Thứ Ba, 07/05/2024Mới nhất
Zalo

U19 Việt Nam và sự thua kém đẳng cấp với các đối thủ

Thứ Ba 07/10/2014 15:00(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
 Trong số 4 đội bóng thuộc bảng C tại VCK U19 châu Á 2014, U19 Việt Nam có lẽ là đội bóng có ít cầu thủ thi đấu chuyên nghiệp nhất. Thậm chí, lực lượng nòng cốt của đội thuộc học viện HAGL-Arsenal.JMG chưa hề đá bóng đỉnh cao.

Cầu thủ nghiệp dư đối đầu với cầu thủ chuyên nghiệp

Nếu như các đội Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đều có nhiều cầu thủ đang đá bóng chuyên nghiệp trong đội hình, thì U19 Việt Nam với lực lượng nòng cốt đến từ học viện của bầu Đức chưa hề được đá bóng đỉnh cao.

U19 Việt Nam sẵn sàng cho VCK U19 châu Á 2014
U19 Việt Nam sẵn sàng cho VCK U19 châu Á 2014

U19 Nhật Bản có đến hàng chục cầu thủ đang đá bóng ở J-League 1 và J-League 2. Đấy là lý do mà hồi giải U19 Đông Nam Á tháng trước ở Hà Nội, U19 Nhật Bản không thể mang sang Việt Nam lực lượng mạnh nhất, do những cầu thủ nòng cốt của họ đang đá bóng ở giải nhà nghề Nhật Bản.

U19 Hàn Quốc cũng vậy, họ có những cầu thủ đang đá ở giải nhà nghề Hàn Quốc, thậm chí từng xuất hiện tại AFC Champions League. Một số cầu thủ khác của Hàn Quốc đang đá bóng ở nước ngoài, có cầu thủ còn được khoác áo đội B của Barcelona, với biệt danh “Messi Hàn Quốc”.

Trong khi đó, cầu thủ của U19 Trung Quốc được tập hợp từ các CLB chuyên nghiệp trong và ngoài nước, bao gồm cả những người đang đầu quân cho các CLB nổi tiếng như Boavista (Bồ Đào Nha), hay Botafogo (Brazil).

Trái ngược với 3 đội bóng trên, U19 Việt Nam hầu như chưa được đá bóng chuyên nghiệp. Đội bóng của HLV Graechen Guillaume chủ yếu tham gia các giải trẻ và những chuyến tập huấn suốt hơn 1 năm qua. Trong đội cũng có lác đác cầu thủ đang khoác áo các đội bóng thuộc V-League, như Quang Hải (Hà Nội T&T), Xuân Hưng (Thanh Hóa)…, dù vậy họ hiếm khi được ra sân, nên kinh nghiệm thực chiến không nhiều.

Khác biệt giữa cầu thủ nghiệp dư và cầu thủ chuyên nghiệp nằm ở chỗ môi trường thi đấu khác nhau, tính cạnh tranh và khả năng va chạm thực tế cho từng cầu thủ cũng khác nhau. Ở môi trường chuyên nghiệp, các cầu thủ dĩ nhiên được học nhiều thứ hơn, nơi các đối thủ mà họ đụng độ có chất lượng tốt hơn, khôn hơn và ma mãnh hơn.

Một lò đào tạo chống lại nhiều nền bóng đá

Khác biệt lớn nữa giữa U19 Việt Nam so với U19 Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc nằm ở chỗ U19 Việt Nam thực chất chỉ là học viện của bầu Đức có tăng cường, trong khi 3 đối thủ của thầy và trò HLV Graechen Guillaume là sự tinh hoa của cả nền bóng đá của từng nước, trong lứa tuổi.

U19 Việt Nam là hiện thân cho cái gọi là một ông bầu đang gánh vác công việc của một nền bóng đá, rằng quá nhiều năm rồi nhiều người làm bóng đá không thể làm tốt công tác đào tạo trẻ, nên bầu Đức phải làm thay họ, và quân xuất thân từ học viện của ông Đức dù chưa phải chỗ nào cũng hoàn hảo vẫn phải gánh trên vai trọng trách của cả nền bóng đá trong lứa tuổi 19.

Nếu tính về đường đi, tính theo lộ trình thì thật ra con đường mà bầu Đức đang đi chỉ là đi theo những gì mà những người mở học viện bóng đá ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc từng đi. U19 Việt Nam tính đến thời điểm này cũng đi sau khá nhiều các đội tuyển khác cùng lứa tuổi, cụ thể là so với các đội bóng cùng chung bảng C với chúng ta, gồm Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc trong việc hướng đến cái đích cuối cùng là đá bóng chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, đi sau ở một mặt không có nghĩa là chúng ta đi sau ở tất cả các mặt, nếu như chúng ta đạt tốc độ tốt và biết cách vượt lên trên. Có thể U19 Việt Nam nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung đang thực hiện quy trình ngược là phát triển đội tuyển cấp quốc gia, thay vì phải phát triển bóng đá trẻ từ cái gốc của mọi nền bóng đá là cấp CLB.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là sau tiếng vang của U19 Việt Nam, những người điều hành bóng đá nội biết cách tận dụng sức lan tỏa của đội tuyển U19 để làm thay đổi nhận thức nơi bộ máy điều hành, rồi những người đang trực tiếp đầu tư vào bóng đá thấy được tiếng vang ấy để thay đổi đường đi của chính mình: Đi lên từ bóng đá trẻ, thay vì đi tắt, đón đầu rồi đi đường… tà. Vì thế, càng hy vọng U19 Việt Nam thành công ở VCK châu Á 2014, để tiếng vang của đội này càng lớn, sức lan tỏa từ cách đầu tư học viện bóng đá của bầu Đức càng rộng.

Theo Dân
 Trí

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X