúc đã “lùa” toàn đội vào phòng tập trong nhà, với các máy tập tạ, tập chân, đùi…Nhìn các cầu thủ tập nhưng chẳng mấy ai toát mồ hôi, rõ ràng đó chỉ là những bài mang tính vận động cơ, chứ chưa đúng nghĩa với “nhồi” thể lực.
Tất nhiên, HLV Hoàng Văn Phúc sẽ không mạo hiểm đến nỗi đẩy cao khối lượng các bài tập, bởi chẳng may có cầu thủ nào chấn thương lúc này sẽ rất đáng tiếc. Thế nhưng, tập thể lực cần phải nặng hơn, mới cho thấy rõ sự hiệu quả.
Tập thể lực là một quá trình dài, có sự tích lũy sau từng trận đấu. Tuy nhiên, suốt hơn 2 tháng vừa qua, U23 đá tới 14 trận giao hữu (chỉ thua đúng 1 trận chung kết BTV Cup), nhưng chưa để lại sự yên tâm về vấn đề thể lực với Ban huấn luyện. Thậm chí, thể lực của U23 Việt Nam có dấu hiệu đi xuống, rõ nhất là tất cả các hiệp 2 tại BTV Cup vừa qua, U23 đều thi đấu không tốt trong hiệp 2, hầu hết là do thể lực không đảm bảo.
Còn nhớ tại AFF Cup 2012, HLV Phan Thanh Hùng từng có chuyên gia nước ngoài làm trợ lý thể lực riêng cho đội. Chuyên gia này đã không tạo nên sự thay đổi lớn, thậm chí còn làm hại ĐTVN bằng những bài tập phá sức trên cát tại bãi biển Nha Trang. Thế nhưng, không thể phủ nhận vai trò những chuyên gia phụ trách vấn đề thể lực. Ở đội tuyển U23 Việt Nam hiện tại, có thể nhận thấy một mình HLV Hoàng Văn Phúc gần như kiêm hết các công việc, từ chỉ đạo chuyên môn, xây dựng kế hoạch đến cả công tác tư tưởng cho các học trò. Đáng tiếc là U23 cần có một chuyên gia thể lực, nhưng dường như thất bại tại AFF Cup 2012 đã khiến VFF cảm thấy mất niềm tin vào những chuyên gia này.
Dù đang gặp những khó khăn, nhưng bắt buộc những bài nhồi thể lực trong giai đoạn quyết định này phải được HLV Hoàng Văn Phúc tính toán hợp lý. Malaysia, Singapore và thậm chí là Lào đều là những đội có nền tảng thể lực cực tốt, nên U23 Việt Nam chắc chắn sẽ bị mất nhiều sức khi đối đầu với những đội này. Sự chuẩn bị thể lực luôn không thừa, hy vọng U23 Việt Nam sẽ tận dụng khoảng thời gian ít ỏi còn lại để tích lũy tốt nhất có thể.
Theo Dân Trí