- U21 HAGL được thưởng nóng 100 triệu, HLV Quốc Tuấn từ chối lên tuyển
- U21 Việt Nam sẽ chơi sòng phẳng với U21 HAGL
- HLV HAGL: "Bị dẫn bàn, tôi vẫn tự tin giành chiến thắng"
(Bongda24h.vn) – U21 báo Thanh Niên Việt Nam và U21 HAGL sẽ chạm trán nhau ở trận “bán kết trong mơ”. Lối chơi của hai đội ở giải đấu lần này đều rất hấp dẫn nhưng điều mà nhiều người lo ngại chính là sự công tâm của khán giả khi cỗ vũ cho những đứa con của gia đình bóng đá Việt Nam này.
Đây là năm thứ hai liên tiếp “đội chủ nhà” U21 báo Thanh Niên Việt Nam phải đối đầu với đại diện của bóng đá trẻ HAGL trong trận bán kết. Người hâm mộ chờ đợi một trận chung kết trong mơ, nhưng họ lại phải đối đầu với nhau ngay từ vòng bán kết. Tuy nhiên điều mà số đông các cổ động viên bóng đá Việt Nam mong chờ không phải là một trận cầu hấp dẫn giữa hai đội mà là liệu các cầu thủ U21 HAGL sẽ giành chiến thắng với tỷ số như thế nào. Sức hút của HAGL khiến cho đội tuyển U21 Việt Nam trở nên bị cho ra rìa, mặc dù trên lý thuyết, với thành phần là các cầu thủ từ khắp các lò đào tạo trẻ trên cả nước thì U21 Việt Nam xứng đáng được quan tâm hơn.
U21 BTN đang có những màn trình diễn ấn tượng |
Tại giải đấu năm ngoái, sân Cần Thơ luôn chật kín người mỗi khi Công Phượng và các đồng đội ra sân với cái tên U19 HAGL. Trái lại, số khán giả đến sân theo dõi các trận đấu của U21 báo Thanh Niên chẳng ấn tượng hơn là bao so với các trận đấu giữa hai đội khách mời. Đều là những đội bóng mang trong mình dòng máu Việt Nam, nhưng một bên được cưng chiều hết mức còn đội bóng còn lại bị bỏ bê không chút do dự. Lý do của sự thiên vị này là rất rõ ràng, người hâm mộ bóng đá Việt Nam vẫn biết đến HAGL là đội bóng có lối chơi bóng đá đẹp còn U21 báo Thanh Niên chỉ là một tập hợp các cầu thủ trẻ từ những đội bóng đến từ V-League, giải đấu mà người hâm mộ đôi khi còn cố tình gọi chệch đi thành “Võ League”.
Đỉnh điểm của vấn đề được thể hiện ở trận bán kết giữa hai đội bóng. Khi đó U21 báo Thanh Niên đã chọn lối chơi phòng thủ chặt chẽ, thậm chí là câu giờ để bảo toàn tỷ số, còn U19 HAGL vẫn áp đặt thế trận bằng những đường chuyền ban tầm ngắn, nhưng không thể tạo ra nhiều cơ hội ngon ăn trước số đông những người đàn anh. Đó là điều rất đỗi đơn giản bởi trước một đội bóng chơi bóng đá ban bật nhanh như HAGL, cách tốt nhất là hạn chế khoảng trống cho họ có thể chơi bóng. Vì thế đối thủ nào cũng chấp nhận để đội hình phòng ngự cực thấp, đảm bảo cự ly giữa các tuyến, và tất nhiên là gây áp lực, không cho họ tiếp cận khu vực trung lộ, thậm chí là đá rắn. Đó là trận đấu mà đa phần thời gian Tuấn Anh, Xuân Trường và các đồng đội chỉ có thể thực hiện những đường chuyền ngang sân mà hiếm khi có thể xâm nhập được.
Những giây phút thót tim trong trận U21 HAGL 4-3 U21 Myanmar đã giúp thầy trò HLV Quốc Tuấn góp mặt ở bán kết. Thế nhưng nếu ai nói đội bóng phố Núi thắng lối...
