Thứ Ba, 24/12/2024Mới nhất
Zalo

U23 Việt Nam chạy đà đến SEA Games 27: 4 tháng, dài hay ngắn?

Thứ Ba 10/09/2013 06:10(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Một số các trận đấu, giải đấu giao hữu đã được lên lịch, có cả kế hoạch tập huấn ở nước ngoài, thầy trò HLV Hoàng Văn Phúc vừa rời vạch xuất phát cho chiến dịch săn vàng SEA Games vào cuối năm nay.

Câu hỏi đặt ra là liệu 4 tháng ăn ở tập trung như trại lính sẽ có ý nghĩa như thế nào với những người trẻ?

1. Có đến 9 cầu thủ thuộc biên chế các đội bóng chơi ở giải hạng Nhất 2013 được triệu tập (đợt 2) trong bản danh sách được công bố mới nhất, và phần lớn đều vô danh; 6/25 cầu thủ thuộc biên chế SLNA, đội bóng vừa trải qua một mùa giải thành công ở mức tương đối; tương tự, 6/25 cái tên từng tham dự SEA Games 26 ở Jakarta (Indonesia) cách đây 2 năm…

HLV Hoàng Văn Phúc đang gánh trên vai trách nhiệm rất lớn
HLV Hoàng Văn Phúc đang gánh trên vai trách nhiệm rất lớn


Tức là về cơ bản, đội hình được làm mới khá triệt để, sau một cuộc cách mạng nhân sự mang tên Hoàng Văn Phúc, bắt đầu từ BTV Cup 2012, giải đấu mà U22 Việt Nam đã chơi tưng bừng và lọt vào đến trận chung kết.

Vì toàn người mới, nên quỹ thời gian tập trung dài là điều vô cùng cần thiết, để họ học cách hiểu nhau ở trên sân và nhuần nhuyễn hơn trong thực thi đấu pháp. Ơn trời, thời gian là thứ chúng ta dư dả, sau khi các giải bóng đá chuyên nghiệp đều kết thúc vào cuối tháng 8.

Khát vọng thi đấu, cống hiến, khẳng định mình và cả khát khao chiến thắng của người trẻ là điều không cần phải bàn cãi… Cũng như mọi HLV tiền nhiệm khác, ông Hoàng Văn Phúc đang có điều kiện cần, để làm nên một đội quân chiến thắng.

“Tôi nghĩ, Phúc (HLV Hoàng Văn Phúc-PV) may mắn hơn thời của tôi, khi dòng máu trẻ của bóng đá Việt Nam đang lên ngôi và rất khát khao. Các ĐTQG là một thước đo rất sát sườn cho năng lực chơi bóng và dù muốn hay không chúng ta cũng không thể phủ nhận giấc mơ về những bản hợp đồng có giá trị của cầu thủ”, cựu trưởng ĐTQG, Phan Thanh Hùng từng chia sẻ với Thể thao & Văn hóa như thế.

2. SEA Games 2011, khi bóng đá Việt Nam mời được một ông thầy được đánh giá là đẳng cấp nhất từng tìm đến dải đất hình chữ S: Falko Goetz cho mục tiêu vàng ở Indonesia như đã nhắc. U23 Việt Nam khi ấy hội tụ đủ tinh hoa, từ cabin BHL, đến đội ngũ cầu thủ trẻ tài năng. Chưa bao giờ kỳ vọng lại lớn đến thế, nhưng câu trả lời cuối cùng chỉ là sự thất vọng toàn tập.

Phương pháp huấn luyện của HLV người Đức bị cho là không hợp với cơ địa của người Việt Nam và đó là nguyên nhân sâu xa của vấn đề. Và ngoài ra, có quá nhiều những mâu thuẫn phát sinh, sau một chu kỳ ăn ở tập trung dài hơi còn hà khắc hơn cả trại lính. HLV trưởng không tin dùng trợ lý và ngược lại, bản thân các trợ lý cũng tỏ ra bất phục với ông Goetz.

Soi lại, từ khoảng 5 năm đổ lại, chỉ duy nhất một lần bóng đá Việt Nam gặt hái được thành công ở các giải đấu cấp khu vực. Đấy là AFF Cup 2008, khi HLV Henrique Calisto sở hữu một đội hình khá đồng đều và có đẳng cấp, cùng sự cổ vũ của thần may mắn. Sau đó, đã không thêm một lần nào nữa, các ĐTQG bước lên bục vinh quang, dù đã có lúc chúng ta tiến rất gần (SEA Games 2009).

Dù chiếc HCV SEA Games, như Thể thao & Văn hóa từng nhiều lần đề cập, không đủ uy tín để xác lập đẳng cấp của một nền bóng đá trẻ, nhưng vì còn thiếu, nên chúng ta vẫn cứ mơ. Đã có đủ những trải nghiệm rồi và tất cả đều hy vọng, thất bại sẽ không còn là… mẹ của thất bại nữa. Trách nhiệm của HLV Hoàng Văn Phúc, khỏi phải nói, ai cũng hiểu nó lớn cỡ nào!

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X