Đó là suy nghĩ hoàn toàn dễ hiểu. Bởi đội bóng của thầy Giôm chơi lối chơi giống Arsenal, sử dụng những con người do Học viện Arsenal JMG toàn cầu tạo ra. Thậm chí, HLV trưởng của đội, ông Guillaume Graechen cũng là một người đến từ Arsenal.
U19 Việt Nam cần được dìu dắt để phát triển, thay vì phải trở thành bình phong cho cả làng cầu nội |
Arsenal là bậc thầy về bóng đá tấn công nước Anh nỏi riêng và cả châu u nói chung. Họ thua cũng được, vỡ trận cũng chẳng sao, nhưng hễ cứ vào trận là Arsene Wenger chỉ đạo học trò lao lên phía trước. Phương châm này khá giống với những gì mà Guillaume Graechen đã và đang chỉ đạo các học trò. Dù là đá với U19 Myanmar hay là U19 Nhật Bản, cách tiếp cận của chúng ta vẫn chỉ có một và duy nhất: tấn công. Coi U19 Việt Nam là “Arsenal rút gọn”, bởi vậy cũng chẳng có gì không đúng.
Nhưng nếu hỏi một ai đó rằng, Arsenal liệu có thể là hình mẫu chuẩn để U19 Việt Nam noi theo hay không thì thật khó có nhiều câu trả lời đồng tình. Đơn giản là vì The Gunners thủ dở quá. Mùa nào họ cũng sảy chân vì hàng thủ. Mùa trước, họ lần lượt bị các đại gia vùi dập tan tác: thua Man City 3-6, thất bại 1-5 trước Liverpool, và đặc biệt là “trận cầu tennis” với đội bóng cùng thành phố Chelsea. Ngay cả Man Utd bết bát dưới thời David Moyes cũng vẫn có thể rời sân với 3 điểm trọn vẹn trước đội bóng áo đỏ trắng. Arsenal đẹp, thậm chí rất đẹp, nhưng họ, theo lời Jose Mourinho, chỉ là một “kẻ thất bại”.
Arsenal đã nhiều lần trắng tay không tưởng, ví như trận thua không tưởng trước Birmingham ở chung kết League Cup năm 2011. Họ đã 8 năm trắng tay (cho đến trước khi có FA Cup năm ngoái), và một trong số những nguyên nhân là tâm lý không thực sự vững vàng trong những thời điểm quyết định. Xem đội chủ sân Emirates thi đấu chẳng khác gì chứng kiến hai nhân vật Lệnh Hồ Xung và Điền Bá Quang đọ tài trên đỉnh Hoa Sơn: chỉ điểm tới là dừng, và tuyệt không có ý định sát hại đối phương. Cả khoái đao và độc cô cửu kiếm (mới luyện) cũng chỉ có công, mà không hề có thủ.
Bóng đá hiện đại cần nhiều tính toán hơn thế, ít nhất là khi gặp phải những đối thủ ngang tầm, hoặc nhỉnh hơn về lực lượng. “Arsenal xịn” chẳng thể có nổi một trận thắng trong suốt 12 lần chạm trán với Chelsea dưới thời Mourinho - hiện thân của lối chơi thực dụng. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng một phần là vì họ vẫn giữ nguyên sự ngây thơ hệt như lứa tuổi 19 mỗi khi ra trận.
Arsenal bây giờ cũng chỉ tựa như Lệnh Hồ Xung lúc mới luyện thành độc cô cửu kiếm. Họ chưa đạt đến độ xuất quỷ nhập thần để buộc mọi đối thủ phải căng đầu chống đỡ những đợt hãm thành liên tiếp. U19 Việt Nam cũng vậy. Dù có những nhân tố đặc biệt như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, nhưng chúng ta vẫn chưa thể vượt qua nổi cái “ao làng” Đông Nam Á. Trận thua U19 Myanmar ở giải U22 Đông Nam Á cách đây vài tháng, hay trước đó là một năm là thất bại trước U19 Indonesia ở vòng chung kết U19 Đông Nam Á là lời cảnh tỉnh đanh thép cho thầy trò HLV Guillaume Graechen.
Như HLV kỳ cựu Lê Thụy Hải từng ngụ ý, nếu không giành chiến thắng và đoạt được những danh hiệu, U19 Việt Nam chưa thể coi là thành công. Muốn vậy, tư tưởng chỉ biết lao lên phía trước giống Arsenal cần phải được loại bỏ. Chúng ta cần phải từ tốn hơn, chậm rãi hơn, đặc biệt là trong những thời điểm quyết định. Hoặc có một cách khác, đó là nâng cấp “phiên bản” tấn công lên một tầm cao mới. Giả dụ như Barca!
Theo VTC