Thế nhưng phản ứng của người hâm mộ có mặt trên sân Cần Thơ hôm đó rất thiếu công tâm. Họ la ó tất cả các tình huống phạm lỗi của U21 báo Thanh Niên, dù là những pha truy cản không chút nguy hiểm. Khi mà thủ thành Văn Công chọn phương án câu giờ để đưa trận đấu vào loạt sút luân lưu thì anh lại phải nhận những làn sóng chỉ trích huýt sáo từ khán đài. Đối với người hâm mộ thì U21 báo Thanh Niên Việt Nam chơi không đáng mặt đàn anh. Chưa hết, ngày hôm sau mọi tờ báo đều mô tả lối đá “xấu xí” và “tiêu cực” của U21 Việt Nam, dìm họ đến tận cùng để tôn vinh những tinh túy của U19 HAGL. Tất nhiên những bài báo đó nhận được sự hưởng ứng của đám đông, nhưng có một bộ phận người hâm mộ cảm thấy chạnh lòng, dù sao thì họ cũng là những đứa con trong gia đình.
Đối với nhiều người, giá trị của cái đẹp chỉ phụ thuộc vào tầm hiểu biết của họ. Một người không có chút am tường về hội họa sẽ đánh giá một bức tranh chân dung giống như thật của một tác giả là một nghệ thuật, nhưng những nét vẽ trông rất “nguệch ngoạc” nào đó lại là thứ bỏ đi, trong khi đó mới là một tác phẩm của họa sĩ thiên tài. Hơn nữa, nét đẹp đôi khi còn xuất phát từ hiệu ứng đám đông. Cũng là một ví dụ từ mỹ thuật, một trong những họa sĩ nổi tiếng nhất lịch sử là Van Gogh, cũng từng phải thuê người đổ xô đến chỗ ông giả vờ mua các tác phẩm mà ông bán, qua đó tạo một hiệu ứng kéo khách hàng đến chỗ ông xem tranh nhiều hơn.
Nhưng liệu U21 BTN có thể được yêu quý như U21 HAGL? |
Trong bóng đá, cái đẹp dễ thấy nhất là những đường chuyền ban ngắn, di chuyển không bóng. Còn cái đẹp trong lối đá bóng dài lại thích ẩn mình, kén người xem và đòi hỏi những ai muốn thưởng thức nó phải có một kiến thức về kỹ chiến thuật vững vàng. Cũng vì thế mà sự thiên vị giữa hai phong cách đá có thể xảy ra ở bất cứ nơi đâu. Dẫu vậy thì ở trận đấu trước mắt, hai đội có thể sẽ không giữ lối đá truyền thống của mình. U21 Việt Nam sở hữu những tiền vệ đầy kinh nghiệm và họ có khả năng cầm bóng và kiểm soát nhiều hơn, trong khi U21 HAGL đã bắt đầu thực hiện những tình huống phất bóng dài nhiều hơn như trong chiến thắng trước U21 Myanmar vừa qua. Không rõ đến khi đó khán giả sẽ thay đổi thị hiếu của mình hay không?
U21 Việt Nam vs U21 HAGL dù thế nào cũng là những đứa con cưng của đại gia đình bóng đá Việt Nam. Trong tác phẩm “Những đứa con trong gia đình” của tác giả Nguyễn Thi, hai nhân vật Chiến và Việt được coi như hình mẫu điển hình của những người lính cách mạng Việt Nam. Chiến mang dáng dấp của một người chị, kiên trì, chịu khó. Trong khi đó, Việt vẫn còn giữ trong mình chút đặc điểm của một cậu bé, nhưng đã trở thành một người lính chững chạc. Ở một góc độ nào đó, U21 Việt Nam và U21 HAGL đều là hiện thân của Chiến và Việt. Với những phong cách đá khác nhau, họ đều đang góp phần vào sự phát triển của bóng đá nước nhà.
Hàn Phi